Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 7 tháng 2 năm 2021 |
Người dân Miến Điện biểu tình đòi trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, phản đối quân đội đảo chính, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 07/02/2021. AP
Hôm nay, 07/02/2021, là ngày thứ hai liên tiếp, người dân Miến Điện xuống đường đông đảo phản đối cuộc đảo chính quân sự. Theo giới quan sát, đây là cuộc biểu tình vì dân chủ lớn nhất tại Miến Điện kể từ năm 2007.
Người biểu tình xuống đường đông đảo nhất tại Rangoon, thủ phủ kinh tế của Miến Điện, với khoảng 60.000 người tham gia, theo ghi nhận của Reuters. Những người biểu tình thường mang theo áo đỏ, cờ đỏ hay bóng bay màu đỏ, sắc màu biểu tượng của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ hay những bức hình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự, vừa bị giới tướng lãnh lật đổ. Đả đảo chế độ độc tài quân sự, yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, tái lập dân chủ là các thông điệp chính của những người biểu tình.
Theo AFP, người biểu tình không tiến về được tòa thị chính Rangoon, do khu vực này bị phong tỏa, cảnh sát chống bạo động được triển khai đông đảo, tuy nhiên, chưa có đụng độ nào xảy ra. Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn, như Mandalay. Khoảng 1.000 người xuống đường tại thủ đô Naypyidaw.
Khống chế internet để làm tê liệt phong trào phản kháng
Mạng internet tiếp tục bị ngăn chặn tại Miến Điện. Theo tổ chức phi chính phủ Netblocks, chuyên về vấn đề này, thì internet chỉ hoạt động ở mức 14% so với ngày thường. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện Tom Andrews nhấn mạnh là, bằng cách này, « giới tướng lĩnh cố gắng làm tê liệt phong trào phản kháng, và không để cho bên ngoài biết được những gì đang xảy ra trong nước ».
Trên thực tế, chính quyền quân sự cũng khó lòng cắt đứt hoàn toàn mạng internet tại Miến Điện khỏi thế giới. Trả lời RFI, chuyên gia David Cameroux (trung tâm nghiên cứu CERI, Học Viện Chính Trị Paris) giải thích :
« Internet không chỉ liên quan đến chính trị, mà là vấn đề kinh tế. Ngăn chặn internet có nghĩa là đóng cửa kinh tế. Với những biến đổi công nghệ hiện nay, chế độ độc tài quân sự không thể sử dụng các biện pháp đàn áp như trước. Giới quân sự cũng đang phải đối mặt với phong trào phản kháng của giới trẻ, lấy hình mẫu là phong trào phản kháng của giới trẻ Thái Lan. Lớp trẻ giờ đây không sợ hãi, và phong trào của họ cũng không có người lãnh đạo, phong trào như vậy khó có thể kiểm soát được ».
Quân đội Miến Điện bắt giữ hơn 160 người
Tối cao Pháp viện Mỹ bất ngờ lên lịch xem xét các vụ kiện gian lận bầu cử
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (5/2) đã lên lịch để xem xét tại hội nghị ngày 19/2 một số vụ kiện tranh cử nổi bật, bao gồm cả những vụ kiện do luật sư Sidney Powell, Lin Wood và chiến dịch tranh cử của ông Trump đưa ra.
Theo danh sách, các vụ kiện bao gồm vụ kiện Michigan của bà Sidney Powell (20-815), vụ kiện Pennsylvania của chiến dịch ông Trump (20-845) và vụ kiện Wisconsin (20-882), vụ kiện Pennsylvania của Dân biểu Mike Kelly (20-810), và vụ kiện Georgia của luật sư Lin Wood (20-799).
Tất cả các vụ kiện này đều cáo buộc một số hành vi bất hợp pháp liên quan đến bầu cử, ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 3/11/2020, bao gồm mở rộng bỏ phiếu bằng thư do các quan chức bầu cử thay đổi quy tắc trái với luật bầu cử của tiểu bang; thiếu các biện pháp an ninh đầy đủ xung quanh lá phiếu qua thư’ các vấn đề với bỏ phiếu bằng máy lập bảng và từ chối quyền truy cập có ý nghĩa đối với những người theo dõi việc kiểm phiếu.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từ chối thụ án hoặc theo dõi nhanh các vụ việc theo yêu cầu trong các đơn kiện này, được nộp trước lễ nhậm chức ngày 20/1 của Tổng thống Joe Biden.
Đơn kiện Michigan của bà Powell (pdf) tìm kiếm “biện pháp phong tỏa khẩn cấp [kết quả bầu cử] với lý do rằng kết quả bầu cử tổng thống được các quan chức Michigan chứng nhận là vi hiến và trái với luật, cùng với biện pháp cứu trợ theo lệnh hủy chứng nhận những kết quả đó”.
Đơn kiện Georgia của ông Wood (pdf) đã yêu cầu Tối cao Pháp viện “đưa ra lệnh khẩn cấp hướng dẫn Bị đơn hủy chứng nhận kết quả của cuộc Tổng tuyển cử cho Văn phòng Tổng thống”.
Đơn kiện của Dân biểu Kelly (pdf) đã yêu cầu tòa án ra lệnh “cấm Người điều hành-Bị đơn thực hiện hành động chính thức lập bảng, tính toán, duyệt, xác nhận hoặc hoàn thiện kết quả của cuộc bầu cử”.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump tương tự kêu gọi lệnh khẩn cấp dưới hình thức điều trần cấp tốc và chặn chứng nhận các phiếu bầu cử tri đoàn cho ông Biden.
Một số luật sư trong các vụ án nói rằng xem xét những thách thức pháp lý này là quan trọng vì chúng có thể tác động đến sự công bằng trong bầu cử trong dài hạn.
“Các vấn đề pháp lý của chúng tôi rất cần được tòa án xem xét”, luật sư John Eastman nói với Washington Examiner, đề cập đến hành vi của tiểu bang Pennsylvania trong cuộc bầu cử năm 2020.
Chuyên gia: WHO đã giúp ĐCSTQ lau sạch vết nhơ
Gần đây, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc để tiến hành tìm kiếm nguồn gốc virus Vũ Hán (COVID-19), theo Vision times.
Vào 3/2, sau khi nhóm chuyên gia của WHO đến thăm Viện virus Vũ Hán, một trong những thành viên của nhóm chuyên gia và là chủ tịch của Liên minh Sức khỏe Sinh thái New York, Dasak nói với Reuters rằng, không có bằng chứng nào cho thấy virus đến từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Ông không giải thích lý do cho kết luận này, nhưng nói rằng virus có thể đã lây lan trước khi dịch bệnh xuất hiện tại Vũ Hán. Đây được xem là một tin vui giúp ĐCSTQ bớt tai tiếng.
Chỉ vài ngày sau, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã xuất bản một loạt bài báo nói rằng, một số chuyên gia dịch tễ học có thẩm quyền của Trung Quốc đã kêu gọi chung tay cùng WHO xem xét xây dựng kế hoạch truy xuất nguồn gốc virus viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu.
Về vấn đề này, Đường Hạo, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế và là người dẫn chương trình “Ngã tư thế giới”, đã phân tích bốn điểm đáng nghi khi các chuyên gia WHO đến Trung Quốc: Bao gồm lịch trình và các bài phát biểu của nhóm chuyên gia đã bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ; gia đình các nạn nhân ở Vũ Hán bị cảnh sát giám sát; và các chuyên gia chỉ được sắp xếp đến thăm những nơi được chỉ định như “Triển lãm về thành tựu chống dịch ở Vũ Hán”…
Ông cho biết những điểm đáng nghi này đủ để giải thích rằng cuộc khảo sát của nhóm chuyên gia WHO trên thực tế, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ĐCSTQ. Không những không tìm thấy nguồn gốc bệnh, WHO lại trở thành một “trận địa tuyên truyền chính trị khác” để giúp ĐCSTQ làm sạch tai tiếng.
Truyền thông Canada tẩy chay Google và Facebook
Gần đây, để chống lại gã khổng lồ công nghệ toàn cầu Google và Facebook, hãng truyền thông Canada đã tổ chức các hoạt động “tiêu đề biến mất” (Disappilities Headlines). Nằm trong sự kiện này, vào ngày thứ Năm (4/2), gần 100 tờ báo lớn nhỏ trên cả nước sẽ để trống trang nhất, theo The Globe and Mail đưa tin.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Google và Facebook đã chiếm hơn 80% doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số, nhưng họ lại từ chối trả chi phí truyền thông để sản xuất nội dung tin tức, khiến ngành báo chí truyền thống đối mặt với thách thức và thậm chí gần như phá sản.
Hiệp hội Báo chí Canada đã thống nhất mục đích của ngành báo chí quốc gia trong sự kiện này, là nâng cao nhận thức của công chúng về sự độc quyền của công cụ tìm kiếm Google và mạng xã hội Facebook, đã gây tổn hại cho nền báo chí và nền dân chủ.
Trang web chính thức của Hiệp hội Báo chí Canada đã công bố một báo cáo cho biết Facebook và Google đang độc quyền quảng cáo kỹ thuật số một cách hiệu quả, mang lại cho họ lợi thế và sức mạnh thị trường.
Tờ Liberty Times đưa tin Thẩm Vinh Khâm, phó giáo sư tại Đại học York ở Canada, đã đăng trên Facebook rằng ông đến một quầy bán báo để mua một tờ báo và bất ngờ nhận thấy trang nhất của tất cả các tờ báo đều trống trơn. Ngoại trừ tên tờ báo và một đoạn ngắn ở cuối tờ báo, tất cả các tờ báo đều là “một mảng trắng tinh”.
Nối tiếp danh sách 50 quan chức Trung Quốc ngã ngựa, ‘bá chủ’ một vùng bị điều tra
Lại thêm một quan chức cấp cao của Trung Quốc bị ngã ngựa. Tống Lượng, Phó tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc, đã trở thành “con hổ thứ hai” mở đầu cho năm 2021, theo Vision times.
Được biết trong nhiều năm qua ông Tống đã làm mưa làm gió ở Nội Mông, và sự sụp đổ của ông có thể liên quan đến quá trình ông công tác ở nơi này. Vision Times trích nguồn tin thân cận cho biết, ông Tống không chỉ có mối quan hệ sâu sắc với chính quyền Nội Mông, mà dường như còn có ô dù vững chắc ở Bắc Kinh.
Tống Lượng, con hổ thứ hai phát tài ở Nội Mông
Ông Tống, 58 tuổi, đến Khoa Kinh tế của Đại học Nội Mông để nghiên cứu thống kê quy hoạch vào năm 1981. Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại Nội Mông công tác trong vòng 32 năm. Đến tháng 3/2017, ông được điều chuyển làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cam Túc kiêm Phó tỉnh trưởng, sau đó bị “trượt chân”. Vì vậy, nhiều người đoán rằng lần “trượt chân” này của ông Tống nguyên nhân có thể xuất phát khi còn công tác ở Nội Mông.
Theo thông tin công khai trong lý lịch của ông Tống, người ta thấy ông này từng làm việc lâu năm trong Văn phòng Tổng cục của Chính quyền quận Nội Mông, từ các chức vụ nhỏ đến phó giám đốc. Giới quan sát cho rằng Tống Lương rõ ràng thuộc “Băng nhóm thư ký” (dùng để chỉ một số quan chức tham nhũng đã từng giữ chức thư ký của các lãnh đạo cấp nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18). Mặc dù ông Tống không nói rõ ông là thư ký của ai, nhưng theo dự đoán cấp bậc của vị quan đó phải tương đương với phó chủ nhiệm Tổng cục.
Trong Quá trình công tác ông Tống từng giữ nhiều chức vụ như: Phó bí thư Thành ủy Xích Phong từ 8/2011 đến 4/2014. Tháng 4/ 2014, ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nội Mông, tháng 11/2015 giữ chức Bí thư Thành ủy Vũ Hải, và từ 11/2016, đến 3/2017, giữ chức Bí thư Thành ủy Đồng Liên.
Doanh số bán súng đạt mức kỷ lục khi ông Biden lên nắm quyền
Doanh số bán súng tăng đột biến vào tháng 1/2021 sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. Người Mỹ tiếp tục mua súng với mức cao kỷ lục, theo Western Journal.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán và bạo loạn cánh tả trên khắp nước Mỹ đã đẩy doanh số bán súng và kiểm tra lý lịch khi mua súng tại quốc gia này lên mức cao mới năm 2020. Nhưng vào tháng đầu tiên của năm 2021, khi Joe Biden nhậm chức tổng thống thì nhu cầu mua súng của người dân đạt mức cao hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của FBI, vào tháng Một cơ quan này đã thực hiện hơn 4,3 triệu lần kiểm tra lý lịch thông qua Hệ thống Quốc gia Kiểm tra Lý lịch Tội phạm Tức thì (NICS). Đây là mức kiểm tra lý lịch tội phạm kỷ lục trong một tháng. (Lưu ý: Khi một cá nhân muốn mua súng, họ sẽ phải điền thông tin và gửi đến cơ quan NICS để kiểm tra lý lịch tội phạm và xét duyệt liệu họ có thể mua súng hợp pháp không).
Vào tháng 6 năm ngoái, khi xảy ra các vụ bạo loạn của nhóm BLM và Antifa, FBI đã báo cáo hơn 3.9 triệu lượt kiểm tra lý lịch mua súng. Con số này tăng nhẹ vào tháng 12, khi khả năng Biden đảm nhận chức vụ tổng thống tăng lên.
Nhưng sau sự cố Điện Capitol ngày 6/1, lệnh cấm những tiếng nói bảo thủ trên mạng xã hội (bao gồm cả Tổng thống khi đó là ông Donald Trump) và dự luật kiểm soát súng của chính quyền Biden, số lượng người Mỹ muốn mua súng đã tăng vọt lên 4,3 triệu.
Tất nhiên, việc kiểm tra lý lịch của NICS không phải lúc nào cũng tương đương với doanh số bán súng cuối cùng. Có những trường hợp mọi người thay đổi ý định, bị FBI quản thúc, mua nhiều hơn một khẩu súng hoặc bị hệ thống NICS từ chối quyền mua súng.
Theo ước tính của tổ chức Phân tích và Dự báo Vũ khí nhỏ (SAAF), 2,2 triệu khẩu súng đã được bán hợp pháp vào tháng 1/2021 ở Mỹ, tăng 79% so với tháng 1/2020.
Kinh tế gia trưởng của SAAF Jurgen Brauer cho biết, “Mức tăng 79% so với cùng kỳ năm trước không phải là chưa từng có. Mức tăng thậm chí còn cao hơn, [đạt mốc] nhỉnh hơn 100% vào tháng 1/2013, tháng bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama”.
Hành động của Đảng Dân chủ phản tác dụng, Greene trở thành ‘người Cộng hòa quyền lực nhất’?
Hôm thứ Sáu (5/2 theo giờ Mỹ) trong chương trình “The Faulkner Focus” của Fox News, Dân biểu Cộng hòa Matt Gaetz đã hoan nghênh bà Marjorie Taylor Greene sau khi Hạ viện bỏ phiếu loại bỏ bà khỏi các nhiệm vụ trong ủy ban của mình.
Ông Gaetz nói rằng kết quả của việc Đảng Dân chủ loại bỏ Greene khỏi các ủy ban của bà ấy, chỉ càng khiến bà có thể trở thành “một trong những người Cộng hòa quyền lực nhất Quốc hội”. Ông đảm bảo rằng nó đã khiến bà ấy trở thành “người mới quyền lực nhất trong Quốc hội”, theo Breitbart.
“Bravo, Marjorie Taylor Greene” (bravo là một tiếng khen ngợi), ông Gaetz phản ứng đối với cuộc họp báo của bàn Greene. “Điều đó tốt đến mức tôi gần như phải hút một điếu xì-gà sau đó. Bà ấy tập trung vào chính sách; bà ấy thật duyên dáng. Tôi nghĩ bà đã chỉ ra thói đạo đức giả của các phương tiện truyền thông”.
“Quan trọng nhất… chúng tôi thấy rằng ngày hôm qua Đảng Dân chủ đã khiến Marjorie Taylor Greene chắc chắn trở thành người mới [đắc cử vào Hạ viện] quyền lực nhất trong Quốc hội và có thể là một trong những đảng viên Cộng hòa quyền lực nhất trong Quốc hội”, ông tiếp tục.
“Còn người mới nào có thể chỉ huy một cuộc họp báo như vậy và khiến nó diễn ra với cơ hội chia sẻ những quan điểm và giá trị toát ra từ quận của họ? Marjorie hiện đang thoát khỏi dây trói. Tôi nghĩ bà sẽ là một diễn giả thu hút. Và nếu bà ấy thể hiện sự duyên dáng, tập trung và chú ý đến các chính sách quan trọng đối với người Mỹ hàng ngày như bà ấy đã làm trong cuộc họp báo đó, bà sẽ trở thành một nữ nghị sĩ rất thành công”.
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ 230 – 199 vào ngày 4/2, tuyên bố rằng những nhận xét của bà Green về QAnon vào năm 2018 là lý do loại bà khỏi Ủy ban Ngân sách và Giáo dục và Lao động của Hạ viện. Trong đó, 3 thành viên bỏ phiếu trắng, 11 thành viên Đảng Cộng hòa đã đồng ý. Yêu cầu này do Đảng Dân chủ nêu ra.
48 thượng nghị sĩ cam kết phản đối các dự luật tài trợ phá thai
Trong một bức thư gửi ngày thứ Sáu (5/2) cho Lãnh đạo Phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, 48 thượng nghị sĩ (TNS) Cộng hòa cam kết sẽ phản đối bất kỳ dự luật nào ủng hộ phá thai, bao gồm cả dự luật sẽ bãi bỏ Tu chính án Hyde, theo Breitbart.
TNS Cộng hòa Steve Daines, người dẫn đầu nỗ lực bảo vệ sự sống thai nhi này, tuyên bố về lá thư “Chúng tôi có một thông điệp cho Lãnh đạo Dân chủ Schumer: Chúng tôi sẽ bỏ phiếu để chặn bất kỳ chương trình nghị sự cấp tiến, ủng hộ phá thai nào. Điều này bao gồm bất kỳ dự luật nào làm suy yếu Tu chính án Hyde và các biện pháp lâu đời khác [nhằm] bảo vệ sinh mệnh. Tôi rất vui khi có 47 đồng nghiệp thân hữu tại Thượng viện tham gia cùng tôi trong cuộc chiến này. Chúng ta đang cùng nhau chiến đấu vì sự sống”.
Trong bức thư gửi ông Schumer, các TNS viết “Phá thai không phải chăm sóc sức khỏe. Đúng hơn, đó là một thủ tục tàn bạo hủy diệt cuộc sống của một đứa trẻ vô tội”. Bức thư cũng nhắc đến, Tu chính án Hyde phản ánh sự đồng thuận của hàng triệu người Mỹ, những người phản đối phá thai mạnh mẽ, không nên bị ép buộc đóng thuế để chi trả cho việc này.
Lá thư trích dẫn kết quả cuộc thăm dò gần đây của tổ chức Hiệp sĩ Columbus/ Maris cho thấy 58% người được khảo sát phản đối việc người đóng thuế phải tài trợ cho hoạt động phá thai ở Hoa Kỳ, trong đó bao gồm 31% đảng viên Dân chủ, 83% đảng viên Cộng hòa, và 65% người độc lập chính trị.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào