Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 9 tháng 2 năm 2021 |
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer hôm thứ Hai (8/2) thông báo rằng ông và Lãnh đạo thiểu số Mitch McConnell đã đạt được thỏa thuận về lịch trình cho phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump.
Hạ viện đã bỏ phiếu vào tháng 1 để luận tội Trump vì “kích động nổi dậy”, cáo buộc tổng thống xúi giục một đám đông những người ủng hộ ông tập hợp tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Đám đông sau đó đã đột nhập tòa nhà, buộc các nhà lập pháp phải sơ tán và khiến 5 người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn và hậu quả của nó.
Theo khuôn khổ phiên tòa, Thượng viện sẽ tranh luận và bỏ phiếu vào thứ Ba về việc liệu phiên tòa có hợp hiến hay không. Những người bảo vệ Trump và nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đã lập luận rằng việc kết tội một tổng thống khi đang đương nhiệm là vi hiến, mặc dù có một số ít đảng viên Cộng hòa đã ủng hộ việc xét xử .
Các cuộc tranh luận mở sẽ bắt đầu vào thứ Tư (10/2 theo giờ Mỹ), trong đó các nhà quản lý luận tội Hạ viện và nhóm pháp lý của Trump có 16 giờ mỗi bên trong khoảng thời gian bốn ngày để trình bày các luận cứ của họ. Tuần tới, mỗi bên sẽ trả lời các câu hỏi của các thượng nghị sĩ trong bốn giờ, và cuộc tranh luận sẽ được mở ra về việc có nên gọi nhân chứng đến phiên tòa hay không.
“Tất cả các bên đã đồng ý với một cơ cấu bảo đảm một phiên tòa luận tội cựu tổng thống công bằng và trung thực tại Thượng viện”, ông Schumer cho biết trên sàn Thượng viện hôm thứ Hai. “Cơ cấu mà chúng tôi đã đi đến đồng thuận là rất công bằng.”
McConnell đã phê duyệt khuôn khổ phiên tòa, cho biết rằng nó “bảo vệ quy trình hợp pháp và quyền lợi của cả hai bên. Nó sẽ cung cấp cho các Thượng nghị sĩ, với tư cách là bồi thẩm viên, nhiều thời gian để xem xét vụ việc và các lập luận mà mỗi bên sẽ trình bày”.
Một bản án luận tội sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của hai phần ba số thượng nghị sĩ Thượng viện, có nghĩa là 17 đảng viên Cộng hòa sẽ phải tham gia với đảng Dân chủ để kết tội Trump. Nhiều đảng viên Cộng hòa đã phản đối việc luận tội trong những ngày gần đây, khiến khả năng cựu tổng thống không bị kết tội là rất cao.
Vì sao Biden im lặng một cách kỳ lạ trước việc luận tội ông Trump?
“Thôi nào, Joe. Hãy cho chúng tôi biết ông thực sự nghĩ gì… Chúng tôi muốn biết”, nhà báo David Marcus đã phải thốt lên.
David Marcus của The Federalist đã có bài bình luận, đặt câu hỏi vì sao Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lại im lặng một cách lạ thường trước việc kêu gọi thống thiết của Đảng Dân chủ đối với việc luận tội cựu Tổng thống Donald Trump.
Sau đây là nguyên văn bài viết của ông:
Hãy nghe các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội và các đồng minh truyền thông của họ kể câu chuyện, việc luận tội và kết tội cựu tổng thống Donald John Trump (họ luôn sử dụng “John” khi nói về việc luận tội) là rất quan trọng đối với sức mạnh và sự tồn tại của nhà nước cộng hòa. Họ lập luận rằng những biện pháp này là cần thiết để gửi một thông điệp đến những người trong tương lai có thể ngồi ở Phòng Bầu dục rằng phải có trách nhiệm giải trình. Dù các vị làm điều đó thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ rằng đó là một chuyện nhảm bẩn thỉu. Tuy nhiên, có một người không có ý kiến gì và đó lại là tổng thống đương nhiệm.
Joe Biden và đội ngũ Tòa Bạch Ốc của ông từ chối nói liệu ông Trump có nên bị kết tội hay không. Có vẻ như mọi đảng viên Đảng Dân chủ trong nước đều ủng hộ bản luận tội, nhưng lãnh đạo tự xưng của Đảng Dân chủ lại không chắc ư? Lời bào chữa mà Tòa Bạch Ốc đưa ra là: Đây là quyết định dành cho các thượng nghị sĩ và ông Biden không còn ở Thượng viện. Nhưng cái gì cơ? Biden cũng không hề có mặt tại Thượng viện vào tháng 1/2020, khi ông nói Quốc hội “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc luận tội ông Trump.
Đột nhiên, bây giờ khi Biden đã là tổng thống, ông lại không thể cân nhắc về những gì Đảng Dân chủ cho là một trong những vấn đề chính trị cấp bách nhất của quốc gia ư? Như với tất cả những gì Biden làm hoặc đã từng làm, câu trả lời nằm ở chính trị. Nhưng ngay cả từ góc độ chính trị, việc trốn tránh này có vẻ đặc biệt đáng ngại. Ý tôi là, thôi nào, ông bạn, chúng ta đều biết ý kiến thực tế của ông ấy. Ông ấy không phải là đảng viên Dân chủ duy nhất trong tất cả các tiểu bang chống lại sự kết tội. Liệu ông ấy có thực sự giành được [sự ủng hộ của] cử tri của Trump khi từ chối đưa ra ý kiến ở đây?
Biden có vẻ sẽ hoạt động theo triết lý chính trị “không gây hại” đã được cấp bằng sáng chế của mình, triết lý đã phục vụ ông rất tốt ở tầng hầm trong suốt chiến dịch tranh cử của ông. Khi cuộc nói chuyện về việc luận tội lần đầu tiên bắt đầu sau bạo động ở Điện Capitol, một số đảng viên Cộng hòa và các chuyên gia bảo thủ đã nhìn thấy cơ hội để Biden đạt được sự thống nhất bằng cách phản đối việc này (luận tội ông Trump). Đó có thể là món bánh trên trời, nhưng Biden đã không cắn câu. Thay vào đó, theo phong cách Biden cổ điển, ông ấy đã không nói gì.
Đây là một khuôn mẫu với tổng thống. Khi mở cừa trường học (đã bị đóng do đại dịch), ông ấy cũng vô cùng thiếu chính kiến. Các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của chính ông ta nói rằng họ có thể mở cửa, nhưng Biden thì ngắc ngứ trong sự dè chừng công đoàn giáo viên. Nếu Trump bất chấp các chuyên gia của mình theo cách như vậy, thì đó sẽ là một vụ bê bối kéo dài hai tuần trên nền nhạc của CNN. Bây giờ Biden là tổng thống, mọi thứ lại khác, bạn thấy không? Các cân nhắc chính trị có tính chất quan trọng ngang với khoa học. Chúng ta cũng nên sử dụng cách nghĩ này vào năm ngoái.
Vấn đề với việc Biden từ chối cho chúng ta biết ông ấy thực sự nghĩ gì về những vấn đề quan trọng này, cho thấy ông ấy không phải là người đưa ra quyết định. Giống như ông chủ cũ của mình, Barack Obama, Biden thích lãnh đạo từ phía sau. Nhưng đằng sau ai, chính xác là sau ai? Ai là người quyết định lập trường trong việc luận tội và mở cửa trường học? Hãy nói về Trump, chúng ta luôn biết ý kiến của ông ấy. Và đó là ý kiến của ông ấy, không phải là từ một vị trí trong nhóm tập trung được giao cho ông ấy bởi những tay sai vô danh trong những bộ đồ tầm thường.
Biden được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta tuyên bố đó là một công việc mà ông muốn. Đó là một vị trí lãnh đạo, nhưng ông ta lại từ chối lãnh đạo. Liệu bản luận tội này có quan trọng và sống còn như những gì đảng viên Dân chủ tuyên bố không? Thật khó để thực hiện những tuyên bố đó một cách nghiêm túc khi người lãnh đạo của đảng không thèm nêu bình luận.
Đã đến lúc “Joe ngủ gật” phải có trách nhiệm với việc luận tội. Đó là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc đất nước. Người ta không thể tạo ra sự thống nhất chỉ bằng cách tránh những vị trí khó hoặc không thoải mái, nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng đó lại chính xác là người mà chúng ta đã bầu chọn. Chúng ta đã bầu ra một người ông hay cười, người không muốn gây rắc rối.
Một trong những nỗi lo lắng lớn nhất mà những người chống đối Biden trong suốt quá trình ứng cử của ông là ông sẽ không đưa ra quyết định, rằng ông sẽ dựa dẫm, là một người bổ sung trong chính quyền của mình, người trông đẹp đẽ sau bàn làm việc. Ba tuần sau khi ông nắm quyền, có vẻ như những dự đoán đó đã đúng. Thôi nào, Joe. Hãy cho chúng tôi biết ông thực sự nghĩ gì, ông bạn. Chúng tôi muốn biết.
David Marcus là The Federalist tại New York. Theo dõi anh ấy trên Twitter tại @BlueBoxDave.
Ngày cuối WHO điều tra nguồn gốc virus tại Vũ Hán
Hôm nay, thế giới có thể được nghe tin tức về chuyến đi của các nhà khoa học quốc tế đến Vũ Hán. Nhiệm vụ của họ là điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 – loại virus gây ra đại dịch covid-19. Các chuyên gia đến Trung Quốc từ tháng 1, làm việc với các nhà nghiên cứu địa phương, và đến các địa điểm được quan tâm. Nhóm nghiên cứu do WHO triệu tập đã tìm ra “những manh mối quan trọng” về vai trò của chợ động vật sống trong đợt bùng dịch, vốn ban đầu được cho là nguồn gốc của virus, nhưng sau đó lại bị loại trừ.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đến thăm Viện Virus học Vũ Hán, nơi đã trở thành tâm điểm của các thuyết âm mưu về một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Khi bắt đầu chuyến đi, nhóm nghiên cứu khá dè dặt về những tiến bộ có thể đạt được — việc tìm kiếm nguồn gốc các đợt bùng phát virus có thể khó khăn. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu trong đoàn cho biết ông kỳ vọng sẽ có thể nói được điều gì đó có giá trị vào cuối chuyến đi, tức ngày mai.
Vụ kiện Autonomy – HP ra tòa London
Hôm nay một cuộc chiến dẫn độ gây ra bởi một cuộc đối đầu giữa hai doanh nghiệp sẽ được đưa ra tòa ở London. Vụ kiện liên quan đến thương vụ 11,6 tỷ USD bán Autonomy, vốn từng là ngôi sao sáng nhất trong giới công nghệ Anh, cho Hewlett-Packard một thập niên trước. Một năm sau cuộc mua lại, HP đã ghi giảm giá trị của nó 8,8 tỷ đô la, trong đó hãng quy 5 tỷ đô la là do các sai phạm về kế toán, những sai sót trong công bố thông tin hoặc “trình bày sai”. Các công tố viên Mỹ đã theo đuổi Mike Lynch, đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành Autonomy, cũng như những người khác.
Họ muốn ông hầu tòa ở San Francisco về 14 tội danh âm mưu và lừa đảo. Ông phủ nhận hành vi sai trái; luật sư của ông nói HP gặp phải “sự hối hận của người mua”. Họ sẽ tranh luận rằng Anh – nơi đang diễn ra một vụ kiện dân sự liên quan do HP khởi kiện – mới là nơi thích hợp hơn để xử kiện. Họ được ủng hộ bởi một nhóm các nghị sĩ Anh, những người nhìn thấy một câu chuyện lớn hơn: rằng các thỏa thuận dẫn độ chung của nước họ với Mỹ quá thiên vị Mỹ và do đó cần được tái cân bằng.
Công đảng Scotland bầu lãnh đạo giữa lúc khó khăn
Hôm nay bắt đầu bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của Công đảng Scotland — lần thứ sáu trong thập niên qua. Các ứng viên là Anas Sarwar và Monica Lennon, các thành viên Quốc hội Scotland. Công đảng đã từng thống trị ở Scotland. Tuy nhiên đến nay họ đã bị gạt ra rìa, chỉ có một nghị sĩ đại diện Scotland tại Westminster và chỉ có 23 trên 129 ghế tại Holyrood.
Tỷ lệ đó có thể còn giảm hơn nữa trong các cuộc bầu cử ở Scotland vào tháng 5. Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Dân tộc Scotland (SNP) có thể thắng đa số áp đảo. Công đảng đã phải vật lộn để được lắng nghe trong cuộc tranh luận về nền độc lập Scotland, trong bối cảnh lãnh thổ này bị thống trị bởi SNP theo hướng ly khai và đảng Bảo thủ thân Anh. Các cử tri của đảng bị chia rẽ về nền độc lập, và do đó đảng muốn nói về trường học, bệnh viện và chống lại nạn nghiện ma túy. Trừ khi hồi sinh được ở Scotland, còn không Công đảng sẽ rất khó để lập được chính phủ ở Westminster, trong khi Scotland độc lập trở thành một triển vọng khả dĩ hơn.
Một loạt sứ mệnh không gian đến Sao Hỏa
Hành tinh này chứng kiến các hoạt động của con người nhiều hơn bất kỳ hành tinh nào ngoài Trái đất và sắp trở nên còn bận rộn hơn. Trong vài ngày tới, ba sứ mệnh mới sẽ đến sao Hỏa. Al-Amal, một tàu thăm dò của UAE, sẽ hạ cánh vào hôm nay, và sau đó một ngày là sứ mệnh của Trung Quốc mang tên Thiên Vấn-1. Vào ngày 18 tháng 2 sẽ đến lượt Perseverance, một sứ mệnh từ Mỹ. Hai sứ mệnh của Trung Quốc và Mỹ mang theo các xe tự hành được thiết kế để đi trên bề mặt Sao Hỏa.
Đến nay Mỹ đã gửi được bốn chiếc xe tự hành như vậy; còn với Trung Quốc đây là lần đầu. Sao Hỏa thu hút nhiều chú ý vì một số lý do. Một là khoa học. Sao Hỏa từng có nước, giống như Trái đất. Các nhà khoa học rất muốn biết nước của nó đã mất đi đâu. Một số người kỳ vọng tìm thấy bằng chứng về sự sống trước đây — hoặc thậm chí là dấu vết của người ngoài hành tinh ngày nay. Nhưng việc gửi các tàu thăm dò lên sao Hỏa cũng đánh dấu một bước tiến kỹ thuật so với chuyến du hành lên Mặt trăng. Và trong tâm trí của các nhà lãnh đạo, sức mạnh công nghệ trong không gian có liên hệ với sức mạnh trên Trái đất.
New Zealand tuyên bố đình chỉ quan hệ với Myanmar
New Zealand đã thông báo đình chỉ các cuộc tiếp xúc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar hôm thứ Ba (9/2), động thái quốc tế lớn đầu tiên trong cộng đồng quốc tế nhằm cô lập chính quyền quân sự cầm quyền của đất nước Đông Nam Á này sau cuộc đảo chính hồi đầu tháng.
Trao đổi về tình hình Myanmar, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern kêu gọi cộng đồng quốc tế “lên án mạnh mẽ những gì đang xảy ra ở Myanmar”.
“Thông điệp mạnh mẽ của chúng tôi là chúng tôi sẽ làm những gì có thể từ đây, ở New Zealand này”, bà nói.
Bà Ardern cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại đối với các nhân vật quân sự cấp cao.
Quân đội Myanmar tuần trước đã bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và hàng chục thành viên khác trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), chính thức chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của chính quyền dân sự.
Ardern cho biết New Zealand muốn Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức một phiên họp đặc biệt để thảo luận về các diễn biến ở Myanmar.
Bà cho biết thêm rằng các chương trình viện trợ của New Zealand tại Myanmar, trị giá khoảng 42 triệu NZD (30,5 triệu USD), sẽ tiếp tục được duy trì với điều kiện chúng không mang đến lợi ích hoặc rơi vào quyền kiểm soát của chính quyền quân sự tại đây.
“Chúng tôi không công nhận tính hợp pháp của chính phủ do quân đội lãnh đạo và chúng tôi kêu gọi quân đội thả ngay lập tức tất cả các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ và khôi phục quyền cai trị dân sự”, bà nói trong một tuyên bố.
Chính quyền Biden ‘khoan dung’ hơn với tội phạm nhập cư
Hôm thứ Hai (8/2), Tòa Bạch Ốc xác nhận những người nhập cư bất hợp pháp bị kết tội hành hung, DUI (tội liên quan đến việc lái xe trong tình trạng sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất gây nghiện) sẽ không bị trục xuất khỏi nước Mỹ.
Ngày 7/2 vừa qua, tờ Washington Post đưa tin rằng, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đang chuẩn bị ban hành các quy định mới đối với các chi nhánh của họ về việc hạn chế số lượng người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ và trục xuất.
Trước khi bộ quy định mới hoàn thành, giám đốc ICE Tae Johnson đã viết email hướng dẫn đến các quan chức cao cấp của ICE. Ông viết “Nói chung, những cáo buộc này sẽ không bao gồm tội phạm ma túy ít nghiêm trọng, tấn công đơn giản, DUI, rửa tiền, tội phạm tài sản, lừa đảo, tội phạm thuế, gạ gẫm hoặc buộc tội không có tiền án”.
Sau đó trong ngày 8/2, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã xác nhận thêm rằng những người nhập cư bất hợp pháp phạm tội hành hung và tội lái xe khi sử dụng chất kích thích có thể nhận hình phạt tại cơ quan thực thi pháp luật địa phương thay vì ưu tiên trục xuất.
Chính quyền Biden đang cố gắng định hướng lại Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ. Nhưng các quan chức ICE thất vọng nói rằng những thay đổi được đề xuất sẽ làm mất quyền quyết định của các chinh nhánh và hạn chế nghiêm trọng khả năng bắt giữ và trục xuất tội phạm của họ.
Ngày 20/1, chính quyền của Biden đã gửi một bản ghi nhớ về việc tạm dừng hầu hết các lệnh trục xuất đối với người nhập cư bất hợp pháp trong vòng 100 ngày. Bộ trưởng An ninh Nội địa lúc bấy giờ là David Pekoske cho biết hành động tạm dừng này sẽ giúp Bộ tập trung nguồn lực vào những nơi cần thiết nhất.
Thẩm phán Drew Tipton, người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, hôm 26/1 đã ra lệnh tạm thời ngăn chặn sắc lệnh này của ông Biden trên toàn quốc trong 14 ngày, sau khi Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton nộp đơn kiện.
Hơn 200 học giả Anh bị điều tra vì giúp Bắc Kinh phát triển vũ khí huỷ diệt
Truyền thông Anh đưa tin, hơn 200 học giả đại học ở Anh đang bị điều tra vì bị cáo buộc đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu bị kết tội họ có thể phải đối mặt với án tù 10 năm, Epoch Times đưa tin.
Hai tờ The Sunday Post và The Times cho biết, cuộc điều tra của MI6 (Cục tình báo mật) Anh cho thấy nhiều học giả Anh đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực rất nhạy cảm cho ĐCSTQ mà họ không hề hay biết. Việc làm này có thể vi phạm “Lệnh kiểm soát xuất khẩu 2008”.
20 trường đại học của Anh dính líu
Vào tháng 10 năm ngoái, Hiệp hội Henry Jackson đã đưa ra một báo cáo chỉ trích chính phủ Anh vì đã không truy tố bất kỳ học giả nào vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu. Sau đó chính phủ Anh đã mở một cuộc điều tra.
The Times cho biết, chính phủ Anh đang gửi thông báo thực thi pháp luật tới những học giả này, những người bị nghi ngờ đã chuyển giao kết quả nghiên cứu các công nghệ quân sự tiên tiến như máy bay, thiết kế tên lửa và vũ khí mạng cho ĐCSTQ.
The Sunday Post trích báo cáo từ Civitas, một tổ chức nghiên cứu tư nhân, cho biết 20 trường đại học Anh có giao dịch kinh doanh với 29 trường đại học Trung Quốc và 9 cơ sở Trung Quốc có nguồn gốc quân sự, bao gồm các giao dịch với các nhóm vũ khí Trung Quốc. Và 14 trong số 20 trường đại học của Anh đều là những trường đại học danh tiếng hàng đầu.
Nội dung nghiên cứu của hai bên bao gồm chương trình vũ khí hạt nhân, phát triển tên lửa siêu thanh, hệ thống gây nhiễu radar, robot, tàu vũ trụ và phương tiện tàng hình cùng các công nghệ hàng đầu khác.
Theo nghiên cứu của Civitas, CETC hỗ trợ thiết lập các liên kết giữa 4 trường đại học liên quan đến quân sự của của Trung Quốc và 7 trường đại học của Anh. Công ty này được coi là một trong những đồng phạm chính trong cuộc giám sát của ĐCSTQ.
Thống tướng Myanmar lên tiếng giữa làn sóng biểu tình lan rộng
Reuters đưa tin, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing hôm thứ Hai (8/2) cho biết quân đội của ông sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới và trao quyền lực cho người chiến thắng, trong bối cảnh khi hàng chục nghìn người xuống đường trong ngày thứ ba để phản đối cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2, ông Min Aung Hlaing không nói rõ khi nào cuộc bầu cử sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, ông lặp lại cáo buộc rằng chiến thắng của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái là do gian lận.
Tướng Hliang nói rằng, ủy ban bầu cử cần phải cải tổ. Ông cũng cáo buộc ủy ban bầu cử Myanmar lấy đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm “cái cớ ngăn cản vận động tranh cử công bằng”.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào