Pháp tuyên bố tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ ở Myanmar
Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 16 tháng 2 năm 2021 |
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pháp hôm 15/2 cho biết Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Myanmar trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ.
Người phát ngôn nói thêm rằng việc triển khai xe bọc thép ở một số thành phố và gia tăng sử dụng bạo lực là mối quan ngại lớn.
“Cùng với các đối tác châu Âu và quốc tế, Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Myanmar trong cuộc đấu tranh vì dân chủ và pháp quyền”, phát ngôn viên Agnes von der Muhll cho biết trong một tuyên bố.
Những người biểu tình ở Myanmar tiếp tục yêu cầu thả nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Họ hôm 15/2 vẫn tuần hành để yêu cầu chấm dứt chế độ quân sự, bất chấp việc triển khai xe bọc thép và nhiều binh sĩ hơn trên đường phố.
Một ngày trước đó, người biểu tình ở Yangon một lần nữa tập hợp bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Họ cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ chế độ quân nhân và hoan nghênh việc trừng phạt quân đội của Washington.
“Phong trào bất tuân dân sự và các cuộc biểu tình cho thấy người dân Myanmar muốn dân chủ. Chúng tôi sát cánh với họ”, đại sứ quán Mỹ viết trên Twitter.
Những người biểu tình còn mang theo các biểu ngữ kêu gọi mọi người tẩy chay các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội.
Bà Pelosi bị chất vấn về việc Vệ binh Quốc gia ở lại Washington
Các Dân biểu Cộng hòa đã yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi giải thích tại sao Vệ binh Quốc gia cần được khai triển ở Washington D.C. cho đến mùa thu năm nay, theo Epoch Times.
Dân biểu Cộng hòa Lisa McClain, thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, nói với Fox News ngày 15/2: “Các cuộc họp giao ban duy nhất mà chúng tôi đã thực sự có được, thông qua các phương tiện truyền thông, là quân đội có thể sẽ ở lại đó cho đến mùa thu”.
“Điều này thực sự đáng lo ngại vì bản thân tôi và một số đồng nghiệp của tôi đã hỏi Nancy Pelosi trong một cuộc họp ngắn như: ‘Tại sao chúng ta cần những binh lính này ở đây?’ Và chúng tôi đã không nhận được thông tin nào cả”, bà McClain nói.
Người phát ngôn Ngũ Giác Đài John Kirby tuần trước cho biết chi phí ước tính cho hoạt động bảo vệ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại khu phức hợp Điện Capitol cho đến hết ngày 15/3 sẽ tiêu tốn tổng cộng 483 triệu đô la Mỹ tiền thuế của người dân.
Bà McClain tiếp tục: “Tôi rất ngạc nhiên khi bà ấy có thể làm điều này mà không tiết lộ, không đưa ra thông tin nào, chỉ tiếp tục chi tiền mà không thông báo”.
Hơn 25.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được khai triển tới Washington để hỗ trợ an ninh sau vụ đột nhập Điện Capitol ngày 6/1.
Khoảng 5.000 quân dự kiến sẽ ở lại thủ đô nước Mỹ cho đến ngày 15/3, nhưng thời gian đó dường như đã được bà Pelosi kéo dài. Hiện chưa rõ liệu có mối đe dọa cụ thể nào không đối với chính quyền Biden.
Canada phát động sáng kiến ’58 quốc gia’ ngăn chặn việc bắt giữ con tin
Reuters đưa tin, Canada hôm thứ Hai (14/2) đã đưa ra một sáng kiến “58 quốc gia” nhằm ngăn chặn các quốc gia giam giữ công dân nước ngoài vì đòn bẩy ngoại giao, một phương pháp mà Ottawa và Washington cho rằng Trung Quốc và các nước khác đang sử dụng.
Các bộ trưởng ngoại giao đã ký một tuyên bố không ràng buộc nhằm tố cáo điều mà Ngoại trưởng Canada Marc Garneau gọi là hành vi không thể chấp nhận được.
“Bắt giữ người dân từ gia đình họ và sử dụng họ làm con bài mặc cả là bất hợp pháp và vô đạo đức”, ông nói qua điện thoại.
Các bên tham gia sáng kiến khác bao gồm Nhật Bản, Anh, Úc và hầu như tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia.
Tuyên bố không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, ông Garneau cho biết, tuyên bố được thiết kế để tăng áp lực ngoại giao đối với các quốc gia giam giữ người nước ngoài cũng như những người khác có ý muốn làm như vậy.
Nhưng một quan chức Canada cho biết sáng kiến này xuất hiện do những quan ngại về các vụ bắt giữ người nước ngoài của Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên.
Thậm chí trước khi tuyên bố chính thức được phát hành, Hoàn Cầu thời báo đã trích dẫn các chuyên gia giấu tên nói rằng sáng kiến này là “một cuộc tấn công hung hăng và thiếu cân nhắc nhằm khiêu khích Trung Quốc”.
