Võ Thái Hà tóm lược
Giám mục Hoa Kỳ: Sắc lệnh của Biden phản lý trí, vi phạm phẩm giá con người
Hai tổng giám mục của thành phố Kansas và thành phố Rockford đã lên tiếng chỉ trích lệnh hành pháp ủng hộ phá thai của Biden là “vi phạm phẩm giá con người, và không phù hợp với giáo huấn Công giáo”, theo Western Journal.
Mặc dù tự nhận mình là một người Công giáo sùng đạo vì tham dự Thánh lễ thường xuyên và tuân theo nhiều nghi lễ của Giáo hội Công giáo La Mã nhưng trong tuần đầu tiên nhậm chức, TT Biden đã ký lệnh hành pháp hủy bỏ Chính sách Thành phố Mexico – chính sách cấm việc sử dụng tiền thuế để tài trợ cho các tổ chức cung cấp hoặc tạo điều kiện cho hoạt động phá thai.
Đức Tổng Giám mục Joseph F. Naumann của Thành phố Kansas và Giám mục David J. Malloy của thành phố Rockford, bang Illinois kiêm chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế, đã lên tiếng công khai chỉ trích tổng thống Biden trong một tuyên bố.
Tuyên bố của các giám mục viết “Thật đau buồn khi một trong những hành động chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden đã tích cực thúc đẩy việc hủy hoại sinh mạng con người ở các quốc gia đang phát triển,”
“Lệnh hành pháp này đi ngược lại lý trí, vi phạm phẩm giá con người, và không phù hợp với giáo huấn Công giáo. Chúng tôi và các giám mục anh em của chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động này,” tuyên bố tiếp tục.
“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống sử dụng văn phòng của mình cho tốt, ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những đứa trẻ chưa sinh.”
Theo tuyên bố, nhà thờ là “nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi chính phủ lớn nhất trên thế giới” và do đó các nhà thờ sẽ trở thành một đồng minh đắc lực nếu Biden thực sự quan tâm đến sức khỏe phụ nữ chứ không phải tạo điều kiện cho dịch vụ phá thai.
TNS Graham: Biden nên tiếp tục các chính sách hợp lý của ông Trump
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã kêu gọi chính quyền Biden nên đánh giá các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump “và giữ nguyên nếu chúng hơp lý”, theo News Max và CBS News.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CBS News được phát sóng vào ngày 7/2, ông Graham nói: “Tôi nghĩ Iran ngày nay yếu hơn so với khi chế độ này bắt đầu cách đây 40 năm. Nếu tôi là Tổng thống [Joe] Biden, tôi sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt cho đến khi Iran thay đổi hành vi của mình. Tôi không muốn ký một thỏa thuận cũ với Iran bởi vì họ đã không tốt”.
Ông Graham tiếp tục:
“Tôi sẽ cảnh báo Tổng thống Biden vì ông Trump đã làm điều đó, không có nghĩa là nó sai. Tôi sẽ bước chậm lại nếu tôi là Tổng thống Biden và đánh giá lại một số chính sách của ông Trump và giữ nguyên nếu chúng hợp lý”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, TNS Graham bình luận, nỗ lực luận tội cựu TT Trump là một “hành động vi hiến”, cho rằng “các chính sách của Trump phục vụ tốt cho đất nước”, tuy nhiên nêu quan điểm rằng ông Trump sẽ phải xây dựng lại hình ảnh của bản thân như một chính trị gia.
Quỹ Tầm nhìn của Softbank bắt đầu phục hồi
Mỗi doanh nhân đều có những câu chuyện về thời điểm khó khăn. Thời kỳ đầu, những người sáng lập goPuff, một công ty giao đồ ăn khởi nghiệp của Mỹ thuộc đế chế SoftBank, từng giả giọng nói trên điện thoại với khách hàng để tạo ấn tượng về một công ty lớn hơn. Người sáng lập SoftBank, Son Masayoshi, có thể vẫn nhớ câu chuyện đó khi ông bước ra khỏi một giai đoạn tồi tệ. Năm ngoái, các khoản “đánh cược” của Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ đô la của ông, một quỹ đầu tư công nghệ, đã đẩy SoftBank vào tình trạng thua lỗ tồi tệ nhất từ trước đến nay. Danh tiếng đầu tư của ông Son tan biến.
Nhưng kết quả quý 3 cho giai đoạn tháng 10 đến tháng 12, được công bố hôm nay, sẽ cho thấy quãng thời gian khó khăn đã qua đi. SoftBank đang kỳ vọng lợi nhuận cao nhờ ngành công nghệ toàn cầu nóng lên nhanh chóng giúp thúc đẩy lợi nhuận của Quỹ Tầm nhìn. Một thành công gần đây là DoorDash, một công ty giao đồ ăn khi niêm yết trên sàn chứng khoán đã giúp quỹ kiếm được số tiền gấp 15 lần khoản đầu tư của mình. Nếu phục hồi vẫn tiếp tục, ông Son chắc chắn sẽ thích kể những câu chuyện về thời điểm mọi thứ gần như sụp đổ vào năm 2020.
Thương mại Israel-UAE phát triển nhờ thỏa thuận hòa bình
Hôm nay tại Abu Dhabi, thủ đô của UAE, Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư UAE-Israel lần đầu sẽ bế mạc. Hội nghị là kết quả của thỏa thuận hòa bình “Hiệp ước Abraham” giữa những cựu thù, do Mỹ làm trung gian vào năm ngoái. Thương mại nhỏ giọt qua các nước thứ ba trước đây giờ hứa hẹn sẽ được khai thông. Sẽ bùng nổ các chuyến hàng kim cương, kim loại quý và các mặt hàng dầu lửa, nhựa, nhôm, xi măng và gốm sứ từ UAE đến Israel.
Israel thường nhập khẩu hầu hết các mặt hàng hạng nặng từ các nước xa xôi, do đó các nhà cung cấp của UAE sẽ có lợi thế hơn. Israel sẽ xuất khẩu sang UAE rất nhiều phần mềm và bộ công cụ phức tạp phục vụ an ninh, chăm sóc sức khỏe và sản xuất năng lượng. Và nông dân Israel cũng được lợi. Sản phẩm của Israel tại UAE giúp cắt giảm nhập khẩu từ châu Âu. Người mua sắm tại các Tiểu Vương quốc cũng có vẻ hài lòng với những nhà cung cấp mới của họ. Và UAE đang khuyến khích nông dân địa phương tăng năng suất bằng cách thuê các chuyên gia tư vấn Israel.
Vấn đề công đoàn tại Amazon Mỹ
Hôm nay, công nhân tại một nhà kho Amazon ở Alabama bắt đầu bỏ phiếu về việc nên có công đoàn hay không. Nếu thành công, đây sẽ là chiến thắng công đoàn đầu tiên tại gã khổng lồ thương mại điện tử — và là chiến thắng hiếm hoi ở miền Nam nước Mỹ vốn không ưa các công đoàn. Nhà tuyển dụng lớn thứ hai của Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản nỗ lực này, từ câu giờ cho đến yêu cầu bỏ phiếu trực tiếp. (Các giám sát chính phủ cho biết cuộc bỏ phiếu phải qua đường bưu điện, với kết quả có sau vài tuần.)
Trên toàn quốc, chỉ 6,3% nhân công của khu vực tư nhân là thuộc các công đoàn. Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy đấu tranh lao động. Đại dịch đã phơi bày khoảng tối và làm tăng rủi ro của các công việc nhà máy lương thấp – từ các nhà máy chăn nuôi gia cầm cho đến các trung tâm đóng gói hàng [của Amazon] – vốn được coi là “thiết yếu”. Hơn 19.000 công nhân Amazon đã mắc covid-19; và 40 người gần đây dương tính tại cơ sở Alabama. Kêu gọi bình đẳng chủng tộc cũng là một phần của lời kêu gọi công đoàn, vì hầu hết nhân viên ở đó là người da đen. Các nhân viên của Amazon ở mọi nơi sẽ theo dõi sát cuộc bỏ phiếu.
Bế tắc xoay quanh bầu cử tổng thống ở Somalia
Somalia đã không tổ chức cuộc bầu cử trực tiếp nào kể từ đảo chính năm 1969. Nước này cũng không có được một chính phủ đúng nghĩa sau cuộc nội chiến năm 1991. Họ đã tổ chức các cuộc bầu cử “gián tiếp” bất thường vào năm 2017, trong đó các nghị sĩ được chọn bởi một nhóm khoảng 14.000 trưởng lão của các bộ lạc. Đến lượt họ, những người này chọn tổng thống trong một cuộc bỏ phiếu đầy tham nhũng. Các nhà hoạt động dân chủ ở Somalia đặt nhiều hy vọng rằng mọi người sẽ được bỏ phiếu trực tiếp trong cuộc tranh cử tổng thống tiếp theo, vốn ban đầu được lên kế hoạch cho năm 2020.
Các quan chức bầu cử đã hủy bỏ kế hoạch đó vào năm ngoái, với lý do covid-19 và một cuộc nổi dậy thánh chiến của al-Shabab. Thay vào đó, họ lên lịch cho một cuộc bỏ phiếu gián tiếp khác vào ngày 8 tháng 2, hạn chót bầu tổng thống mới. Song các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào ngày 6 tháng 2 giữa chính phủ trung ương và các nhà lãnh đạo khu vực về cách tổ chức cuộc bầu cử, khiến Somalia rơi vào tình trạng không có chính phủ hợp pháp, và cũng không có kế hoạch nào để có chính phủ.
Sông băng Himalaya vỡ khiến nhiều người chết, dấy lên sự phản đối các đập thủy điện
The Guardian đưa tin, khoảng 140 người được cho là đã chết ở miền bắc Ấn Độ sau khi một sông băng ở Himalaya vỡ và lượng lớn nước đổ ập xuống với tốc độ cao cuốn trôi một con đập và làm hư hại một con đập khác.
Giới chức địa phương đã khẩn cấp tiến hành cứu hộ và thu được nhiều thi thể bị cuốn trôi khi nước trút như thác cùng bùn, đất đá tràn xuống một hẻm núi hẹp ở quận Chamoli, thuộc bang Uttarakhand.
Cụ thể, đã có 9 thi thể đã được trục vớt vào tối 7/2 và 140 người vẫn đang mất tích.
Theo Ủy banQuản lý khủng hoảng Quốc gia của Ấn Độ (NCMC), lũ lụt dọc theo thung lũng Himalaya là do một sông băng trên núi vỡ ra và đổ vào một phần của con sông Rishiganga và khiến mực nước ở thượng nguồn dâng cao đáng kể.
Trong khi một số người cho rằng vụ việc đã cho thấy tác động ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu – một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy các sông băng ở Himalaya đang tan chảy ở “tốc độ đáng báo động” – các nhà hoạt động và các cây viết địa phương cho rằng việc xây dựng tập trung các con đập và cơ sở hạ tầng thủy điện dọc theo các con sông và dãy núi ở Uttarakhand đã đang gây mất ổn định khu vực sinh thái mong manh của Himalaya và dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.
Có 550 đập và dự án thủy điện chỉ riêng ở bang Uttarakhand. Trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét hôm Chủ nhật, có 58 dự án dọc theo các con sông và phụ lưu sông. Một con đường mới cũng đang được xây dựng trên núi để khách du lịch dễ dàng đi đến ngôi đền Kedarnath của Uttarakhand.
Hridayesh Joshi, tác giả của cuốn sách Rage of the River – kể về một vụ lũ lụt tương tự ở Kedarnath, Uttarakhand trong năm 2013, cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người, nói rằng, các chuyên gia và nhà hoạt động đã đặt ra câu hỏi về các dự án đập và các tuyến đường ở Himalaya.
Joshi cho biết, trong khu vực Himalaya có 10.000 sông băng lớn nhỏ, vì vậy cần hết sức thận trọng khi xây dựng bất kỳ dự án nào ở trong khu vực này.
Ông nói thêm rằng: “Nhưng chính phủ muốn khai thác thủy điện để tạo ra thu nhập và phê duyệt cho tất cả dự án đập lớn này trên mọi con sông và sau đó họ lại áp đặt luật môi trường”.
Dân Trung Quốc đổ xô dùng ứng dụng Mỹ chưa bị kiểm duyệt
Reuters đưa tin, ứng dụng Clubhouse cho phép chia sẻ quan điểm đang thu hút rất nhiều người dùng ở Trung Quốc, bởi ứng dụng Mỹ này vẫn chưa bị Bắc Kinh kiểm duyệt mặc dù hiện có nhiều các cuộc thảo luận sôi nổi giữa người dùng Đại lục về nhân quyền, bản sắc dân tộc và các chủ đề nhạy cảm khác.
Các ứng dụng truyền thông xã hội của phương Tây bao gồm Twitter, Facebook và YouTube đều bị cấm ở Trung Quốc, nơi Internet bị chính quyền kiểm duyệt chặt chẽ để loại bỏ các nội dung có thể làm suy yếu Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ứng dụng Clubhouse, ra mắt vào đầu năm 2020, đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về số lượng người dùng vào đầu tháng 1/2021 sau khi Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk và Giám đốc điều hành Robinhood Vlad Tenev đã tổ chức một cuộc thảo luận bất ngờ trên nền tảng này.
Các phòng trò chuyện của nền tảng này chỉ có thể truy cập thông qua lời mời từ các thành viên hiện tại, và tính dến Chủ nhật (7/2), lời mời tham gia nền tảng đã được bán với giá từ 50-400 nhân dân tệ (khoảng 6 đến 7 đô) trên các sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ vì sao Clubhouse chưa bị chặn ở Trung Quốc.
Chính quyền Myanmar mở lại Internet sau khi ngắt một ngày để chống dân biểu tình
Chiều 7/2, giới chức Myanmar đã cho khôi phục mạng Internet ở các thành phố lớn sau hơn một ngày bị gián đoạn. Nhờ đó nhiều người có thể sử dụng chức năng phát trực tiếp của Facebook ngay trên đường phố.
Reuters đưa tin, Hàng chục nghìn người đã tập hợp trên khắp Myanmar vào Chủ nhật để phản đối cuộc đảo chính tuần trước và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi.
Đám đông mang theo ảnh của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và đa số mặc đồ đỏ, màu đặc trưng của đảng cầm quyền Liên minh quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD).
Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, trong một đoạn video phát trực tiếp, đã có tiếng súng nổ vang lên ở phía đông nam thị trấn Myawaddy khi cảnh sát mặc sắc phục và có súng tấn công một nhóm vài trăm người biểu tình.
Giáo hoàng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho các tù nhân chính trị
Hôm 8/2, Giáo hoàng Francis kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar trả tự do cho các tù nhân chính trị và nối lại con đường dẫn tới dân chủ “bị gián đoạn đột ngột” của đất nước.
Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi của mình trong bài diễn văn hàng năm trước đoàn ngoại giao khi hàng chục nghìn người tham gia ngày thứ ba của cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Myanmar phản đối việc quân đội loại bỏ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vào tuần trước.
Trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao đến từ hơn 180 quốc gia, Giáo hoàng nói về “tình cảm và sự gần gũi” của mình với người dân Myanmar, nơi ngài đã đến thăm vào năm 2017.
Giáo hoàng Francis nói: “Con đường dẫn tới nền dân chủ được thực hiện trong những năm gần đây đã bị gián đoạn đột ngột bởi cuộc đảo chính tuần trước.”
Ông nói: “Điều này đã dẫn đến việc bỏ tù các nhà lãnh đạo chính trị khác nhau, những người mà tôi hy vọng sẽ được trả tự do ngay lập tức như một dấu hiệu khuyến khích một cuộc đối thoại chân thành vì lợi ích của đất nước.”
Bài phát biểu này trước các nhà ngoại giao đôi khi được gọi là bài diễn văn “gửi đến thế giới” vì nó đề cập các cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế trên toàn cầu.
Phản đối đảo chính: Hơn 100.000 người Miến Điện xuống đường, biểu tình lớn nhất từ 2007
Hôm nay, 07/02/2021, là ngày thứ hai liên tiếp, người dân Miến Điện xuống đường đông đảo phản đối cuộc đảo chính quân sự. Theo giới quan sát, đây là cuộc biểu tình vì dân chủ lớn nhất tại Miến Điện kể từ năm 2007.
Người biểu tình xuống đường đông đảo nhất tại Rangoon, thủ phủ kinh tế của Miến Điện, với khoảng 100.000 người tham gia, theo ghi nhận của nhiều nguồn tin tại chỗ. Những người biểu tình thường mang theo áo đỏ, cờ đỏ hay bóng bay màu đỏ, sắc màu biểu tượng của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ hay những bức hình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự, vừa bị giới tướng lãnh lật đổ. Đả đảo chế độ độc tài quân sự, yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, tái lập dân chủ là các thông điệp chính của những người biểu tình.
Theo AFP, người biểu tình không tiến về được tòa thị chính Rangoon, do khu vực này bị phong tỏa, cảnh sát chống bạo động được triển khai đông đảo, tuy nhiên, chưa có đụng độ nào xảy ra. Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn, như Mandalay. Khoảng 1.000 người xuống đường tại thủ đô Naypyidaw.
Quân đội Miến Điện bắt giữ hơn 160 người
Chính quyền quân sự cũng tiếp tục các vụ bắt bớ. Theo hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị, có trụ sở tại Rangoon, cho đến nay đã có hơn 160 người bị câu lưu. Aung San Suu Kyi và tổng thống Win Myint đang bị quản thúc tại gia. Luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết chính quyền quân sự từ chối yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ.
Về mặt chính thức, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị quản thúc cho đến ngày 15/02. Giải Nobel Hòa Bình, 75 tuổi, bị chính quyền quân sự cáo buộc vi phạm luật về xuất nhập khẩu. Trong hơn hai thập niên tranh đấu chống chế độ độc tài quân sự, Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia trong gần 15 năm, trước khi quá trình chuyền tiếp sang dân chủ đầy gian nan được khởi sự vào năm 2011.
Động thái chưa từng có tiền lệ của Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis vừa đưa bà Nathalie Becquart vào Thượng Hội đồng Giám mục – cơ quan tư vấn cho người đứng đầu Vatican và thảo luận nhiều vấn đề trọng đại của giáo hội.
Bà Nathalie Becquart, đến từ Pháp, từng phục vụ cho Thượng Hội đồng Giám mục từ năm 2019 với vai trò người tham vấn. Với quyết định sắc phong của Giáo hoàng Francis, bà Becquart sẽ có thêm quyền bỏ phiếu trong cơ quan giàu sức ảnh hưởng tại Vatican.
Theo BBC, động thái này vẫn chưa phải là tiền đề cho viễn cảnh Vatican chính thức sắc phong một nữ tu sĩ làm linh mục. Tuy nhiên, nhóm chỉ trích hướng đi phi truyền thống này vẫn bày tỏ nhiều lo ngại.
Việc Thượng Hội đồng Giám mục có tiếng nói đại diện cho phụ nữ trong giáo hội cũng là điều chưa từng có tiền lệ. Cơ quan hệ trọng tại Vatican thời gian qua đã thảo luận rất nhiều đề tài nhạy cảm đối với truyền thống của giáo hội, bao gồm cả vấn đề ly hôn với người có đạo.
Không có nhận xét nào