Võ Thái Hà tóm lược
1,7 triệu khẩu trang 3M giả bị tịch thu ở New York, nghi phạm Trung Quốc bị bắt giữ
Hôm thứ Năm (11/2), công tố viên của quận Queens thông báo 1,7 triệu khẩu trang 3M N95 giả đã bị thu giữ tại một nhà kho ở Long Island, New York, Epoch Times đưa tin.
Theo đó, nghi phạm Tăng Trí (Zhi Zeng), 33 tuổi sống ở Dyker Heights, Brooklyn, New York đã bị bắt giữ. Tại hiện trường có hàng nghìn loại vật tư chống dịch, đồ bảo hộ lao động khác vẫn chưa được kiểm chứng.
Công tố viên Melinda Katz cho biết, gần đây bà nhận được báo cáo, nhà kho ở số 5-06 Đại lộ 51, Long Island bị nghi bán khẩu trang giả với giá từ 2,95 – 3,25 USD/chiếc. Theo dữ liệu của 3M, giá bán lẻ đề xuất của khẩu trang N95 là 1,27USD. Sau khi qua giám định đã xác nhận những chiếc khẩu trang ở khu vực này là giả.
Theo cáo buộc, Tăng Trí là giám đốc quản lý kho hàng, cũng có mặt tại hiện trường khi các nhân viên thực thi pháp luật đột kích vào nhà kho nằm trên đại lộ 51, Long Island, New York. Trong một tòa nhà đầy bụi bặm với 2 tầng, mỗi tầng rộng khoảng 2.000 feet vuông (khoảng 186 mét vuông), họ đã tìm thấy những thùng khẩu trang 3M nhãn hiệu N95-1860 chất thành đống.
Tổng cộng có hơn 1,7 triệu chiếc khẩu trang đã bị thu giữ. Ngoài ra, còn có hàng ngàn đồ bảo hộ cá nhân, nước rửa tay mang nhãn hàng hiệu, khăn lau khử trùng… Các nhà điều tra của Cơ quan Thanh tra Quận Queens đã liên hệ với nhiều công ty khác nhau để xác định tính xác thực của những loại hàng hóa này.
Trước mắt, các nhà điều tra đã xác định được, 200.000 chiếc khẩu trang từ nhà kho này đã được một hệ thống y tế ở miền Nam nước Mỹ mua với giá hơn 700.000 USD. Thanh tra quận Queens cho biết, họ đang liên hệ với các đối tác thực thi pháp luật khác để kiểm tra xem liệu các cơ sở y tế khác có bị lừa đảo mua những chiếc khẩu trang không an toàn này hay không.
Telegram vượt lên thành ứng dụng được download số 1 thế giới
Telegram, ứng dụng nhắn tin với độ bảo mật cao đã tăng vượt lên vị trí ứng dụng di động được tải xuống hàng đầu thế giới, theo Zero Hedge.
Ngày 12/1, chỉ vài ngày sau khi các công ty công nghệ lớn tung “bão kiểm duyệt” với cựu TT Trump và các tiếng nói bảo thủ khác, Telegram cho biết họ “đã vượt qua [số lượng] 500 triệu người dùng đang hoạt động. 25 triệu người dùng mới đã tham gia trong 72 giờ qua: 38% đến từ châu Á, 27% từ châu Âu, 21% từ châu Mỹ Latinh và 8 % từ MENA (Trung Đông-Bắc Phi)”
Gần một tháng sau, công ty phân tích di động Sensor Tower báo cáo Telegram là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong tháng 1/2021 và Signal đứng thứ ba.
Vào tháng 12, Telegram đứng ở vị trí thứ 9 và WhatsApp ở vị trí thứ 3 trong danh sách của Sensor Tower. Sau đó vào tháng 1/2021, WhatsApp, ứng dụng nhắn tin đa nền tảng thuộc sở hữu của Facebook, đã trượt xuống vị trí thứ 5.
Sensor Tower ước tính lượt tải xuống Telegram tăng 3,8 lần so với tháng 1/2020, đạt mức 63 triệu lượt tải xuống.
Vậy điều gì khiến Telegram trở nên đặc biệt? Công ty này đã cho biết trong một tweet: “Một số người dùng thích bộ nhớ đám mây không giới hạn [của Telegram], một số người thích các ứng dụng đa nền tảng được đồng bộ hóa, một số [lại] thích sự cống hiến của Telegram đối với quyền riêng tư và bảo mật.”
Mỹ trừng phạt 10 tướng lĩnh Myanmar liên quan đảo chính
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Năm (11/2) phát đi thông báo về một lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức hàng đầu Myanmar, những người đã ra lệnh và tham gia cuộc đảo chính ở quốc gia Đông Nam Á hôm 1/2.
Theo tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ, lệnh hành pháp của chính quyền Joe Biden cũng cho phép Bộ Tài chính nhắm mục tiêu vào vợ hoặc chồng và con cái trưởng thành của những người bị xử phạt.
“Bộ Tài chính sẽ nhắm vào 10 quan chức quân sự đương nhiệm và cựu quan chức chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 năm 2012 hoặc liên quan đến chế độ quân sự Miến Điện”, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ trong thông báo.
Trung Quốc cấm đài BBC sau khi tội ác bị phanh phui
Cơ Quan Truyền Hình và Quốc Gia Trung Quốc hôm thứ Năm (10/2) đã cấm phát sóng BBC World News (Tin tức thế giới của BBC) ở nước này, theo Reuters.
Trong một tuyên bố, giới chức Trung Quốc thông báo, một cuộc điều tra cho thấy các bản tin về Trung Quốc của BBC World News đã “vi phạm nguyên tắc của báo chí bảo đảm sự thật và khách quan”, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc và phá hoại sự đoàn kết dân tộc.
Do đó, Cơ Quan Truyền Hình và Quốc Gia Trung Quốc tuyên bố, kênh truyền thông này của Anh không đáp ứng được các yêu cầu để phát sóng và việc đăng ký phát sóng trong một năm nữa sẽ không được chấp nhận.
Trong một báo cáo thông qua Thời báo Hoàn cầu do nhà nước kiểm soát, BBC bị cáo buộc đã đưa ra một báo cáo thiên vị về việc cưỡng hiếp và tra tấn có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
BBC đã công bố một báo cáo đáng kinh ngạc vào ngày 2/2 về nạn cưỡng hiếp hàng loạt, lạm dụng tình dục và tra tấn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại các trại giam giữ ở Trung Quốc. Hoa Kỳ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc về tội diệt chủng vào tháng trước vì các hoạt động thanh lọc sắc tộc của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm các trại lao động và cưỡng bức phá thai và triệt sản.
Việc đài BBC bị trục xuất khỏi Trung Quốc cũng được coi là một động thái trả đũa sau khi cơ quan quản lý truyền thông Anh thu hồi giấy phép của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần trước.
Vào ngày 4/2, cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Anh đã thu hồi giấy phép phát sóng của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) tại Vương quốc Anh sau một cuộc điều tra phát hiện sai phạm trong sở hữu giấy phép và Bắc Kinh nắm quyền biên tập nội dung của kênh này.
BBC World News bản tiếng Anh không có trong hầu hết các gói kênh truyền hình ở Trung Quốc nhưng có ở một số khách sạn và khu dân cư.
Mực nước sông Mekong thấp 'đáng lo ngại', TQ cần cấp thêm dữ liệu về đập
Ủy hội sông Mekong (MRC) hôm thứ Sáu 12/2 cho hay mực nước của sông Mekong đã hạ thấp xuống mức “đáng lo ngại”, một phần do lượng xả bị hạn chế từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. MRC kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả dữ liệu của họ về lưu lượng nước.
Dòng sông cũng là tuyến đường thủy quan trọng đã chuyển sang màu xanh lam dọc theo biên giới Thái-Lào, thay vì có màu nâu đục thường thấy. Điều này báo hiệu về mực nước nông và lượng phù sa giàu dinh dưỡng bị giảm xuống thấp - một phần do hạn chế về lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, ủy hội liên chính phủ MRC nói.
Tuyên bố hôm 12/2 của ủy hội cho biết lượng mưa thấp và các đập trên hạ vùng sông Mekong cũng như trên các phụ lưu cũng góp phần làm giảm mực nước.
Winai Wongpimool, Giám đốc Bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật của Ban Thư ký MRC, nói: “Mực nước trong đoạn từ hạ lưu đập Cảnh Hồng xuống tới Vientiane đã có những đợt dâng lên và hạ xuống đột ngột”.
Những biến động như vậy ảnh hưởng đến hoạt động di cư của cá, nông nghiệp và giao thông vận tải mà gần 70 triệu người dựa vào đó để kiếm sống và duy trì an ninh lương thực.
Winai nói tiếp: “Để giúp các nước Hạ vùng sông Mekong quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước Hạ vùng sông Mekong chia sẻ kế hoạch xả nước của họ với chúng tôi”.
MRC cho biết các điều kiện bình thường có thể được khôi phục lại nếu có lượng nước lớn được xả từ các hồ chứa của các đập bên Trung Quốc.
Myanmar: 3 người bị thương, hàng trăm nghìn người vẫn biểu tình chống chính quyền
Những người ủng hộ nhà lãnh đạo Myanmar bị lật đổ Aung San Suu Kyi đụng độ với cảnh sát hôm thứ Sáu 12/2. Số người tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trên toàn quốc lên đến hàng trăm nghìn người, bất chấp việc chính quyền nhà binh đề nghị dừng các cuộc tụ tập đông người.
Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết đến nay có hơn 350 người, bao gồm cả các công chức, nhà hoạt động và nhà sư, đã bị bắt ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, trong đó có một số người phải đối mặt với các cáo buộc hình sự "mập mờ".
Điều tra viên về nhân quyền của LHQ đặc trách Myanmar phát biểu trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva rằng ngày càng có nhiều “báo cáo và chứng cứ bằng ảnh” cho thấy lực lượng an ninh đã sử dụng đạn thật để xử lý người biểu tình, như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.
Myint Thu, đại sứ của Myanmar trước LHQ ở Geneva, nói với phiên họp rằng Myanmar không muốn “làm đình trệ quá trình chuyển đổi dân chủ còn mới mẻ ở trong nước” và sẽ tiếp tục hợp tác với quốc tế.
Các cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa hôm thứ Sáu 12/2 là đợt biểu tình lớn nhất cho đến nay và diễn ra một ngày sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tướng lĩnh đứng đầu cuộc tiếm quyền.
Miến Điện: Hơn 20 ngàn tù nhân được ân xá, biểu tình phản đối đảo chính vẫn tiếp tục
Hàng ngàn người Miến Điện tiếp tục biểu tình trong ngày lễ Thống Nhất 12/02/2021 chống quân đội đảo chính. Tập đoàn quân sự ân xá cho 23.000 tù nhân và kêu gọi toàn dân « chung tay » với quân đội vì dân chủ.
Hãng tin Mỹ AP cho biết hàng ngàn người tập hợp trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Rangoon vào trưa nay phản đối Bắc Kinh làm ngơ trước cuộc đảo chính. Trong bảy ngày liên tiếp phong trào phản kháng chống lại tập đoàn quân sự Miến Điện cướp chính quyền diễn ra tại hai thành phố lớn là Rangoon và Mandalay. Đám đông tiếp tục hô to những khẩu hiệu « đòi tự do cho lãnh đạo » Aung San Suu Kyi, chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đang bị quản thúc từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều những sáng kiến của người dân Miến Điện để kêu gọi cộng đồng quốc tế. Trong ngày biểu tình thứ bảy liên tiếp hôm nay, chính quyền thông báo ân xá cho hơn 23.000 tù nhân, trong đó có nhà sư nổi tiếng bảo thủ. Công chúng cũng đặc biệt lo ngại trước một dự luật mới về an ninh mạng. Họ coi đây là phương tiện để chính quyền theo dõi và kiểm soát các hoạt động của dân cư mạng. Hôm nay là một ngày lễ quốc gia, nên mọi người chờ đợi sẽ có rất đông người tràn ngập đường phố ».
Ông Biden chia sẻ nội dung điện đàm với ông Tập, tự để lộ sự ‘tiền hậu bất nhất’
Hôm thứ Năm (11/2 theo giờ Mỹ), Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã cảnh báo về Trung Quốc: “Nếu chúng ta không bắt đầu hành động, họ sẽ ăn bữa trưa của chúng ta. Họ có những sáng kiến mới lớn về đường sắt có tốc độ đi 225 dặm / giờ một cách dễ dàng”, The New York Post đưa tin.
Ông Biden nói thêm, “Họ đang làm việc rất chăm chỉ để cố gắng tiến tới một vị trí mà cuối cùng họ trở thành nguồn cung cấp năng lượng ô tô. Họ sẽ đầu tư rất nhiều tiền. Họ đang đầu tư hàng tỷ đô-la để giải quyết một loạt các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải, môi trường và nhiều thứ khác. Chúng ta phải bước lên”, ông nói, “Đêm qua, tôi đã nói chuyện điện thoại trong hai giờ liên tục với Tập Cận Bình”.
Vậy mà nỗi sợ Trung Quốc cạnh tranh và “ăn bữa trưa của chúng ta” không phải là vấn đề đối với Biden trước khi ông làm tổng thống. Vào tháng 5/2019, phát biểu tại thành phố Iowa, tiểu bang Iowa, ông Biden đã nói rằng: “Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của chúng ta ư? Thôi nào anh bạn. Họ thậm chí không thể tìm ra cách đối phó với thực tế là họ có sự phân chia lớn giữa Biển Trung Hoa và các ngọn núi ở phía đông, ý tôi là phía tây. Họ không thể tìm ra cách họ sẽ đối phó với tình trạng tham nhũng tồn tại trong hệ thống. Ý tôi là, bạn biết đấy, họ không phải là những người xấu, các bạn. Nhưng hãy đoán xem? Họ không phải là đối thủ của chúng ta”.
Sự mâu thuẫn của ông Biden đã ngay lập tức được đem ra bàn tán:
Nhận xét về Trung Quốc trong năm 2019 của Biden đã thu hút sự chú ý ngay lập tức; Ứng cử viên của Đảng Dân chủ lúc bấy giờ cho ghế Thượng viện tiểu bang Alabama, Bradley Byrne đã tuyên bố: “Biden đối với Trung Quốc: ‘Họ không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng ta’. Tôi chỉ đang ở một nhà máy sản xuất đang bị đe dọa bởi các hoạt động thương mại sai trái của Trung Quốc. Chưa kể đến những mối đe dọa an ninh quốc gia mà họ gây ra. Joe rõ ràng là sai. Trung Quốc hoàn toàn là một mối đe dọa”.
Lúc đó, chiến dịch của ông Biden đã phản hồi rằng ông “nhấn mạnh bất kỳ thách thức nào mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia, bao gồm cả những thách thức do một Trung Quốc đang trỗi dậy đặt ra, chúng đều nhạt nhòa so với những thách thức về cấu trúc và xã hội mà chính Trung Quốc phải đối mặt”.
Sau khi tỏ ra lo lắng về việc Trung Quốc có thể vượt Hoa Kỳ về phát triển cơ sở hạ tầng, ông Biden đã nói chuyện với bốn thượng nghị sĩ hôm thứ Năm về kế hoạch của ông cho cơ sở hạ tầng, theo The Wall Street Journal.
“Hơn 54.000 cây cầu trên khắp Hoa Kỳ được đánh giá là có ‘cấu trúc kém’ theo Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia (NAM). Đường bộ, bến cảng và đường thủy cũng trong tình trạng ọp ep. Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ (ASCE) đã phát hành một báo cáo về cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ trong năm 2017 và cho quốc gia này xếp hạng D+. Theo Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, 65% các con đường chính của Hoa Kỳ được đánh giá là ‘kém hơn tình trạng tốt’, MarketWatch lưu ý.
Kế hoạch cứu trợ 1,9 nghìn tỷ của TT Biden có nguy cơ lạm phát?
Một số nhà kinh tế cho rằng, kế hoạch cứu trợ kinh tế trị giá 1,9 tỷ đô la do đảng Dân chủ thúc đẩy sẽ tạo ra lạm phát trong tương lai, theo The Wall Street Journal.
Chuyên gia kinh tế Larry Summers, từng là Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ dưới thời Clinton và là cố vấn kinh tế cấp cao của cựu Tổng thống Obama, trong một bài báo đăng trên The Wall Street Journal đã nêu lên những lo ngại về gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden. Ông nói rằng, kế hoạch kích thích kinh tế này sẽ mang lại một số rủi ro lớn.
“Kế hoạch của ông Biden là một bước tiến quan trọng, nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng, việc thực hiện kế hoạch đó sẽ không đe dọa lạm phát và ổn định tài chính trong tương lai, cũng như không đe dọa đến khả năng của chúng ta trong việc tái thiết Hoa Kỳ trở nên tốt hơn thông qua đầu tư công”.
Tổng thống Biden đã đề xuất kế hoạch giải cứu nền kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra. Ông và nhóm kinh tế của mình cho rằng, việc tăng chi tiêu trong giai đoạn đầu sẽ làm giảm thiệt hại kinh tế dài hạn do cuộc khủng hoảng mà đất nước đang phải đối mặt. Theo đó, Đảng Dân chủ đề xuất chi trực tiếp 1.400 USD cho các cá nhân như một phần của kế hoạch giải cứu nước Mỹ.
Bài báo của ông Summers đã gây ra phản ứng gay gắt giữa các thành viên của Đảng Dân chủ và các nhà kinh tế cánh tả, những người ủng hộ việc chính phủ thông qua chi tiêu lớn để đối phó với suy thoái nền kinh tế.
Olivier Blanchard, nhà kinh tế học và là cựu lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đồng ý với quan điểm của ông Summers: “Kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD có thể sẽ khiến nền kinh tế nóng lên”. Ông cho rằng, một nền kinh tế nóng sẽ dẫn đến việc tăng giá.
Jerome Powell – chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Federal Reserve System – Fed) cho biết trong một bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế của New York (Economic Club of New York) vào hôm 10/2 rằng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, có thể có một đợt bùng nổ chi tiêu tạm thời. Tuy nhiên, ông giảm bớt lo ngại về lạm phát khi nói rằng, Fed đã giám sát chặt chẽ “một loạt các chỉ số lạm phát”.
“Vật giá có thể có một số áp lực gia tăng”, ông Powell nói. Tuy nhiên, ông cũng dự đoán rằng, áp lực lạm phát “sẽ không lớn và không được kéo dài”.
Ông tiếp tục: “Nếu lạm phát ở mức đáng lo ngại và không ngừng, thì chúng tôi sẽ có các công cụ tương ứng để giải quyết vấn đề này. Tất nhiên, chúng tôi cũng biết cách sử dụng các công cụ này”.
Nhận xét của ông Powell lặp lại sự tự tin của Bộ trưởng Tài chính – Janet Yellen vào cuối tuần trước:
“Tôi đã dành nhiều năm để nghiên cứu về lạm phát, đồng thời cũng lo lắng về lạm phát. Tôi có thể nói với bạn rằng, nếu rủi ro này [lạm phát] xuất hiện, chúng tôi có các công cụ để đối phó với nó”, bà Yellen nói với đài CNN ngày 7/2.
Bà nhấn mạnh: “Nhưng chúng ta đang đối mặt với những thách thức kinh tế to lớn, đất nước đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này. Đây là rủi ro lớn nhất”.
Trung-Ấn đạt được thoả thuận rút quân
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố đã phá vỡ thế bế tắc đối với vấn đề biên giới căng thẳng trong nhiều tháng qua và đạt được thoả thuận về việc rút quân, Sound of Hope đưa tin.
Hôm thứ Tư (10/2), các quan chức Trung Quốc và Ấn Độ đã xác nhận rằng hai quốc gia sẽ bắt đầu rút quân khỏi khu vực Ladakh, bờ bắc và bờ nam của hồ Pangong.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu tại Quốc hội hôm thứ Năm (11/2) rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thực hiện các đợt triển khai ban đầu theo cách thức ” từng giai đoạn, phối hợp và xác minh”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng việc rút quân đồng thời của cả hai bên đã bắt đầu được thực hiện một cách có trật tự.
Ngoài việc rút quân ở tiền tuyến, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đồng ý dỡ bỏ các cơ sở phòng thủ ở bờ bắc và nam của Hồ Pangong.
Không có nhận xét nào