Ottawa đang vướng vào một cuộc tranh chấp với Bắc Kinh, nơi đã bắt giữ hai người Canada vào năm 2018 sau khi cảnh sát Vancouver bắt Mạnh Vãn Châu, giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Huawei, theo lệnh của Hoa Kỳ. Canada tố cáo hành động mà họ gọi là “ngoại giao con tin” trong khi Trung Quốc khẳng định rằng hai vụ việc không liên quan đến nhau.
Thủ tướng Úc: Thỏa thuận ‘Một vành đai, Một con đường’ không có lợi
Thủ tướng Úc Scott Morrison gần đây đã tuyên bố thỏa thuận Một vành đai, Một con đường do bang Victoria và Trung Quốc ký không có lợi cho nước này và có thể sẽ bị bãi bỏ trong vòng vài tuần.
Năm 2013, Bắc Kinh đã đề xuất sáng kiến Một vành đai, Một con đường với quy mô 1,5 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đã ký 170 hiệp định với 125 quốc gia liên quan đến sáng kiến này.
Năm 2018, thống đốc bang Victoria, Úc Dan Andrews đã ký biên bản ghi nhớ về sáng kiến Một vành đai, Một con đường với Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị chỉ trích nặng nề. Những người chỉ trích tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tận dụng cơ hội để giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng của bang Victoria.
Tờ Daily Mail đưa tin, ông Andrews, các thống đốc và thủ trưởng những bang khác của Úc phải nêu rõ tất cả các thỏa thuận đã ký với nước ngoài cho chính phủ liên bang Úc trước ngày 10/3, và sau đó chính phủ liên bang sẽ tiến hành đánh giá các thỏa thuận này.
Gần đây, thủ tướng Úc Morrison nói rằng ông “không nhìn thấy lợi ích của Sáng kiến Một vành đai, Một con đường.” Tuyên bố trên của ông Morrison được coi là đã thông báo trước cho bang Victoria về kết quả của thỏa thuận Một vành đai, Một con đường với ĐCSTQ.
Trong khi đó, ông Andrews đã và đang bảo vệ thỏa thuận này. Ông hứa hẹn rằng sáng kiến này sẽ mang lại “nhiều cơ hội việc làm, nhiều [cơ hội] thương mại và đầu tư hơn” cho bang Victoria. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các thỏa thuận do một bang ký kết có thể trở thành “lối tắt” để các nước khác mở rộng tầm ảnh hưởng của họ tại Úc.
Hoa Kỳ phân phối hơn 70 triệu liều vaccine
Tính tới sáng ngày 14/2, Hoa Kỳ đã phân phối tổng cộng 70.057.800 liều vaccine COVID-19 và tiêm khoảng 52.884.356 liều, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho biết.
Cơ quan y tế này cho biết rằng con số trên bao gồm cả loại vaccine của công ty Moderna lẫn của Pfizer/BioNTech.
Theo thống kê đăng tải trên trang web của CDC, tính tới ngày 13/2, cơ quan này đã tiến hành việc tiêm 50.641.884 liều vaccine.
Tin cho hay, 38.292.270 người đã “được tiêm một hoặc hai liều, trong khi 14.077.440 người đã được tiêm mũi thứ hai tính đến 14/2.”
Theo CDC, tổng cộng 5.822.871 liều vaccine đã được sử dụng tại các cơ sở chăm sóc dài hạn người cao tuổi.
Các ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở Mỹ những ngày qua đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 100 nghìn ca trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn cao và các biện pháp để làm chậm cũng như ngăn ngừa đại dịch phải được duy trì.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, các ca nhiễm mới trung bình trong bảy ngày là trên 200.000 ca trong phần lớn tháng 12 năm ngoái và tăng lên khoảng 250.000 ca vào tháng Một, khi đại dịch bùng phát trở lại sau khi một số nơi đã khống chế được dịch trong mùa hè.
Gallup: 62% người Mỹ ủng hộ thành lập đảng chính trị thứ ba
Một cuộc thăm dò dân ý gần đây cho thấy trung bình cứ 10 người thì có hơn 6 người tin rằng Hoa Kỳ cần một đảng chính trị (bên) thứ ba để cạnh tranh với Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vì các đảng này hiện đang làm quá tệ, theo bài viết trên trang Sound of Hope.
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Gallup công bố hôm 15/2, có một câu hỏi được đặt ra: “Nếu đảng chính trị các bên làm việc kém cỏi như vậy nhưng lại đại diện cho người dân Mỹ, liệu bạn có cần đến một đảng chính trị thứ ba không?”. Chỉ 33% số người được hỏi cho rằng họ đang cảm thấy rằng cả hai đảng chính trị lớn đang làm tốt công việc đại diện cho công chúng. Và 62% người được hỏi trả lời cần một đảng chính trị thứ ba.
Con số này cao hơn 5% so với cuộc thăm dò cuối cùng vào tháng 9 năm ngoái, lập nên mức cao kỷ lục lịch sử. Cuộc thăm dò cũng cho thấy một nửa số người được hỏi tự cho mình là nhân sĩ độc lập về mặt chính trị, đây là một kỷ lục mới khác. Sự ủng hộ của dư luận hiện nay đối với Đảng Cộng hòa đã giảm xuống còn 37%, trong khi 48% nhìn nhận tích cực về Đảng Dân chủ.
Gallup lần đầu tiên đặt câu hỏi về sự cần thiết của một đảng chính trị thứ ba vào năm 2003. Vào thời điểm đó, hầu hết người Mỹ không cho rằng điều đó là cần thiết, với 56% nói rằng các bên đang làm tốt công việc đại diện cho người dân Mỹ và 40% số người nói rằng họ cần nó.
Trong một số năm bầu cử – 2006, 2008 và 2012 – người Mỹ đã dần nhận thức về việc liệu có cần một đảng chính trị thứ ba hay không, và kể từ năm 2012 đến nay, người Mỹ luôn ủng hộ ý tưởng này.
Iran đang buộc chính quyền Biden phải nhượng bộ?
Mới đây, Iran đưa ra cảnh báo rằng, nếu các bên không thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, chính phủ Iran sẽ không cho cơ quan giám sát của Liên hợp quốc đến nước này thị sát. Các nhà phân tích cho rằng, động thái của phía Iran nhằm buộc chính quyền Biden phải nhượng bộ.
Theo Reuters, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran – Saeed Khatibzadeh hôm 15/2 tuyên bố: “Nếu các bên vẫn không hoàn thành nghĩa vụ của mình trước ngày 21/2, chính phủ [Iran] có trách nhiệm chấm dứt việc thực hiện ‘Nghị định thư bổ sung’… [Tuy nhiên], điều này không có nghĩa là chấm dứt tất cả các cuộc kiểm tra của cơ quan giám sát Liên hợp quốc… Tất cả những điều này đều có thể được đảo ngược nếu bên kia [Hoa Kỳ] thay đổi đường hướng và thực hiện nghĩa vụ của mình”.
Đặc phái viên của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hôm thứ Hai (15/2), cho biết trên Twitter rằng, Iran đã thông báo cho cơ quan IAEA về quyết định này.
Ông viết: “Dự luật của quốc hội sẽ được thực hiện vào ngày 23/2. Cơ quan IAEA đã được thông báo hôm nay để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang một lộ trình mới đúng thời gian”.
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, để yêu cầu các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, chính quyền Iran đã đồng ý hạn chế các dự án làm giàu uranium của họ. Tuy nhiên, chính phủ Israel kiên quyết phản đối điều này, bởi vì Israel cho rằng, thỏa thuận hạt nhân đang giúp Iran câu giờ nhằm hiện thực hóa chương trình vũ khí hạt nhân của nước họ.
Tổng giám mục: Biden nên ngừng tự nhận mình là người Công giáo sùng đạo
Ông Joseph Naumann, Đức Tổng Giám mục tại thành phố Kansas kiêm chủ tịch Ủy ban các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã lên tiếng chỉ trích sự ủng hộ của Biden với các hoạt động phá thai.
Phát biểu với tờ Catholic World Report, ông Naumann thẳng thắn nói rằng với các quan điểm ủng hộ phá thai, Biden “nên ngừng tự nhận mình là người Công giáo sùng đạo”.
Trong buổi phỏng vấn, phóng viên CWR đã đặt câu hỏi: “Biden tự nhận là một tín đồ Công giáo sùng đạo, nhưng lại ủng hộ việc phá thai 100%. Ông nghĩ các giám mục của Hoa Kỳ phải ứng phó với tình huống này như thế nào?” .
Ông Naymann đã trả lời “Tổng thống [Biden] nên ngừng tự nhận mình là một người Công giáo sùng đạo, và thừa nhận rằng quan điểm của ông về phá thai là trái với giáo huấn đạo đức Công giáo. Đây là cách tiếp cận trung thực hơn khi nói [thẳng] rằng ông ấy không đồng ý với Giáo hội của mình về vấn đề quan trọng này và ông ấy đã hành động trái với giáo huấn của Giáo hội. Khi Biden nói rằng ông ta là một người Công giáo sùng đạo, các giám mục chúng tôi có trách nhiệm sửa lỗi cho ông ta. Mặc dù người dân đã trao quyền lực và thẩm quyền cho vị tổng thống này, nhưng ông ta không thể định nghĩa thế nào là người Công giáo và thế nào là giáo huấn đạo đức Công giáo”.
“Những gì ông ấy đang làm bây giờ là chiếm đoạt vai trò của các giám mục và khiến mọi người bối rối. Ông ta tuyên bố rằng mình là người Công giáo, và buộc mọi người ủng hộ phá thai bằng tiền thuế của họ. Các giám mục cần phải chấn chỉnh ông ấy, vì tổng thống đang hành động trái với đức tin Công giáo”.
Theo Giáo lý của Giáo hội Công giáo, phá thai là một tội ác luân lý nghiêm trọng không thể chấp thuận hoặc dung thứ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vào năm 2019, Cha Robert E. Morey, một linh mục Công giáo ở Nam Carolina đã từ chối rước lễ cho Joe Biden do lập trường của ông ta về việc phá thai, Daily Wire đưa tin.
Khi được hỏi về hành động của ông Morey, giám mục Naumann nói rằng vị linh mục này chỉ đơn giản là “làm theo lương tâm của mình,”.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào