Header Ads

  • Breaking News

    Henry Kissinger Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ "Sờ mông con hổ"

    Cuộc chiến tranh Việt nam thứ ba

           Trong Tháng Tư 1979, Hoa Quốc Phong, vẫn còn là Thủ Tướng Trung Quốc, đã tóm tắt các kết quả của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba, trong đó Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam và đã triệt thoái sau sáu tuần lễ, trong một sự châm chọc khinh thường vai trò của Sô Viết: “Họ đã không dám cử động.  Như thế sau hết chúng tôi vẫn còn có thể sờ vào mông của con hổ.” 1

           Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam để”dạy cho nó một bài học” sau khi các binh sĩ Việt Nam đã chiếm đóng Căm Bốt trong sự đáp ứng với một chuỗi các vụ đụng độ biên giới với Khmer Đỏ, phe đã kiểm soát Căm Bốt trong năm 1975, và trong sự theo đuổi tối hậu mục đích của Hà Nội nhằm tạo lập một Liên Bang Đông Dương.  Trung Quốc đã làm như thế trong sự thách đố một hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa, được ký kết chưa đầy một thàng trước đó [sic, hiệp ước được ký kết vào ngày 3 Tháng Mười Một, 1978, tức gần bốn tháng trước ngày Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, chú của người dịch].  Cuộc chiến tranh đã gây hao tổn cực kỳ cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, vốn chưa hồi phục hoàn toàn từ các sự đánh phá của Cuộc Cách Mạng Văn Hóa. 2 Nhưng cuộc xâm lăng đã phục vụ mục tiêu nền tảng của nó: khi Liên Bang Sô Viết đã không đáp ứng, nó phô bày các giới hạn trong tầm tay với chiến lược của nó.  Từ quan điểm đó, nó có thể được xem là một điểm ngoặt của Chiến Tranh Lạnh, cho dù nó chưa được hiểu đầy đủ như thế vào lúc đó.  Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba cũng là cao điểm của sự hợp tác chiến lược Trung Quốc – Mỹ trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.

    Việt Nam: Kẻ Đã Làm Chưng Hửng Các Đại Cường

           Trung Quốc nhận thấy mình liên can đến Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba bởi các yếu tố khả sánh với những gì đã lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến thứ nhì.  Một vài điều gì đó trong dân tộc chủ nghĩa Việt Nam gần như điên cuồng đã thúc đẩy các xã hội khác đánh mất cảm giác thăng bằng và hiểu lầm các động lực của Việt Nam và các khả tính của riêng chúng.  Điều đó chắc chắn là định mệnh của Mỹ trong sự kiện giờ đây được mệnh danh bởi các sử gia là Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Nhì (cuộc chiến đầu tiên là là chiến tranh chống thực dân của Việt Nam đối với Pháp).  Người Mỹ nhận thấy khó khăn để chấp nhận rằng một dân tộc đang phát triển cỡ trung bình lại có thể vun bồi một cam kết mạnh mẽ đến thế chỉ vì các nguyên nhân có tính chất địa phương hạn hẹp của riêng nó.  Từ đó họ đã giải thích các hành động của Việt Nam như các biểu tượng của của một ý đồ sâu xa hơn.  Chiến đấu tính của Hà Nội được xem như một kẻ tiên phong của một âm mưu có phối hợp của Sô Viết – Trung Cộng để thống trị ít nhất Á Châu.  Và Hoa Thịnh Đốn cũng đã tin tưởng rằng một khi mũi tấn công đầu tiên bởi Hà Nội bị ngăn chặn, một số thỏa hiệp ngoại giao có thể xuất hiện.

           Sự lượng định này sai lầm trên cả hai căn bản.  Hà Nội đã không phải là kẻ thụ ủy của bất kỳ nước nào khác.  Nó đã chiến đấu cho dự kiến của mình về nền độc lập và, tối hậu, cho một Liên Bang Đông Dương, khối đã chỉ định cho Hà Nội tại Đông Nam Á vai trò khống chế mà Bắc Kinh đã thủ giữ trong lịch sử tại khu vực Đông Á.  Đối với những kẻ sống sót mang tư tưởng độc nhất này sau nhiều thế kỷ xung đột với Trung Hoa, sự thỏa hiệp là điều không thể tưởng tượng được giữa ý tưởng của họ về nền độc lập và khái niệm ổn định của bất kỳ nước ngoài nào.  Sự nhức nhối của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Nhì tại Đông Dương đã là sự tương tác giữa ao ước của Mỹ cho một sự thỏa hiệp và sự khẳng quyết của Bắc Việt trên sự chiến thắng.

           Trong ý nghĩa đó, lỗi lầm bao trùm của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam đã không phải là điều đã làm phân hóa công luận Mỹ: liệu chính phủ Hoa Kỳ đã dành đủ sự tận tâm cho một kết cuộc ngoại giao hay không.  Đúng hơn, đó là sự vô khả năng để đối diện với sự kiện rằng một kết cuộc được gọi là có tinh chất ngoại giao, được tìm kiếm một cách thiết tha – lẫn tuyệt vọng nữa – biết bao bởi các chính quyền liên tiếp của cả hai đảng chính trị Mỹ, đòi hỏi các áp lực tương đương với những gì dẫn đến sự bại trận hoàn toàn của Hà Nội – và rằng Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã chỉ có một vai trò tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải chỉ đạo.

           Trong một chiều hướng hạn chế hơn, Bắc Kinh đã rơi vào một sự hiểu lầm tương tự.  Khi sự củng cổ của Hoa Kỳ tại Việt Nam khởi sự, Bắc Kinh đã giải thích việc đó theo quan điểm wei qi (vi kỳ: cờ vây): như một thí dụ khác của các căn cứ Mỹ bao vây Trung Quốc từ Hàn Quốc xuống tời Eo Biển Đài Loan và giờ đây đến tận Đông Dương.  Trung Quốc đã ủng hộ cuộc chiến tranh du kích của Bắc Việt, một phần vì các lý do ý thức hệ, một phần để đẩy lùi các căn cứ Mỹ cách xa các biên giới Trung Quốc càng nhiều càng tốt.  Chu Ân Lai có nói với Thủ Tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng hồi Tháng Tư 1968 rằng Trung Quốc đã ủng hộ Bắc Việt để ngặn chặn sự bao vây chiến lược nhắm vào Trung Quốc, điều mà Phạm Văn Đồng đã đưa ra một sự trả lời lấp lửng – phần lớn bởi việc ngăn chặn sự bao vây Trung Quốc đã không phải là một mục tiêu của Việt Nam và các mục tiêu của Việt Nam là những mục tiêu có tính cách dân tộc:

    CHU: Trong thời gian dài, Hoa Kỳ đã bao vây phân nửa Trung Quốc.  Giờ đây Liên Bang Sô Viết cũng đang bao vây Trung Quốc.  Sự bao vây đang trở nên trọn vẹn, ngoại trừ [phần thuộc] Việt Nam.

    PHẠM: Chúng tôi tất cả đều quyết tâm hơn để đánh bại đế quốc Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

    CHU: Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ các ông.

    PHẠM:  Khi chúng tôi chiến thắng điều đó sẽ có một tác động tích cực tại Á Châu.  Cuộc chiến thắng của chúng tôi sẽ mang lại các kết cuộc không thể tiên đoán được.

    CHU: Ông nên nghĩ theo cách đó. 3

           Trong sự theo đuổi một chiến lược Trung Quốc mà Phạm Văn Đồng đã cẩn thận tách ra xa khỏi nó, Trung Quốc đã gửi hơn 100,000 nhân viên phi quân sự để trợ giúp hạ tầng cơ sở và sự tiếp vận của Bắc Việt.  Hoa Kỳ đã chống đối Bắc Việt như mũi giáo của một ý đồ của Nga-Hoa.  Trung Quốc đã ủng hộ Hà Nội để làm cùn nhụt một sự công kích Mỹ được nhận thức nhằm thống trị Á Châu.  Cả hai đều đã sai lầm.  Hà Nội đã chiến đấu chỉ cho lý lẽ dân tộc của chính nó.  Và một Việt Nam thống nhất do Cộng San lãnh đạo, chiến thắng trong cuộc chiến tranh thứ nhì của nó vào năm 1975, hóa ra sẽ là một mối đe dọa chiến lược lớn hơn nhiều đối với Trung Quốc chứ không phải đối với Hoa Kỳ.

           Phía Việt Nam nhìn lân bang phương bắc của họ với sự nghi ngờ dẫn đến hoảng loạn.  Trong các thời kỳ kéo dài của sự đô hộ của Trung Hoa, Việt Nam đã hấp thụ hệ thống chữ viết và các hình thức văn hóa và chính trị của Trung Hoa (được làm bằng, một cách ngoạn mục nhất, với hoàng cung và các lăng tẩm tại cố đô Huế).  Tuy nhiên, Việt Nam đã sử dụng các định chế “Trung Hoa” này để xây dựng một quốc gia riêng biệt và củng cố nền độc lập của riêng mình.  Địa dư đã không cho phép Việt Nam rút lui về sự cô lập như Nhật Bản đã từng làm ở những thời kỳ tương tự trong lịch sử của nó.  Từ thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ mười, Việt Nam nằm dưới sự cại trị ít nhiều trực tiếp của Trung Hoa, đã chỉ vùng lên một cách trọn vẹn như một quốc gia độc lập với sự sụp đổ của triều đại nhà Đường trong năm 907.

           Căn cước dân tộc Việt Nam đã kết tụ để phản ảnh di sản của hai lực lượng phần nào mâu thuẫn nhau: một mặt, sự hấp thụ văn hóa Trung Hoa; mặt khác, sự chống đối việc đô hộ quân sự và chính trị của Trung Hoa.  Sự kháng cự Trung Quốc đã trợ lực vào việc sản sinh ra một niềm tự hào nhiệt thành trong sự độc lập của Việt Nam và một truyền thống quân sự đáng vị nể.  Sự hấp thụ văn hóa Trung Hoa đã mang lại cho Việt Nam một giới tinh hoa Khổng học theo kiểu Trung Hoa sở đắc một điều gì đó của một mặc cảm Vương Quốc Trung Tâm cấp miền của chính họ đối với các lân bang.  Trong các cuộc chiến tranh Đông Dương của thế kỷ thứ hai mươi, Hà Nội đã phô bày cảm thức của nó về phẩm cách văn hóa và chính trị qua việc lợi dụng lãnh thổ trung lập của Lào và Căm Bốt như thể là hợp lý và, sau chiến tranh, nối dài “các mối quan hệ đặc biệt” với các phong trào Cộng Sản tại mỗi nước này, đến mức độ chẳng khác nào sự thống trị của Việt Nam.

           Việt Nam đã đối đầu với Trung Quốc với một sự thách đố địa chính trị và tâm lý chưa từng có.  Các nhà lãnh đạo Hà Nội quen thuộc với Binh Pháp của Tôn Tử và đã sử dụng các nguyên tắc của nó với hiệu quả đáng kể chống lại cả nước Pháp lẫn Hoa Kỳ.  Ngay trước khi chấm dứt các cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài, trước tiên với người Pháp tìm cách thu hồi thuộc địa của họ sau Thế Chiến II, và sau đó với Hoa Kỳ từ 1963 đến 1975, cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều bắt đầu nhận thức rằng cuộc tranh chấp sắp tới sẽ là giữa họ với nhau để khống chế Đông Dương và Đông Nam Á.

           Sự gần gũi văn hóa có thể chịu trách nhiệm cho sự vắng bóng tương đối của sự chứng thực kỹ lưỡng trong sự phân tích chiến lược vốn thường hướng dẫn chính sách Trung Quốc trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam của Mỹ.  Một cách mỉa mai, quyền lợi chiến lược dài hạn của Bắc Kinh có thể tương đồng với quyền lợi của Hoa Thịnh Đốn: một kết cuộc trong đó bốn quốc gia Đông Dương (Bắc và Nam Việt Nam, Căm Bốt và Lào) cân đối lẫn nhau.  Điều này có thể giải thích lý do tại sao họ Mao, khi phác họa các kết cuộc khả hữu của cuộc chiến với [ký giả Mỹ] Edgar Snow trong năm 1965, đã liệt kê một kết cuộc duy trì Nam Việt Nam là khả hữu và, do đó, được giả định có thể chấp nhận được. 4

           Trong cuộc du hành bí mật của tôi đến Bắc Kinh trong năm 1971, họ Chu đã giải thích các mục tiêu của Trung Quốc tại Đông Dương là không có tính chất chiến lược hay ý thức hệ.  Theo họ Chu, chính sách của Trung Quốc tại Đông Dương được đặt hoàn toàn trên một món nợ lịch sử bị vướng mắc bởi các triều đại cổ xưa.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã giả định rằng Mỹ không thể bị bại trận và rằng miền bắc của một Việt Nam bị phân chia sẽ đi đến việc lệ thuộc vào sự ủng hộ của Trung Quốc nhiều như Bắc Hàn đã lệ thuộc sau khi chấm dứt Chiến Tranh Triều Tiên.

           Khi cuộc chiến tiếp diễn, đã có vài dấu hiệu rằng Trung Quốc đã tự chuẩn bị -- mặc dù miễn cưỡng – cho sự chiến thắng của Hà Nội.  Tình báo ghi nhận sự xây dựng đường xá Trung Quốc tại miền bắc Lào là không có liên quan gì đến cuộc xung đột đang tiếp diễn với Hoa Kỳ, nhưng sẽ hữu dụng cho chiến lược hậu chiến tranh để đối cân với Hà Nội hay ngay cả một cuộc xung đột khả hữu trên nước Lào.  Trong năm 1973, sau Hiệp Định Paris chấm dứt Chiến Tranh Việt Nam, họ Chu và tôi đang thương thảo một giải pháp hậu chiến cho Căm Bốt dựa trên một liên hiệp giữa Norodom Sihanouk (nhà cựu lãnh đạo Căm Bốt lưu vong, cư trú tại Bắc Kinh), chính phủ đương quyền tại Nam Vang, và phe Khmer Đỏ.  Mục đích chính của nó là tạo lập một chướng ngại vật cho một sự chiếm đoạt Đông Dương bởi Hà Nội.  Sự thỏa thuận sau hết đã bị yểu tử khi Quốc Hội Hoa Kỳ trong thực tế đã ngăn cấm bất kỳ vai trò quân sự nào khác cho Mỹ trong vùng, khiến cho vai trò của Mỹ không còn quan trọng. 5

           Sự thù nghịch ngấm ngầm của Hà Nội đối với đồng minh của nó khi đó được tỏ rõ với tôi trong một cuộc thăm viếng Hà Nội hồi Tháng Hai 1973, được trù liệu để giải quyết sự thi hành Hiệp Định Paris, vốn được ký kết hai tuần trước.  Lê Đức Thọ đã đưa tôi đi thăm bảo tàng viện quốc gia của Hà Nội, chủ yếu để chỉ cho tôi thấy các phần dành cho các cuộc đấu tranh lịch sử của Việt Nam  chống lại Trung Quốc – vẫn chính thức là một đồng minh của Việt Nam.

           Với sự sụp đổ của Sàigòn trong năm 1975, các sự tranh giành lịch sử và cố hữu bùng nổ thành công khai, dẫn đến một sự chiến thắng của địa chính trị trên ý thức hệ.  Nó đã chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không đơn độc trong việc lượng định một cách sai lầm ý nghĩa của Chiến Tranh Việt Nam.  Khi Hoa Kỳ vừa mới can thiệp lần đầu, Trung Quốc đã nhìn nó như một kiểu hắt hơi sau cùng của chủ nghĩa đế quốc.  Nó đã – gần như thường lệ -- buộc số phận của nó với Hà Nội.  Nó đã giải thích sự can thiệp của Hoa Kỳ như một bước tiến nữa đến sự bao vây Trung Quốc – giống như nó đã nhìn sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Triều Tiên một thập niên trước đó.

           Một cách mỉa mai, từ một quan điểm địa chính trị, các quyền lợi trường kỳ của Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn phải song hành với nhau.  Cả hai đều ưa thích sự duy trì nguyên trạng (status quo), tức một Đông Dương được phân chia giữa bốn quốc gia.  Hoa Thịnh Đốn đã kháng cự sự thống trị của Hà Nội tại Đông Dương bởi ý tưởng từ thời [Tổng Thống] Wilson về trật tự toàn cầu – quyền tự quyết của các quốc gia hiện hữu – và khái niệm về một âm mưu Cộng Sản toàn cầu.  Bắc Kinh đã có cùng mục tiêu tổng quát, nhưng từ quan điểm địa chính trị, bởi vì nó đã muốn né tránh sự xuất hiện của một khối Đông Nam Á ở biên giới phía nam của nó.

           Trong một lúc, Bắc Kinh dường như tin tưởng rằng ý thức hệ Cộng Sản sẽ đánh thắng một lịch sử nghìn năm chống đối của Việt Nam đối với sự chế ngự của Trung Hoa.  Hoặc nó đã không nghĩ rằng có khi nào mà Hoa Kỳ lại có thể bị dẫn tới một sự bại trận hoàn toàn.  Với hậu quả của sự sụp đổ của Sàigòn, Bắc Kinh bị buộc phải đối diện với các hàm ý trong chính sách của chính nó.  Và nó đã co vòi trước chúng.  Kết cuộc tại Đông Dương hòa nhập với nỗi lo sợ thường trực của Trung Quốc về sự bao vây.  Việc ngăn chặn một khối Đông Dương được nối kết với Liên Bang Sô Viết đã trở thành mối bận tâm vượt trội của chính sách ngoại giao Trung Quốc dưới thời họ Đặng và là một mối dây nối kết với sự hợp tác gia tăng với Hoa Kỳ.  Hà Nội Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, và Hoa Thịnh Đốn đang chơi một trận đánh cờ vây (wei qi: vi kỳ) bốn bên.  Các biến cố tại Căm Bốt và tại Việt Nam sẽ xác định ai là kẻ sẽ sau hết bị bao vây và trung lập hóa: Bắc Kinh hay Hà Nội.

           Cơn ác mộng bị bao vây của Bắc Kinh bởi một quyền lực thù nghịch rõ ràng đã trở thành sự thực.  Việt Nam không thôi đã đủ đáng nể sợ.  Nhưng nếu nó thực hiện mục tiêu của nó về một Liên Bang Đông Dương, nó sẽ tiến tới một khối có dân số 100 triệu người, và sẽ ở vào một vị thế tạo áp lực đáng kể trên Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác.  Trong khung cảnh này, sự độc lập của Căm Bốt như một đối lực với Hà Nội trở thành một mục tiêu chính yếu của Trung Quốc.  Ngày từ Tháng Tám 1975—ba tháng sau khi có sự sụp đổ của Sàigòn—Đặng TiỂu Bình có nói với nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đang sang thăm, Khieu Samphan: “Khi một siêu cường [Hoa Kỳ] bị buộc phải triệt thoái các lực lượng của nó ra khỏi Đông Dương, siêu cường khác [Liên Bang Sô Viết] đã nắm lấy cơ hội … để vươn các vòi độc ác của nó đến Đông Nam Á … trong một mưu toan nhằm thực hiện sự bành trướng ở đó”. 6  Căm Bốt và Trung Quốc, họ Đặng nói, “cả hai … đều đối diện với công tác chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền … Chúng ta vững tin rằng … hai dân tộc chúng ta sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa và cùng tiến bước đến các sự chiến thắng mới trong cuộc đấu tranh chung”. 7 Trong một cuộc thăm viếng hồi Tháng Ba 1976 của Thủ Tướng Lào Kaysone Phomvihane tại Bắc Kinh, Hoa Quốc Phong, khi đó là Thủ Tướng, đã cảnh cáo về Liên Bang Sô Viết một cách cơ bản rằng “Đặc biệt, siêu cường tuyên truyền “hòa hoãn” trong khi vươn các móng vuốt chụp bắt ở mọi nơi đang xúc tiến sự bành trướng vũ trang của nó và các sự chuẩn bị chiến tranh và đang mưu toan để mang nhiều nước hơn vào trong khu vực ảnh hưởng của nó và đóng vai vị chúa tể nắm bá quyền”. 8

           Được giải thoát khỏi nhu cầu liên đới Cộng Sản giả tạo trong sự đối diện với mối de dọa “đế quốc chủ nghĩa” của Mỹ, các đối thủ đã tiến tới sự chống đối lẫn nhau công khai không lâu sau sự sụp đổ của Sàigòn hồi Tháng Tư 1975.  Trong vòng sáu tháng sau sự sụp đổ của toàn thể Đông Dương, 150000 người Việt Nam đã bị buộc phải rời khỏi Căm Bốt.  Một số lượng tương tự các công dân Việt Nam gốc Hoa bị buộc phải chạy trốn khỏi Việt Nam.  Vào Tháng Hai 1976, Trung Quốc đã chấm dứt chương trình viện trợ của nó cho Việt Nam, và một năm sau đó, nó đã căt đứt bất kỳ sự chuyển giao nào dựa trên các chương trìnhhiện có.  Cùng lúc, Hà Nội đã hướng đén Liên Bang Sô Viết.  Tại một phiên họp của Bộ Chính Trị Việt Nam hồi Tháng Sáu 1978, Trung Quốc đã bị xác định là “kẻ thù chính” của Việt Nam.  Trong cùng tháng đó, Việt Nam đã gia nhập khối Comecon, khối mậu dịch do Sô Viết cầm đầu.  Trong Tháng Mười Một 1978, Liên Bang Sô Viết và Việt Nam đã ký kết Hiệp Ước Hợp Tác và Hữu nghị, có chứa đựng các điều khoản về quân sự.  Trong Tháng Mười Hai 1978, bộ đội Việt Nam đã xâm lăng Căm Bốt, lật đổ phe Khmer Đỏ, và dựng lên một chính phủ thân Việt Nam.

           Ý thức hệ đã biến mất khỏi cuộc xung đột.  Các trung tâm quyền lực Cộng Sản đang thực hiện một cuộc tranh giành cán cân quyền lực không dựa trên ý thức hệ mà dựa trên quyền lợi quốc gia.

           Nhìn từ Bắc Kinh, một cơn ác mộng chiến lược đang tiến triển dọc các biên giới của Trung Quốc.  Tại phía bắc, sự củng cố của Sô Viết tiếp tục không suy giảm: Mạc Tư Khoa vẫn duy trì gần năm mươi sư đoàn dọc biên giới.  Tại phía tây của Trung Quốc, A Phú Hãn đã trải qua một cuộc đảo chính Mác Xít và chịu ảnh hưởng Sô Viết ngày càng công khai. 9 Bắc Kinh cũng nhìn thấy bàn tay của Mạc Tư Khoa trong cuộc cách mạng tại Iran, lên đến cực điểm với sự bỏ chạy của Quốc Vương Iran (Shah) vào ngày 16 Tháng Một, 1979.  Mạc Tư Khoa tiếp tục thúc đẩy một hệ thống an ninh tập thể tại Á Châu với không mục đích khả tín nào khác hơn là để ngăn chặn Trung Quốc.  Trong khi đó, Mạc Tư Khoa đang thương thảo Hiệp Ước SALT II với Hoa Thịnh Đốn.  Trong sự nhận thức của Bắc Kinh, các thỏa ước như thế phục vụ cho việc “đẩy các dòng nước độc hại của Liên Bang Sô Viết hướng về phía đông” đến Trung Quốc.  Trung Quốc xem ra sẽ ở vào một vị thế dễ bị xâm hại một cách khác thường.  Giờ đây Việt Nam đã gia nhập vào cánh Sô Viết.  “Các kết cuộc không thể nhìn trước được” được tiên đoán bởi Phạm Văn Đồng với họ Chu trong năm 1968 rõ ràng bao gồm sự bao vây của Sô Viết đối với Trung Quốc.  Một sự phúc tạp bổ túc là tất cả các sự thách đố này đã diễn ra trong lúc họ Đặng vẫn còn đang củng cố vị thế của ông ta trong đợt quay lại nắm quyền lần thứ nhì – một tiến trình không hoàn tất cho đến năm 1980.         

           Một sự khác biệt chính yếu giữa chiến lược ngoại giao của Trung Quốc và Tây Phương là phản ứng đối với tính khả dĩ bị xâm hại nhận thức được.  Các nhà ngoại giao Mỹ và Tây Phương kết luận rằng họ phải tiến bước một cách thận trọng để né tránh sự khiêu khích; sự đáp ứng của Trung Quốc nhiều phần sẽ làm lớn hơn sự thách đố.  Các nhà ngoại giao Tây Phương có khuynh hướng để kết luận, từ một cán cân lực lượng không thuận lợi, về một mệnh lệnh cho một giải pháp ngoại giao; họ đã thúc giục các sáng kiến ngoại giao để đặt phía bên kia vào chỗ “sai trái” nhằm cô lập nó về mặt tinh thần nhưng từ bỏ sự sử dụng vũ lực – đây thực sự là lời khuyến cáo của Mỹ cho họ Đặng sau khi Việt Nam xâm lăng Căm Bốt và chiếm đóng xứ này.  Các chiến lược gia Trung Quốc nhiều phần sẽ gia tăng sự cam kết của họ để thay thế cho sự can đảm và áp lực tâm lý chống lại lợi thế cụ thể của đối phương.  Họ tin tưởng nơi sự cấm chỉ dưới hình thức đánh phủ đầu.  Khi các nhà hoạch định Trung Quốc kết luận rằng đối thủ của họ đang giành đoạt lợi thế không thể chấp nhận được và rằng chiều hướng chiến lược đang quay ngược lại họ, họ đáp ứng bằng cách theo đuổi việc triệt hạ sự tự tin của địch thủ và cho phép Trung Quốc thu hồi thế thượng phong về tâm lý, nếu không phải về mặt cụ thể.

           Đối diện với một sự đe dọa ở mọi mặt trận, họ Đặng đã quyết định tiến hành cuộc tấn công chiến lược và ngoại giao.  Mặc dù vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn tại Bắc Kinh, ông ta đã di chuyển một cách táo bạo trên vài mức độ ở hải ngoại.  Ông đã thay đổi lập trường của Trung Quốc đối với Liên Bang Sô Viết từ sự ngăn chặn sang sự thù nghịch chiến lược công khai và, trong thực tế, đẩy lùi [nó].  Trung Quốc sẽ không còn tự giới hạn mình vào việc cố vấn Hoa Kỳ về phương cách ngăn chặn Liên Bang Sô Viết; giờ đây nó sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc xây dựng một liên hiệp chống Sô Viết và chống Việt Nam, đặc biệt tại Á Châu.  Nó sẽ sắp xếp các sự việc vào đúng chỗ cho một sự biểu dương khả hữu với Hà Nội.

    Chính Sách Ngoại Giao Của Họ Đặng –

    Đối Thoại Với Mỹ Và Bình Thường Hóa

           Khi họ Đặng quay trở lại từ cuộc lưu đầy thứ nhì trong năm 1977, ông đã đảo ngược chính sách đối nội của họ Mao nhưng giữ lại phần lớn chính sách ngoại giao của họ Mao.  Điều này xảy ra bởi cả hai cùng chia sẻ các cảm nhận dân tộc mạnh mẽ và đã có các quan điểm tương tự về quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.  Nó cũng đã xảy ra bởi chính sách ngoại giao đã đặt ra nhiều giới hạn tuyệt đối đối với các xung động cách mạng của họ Mao nhiều hơn chính sách đối nội.

           Tuy nhiên, đã có một sự khác biệt đáng kể về phong cách giữa sự phê bình của họ Mao và họ Đặng.  Họ Mao đã tra vấn về các chủ định chiến lược trong chính sách đối với Sô Viết của Mỹ.  Họ Đặng giả định một sự đồng nhất về các quyền lợi chiến lược và đã tập trung vào việc giành đạt được một sự thi hành tương tự.  Họ Mao đối phó với Liên Bang Sô Viết như một loại hăm dọa chiến lược trừu tượng mà sự dọa nạt không áp dụng nhiều đối với Trung Quốc cho bằng phần còn lại của thế giới.  Họ Đặng đã nhìn nhận mối nguy hiểm đặc biệt đối với Trung Quốc, nhất là một mối đe dọa trực tiếp ở biên giới phía nam Trung Quốc cộng với một sự đe dọa tiềm tàng ở phía bắc.  Sự đối thoại vì thế mang một tính chất hoạt động hơn.  Họ Mao hành động như  một giáo viên tuyệt vọng, họ Đặng như một đối tác đòi hỏi hơn.

           Đối diện với mối hiểm nghèo thực sự, họ Đặng đã chấm dứt sự mâu thuẫn về mối quan hệ với Mỹ trong năm cuối cùng của họ Mao.  Không còn bất kỳ sự hoài niệm nào của Trung Quốc về các cơ hội nhân danh cách mạng thế giới.  Họ Đặng, trong tất cả các cuộc đàm thoại sau khi ông quay trở về, đã lập luận rằng, trong việc kháng cự mối đe dọa của chính sách của Sô Viết đối với Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản cần phải được mang đặt vào trong một kế hoạch toàn cầu.

           Bất kể sự gần gủi đến đâu của sự tham khảo đã diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khoảng cách vẫn hiện diện rằng Mỹ còn chính thức thừa nhận Đài Loan như chính phủ chính thống của Trung Hoa và Đài Bắc như là thủ đô của Trung Hoa.  Các đối thủ của Trung Quốc dọc theo các biên giới phía bắc và phía nam có thể giải thích sai lạc rằng sự thiếu vắng việc thừa nhận như là một cơ hội.

           Sự bình thường hóa các quan hệ đã di chuyển lên trên cùng trong nghị trình Trung Quốc – Mỹ khi Jimmy Carter đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống.  Cuộc thăm viếng đầu tiên đến Bắc Kinh của tân Bộ Trưởng Ngoại Giao, Cyrus Vance, trong Tháng Tám 1977 đã không diễn tiến một cách tốt đẹp.  “Tôi rời Hoa Thịnh Đốn”, ông Vance đã viết trong tập hồi ký của mình:

    Tin tưởng rằng sẽ là điều không khôn ngoan để đảm nhận một vấn đề dễ gây tranh luận chính trị như sự bình thường hóa với Trung Quốc cho đến khi vấn đề Panama [chỉ sự phê chuẩn hiệp ước Kinh Đào Panama trao trả sự điều hành kinh đào] được thanh lý xong, trừ khi – và tôi đã không kỳ vọng nó sẽ xẩy ra -- phía Trung Quốc chấp nhận toàn thể đề nghị của của chúng ta.  Vì các lý do chính trị, tôi có ý định để phô bày một lập trường tối đa đối với Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan … Theo đó, tôi đã không kỳ vọng phía Trung Quốc chấp nhận đề nghị của chúng ta, nhưng tôi đã cảm thấy đó là điều khôn ngoan để làm như thế, cho dù rốt cuộc chúng ta có thể phải từ bỏ nó”. 10

           Đề nghị của Mỹ về Đài Loan chứa đựng một loạt các ý tưởng liên can đến sự duy trì một vài sự hiện diện ngoại giao hạn chế của Mỹ về Đài Loan đã được đưa ra và bị bác bỏ dưới thời chính quyền [Tổng Thống] Ford.  Các đề nghị một lần nữa bị bác bỏ bởi họ Đặng, kẻ đã gọi chúng là một bước giựt lùi.  Một năm sau đó, cuộc tranh luận nội bộ phía Mỹ đã chấm dứt khi Tổng Thống Carter quyết định dành ưu tiên cao cho mối quan hệ với Trung Quốc.  Các áp lực của Sô Viết tại Phi Châu và Trung Đông đã thuyết phục vị tân Tổng Thống lựa chọn sự bình thường hóa mau lẹ với Trung Quốc, bằng điều không khác gì lời yêu cầu một liên minh chiến lược trong thực tế với Trung Quốc.  Vào ngày 17 Tháng Năm 1978, Tổng Thống Carter đã phái viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của ông, Zbigniew Brzezinski, sang Bắc Kinh với các chỉ thị này:

    Ông cần nhấn mạnh rằng tôi nhìn Liên Bang Sô Viết trong bản chất có một quan hệ cạnh tranh với Hoa Kỳ, tuy rằng cũng có một số khía cạnh hợp tác …

    Để nói một cách cô đọng nhất, sự quan ngại của tôi rằng sự kết hợp của quyền lục quân sự Sô Viết gia tăng và sự thiển cận về chính trị, được nuôi dưỡng bởi các tham vọng đại cường, có thể lôi cuốn Liên Bang Sô Viết đến cả việc khai thác sự xáo trộn địa phương (đặc biệt trong Thế Giới Thứ Ba) lẫn việc dọa nạt các thân hữu của chúng ta hầu tìm kiếm lợi thế chính trị và sau rốt ngay cả ưu thế chính trị. 11

           Brzezinski cũng được phép để tái khẳng định năm nguyên tắc được đề ra bởi Nixon với họ Chu trong năm 1972. 12 Một người bênh vực mạnh mẽ từ lâu cho sự hợp tác chiến lược với Trung Quốc, Brzezinski thi hành các chỉ thị của ông với lòng nhiệt thành và sự khéo léo.   Khi ông đén viếng thăm Bắc Kinh trong Tháng Năm 1978 để theo đuổi các quan hệ bình thường hóa, Brzezinski tìm thấy một thính giả đón nhận.  Họ Đặng thì hăng hái để xúc tiến việc bình thường hóa hầu chiêu mộ Hoa Thịnh Đốn một cách vững chắc hơn vào một liên hiệp chống lại, bằng điều mà ông gọi là “công việc cụ thể, chắc chắn và không viển vông”, các sự tiến bước của Sô Viết ở khắp mọi ngóc ngách của hoàn cầu.

           Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu xa về các mối nguy hiểm chiến lược bao quanh họ; nhưng họ đã trình bày sự phân tích của họ ít mang vẻ quan tâm quốc gia hơn là một cái nhìn bao quát về các tình trạng toàn cầu.  “Sự xáo trộn dưới vòm trời”, “trục nằm ngang” “Ba Thế Giới”: tất cả đều tượng trưng cho các lý thuyết đại cương về các quan hệ quốc tế; không phải là các nhận thức dân tộc riêng biệt.  

           Sự phân tích của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoàng Hoa về tình hình quốc tế phô bày một sự tự tin rõ rệt.  Thay vì xuất hiện như một kẻ khẩn nài trong điều là, sau hết, một tình trạng vô cùng khó khăn cho Trung Quốc, họ Hoàng đã có thái độ của một giáo viên Khổng học, thuyết giảng về cách thức để thực hiện một chính sách ngoại giao bao quát.  Ông ta mở đầu với một sự lượng định tổng quát về “các mâu thuẫn” giữa hai siêu cường, sự vô ích của các cuộc thương thảo với Liên Bang Sô Viết, và tính tất yếu của một cuộc thế chiến:

    Liên Bang Sô Viết là nguồn gốc nguy hiểm nhất của chiến tranh.  Ông đã đề cập rằng Liên Bang Sô Viết bị đối diện với nhiều khó khăn.  Điều đó thì đúng.  Gắng sức cho một bá quyền thế giới là mục đích chiến lược cố định của chủ nghĩa đế quốc xã hội Sô Viết.  Mặc dù nó có thể phải gánh chịu nhiều sự thoái bộ, nó sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng của nó. 14

           Họ Hoàng đã nêu lên các quan ngại cũng quấy rầy các sinh viên Mỹ về chiến lược – đặc biệt những ai cố gắng liên hệ các vũ khí hạt nhân với các phương cách suy nghĩ cổ truyền về chiến lựoc.  Sự lệ thuộc vào các vũ khí hạt nhân sẽ mở ra một khoảng trống giữa các đe dọa cấm chỉ và sự sẵn lòng để thi hành chúng: “Về lập luận rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không dám sử dụng các khí giới quy ước bởi lo sợ sự tấn công hạt nhân từ khối Tây, đây chỉ là một ý nghĩ ước mơ.  Đặt một lập trường chiến lược trên ý nghĩ này không chỉ nguy hiểm mà còn không đáng tin cậy”. 15

           Tại Trung Đông – “cạnh sườn của Âu Châu” và một “nguồn năng lượng trong một cuộc chiến tranh tương lai” – Hoa Kỳ đã thất bại để ngăn chặn các bước tiến của Sô Viết.  Nó đã đưa ra một bản tuyên bố chung về Trung Đông với Liên Bang Sô Viết (mời các quốc gia trong vùng đến dự một hội nghị để thăm dò triển vọng của một giải pháp toàn diện cho Palestine), “chính từ đó mở rộng cánh cửa cho Liên Bang Sô Viết để xâm nhập sâu hơn vào Trung Đông”.  Hoa thịnh Đốn đã để cho Tổng Thống Anwar Sadat của Ai Cập – kẻ mà “hành động táo bạo” đã “tạo ra một tình trạng bất lợi cho Liên Bang Sô Viết” -- ở vào một vị thế nguy hiểm và đã cho phép Liên Bang Sô Viết “nắm lấy cơ hội để nâng cao sự phân hóa nghiêm trọng giữa các nước Ả Rập”. 16

           Họ Hoàng đã tóm tắt tình hình bằng việc viện dẫn một châm ngôn cổ của Trung Quốc: “sự nhượng bộ” trước Mạc Tư Khoa, ông ta nói, thì “giống như chắp thêm cánh cho một con hổ để tăng cường sức mạnh cho nó”.  Nhưng một chính sách của áp lực có phối hợp sẽ thắng thế, bởi vì Liên Bang Sô Viết đã “chỉ mạnh bề ngoài nhưng yếu bên trong.    Nó dọa nạt nước yếu và sợ các nước mạnh”. 17

           Tất cả điều này là để cung cấp khung cảnh cho Đông Dương.  Họ Hoàng đã nói đến “vấn đề bá quyền cấp miền”.  Mỹ, dĩ nhiên, đã giẫm chân trên con đường này khoảng gần mười năm trước đây.  Việt Nam đã nhắm thống trị Căm Bốt và Lào và thành lập một Liên Bang Đông Dương – và “đàng sau sự việc đó là Liên Bang Sô Viết”.  Hà Nội đã sẵn đạt được một vị trí khống chế tại Lào, đang đồn trú binh sĩ ở đó và duy trì “các cố vấn ở mọi bộ và trong mọi cấp ở Lào”.  Nhưng Hà Nội đã gặp phải sự kháng cự tại Căm Bốt, nước chống đối các tham vọng cấp miền của Việt Nam.  Sự căng thẳng giữa Việt Nam – Căm Bốt tượng trưng “không chỉ một vài vụ đụng độ rời rạc dọc biên giới” mà là một cuộc xung đột lớn “có thể kéo dài trong một thời khoảng lâu dài”.  Trừ khi Hà Nội từ bỏ mục đích của nó nhằm thống trị Đông Dương.  “vấn đề sẽ không được giải quyết trong một thời kỳ ngắn ngủi”. 18

           Họ Đặng đã tiếp nối sự phê bình của Hoàng Hoa sau đó trong cùng ngày.  Các sự nhượng bộ và các thỏa ước sẽ không bao giờ tạo ra sự kiềm chế của Sô Viết, ông ta đã cảnh cáo Brzezinski.  Mười lăm năm của các thỏa ước về vũ khí đã cho phép Liên Bang Sô Viết đạt được sự ngang bằng chiến lược với Hoa Kỳ.  Mậu dịch với Liên Bang Sô Viết có nghĩa rằng “Hoa Kỳ đang trợ giúp Liên Bang Sô Viết khắc phục các nhược điểm của nó”.  Họ Đặng đã đề nghị một sự lượng định chế diễu về các sự đáp ứng của Mỹ đối với chính sách phiêu lưu của Sô Viết tại Thế Giới Thứ Ba và quở trách Hoa Thịnh Đốn về việc cố gắng “làm vừa lòng” Mạc Tư Khoa:

    Các phát ngôn viên của ông thường trực biện minh và xin lỗi cho các hành động của Sô Viết.  Đôi khi họ nói rằng không có các dấu hiệu chứng minh là có sự can thiệp của Liên Bang Sô Viết và Cuba trong trường hợp Cộng Hòa Zaire [tức Congo thuộc Bỉ trước đây, chú của người dịch] hay Angola.  Nó chẳng có ích gì khi ông nói như thế.  Xin thẳng thắn với ông, bất kỳ khi nào quý ông sắp sửa ký kết một thỏa ước với Liên Bang Sô Viết, đó chính là một sản phẩm của [một] sự nhượng bộ về phía Hoa Kỳ để làm vui lòng phía Sô Viết”. 19

           Đó là một màn trình diễn khác thường.  Xứ sở vốn đã mục tiêu chính yếu của Liên Bang Sô Viết đang đề nghị hành động chung như một nghĩa vụ theo quan niệm luận, không phải như một sự thương nghị giữa các nước, càng không phải như một yêu cầu.  Vào thời khắc có sự nguy hiểm quốc gia lớn lao – điều mà sự phân tích của chính nó phơi bày – Trung Quốc tuy thế đã hành động như một giảng viên về chiến lược, không phải như một khách tiêu thụ thụ động các toa  thuốc của Hoa Kỳ, giống như các đồng minh Âu Châu của Mỹ thường làm.

           Các chất liệu của phần lớn sự tranh luận của Mỹ -- luật quốc tế, các giải pháp đa phương, sự đồng thuận của dân chúng – thì vắng mặt trong sự phân tích của Trung Quốc ngoại trừ như các công cụ thực tiễn cho một mục tiêu đã đồng ý.  Và mục tiêu đó, như họ Đặng đã vạch ra với Brzezinski, là “đối đầu với con gấu bắc cực và sự thể là như thế đó”. 20

           Nhưng đối với người Mỹ có một giới hạn với điều được gọi là khảo hướng hiện thực trong các giá trị nền tảng của xã hội Mỹ.  Và phe sát nhân Khmer Đỏ cai trị Căm Bốt tượng trưng cho một giới hạn như thế.  Không vị Tổng Thống Mỹ nào lại có thể đối xử với Khmer Đỏ như một viên đá khác trong chiến lược cờ vây (wei qi).  Hành động diệt chủng của nó – xua đuổi dân chúng Nam Vang vào rừng, hạ sát tập thể các loại thường dân bị chỉ danh – không thể đơn giản được phớt lờ (mặc dù như chúng ta sẽ nhìn thấy sự bắt buộc đã xảy ra trong vấn đề nguyên tắc [về sự] phá thai) [sic, câu này không rõ nghĩa, chú của người dịch].

           Hoa Quốc Phong, vẫn còn là Thủ Tướng, còn nhấn mạnh hơn nữa trong một phiên họp trong ngày kế đó:

    Chúng tôi có nói với nhiều thân hữu của chúng tôi rằng mối nguy hiểm chính của chiến tranh phát sinh từ Liên Bang Sô Viết.  Khi đó làm sao chúng tôi đối phó với nó?  Điều đầu tiên là người ta phải thực hiện các sự chuẩn bị … Nếu người ta đã chuẩn bị và một khi chiến tranh bùng nổ, người đó sẽ không thấy mình ở vào một vị thế bất lợi.  Điều thứ nhì là bắt buộc phải cố gắng đảo lộn sự bố trí chiến lược của sự xâm lược Sô Viết.  Bởi vì để đoạt được bá quyền trên thế giới, Liên Bang Sô Viết trước tiên phải có được các căn cứ không và hải quân khắp nơi trên thế giới, vì thế nó phải thực hiện [một] sự bố trí chiến lược.  Và chúng ta phải cố gắng làm đảo lộn các kế hoạch của nó nhằm bố trí trên toàn cầu. 21

           Không thành viên nào của Liên Minh Đại Tây Dương đã đưa ra một lời kêu gọi bao quát tương tự để hành động chung – chủ yếu để đánh phủ đầu -- hay cho thây rằng nó đã chuẩn bị để hành động một mình trên sự lượng định của nó.

           Về mặt hành động, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề nghị một loại hợp tác trong nhiều cách mật thiết hơn và chắc chắn chấp nhận nhiều rủi ro hơn Liên Minh Đại Tây Dương.  Họ tìm cách để thi hành chiến lược tấn công cấm chỉ (offensive deterrence) được mô tả trong các chương trước đây.  Tính chất đặc biệt của nó là họ Đăng đã đề nghị cơ cấu chính thức hay nghĩa vụ dài hạn.  Một sự lượng định chung sẽ cung cấp các sự thúc đẩy cho hành động chung, nhưng liên minh trong thực tế sẽ không tồn tại nếu các sự lượng định bắt đầu dị biệt – Trung Quốc nhấn mạnh đến sự tự lực ngay khi ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm.  Chính bởi Trung Quốc đã quá khăng khăng về hành động chung bất kể sự chỉ trích gay gắt về các chính sách Mỹ cá biệt cho thấy rằng sự hợp tác với Hoa Kỳ vì an ninh đã được nhận thức là khẩn thiết.

           Sự bình thường hóa đã xuất hiện như một bước đầu tiên tiến đến một chính sách toàn cầu chung.  Tù lúc có cuộc thăm viếng bí mật hồi Tháng Bảy 1971, các điều kiện của Trung Quốc cho sự bình thường hóa được công khai hóa và không thay đổi: sự triệt thoái tất cả các lực lượng Mỹ ra khỏi Đài Loan; chấm dứt hiệp ước phòng thủ với Đài Loan; và thiết lập các quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, chỉ riêng với chính phủ tại Bắc Kinh không thôi.  Nó đã là một phần của lập trường của Trung Quốc trong bản Thông Cáo Thượng Hải.  Hai vị Tổng Thống – Richard Nixon và Gerald Ford đã đồng ý với các điều kiện này.  Tổng Thống Nixon cho thấy ông sẽ thực hiện chúng trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông.  Cả Nixon và Ford đều nhấn mạnh đến sự quan tâm của Mỹ về một giải pháp hòa bình cho vấn đề, kể cả sự tiếp tục của một số trợ giúp an ninh cho Đài Loan.  Họ đã không thể hoàn thành các lời hứa hẹn này bởi tác động của vụ Watergate.

           Trong một hành vi khác thường của chính sách ngoại giao phi đảng phái, Tổng Thống Carter vào lúc ban đầu của nhiệm kỳ ông đã tái khẳng định tất cả các sự cam kết liên quan đến Đài Loan mà Nixon đã đưa ra với họ Chu hồi Tháng Hai 1972.  Trong năm 1978, ông đã đưa ra một công thức cá biệt cho sự bình thường hóa giúp cho cả hai bên duy trì được các nguyên tắc đã thiết định: sự tái khẳng định các nguyên tắc đã được chấp nhận bởi Nixon và Ford; một lời tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh đến sự cam kết của xứ sở đối với sự thay đổi hòa bình; sự ưng thuận của Trung Quốc đối với một số vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.  Carter đã đưa ra các ý tưởng này một cách cá nhân trong một cuộc đàm thoại với đại sứ Trung Quốc, Chai Zemin, trong đó ông đã đe dọa rằng, trong trường hợp không có các vụ bán vũ khí của Mỹ, Đài Loan sẽ bị buộc phải nhờ cậy đến việc phát triển các vũ khí hạt nhân – như thể Hoa Kỳ đã không có ảnh hưởng gì trên các kế hoạch hay hành động của Đài Loan. 22

           Sau cùng, sự bình thường hóa đã xảy ra khi Carter cung cấp một hạn kỳ bằng việc mời họ Đặng sang thăm viếng Hoa Thịnh Đốn.  Họ Đặng đồng ý về các vụ bán vũ khí không xác định cho Đài Loan và đã không bác bỏ một sự tuyên bố của Mỹ rằng Hoa Thịnh Đốn đã kỳ vọng rằng giải pháp tối hậu cho vấn đề Đài Loan sẽ có tính chất hòa bình – ngay dù Trung Quốc đã đưa ra một tài liệu dài rằng nó sẽ không cam kết một nghĩa vụ chính thức nào trên căn bản đó.  Lập trường của Bắc Kinh vẫn còn, như họ Đặng đã nhấn mạnh với Brzezinski, rằng “sự giải phóng Đài Loan một một công việc nội bộ của Trung Quốc trong đó không nước ngoài nào có quyền can thiệp”. 23

           Sự bình thường hóa có nghĩa rằng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ sẽ di chuyển từ Đài Bắc sang Bắc Kinh; một nhà ngoại giao từ Bắc Kinh sẽ thay thế đại diện của Đài Bắc tại Hoa Thịnh Đốn.  Để đáp ứng, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Các Quan Hệ Đài Loan trong Tháng Tư 1979, bày tỏ sự quan tâm của Mỹ về tương lai như một đạo luật cưỡng hành đối với Mỹ.  Dĩ nhiên, nó không thể ràng buộc Trung Quốc.

           Sự cân bằng này giữa các mệnh lệnh khẩn thiết của Mỹ và Trung Quốc minh họa lý do tại sao sự mơ hồ đôi khi là sinh huyết của ngoại giao.  Phần lớn sự bình thường hóa đã được chống đỡ trong bốn mươi năm bởi một loạt các sự mơ hồ.  Nhưng nó không thể làm như thế một cách vô hạn định.  Tài trí chính khách khôn ngoan ở cả hai bên thì cần thiết để đẩy tiến trình tiến về phía trước.

    Các Hành Trình Của Họ Đặng

           Khi họ Đặng di chuyển từ sự cổ vũ sang sự thi hành, ông đã nhìn thấy rằng Trung Quốc sẽ không chờ đợi một cách thụ động các quyết định của Mỹ.  Bất kỳ nơi nào có thể -- đặc biệt tại Đông Nam Á – ông sẽ tạo ra khuôn khổ chính trị mà ông đang biện hộ.

           Trong khi họ Mao đã triệu vời các lãnh tụ ngoại quốc đến nơi cư ngụ của ông như một vị hoàng đế, họ Đặng đã chấp nhận chiều hướng ngược lại -- du hành Đông Nam Á, Hoa Kỳ, và Nhật Bản và thực hành kiểu ngoại giao xuất hiện rõ rệt, bộc trực, và đôi khi làm phách của riêng ông.  Trong năm 1978 và 1979, họ Đặng đã thực hiện một loạt các hành trình để thay đổi hình ảnh của Trung Quốc ở hải ngoại từ kẻ thách đố cách mạng thành nạn nhân đồng hành của các ý đồ địa chính trị của Việt Nam và Sô Viết.  Trung Quốc đã từng ở phía bên kia trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.  Tại Thái Lan và Mã Lai, Trung Quốc trước đây có khuyến khích cách mạng trong số Hoa Kiều hải ngoại và các sắc dân thiểu số. 24 Tất cả điều này giờ đây là thứ yếu trước sự đối phó với mối đe dọa tức thời.

           Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time hồi Tháng Hai 1979, họ Đặng đã quảng cáo ý đồ chiến lược Trung Quốc đến một công luận rộng lớn: “Nếu chúng ta thực sự muốn có khả năng để đặt các sự kiềm chế trên con gấu bắc cực, điều thực tế duy nhất cho chúng ta là đoàn kết lại.  Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ không thôi, điều đó không đủ.  Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mạnh của Âu Châu không thôi, điều đó không đủ.  Chúng tôi là một xứ sở nghèo đói, không quan trọng, nhưng nếu chúng ta hợp nhất, vâng, khi đó nó sẽ có trọng lượng”. 25  

           Trong suốt các cuộc du hành của ông, họ Đặng nhấn mạnh đến sự lạc hậu tương đối của Trung Quốc và ước vọng của nó để thụ đắc kỹ thuật và sự tinh thông chuyên nghiệp từ các nước kỹ nghệ tiền tiến.  Nhưng ông cho rằng sự thiếu phát triển của Trung Quốc đã không làm thay đổi quyết tâm của nó để kháng cự sự bành trướng của Sô Viết và Việt Nam, nếu cần bằng vũ lực và một mình.

           Sự du hành ra ngoại quốc của họ Đặng – và các sự viện dẫn nhiều lần sự nghèo đói của Trung Quốc – đã là các sự tách rời nổi bật khỏi truyền thống của nghệ thuật trị quốc của Trung Hoa.  Ít nhà lãnh đạo Trung Hoa đã từng đi ra nước ngoài.  (Dĩ nhiên, bởi trong ý niệm truyền thống, họ cai trị mọi thứ dưới gầm trời, về mặt kỹ thuật không có “nước ngoài” để đi đến).  Sự sẵn lòng công khai của họ Đặng để nhấn mạnh đến sự lạc hậu của Trung Quốc và nhu cầu cần học hỏi từ các nước khác tương phản một cách rõ rệt với sự cách biệt của các hoàng đế Trung Hoa và giới quan lại thuơng thảo với các ngoại kiều.  Chưa từng có một nhà cầm uyền Trung Hoa nào đã tuyên bố với các người nước ngoài một nhu cầu về sản phẩm ngoại quốc.  Triều đình nhà Thanh đã chấp nhận các sự canh tân ngoại quốc với các liều lượng hạn chế, thí dụ, trong thái độ chào đón đối với các nhà toán học và thiên văn học thuộc Dòng Tên) nhưng luôn luôn nhấn mạnh rằng ngoại thương đã là một sự biểu lộ thiện chí của Trung Hoa, chứ không phải là một nhu cầu đối với Trung Hoa.  Họ Mao cũng thế, đã nhấn mạnh đến sự tự lực, ngay dù với giá phải trả của sự bần cùng và cô lập. 

           Họ Đặng bắt đầu các chuyến du hành của ông tại Nhật Bản.  Duyên cớ là sự phê chuẩn hiệp ước theo đó sự bình thường hóa các quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã từng được thương thảo.  Ý đồ chiến luợc của họ Đặng đòi hỏi sự hòa giải, chứ không chỉ sự bình thường hóa, sao cho Nhật Bản có thể trợ lực để cô lập Liên Bang Sô Viết và Việt Nam.

           Vì mục đích này, họ Đặng được chuẩn bị để khép kín lại nửa thế kỷ thống khổ gây ra bởi Nhật Bản.  Họ Đặng cư xử một cách niềm nở, tuyên bố “Trái tim tôi tràn đầy sự hân hoan”, và ôm ghì lấy đối tác Nhật Bản của ông, một cử chỉ mà vị chủ nhân tiếp đón ông nhận thấy có ít tiền lệ trong xã hội của chính họ, hay, về chuyện đó, tại xã hội của Trung Quốc.  Họ Đặng đã không tìm cách che đậy sự chậm tiến kinh tế của Trung Quốc: “Nếu bạn có một bộ mặt xấu, chẳng có ích chi để giả vờ rằng bạn đẹp trai”.  Khi được yêu cầu ký tên vào sổ khách đến thăm, ông đã viết ra một sự tán thưởng chưa từng có về các thành quả của Nhật Bản: “Chúng tôi học hỏi và kính trọng nhân dân Nhật Bản, những kẻ vĩ đại, cần cù, can đảm và thông minh”. 26

           Trong Tháng Mười Một 1978, họ Đặng viếng thăm Đông Nam Á, du hành đến Mã Lai, Tân Gia Ba và Thái Lan.  Ông đã gọi Việt Nam là “Cuba của Phương Đông” và đã nói về hiệp ước Sô Viết – Việt Nam mới được ký kết như một mối đe dọa hòa bình thế giới. 27 Tại Thái Lan hôm 8 Tháng Mười Một, 1978, họ Đặng đã nhấn mạnh rằng “an ninh và hòa bình của Á Châu, Thái Bình Dương và toàn thể thế giới bị đe dọa” bởi hiệp ước Sô Viết – Việt Nam: “Hiệp ước này không chỉ nhắm riêng vào Trung Quốc … Nó là một mưu đồ Sô Viết trên toàn thế giới rất quan trọng.  Bạn có thể tin tưởng rằng ý nghĩa của bản hiệp ước là để bao vây Trung Quốc.  Tôi có nói với các nước thân hữu rằng Trung Quốc không sợ hãi vì bị bao vây.  Nó có một ý nghĩa quan trọng nhất đối với Á Châu và Thái Bình Dương.  An ninh và hòa bình của Á Châu, Thái Bình Dương và toàn thể thế giới bị đe dọa”. 28

           Trong cuộc thăm viếng của ông tại Singapore, họ Đặng đã gặp một tinh thần thân thuộc nơi vị Thủ Tướng phi thường Lý Quang Diệu và thoáng nhận thấy một dự kiến về tương lai khả dĩ của Trung Quốc -- một xã hội đa số người gốc Trung Hoa thịnh vượng dưới điều mà họ Đặng sau này sẽ mô tả một cách ngưỡng mộ là “hành chính quản trị nghiêm ngặt” và “trật tự công cộng tốt đẹp”. 29 Vào lúc đó, Trung Quốc vẫn còn nghèo khổ một cách thê thảm, và “trật tự công cộng” của chính nó đã chỉ vừa sống sót qua Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.  Lý Quang Diệu đã thuật lại một sự trao đổi đáng ghi nhớ:

    Ông ta mời tôi đến thăm viếng Trung Quốc lần nữa.  Tôi nói rằng tôi sẽ đi khi Trung Quốc phục hồi từ Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.  Việc đó, ông ta nói, sẽ cần một thời gian dài.  Tôi đáp lại rằng họ phải không có khó khăn gì để tiến về phía trước và làm tốt hơn cả Singapore, bởi chúng tôi đều là hậu duệ của các nông dân ít học, không có ruộng đất, từ Phúc Kiên và Quảng Đông, trong khi họ là con cháu của các học giả, quan lại, và trí thức sống trong nhà.  Ông ta im lặng. 30

           Họ Lý kính trọng tính thực dụng và sự sẵn sàng học hỏi từ kinh nghiệm của họ Đặng.  Họ Lý cũng sử dụng cơ hội để bày tỏ một số sự quan tâm của Đông Nam Á có thể không được lọt qua sự sàng lọc ngoại giao và giới thư lại Trung Quốc:

    Trung Quốc đã muốn các nước Đông Nam Á kết hợp với nó để cô lập “con gấu Nga; sự kiện, là các lân bang của chúng tôi muốn chúng tôi kết hợp và cô lập “con rồng Trung Quốc”.  Không có “các người Nga hải ngoại” tại Đông Nam Á cầm đầu các cuộc nổi dậy cộng sản được ủng hộ bởi Liên Bang Sô Viết, trong khi đã có “Hoa Kiều hải ngoại” khuyến khích và ủng hộ bởi Đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc, đặt ra các sự đe dọa với Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, và, ở mức độ ít hơn, Indonesia.  Lại nữa, Trung Quốc công khai khẳng định một mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kiều hải ngoại bởi các liên hệ huyết thống, và đã đưa ra các lời kêu gọi trực tiếp lòng yêu nước của họ trên đầu các chính phủ của các nước này mà họ là các công dân … Tôi đề nghị rằng chúng tôi thảo luận phương thức làm sao để giải quyết vấn đề này. 31

           Trong trường hợp này, họ Lý chứng tỏ là đúng.  Các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, đã xử trí với sự thận trọng lớn lao trong việc đối đầu với Liên Bang Sô Viết hay Việt Nam.  Tuy thế, họ Đặng đã đạt được các mục tiêu nền tảng của mình: nhiều lời tuyên bố công khai của ông cấu thành một sự cảnh cáo về các nỗ lực khả dĩ của Trung Quốc để cứu chữa tình hình.  Và chúng nhất thiết sẽ được ghi nhận bởi Hoa Kỳ, nước đã là một khối xây dựng then chốt cho ý đồ của họ Đặng.  Ý đồ chiến lược đó cần đến một mối quan hệ được định nghĩa một cách vững chắc hơn với Mỹ.

    Cuộc Thăm Viếng của họ Đặng tại Mỹ và Định Nghĩa Mới về Liên Minh

           Cuộc thăm viéng Hoa Kỳ của họ Đặng được loan báo để ăn mừng sự bình thường hóa các quan hệ giữa hai nước và để khai mạc một chiến lược chung, khai triển theo Bản Thông Cáo Thượng Hải, được áp dụng chính yếu đối với Liên Bang Sô Viết.

           Nó cũng phô bày một sự khéo léo đặc biệt của ngoại giao Trung Quốc: để tạo ra cảm tưởng ủng hộ bởi các nước trong thực tế đã không đồng ý ở vai trò đó hay ngay cả được yêu cầu để đóng vai đó.  Khuôn mẫu đã bắt đầu trong cuộc khủng hoảng về các hòn đảo ngoài khơi hai mươi năm trước đây.  Họ Mao đã khởi sự cuộc pháo kích năm 1958 trên đảo Quy Môn và Mã Tổ ba tuần sau cuộc thăm viếng căng thẳng của Khrushchev tại Bắc Kinh, tạo ra cảm tưởng rằng Mạc Tư Khoa đã đồng ý trước với các hành động của Bắc Kinh, là điều không đúng trong trường hợp này.  [Tổng Thống] Eisenhower đã đi xa đến mức tố cáo Khrushchev trợ lực vào việc xúi giục cuộc khủng hoảng.

           Theo cùng chiến thuật, họ Đặng đã giáo đầu cuộc chiến tranh Việt Nam bằng cuộc thăm viếng ồn ào của ông đến Hoa Kỳ.  Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đã không yêu cầu sự trợ giúp cho nỗ lực quân sự sắp bùng nổ của nó.  Khrushchev rõ ràng đã không được thông báo về cuộc động binh năm 1958 và bất mãn vì bị đối diện với rủi ro của chiến tranh hạt nhân; Hoa Thịnh Đ0ốn được thông báo về cuộc xâm lăng 1979 sau khi họ Đặng đến Mỹ nhưng đã không đưa ra sự ủng hộ công khai và giới hạn vai trò của Mỹ vào việc chia sẻ tin tình báo và phối hợp ngoại giao.  Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đã thành công trong việc tạo ra cảm tưởng rằng các hành động của nó được hưởng lời chúc phúc của một siêu cường, chính từ đó, ngăn trở siêu cường kia khỏi việc can thiệp.  Trong chiến lược táo bạo và tinh vi đó, Liên Bang Sô Viết trong năm 1958 đã không có quyền lực để ngăn cản cuộc tấn công của Trung Quốc vào các hòn đảo ngoài khơi; liên hệ đến Việt Nam, nó đã mở ngỏ để ước đoán về những gì đã được thỏa thuận trong cuộc thăm viếng của họ Đặng và nhiều phần mang vẻ tệ hại nhất từ quan điểm của nó.

           Trong nghĩa đó, cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Hoa Kỳ đã là một màn diễn bóng (shadow play), một trò chơi mà các mục đích là để dọa nạt Liên Bang Sô Viết.  Cuộc thăm viếng kéo dài một tuần của họ Đặng tại Hoa Kỳ một phần là họp thượng đỉnh ngoại giao, một phần là chuyến đi buôn bán, một phần là chiến dịch vận động chính trị, và một phần chiến tranh tâm lý cho Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba.  Chuyến du hành gồm cả các điểm dừng chân tại Hoa Thịnh Đốn, Atlanta, Houston, và Seattle, và đã tạo ra các quang cảnh không thể tưởng tượng ra được dưới thời họ Mao.  Tại một bữa tiệc quốc gia ở Tòa Bạch Ốc hôm 29 Tháng Một, nhà lãnh đạo “Trung Hoa Đỏ” đã ăn tối với các chủ tịch của các hãng  Coca-Cola, PepsiCo, và General Motors.  Tại một buổi dạ hội ở Trung Tâm Kennedy Center, viên Phó Thủ Tướng nhỏ con đã bắt tay các thành viên của toán bóng rổ Harlem Globetrotters. 32 Họ Đặng đã trình diễn trước đám đông tại một cuộc đấu bò và nướng thịt ở Simonton, Texas, đội mũ có dung tích mười gallon [tương đương với 3.78 lít, chú của người dịch] và ngồi trên một cỗ xe ngựa.

           Trong suốt cuộc thăm viếng, họ Đặng đã nhấn mạnh đến nhu cầu của Trung Quốc muốn thụ đắc kỹ thuật và phát triển kinh tế của  nó.  Theo lời yêu cầu của ông ta, họ Đặng đã đi thăm các cơ sở kỹ thuật và sản xuất, kể cả một xưởng lắp ráp xe Ford tại Hapeville, Georgia; Công Ty Hughes Tool Company tại Houston (nơi họ Đặng kiểm tra các đầu mũi khoan được dùng cho sự thăm dò dầu hỏa ngoài khơi); và nhà máy Boeing ngoại ô Seattle.  Khi đên Houston, họ Đặng thú nhận ước muốn của ông để “học hỏi về kinh nghiệm tiên tiến của các ông trong kỹ nghệ dầu hỏa và các lãnh vực khác”. 33 Họ Đặng đưa ra một lượng định đầy hy vọng của các quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ, tuyên bố ước muốn của ông để “hiểu biết mọi điều của đời sống Mỹ” và “hấp thụ mọi điều có lợi cho chúng tôi”. 34 Tại Trung Tâm Không Gian Johnson ở Houston, họ Đặng đã nấn ná tại buồng máy giả tưởng chuyên bay của phi thuyền không gian.  Một bản tường thuật tin tức đã ghi lại quang cảnh như sau:

    Đặng Tiểu Bình, kẻ đang sử dụng chuyến du hành của mình đến Hoa Kỳ để kịch hóa sự háo hức của Trung Quốc về kỹ thuật tiền tiến, đã leo vào phòng lái của một chuyến bay giả tưởng nơi đây hôm nay, để khám phá cảm giác ra sao khi đáp chiệc phi thuyền không gian mới nhất của Mỹ này từ một cao độ 100,000 bộ Anh.

    Viên Phó Thủ Tướ;ng cao cấp của Trung Quốc [Đặng Tiểu Bình] dường như đã bị say đắm bởi kinh nghiệm đến nỗi ông đã trải qua một lần đáp thử thứ nhì và ngay sau đó xem ra còn miễn cưỡng để rời phòng lái giả tưởng. 35

           Đây là những thế giới tách rời khỏi sự lãnh đạm cố tình của Hoàng Đế nhà Thanh đối với các tặng phẩm và các lời hứa hẹn mậu dịch của Macartney hay sự khăng khăng cứng ngắc của họ Mao về chính sách tự cung tự cấp kinh tế (autarky).  Tại buổi gặp gỡ với Tổng Thống Jimmy Carter hôm 29 Tháng Một, họ Đặng đã giải thích chính sách Tứ Hiện Đại Hóa của Trung Quốc, được đưa ra bởi họ Chu trong lần xuất hiện công khai cuối cùng của mình, đã hứa hẹn hiện đại hóa các lãnh vực nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học và kỹ thuật, và quốc phòng.  Tất cả những điều này tùy thuộc vào mục đích bao trùm của chuyến du hành của họ Đặng: phát triển một liên minh thực tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.  Ông đã tổng kết:

    Thưa Tổng Thống, ông hỏi tôi một sự phác họa về chiến lược của chúng tôi.  Để thực hiện chương trình Tứ Hiện Đại Hóa của chúng tôi, chúng tôi cần có một giai đoạn kéo dài của một môi trường hòa bình.  Nhưng ngay giờ đây chúng tôi tin tưởng Liên Bang Sô Viết sẽ phóng ra một cuộc chiến tranh.  Nhưng nếu chúng tôi hành động tốt đẹp và thích đáng, có thể làm trì hoãn nó lại.  Trung Quốc hy vọng trì hoãn một cuộc chiến tranh trong hai mươi hai năm. 36

    Dưới một tiền đề như thế, chúng tôi không đề nghị sự tái thiết lập một liên minh chính thức, nhưng mỗi bên phải hành động trên căn bản lập trường của chúng ta và phối hợp các hoạt động cùng chấp nhận các biện pháp cần thiết.  Mục tiêu này có thể đạt được.  Nếu các nỗ lực của không được cung ứng, khi đó tình hình sẽ ngày càng trở nên trống rỗng. 37

           Để hành động như các đồng minh mà không thành lập một liên minh có nghĩa đẩy thực tại đến các sự cực đoan.  Nếu tất cả các nhà lãnh đạo đều là các chiến lược gia có khả năng và suy nghĩ một cách sâu xa và có hệ thống về chiến lược, họ đều sẽ đi đến cùng các sự kết luận.  Các liên minh sẽ không cần thiết; sự hợp lý của sự phân tích của họ sẽ nhất thiết đi theo cùng các chiều hướng.

           Nhưng các sự khác biệt về lịch sử và địa dư lại phân cách ra; ngay các nhà lãnh đạo ở vào tình trạng tương tự không nhất thiết đi đến cùng các kết luận – đặc biệt dưới áp lực.  Sự phân tích tùy thuộc vào sự giải thích; các phán đoán khác nhau về những gì cấu thành một sự kiện, còn dị biệt hơn nữa về ý nghĩa của nó.  Các nước vì thế đã lập ra các liên minh – các công cụ chính thức ngăn cách quyền lợi chung, đến tầm mức khả dĩ, khỏi các tình huống bên ngoài hay các áp lực nội bộ.  Chúng tạo lập ra một nghĩa vụ bổ túc cho các sự tính toán về quyền lợi quốc gia.  Chúng cũng cung cấp một trách vụ pháp định để biện minh cho sự phòng thủ chung, có thể được thỉnh cầu đén trong một cuộc khủng hoảng.  Sau cùng, các liên minh giảm bớt – tới mức độ mà chúng theo đuổi một cách nghiêm chỉnh – mối nguy hiểm của sự tính toán sai lạc bởi đối thủ tiềm năng và theo đó tiêm một thành tố của tính khả dĩ tính toán được vào sự điều hành chính sách ngoại giao.

           Họ Đặng -- và phần lớn các nhà lãnh đạo Trung Quốc – đã xem một liên minh chính thức là không cần thiết trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc và, trên tổng thể, là rườm rà trong sự điều hành chính sách ngoại giao của họ.  Họ được chuẩn bị để dựa vào các sự thỏa thuận ngấm ngầm.  Nhưng cũng có một sự cảnh cáo mặc nhiên trong câu nói sau cùng của họ Đặng.  Nếu không thể xác định hay thi hành các quyền lợi tương đồng, mối quan hệ sẽ biến thành “rỗng tuếch”, tức có nghĩa, sẽ úa tàn, và Trung Quốc được giả định sẽ quay trở lại khái niệm Ba Thế Giới của họ Mao – vẫn còn đang là chính sách chính thức – để giúp Trung Quốc chèo lái giữa các siêu cường.

           Các quyền lợi song hành, trong cái nhìn của họ Đặng, sẽ tự chúng biểu lộ trong một sự sắp xếp toàn cầu không chính thức để ngăn chặn Liên Bang Sô Viết tại Á Châu bằng sự hợp tác chính trị/quân sự với các mục tiêu tương tự như của khối NATO tại Âu Châu.  Nó sẽ ít cơ cấu hơn và lệ thuộc phần lớn vào mối quan hệ chính trị song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.  Nó cũng dựa trên một học thuyết địa chính trị khác biệt.  Khối NATO đã tìm kiếm việc hợp nhất các hội viên của nó, trên hết, trong sự kháng cự lại sự xâm lược thực sự của Sô Viết.  Nó đã né tránh một cách chứng giải bất kỳ ý niệm nào về sự phủ đầu quân sự.  Lo ngại với việc né tránh sự đối đầu về ngoại giao, học thuyết chiến lược của khối NATO có tính chất phòng thủ một cách chuyên độc.

           Điều mà họ Đặng đề nghị đã là một chính sách phủ đầu trong bản chất: nó là một khía cạnh trong học thuyết gián chỉ ở thế công của Trung Quốc.  Liên Bang Sô Viết sẽ bị làm áp lực dọc theo toàn thể vùng ngoại vi của nó và đặc biệt ở những miền mà nó mở rộng sự hiện diện mới đây, nổi bật tại Đông Nam Á và ngay cả ở Phi Châu.  Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ chuẩn bị để khởi phát hành động quân sự nhằm phá hỏng các mưu đồ của Sô Viết – đặc biệt tại Đông Nam Á.

           Liên Bang Sô Viết sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi các thỏa ước, họ Đặng cảnh cáo; nó chỉ hiểu được ngôn ngữ của lực cân đối.  Chính khách La Mã Cato the Elder nổi danh vì đã kết thúc mọi bài diễn văn của ông với lời kêu gọi rền vang “Carthage delenda est” (“Carthage phải bị tiêu diệt”).  Họ Đặng đã có lời hô hào mang nhãn hiệu riêng của ông ta: rằng Liên Bang Sô Viết phải bị kháng cự.  Ông đã bao gồm trong mọi sự trình bày của ông một vài biến thể trên sự khuyến cáo rằng bản chất không thay đổi của Mạc Tư Khoa là “chen vào bất kỳ nơi đâu có một lỗ hổng mở ta”, 38 và rằng, như họ Đặng đã nói với Tổng Thống Carter, “bất kỳ nơi nào Liên Bang Sô Viết nhúng các ngón tay của nó vào, chúng ta phải chặt chúng đi ở nơi đó”. 39

           Sự phân tích của họ Đặng về tình hình chiến lược bao gồm một sự thông báo cho Tòa Bạch Ốc rằng Trung Quốc có ý định đi đến chiến tranh với Việt Nam bởi nó đã kết luận rằng Việt Nam sẽ không dừng bước tại Căm Bốt.  “Cái gọi là Liên Bang Đông Dương là để bao gồm nhiều hơn ba quốc gia”, họ Đặng cảnh cáo.  “Hồ Chí Minh đã ấp ủ ý tưởng này.  Ba quốc gia mới chỉ là bước đầu tiên.  Sau đó Thái Lan sẽ được gồm thâu”. 40 Trung Quốc có một nghĩa vụ để hành động, họ Đặng tuyên bố.  Nó không thể chờ đội các diễn tiến; một khi chúng đã xảy ta, sẽ quá trễ mất rồi.

           Họ Đặng có nói với Carter rằng ông ta đã cứu xét “khả tính xấu nhất” – sự can thiệp ồ ạt của Sô Viết, như bản hiệp ước mới về phòng thủ của Mạc Tư Khoa – Hà Nội có vẻ đòi hỏi.  Trong thực tế, các báo cáo cho thấy rằng Bắc Kinh đã cho di tản đến 300,000 thường dân khỏi các vùng đất biên cương phía bắc của nó và đã đặt các lực lượng của nó dọc biên giới Nga-Hoa vào tình trạng báo động tối đa. 41 Nhưng họ Đặng nói với Carter, Bắc Kinh đã phán đoán rằng một cuộc chiến tranh ngắn, hạn chế sẽ không mang lại Mạc Tư khoa đủ thời gian để có “một phản ứng lớn mạnh” và rằng các điều kiện mùa đông sẽ khiến cho việc thực hiện một cuộc tấn công toàn lực của Sô Viết tại miền bắc Trung Quốc gặp khó khăn.  “Trung Quốc thì “không sợ hãi”, họ Đặng phát biểu, nhưng nó cần “sự ủng hộ tinh thần” của Hoa Thịnh Đốn, 42 theo đó ông muốn nói sự mơ hồ đầy đủ về các dự định của Mỹ khiến cho Sô Viết phải ngập ngừng.

           Một tháng sau cuộc chiến tranh, Hoa Quốc Phong đã giải thích cho tôi về sự phân tích chiến lược cẩn thận xảy ra trước đó:

    Chúng tôi cũng cứu xét khả tính này của một phản ứng của Sô Viết.  Khả tính đầu tiên là một cuộc tấn công quan trọng vào chúng tôi.  Điều đó chúng tôi xem là một xác xuất thấp.  Một triệu binh sĩ dọc biên giới, nhưng cho một cuộc tấn công quan trọng vào Trung Quốc, con số đó không đủ.  Nếu họ rút về một số binh sĩ từ Âu Châu, việc đó sẽ cần thời gian và họ sẽ lo ngại về Âu Châu.  Họ biết rằng một trận đánh với Trung Quốc sẽ là một vấn đề quan trọng và không có thể kết thúc trong một thời khoảng ngắn.

           Họ Đặng đối đầu với Carter bằng một sự thách đố cả về nguyên tắc lẫn thái độ công khai.  Trên nguyên tắc, Carter đã không chấp thuận các chiến lược phủ đầu, đặc biệt bởi vì chúng liên can đến các sự di chuyển quân sự băng ngang các biên giới chủ quyền.  Cùng lúc, ông xem trọng, ngay dù ông đã không chia sẻ hoàn toàn, quan điểm của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Zbigniew Brzezinski về các hàm ý chiến lược của sự chiếm đóng của Việt Nam tại Căm Bốt, vốn tương tự như quan điểm của họ Đặng.  Carter đã giải quyết nghịch lý của ông bằng việc viện dẫn nguyên tắc nhưng lại để trống không gian cho sự điều chỉnh với tình huống.  Ông đã kêu gọi để ý đến vị thế tinh thần thuận lợi mà Bắc Kinh sẽ đánh mất bởi việc tấn công Việt Nam.  Trung Quốc, hiện được nhìn nhận một cách rộng rãi là một nước hòa bình, sẽ gặp phải bất trắc vì bị tố cáo về sự xâm lược:

    Đây là một vấn đề nghiêm trọng.  Không chỉ ông phải đối diên, với một sự đe dọa quân sự từ phương Bắc, mà còn với một sự thay đổi trong thái độ quốc tế.  Trung Quộc hiện giờ được nhìn là một nước hòa bình, có nghĩa chống lại sự xâm lược.  Các nước khối ASEAN, cũng như Liên Hiệp Quốc, đã kết án Liên Bang Sô Viết, Việt Nam và Cuba.  Tôi không cần biết đến hành động trừng phạt được dự tính, nhung nó có thể gây ra sự leo thang bạo động và một sự thay đổi trong tư thế thế giới từ việc chống lại Việt Nam thành sự ủng hộ một phần cho Việt Nam.

    Sẽ khó khăn cho chúng tôi để khuyến khích bạo động.  Chúng tôi có thể cung cấp cho ông các bản tóm tắt tin tình báo.  Chúng tôi biết không có sự di chuyển gần đây các binh sĩ Sô Viết hướng đén các biên giới của ông.

    Tôi không có câu trả lời khác cho ông.  Chúng ta đã liên kết nhau trong sự kết án Việt Nam, nhưng xâm lăng vào Việt Nam sẽ là [một] hành động gây bất ổn một cách rất trầm trọng. 43

           Từ chối hậu thuẫn bạo động nhưng cung cấp tin tình báo về các sự di chuyển binh sĩ Sô Viết là mang lại một chiều kích mới cho sự mâu thuẫn tư tưởng.  Điều đó có thể có nghĩa rằng Carter đã không chia sẻ quan điểm của họ Đặng về một sự đe dọa tiềm ẩn của Sô Viết.  Hay, bằng việc cắt giảm các lo sợ của Trung Quốc về một phản ứng khả hữu của Sô Viết, nó có thể được giải thích như một sự khuyến khích cho sự xâm lăng.

           Ngày hôm sau, Carter và họ Đặng gặp riêng với nhau, và Carter đã trao cho họ Đặng một văn bản (chưa được công báo) tóm tắt lập trường của Mỹ.  Theo Brzezinski: “Đích thân Tổng Thống thảo bằng tay một lá thư cho ông Đặng, giọng điệu ôn hòa và điềm đạm trong nội dung, nhấn mạnh đén tầm quan trọng của sự kiềm chế và tóm tắt các hậu quả quốc tế bất lợi khả hữu.  Tôi cảm thấy rằng đây là một chiều hướng đúng, bởi chúng ta không thể thông đồng một cách chính thức với Trung Quốc trong việc bảo trợ cho điều không khác gì một sự xâm lược quân sự công khai”. 44 Sự thông đồng không chính thức là một vấn đề khác. 

           Theo một văn thư ghi nhớ thuật lại cuộc đàm thoại riêng tư (trong đó chỉ có một thông dịch viên hiện diện), họ Đặng đã nhấn mạnh rằng sự phân tích chiến lược đã phủ định sụ viện dẫn dư luận thế giới của Carter.  Trên hết, Trung Quốc phải không bị nghĩ như dễ uốn nắn: “Trung Quốc vẫn phải dạy cho Việt Nam một bài học.  Liên Bang Sô Viết có thể sử dụng Cuba, Việt nam, và sau đó A Phú Hãn sẽ tiến hóa thành một nước thụ ủy [cho Liên Bang Sô Viết].  CHNDTQ đang hướng đến vấn đề này từ một vị trí của sức mạnh.  Hành động sẽ rất hạn chế.  Nếu Việt Nam nghĩ rằng CHNDTQ mềm yếu, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”. 45

           Họ Đặng rời Hoa Kỳ hôm 4 Tháng Hai, 1979.   Trên chuyến trở về từ Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất việc đặt con cờ vây sau cùng lên bàn cờ.  Ông dừng chân tại Tokyo lần thứ nhì trong sáu tháng, để tự thân biết chắc về sự ủng hộ của Nhật Bản cho hành động quân sự sắp xảy ra và để cô lập Liên Bang Sô Viết hơn nữa.  Đối với Thủ Tướng Masayoshi Ohira, họ Đặng lập lại lập trường của Trung Quốc rằng Việt Nam phải bị “trừng phạt” về sự xâm lăng của nó tại Căm Bốt, và ông hứa hẹn: “Để giữ vững các viễn ảnh trường kỳ của hòa bình và ổn định quốc tế …[nhân dân Trung Quốc] sẽ cương quyết chu toàn các bổn phận quốc tế của chúng tôi, và sẽ không ngần ngại ngay cả việc gánh chịu các sự hy sinh cần thiết”. 46

           Sau khi đã thăm viếng Miến Điện, Nepal, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Nhật Bản hai lần, và Hoa Kỳ, họ Đặng đã hoàn tất mục tiêu của ông nhằm kéo Trung Quốc vào thế giới và cô lập Hà Nội.  Ông ta không rời khỏi Trung Quốc lần nào nữa, chấp nhận trong những năm cuối đời sự xa cách và không thể tiếp cận được của các nhà cai trị Trung Hoa cổ truyền.

    Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba

           Vào ngày 17 Tháng Hai, Trung Quốc đã mở một cuộc xâm lăng nhiều mũi vào miền bắc Việt Nam từ các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam thuộc miền nam Trung Hoa.  Kích thước của lực lượng Trung Quốc phản ảnh tầm quan trọng mà phía Trung Quốc đã gắn vào cuộc hành quân; nó được ước lượng có quân số hơn 200,000 và có thể nhiều đến 400,000 binh sĩ QĐGPNDTQ. 47 Một sử gia đã kết luận rằng lực lượng xâm lăng, bao gồm các lực lượng diện địa chính quy, dân quân, và các đơn vị không và hải quân … thì tương tự về quy mô với cuộc tấn công mà Trung Quốc đã tạo ra một tác động như thế trong sự gia nhập của nó vào Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên hồi Tháng Mười Một, 1950”. 48 Các bài tường thuật báo chí Trung Quốc chính thức gọi đó là “Cuộc Hoàn Kích Tự Vệ Chống Trả Việt Nam” hay Cuộc Phản Công Tự Vệ tại Biên Giới Trung – Việt”. Nó tượng trưng phiên bản Trung Hoa của sự gián chỉ, một cuộc xâm lăng được quảng cáo trước để ngăn chặn sự chuyển động kế tiếp của Việt Nam.    

           Mục tiêu của quân đội Trung Quốc là một nước Cộng Sản đồng hành, gần đây là đồng minh, và kẻ thụ huởng lâu dài sự ủng hộ quân sự và kinh tế của Trung Quốc.  Mục đích là để bảo toàn sự quân bằng chiến lược tại Á Châu, như Trung Quốc nhìn nó.  Hơn nữa, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch với sự ủng hộ tinh thần, sự hậu thuẫn ngoại giao, và sự hợp tác tình báo của Hoa Kỳ -- cùng “cường quốc đế quốc” mà Bắc Kinh đã góp phần trục xuất khỏi Đông Dương năm năm trước đó.

           Mục tiêu chiến tranh của Trung Quốc được phát biểu là nhằm “đặt một sự kiềm chế trên tham vọng hoang đàng của phía Việt Nam và trao cho họ một bài học hạn chế thích đáng”. 49 “Thích đáng” có nghĩa gây ra sự tổn hại đủ để ảnh hưởng đến các sự lựa chọn và tính toán của Việt Nam cho tương lai, “hạn chế” ám chỉ rằng nó sẽ chấm dứt trước khi sự can thiệp bên ngoài hay các yếu tố khác xô đẩy nó ra ngoài sự kiểm soát.  Nó cũng đã là một sự thách đố trực tiếp đối với Liên Bang Sô Viết.

           Sự tiên đoán của họ Đặng rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không tấn công Trung Quốc đã được xác minh.  Vào ngày sau khi Trung Quốc phóng ra cuộc xâm lăng của nó, chính phủ Sô Viết đã đưa ra một bản tuyên bố nhạt nhẽo rằng, trong khi kết án cuộc tấn công “tội ác” của Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng “nhân dân Việt Nam anh hùng … có năng lực để đứng lên cho chính mình một lần nữa vào lúc này[.]” 50 Sự đáp ứng quân sự của Sô Viết được giới hạn vào việc phái một lực lượng đặc nhiệm hải quân đên vùng Biển Nam Hải, tiến hành một cuộc không vận vũ khí đến Hà Nội, và gia tăng các sự tuần tra không phận dọc biên giới Nga-Hoa.  Cuộc không vận bị hạn chế bởi địa dư mà còn bởi các sự ngập ngừng nội bộ.  Sau cùng, Liên Bang Sô Viết đã cung cấp sự ủng hộ trong năm 1979 cho đồng minh mới của nó, Việt Nam, nhiều như nó đã dành hai mươi năm trước đây cho đồng minh của nó khi đó, Trung Quốc, trong Cuộc Khủng Hoảng Eo Biển Đài Loan.  Trong cả hai trường hợp nào, Liên Bang Sô Viết sẽ không đụng phải bất kỳ rủi ro nào của một cuộc chiến tranh mở rộng.

           Không lâu sau cuộc chiến, Hoa Quốc Phong đã tổng kết kết cuộc bằng một cách nói súc tích coi thường các nhà lãnh đạo Sô Viết: “Để đe dọa chúng tôi, họ đã làm việc đó bằng các cuộc thao diễn gần biên giới, gửi các chiếc tàu xuống Biển Nam Hải.  Nhưng họ không dám cử động.  Vì thế sau hết chúng tôi vẫn có thể sờ vào mông của con hổ”.

           Họ Đặng đã bác bỏ một cách châm biếm lời cố vấn của Mỹ nên cẩn thận.  Trong một cuộc thăm viếng hồi cuối Tháng Hai 1979 của Bộ Trưởng Ngân Khố Michael Blumenthal tại Bắc Kinh, Blumenthal đã kêu gọi các binh sĩ Trung Quốc triệt thoái ra khỏi Việt Nam “càng sớm càng tốt” bởi vì “Bắc Kinh đang gặp phải các rủi ro không có lý do xác đáng”. 51 Họ Đặng phản bác.  Nói với các ký giả Mỹ ngay trước khi có cuộc gặp gỡ của ông với Blumenthal, họ Đặng đã bày tỏ sự khinh thị của minh về sự lập lững, chế ngạo “một số kẻ” “lo sợ việc xúc phạm” đến “Cuba ở Phương Đông”. 52

           Như trong Cuộc Chiến Tranh Trung Quốc - Ấn Độ, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tấn kích “trừng phạt” hạn chế được theo sau tức thì bởi một sự triệt thoái.  Nó kéo dài hai mươi chín ngày.  Không lâu sau khi QĐGPNDTQ chiếm đoạt (và được tường thuật đã để lại sự tàn phá) các tỉnh lỵ của ba tỉnh Việt Nam dọc theo biên giới, Bắc Kinh đã loan báo rằng các lực lượng Trung Quốc sẽ rút lui ra khỏi Việt Nam, ngoại trừ một vài vùng đất bị tranh chấp.  Bắc Kinh đã không mưu toan để lật đổ chính quyền Hà Nội hay tiên vào Căm Bốt trong bất kỳ khả năng công khai nào.

           Một tháng sau khi các binh sĩ Trung Quốc đã được rút về, họ Đặng đã giải thích chiến lược của Trung Quốc với tôi trong một cuộc thăm viếng tại Bắc Kinh:

    ĐẶNG: Sau khi tôi trở về [từ Hoa Kỳ], chúng tôi đã tức thời giao tranh một trận chiến.  Nhưng chúng tôi xin hỏi ý kiến của ông trước.  Tôi có nói về nó với Tổng Thống Carter và khi đó ông ấy đã trả lời trong một cung cách rất chính thức và trang trọng.  Ông đã đọc một bản văn viết tay cho tay.  Tôi có nói với ông ấy: Trung Quốc sẽ đảm nhận vấn đề này một cách độc lập và nếu có bất kỳ rủi ro nào, Trung Quốc sẽ gánh chịu rủi ro một mình.  Nhìn lại, chúng tôi nghĩ nếu chúng tôi tiến sâu hơn nữa vào Việt Nam trong hành động trừng phạt của chúng tôi, điều đó còn tốt hơn nữa.

    KISSINGER: Có thể như thế.

    ĐẶNG: Bởi vì các lực lượng của chúng tôi thì đủ sức để đi hết con đường đến Hà Nội.  Nhưng lại không thể khuyến cáo  tiến xa đến thế.

    KISSINGER: Không, có thể nó sẽ đi xa hơn các giới hạn của sự tính toán.

    ĐẶNG: Vâng, ông nói đúng.  Nhưng chúng tôi đã có thể tiến 30 cây số sâu hơn nữa vào Việt Nam.  Chúng tôi đã chiếm cứ tất cả các khu vực có công sự phòng thủ.  Đã không còn lại tuyến phòng thủ nào trên suốt con đường tới Hà Nội.

           Điều được tin tưởng tổng quát trong giới sử gia rằng cuộc chiến tranh đã là một sự thất bại đắt giá của Trung Quốc. 53 Các hiệu ứng của sự chính trị hóa QĐGPNDTQ trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã trở nên rõ rệt trong chiến dịch bị trở ngại bởi trang bị lỗi thời, sự thiếu hụt nhân viên, và các chiến thuật cứng ngắc.  Các lực lượng Trung Quốc tiến quân chậm chạp và trả giá lớn lao.  Theo sự ước lượng của một số phân tích gia, QĐGPNDTQ đã phải gánh chịu số người bị chêt khi công tác trong một tháng giao chiến Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba nhiều như Hoa Kỳ đã phải gánh chịu trong mười năm tổn thất nặng nhất của cuộc chiến tranh thứ nhì. 54.

           Sự tin tưởng tổng quát tuy nhiên đã được dựa trên một sự hiểu lầm chiến lược của Trung Quốc.  Bất kể các khiếm khuyết ra sao trong sự thi hành, chiến dịch Trung Quốc đã phản ảnh một sự phân tích chiến lược trường kỳ nghiêm chỉnh.  Trong các sự giải thích của giới lãnh đạo Trung Quốc với các đối tác Mỹ của họ, họ đã mô tả sự củng cố quyền lực Việt Nam do Sô Viết hậu thuẫn tại Đông Dương như một bước trọng yếu trong sự “bố trí chiến lược” toàn cầu của Liên Bang Sô Viết.  Liên Bang Sô Viết đã sẵn tập trung binh sĩ tại Đông Âu và dọc biên giới phía bắc của Trung Quốc.  Giờ đây, các nhà lãnh đạo Trung Hoa cảnh cáo, Mạc Tư Khoa “đang bắt đầu có được các căn cứ” tại Đông Dương, Phi Châu, và Trung Đông. 55 Nếu nó củng cố được vị thế của nó tại các khu vực này, nó sẽ kiểm soát được các nguồn năng lượng sinh tử và có khả năng ngăn chặn các hải lộ then chốt – nổi bật nhất Eo Biển Malacca nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.  Điều này sẽ mang lại cho Mạc Tư Khoa sự chủ động chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột tương lai nào.  Trong một nghĩa rộng hơn, chiến tranh phát sinh từ sự phân tích của Bắc Kinh về khái niệm shi [thế?] của Tôn Tử -- chiều hướng và “năng lượng tiềm ẩn” của địa thế chiến lược.  Họ Đặng đã nhắm vào việc chặn đứng và, nêu có thể, đảo ngược điều mà ông ta nhìn như một sự chuyển động không thể chấp nhận được của chiến lược Sô Viết.

           Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này một phần nhờ sự táo bạo quân sự của nó, một phần bởi việc lôi kéo được Hoa Kỳ vào sự hợp tác chặt chẽ chưa từng thấy.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lèo lái Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba bởi sự phân tích tỉ mỉ các sự lựa chọn chiến lược của họ, sự thi hành táo bạo, và hoạt động ngoại giao khéo léo.  Với tất cả các phẩm chất này, họ sẽ không có thể “sờ mông con hổ” để chỉ có sự hợp tác của Hoa Kỳ.

           Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba dẫn đến sự cộng tác chặt chẽ nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.  Hai chuyến du hành đến Trung Quốc bởi hai sứ giả Mỹ đã thiết lập một mức độ khác thường của hành động chung.  Phó Tổng Thống Walter “Fritz” Mondale đến thăm viếng Trung Quốc trong Tháng Tám 1979 để thiết kế một nền ngoại giao cho hậu quả của cuộc thăm viếng của họ Đặng, đặc biệt liên quan đến Đông Dương.  Nó là một vấn đề phức tạp trong đó các sự cứu xét chiến lược và đạo lý ở vào tình trạng xung đột nặng nề.  Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý rằng đúng là nằm trong quyền lợi quốc gia của mỗi nước để ngăn cản sự xuất hiện một Liên Bang Đông Dương dưới sự kiểm soát của Hà Nội.  Nhưng phần duy nhất của Đông Dương vẫn còn tranh chấp là Căm Bốt, vốn bị cai trị bởi một Pol Pot bị nguyền rủa, kẻ đã sát hại hàng triệu đồng bào của ông ta.  Khmer Đỏ cấu thành phần tử được tổ chức tốt đẹp nhất trong cuộc kháng chiến chống Việt Nam của Căm Bốt.

           Carter và Mondale đã có một thành tích lâu dài và nhiệt tình về việc tận tụy cho các nhân quyền trong chính quyền; trong thực tế, họ đã, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tấn công [Tổng Thống] Ford trên căn bản thiếu sự chú ý đến vấn đề nhân quyền.    

             Họ Đặng đã nêu trước tiên vấn đề trợ giúp cho cuộc kháng chiến du kích của Căm Bốt chống lại quân xâm lăng Việt Nam trong cuộc đàm thoại riêng với [Tổng Thống] Carter về cuộc xâm lăng vào Việt Nam.  Theo báo cáo chính thức: “Tổng Thống đã hỏi liệu người Thái có thể tiếp nhận và chuyển tiếp viện trợ đến phía Căm Bốt hay không.  Họ Đặng trả lời được và rằng ông nghĩ trong đầu của ông về vũ khí nhẹ.  Người Thái giờ đây đang phái một sĩ quan cao cấp đến biên giới Thái-Căm Bốt để giữ cho sự truyền thông được an toàn hơn”. 56 Sự hợp tác trong thực tế giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về viện trợ cho Căm Bốt xuyên qua Thái Lan đã có một hiệu quả thực tiễn  của sự trợ giúp không trực tiếp các tàn quân của phe Khmer Đỏ.  Các viên chức Mỹ đã thận trọng để nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ “không thể ủng hộ Pol Pot” và đón nhận các sự bảo đảm của Trung Quốc rằng Pol Pot không còn hành sử sự kiểm soát hoàn toàn trên phe Khmer Đỏ.  Mẩu bánh dỗ dành lương tâm này đã không thay đổi thực tế rằng Hoa Thịnh Đốn đã cung cấp sự ủng hộ vật chất và ngoại giao cho “kháng chiến Căm Bôt’ trong một cách mà chính quyền phải hay biết sẽ giúp ích cho phe Khmer Đỏ.  Người kế nhiệm của Carter trong chính quyền Ronald Reagan đã đi theo cùng chiến lược.  Các nhà lãnh đạo Mỹ chắc chắn đã ước định rằng nếu kháng chiến Căm Bốt chiến thắng, họ hay các người kế nhiệm họ sẽ chống đối phe Khmer Đỏ trong đó trong hồi kết cuộc – điều trong thực tế đã xảy ra sau khi có sự triệt thoái của Việt Nam một thập niên sau đó.

           Các lý tưởng của Mỹ đã đụng đầu với các mệnh lệnh của thực tế về địa chính trị.  Nó đã không phải là sự chỉ trích cay độc, càng không phải là đạo đức giả, đã tôi rèn ra thái độ này: chính quyền Carter đã phải lựa chọn giữa các nhu cầu chiến lược và niềm tin đạo lý.  Họ đã quyết định rằng để các tín điều đạo lý của họ sẽ được thi hành tối hậu họ cần trước tiên thắng thế trong cuộc đấu tranh địa chính trị.  Các nhà lãnh đạo Mỹ đã đối diện với nghịch lý của thuật trị quốc.  Các nhà lãnh đạo không thể lựa chọn các giải pháp mà lịch sử cung ứng cho họ, càng ít hơn rằng chúng thì không mơ hồ.

           Cuộc thăm viếng của Bộ Trưởng Quốc Phòng Harold Brown đánh dấu một bước xa hơn nữa trong sự hợp tác Trung Quốc – Mỹ không thể tưởng tượng được chỉ vài năm trước đó.  Họ Đặng đã dón chào ông: “Việc ông tới đây tự nó có ý nghĩa quan trọng”. ông ta ghi nhận với Brown, “bởi vì ông là Bộ Trưởng Quốc Phòng. 57 Ít chính khách kỳ cựu của chính quyền Ford hiểu được sự bóng gió này về lời mời Bộ Trưởng Schlesinger, bị hủy bỏ khi [Tổng Thống] Ford bãi nhiệm ông ta.    

           Nghị trình chính là để xác định mối quan hệ quân sự của Hoa Kỳ với Trung Quốc.  Chính quyền Carter đã đi đến kết luận rằng một sự gia tăng trong năng lực quân sự và kỹ thuật của Trung Quốc thì quan trọng cho sự quân bằng toàn cầu và an ninh quốc gia Mỹ.  Hoa Thịnh Đốn đã “vạch ra sự phân biệt giữa Liên Bang Sô Viết và Trung Quốc”, Bộ Trưởng Brown giải thich, và đã sẵn lòng để chuyển giao một số kỹ thuật quân sự cho Trung Quốc mà nó sẽ không cung cấp cho Sô Viết”. 58 Xa hơn, Hoa Kỳ sẵn lòng để bán “trang thiết bị quân sự” cho Trung Quốc (chẳng hạn như trang bị theo dõi và các xe cộ), mặc dù không có “các vũ khí”.  Ngoài ra,  Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào quyết định bởi các đồng minh khối NATO để bán các vũ khí cho Trung Quốc.  Như Tổng Thống Carter đã giải thích trong các chỉ thị của ông cho Brzezinski:

    “Hoa Kỳ không phản đối trước thái độ đi xa hơn mà các đồng minh của chúng ta đang chấp nhận liên quan đến việc mậu dịch với Trung Quốc trong các lãnh vực nhạy cảm kỹ thuật.  Chúng ta có một quyền lợi nơi một nước Trung Quốc an ninh và mạnh mẽ -- và chúng ta thừa nhận và tôn trọng quyền lợi này. 59

           Sau cùng, Trung Quốc đã không thể cứu vớt phe Khmer Đỏ hay buộc Hà Nội phải triệt thoái bộ đội của nó ra khỏi Căm Bốt cho đến một thập niên nữa; có lẽ nhìn nhận điều này, Bắc Kinh đã đóng khung các mục tiêu chiến tranh của nó bằng các từ ngữ giới hạn hơn nhiều.  Tuy nhiên, Bắc Kinh đã áp đặt các giá phải trả nặng nề trên Việt Nam.  Ngoại giao Trung Hoa tại Đông Nam Á trước, trong và sau khi hết chiến tranh đã hoạt động với quyết tâm và kỹ năng lớn lao để cô lập Hà Nội.  Trung Quốc đã duy trì một sự hiện diện quân sự nặng nề dọc biên giới, giữ lại vài vùng lãnh thổ bị tranh chấp, và tiếp tục đưa ra sự đe dọa về một “bài học thứ nhì” cho Hà Nội.  Trong nhiều năm sau đó, Việt Nam bị buộc phải hỗ trợ các lực lượng đáng kể tại biên giới phía bắc của nó để phòng thủ chống lại một trận tấn công khả hữu khác của Trung Quốc. 60 Như họ Đặng đã nói với Mondale hồi Tháng Tám 1979:

    Với một nước có kích thước như thế để duy trì một lực lượng túc trực hơn một triệu quân, ông sẽ tìm ở nơi đâu cho đủ lực lượng làm việc?  Một lực lượng túc trực một triệu quân cần nhiều sự yểm trợ tiếp vận.  Giờ đây họ lệ thuộc vào Liên Bang Sô Viết.  Một số ước lượng họ đang nhận 2 triệu mỗi ngày từ Liền Bang Sô Viết, một số ước lượng nói đén 2 triệu rưỡi … Nó sẽ gia tăng các sự khó khăn, và gánh nặng này trên Liên Bang Sô Viết sẽ ngày càng trở nên nặng nề hơn nữa.  Các sự việc sẽ trở nên khó khăn hơn.  Đến lúc phía Việt Nam sẽ đi đến việc nhận chân được rằng không phải tất cả các yêu cầu của họ với Liên Bang Sô Viết có thể được thỏa mãn.  Trong các tình huống đó, một tình hình mới sẽ xuất hiện”. 61

           Tình trạng đó, trong thực tế, đã xảy ra một thập niên sau đó, khi sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và của sự ủng hộ tài chính của Sô Viết đưa đến một sự cắt xén trong sự bố trí của Việt Nam tại Căm Bốt.  Sau hết, trên một khoảng thời gian khó khăn hơn để chống đỡ cho các xã hội dân chủ, Trung Quốc đã đạt được một phần đáng kể trong các mục tiêu chiến lược của nó tại Đông Nam Á.  Họ Đặng đã đạt được không gian vận dụng đủ để thỏa mãn mục tiêu của ông ta nhằm phá hỏng sự khống chế của Sô Viết tại Đông Nam Á và Eo Biển Malacca.

           Chính quyền Carter đã thực hiện một màn xiếc đi trên dây căng đã duy trì một sự lựa chọn đối với Liên Bang Sô Viết qua các cuộc thương thảo về các sự hạn chế các vũ khí chiến lược, trong khi đặt định chính sách Á Châu của nó trên sự nhìn nhận rằng Mạc Tư Khoa vẫn còn là đối thủ chiến lược chính.

           Kẻ thua trận tối hậu trong cuộc xung đột đã là Liên Bang Sô Viết, kẻ có các tham vọng toàn cầu đã gây ra sự báo động khắp thế giới.  Một đồng minh Sô Viết đã bị tấn công bởi đối thủ dứt khoát nhất về mặt chiến luợc và lớn tiếng nhất của Sô Viết, nước đã công khai cổ động cho một liên minh ngăn chận chống Mạc Tư Khoa – tất cả các điều này diễn ra trong vòng một tháng [sic] sau có sự ký kết liên minh Sô Viết – Việt Nam.  Khi nhìn lại, sự thụ động tương đối của Mạc Tư Khoa trong Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba có thể được nhìn như triệu chứng đầu tiên của sự suy tàn của Liên Bang Sô Viết.  Người ta thắc mắc là liệu quyết định của Liên Bang Sô Viết một năm sau đó can thiệp vào A Phú Hãn có phải đã được thúc đẩy một phần bởi một nỗ lực để đền bù cho sự vô hiệu năng của họ trong việc ủng hộ Việt Nam chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc hay không.  Trong bất kỳ trường hợp nào, sự tính toán sai lầm của Sô Viết trong cả hai tình hình nằm ở chỗ không nhận thức được tầm mức theo đó tương liên của các lực lượng toàn cầu đã chuyển hướng chống lại họ.  Cuộc Chiến Tranh Việt Nam Thứ Ba chính vì thế có thể được kể như một thí dụ khác trong đó các chính khách Trung Quốc đã thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược đại cục, trường kỳ mà không có lợi thế của một cơ sở quân sự có thể so sánh với cơ sở của đối thủ của nó.  Mặc dù việc cung cấp không gian sinh tồn cho các tàn quân của phe Khmer Đỏ khó có thể được kể nhu một chiến thắng đạo lý, Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn khi đối diện với Liên Bang Sô Viết và Việt Nam -- cả hai có quân đội được huấn luyện và trang bị tốt hơn quân đội Trung Quốc.

           Tính trầm tĩnh đối diện với các lực lượng ưu việt hơn về mặt vật chất đã được ghi khắc sâu xa trong tư tưởng chiến lược Trung Quốc – như được thể hiện từ các sự tương đồng với quyết định của Trung Quốc để can thiệp vào Chiến Tranh Triều Tiên.  Cả hai quyết định của Trung Quốc được nhắm chống lại điều mà Bắc Kinh nhận thức sẽ là một mối nguy hiểm tụ hội—sự củng cố các căn cứ của một quyền lực thù nghịch ở nhiều điểm dọc vùng ngoại vi của Trung Quốc.  Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đã tin tưởng rằng nếu quyền lực thù nghịch được phép để hoàn thành ý đồ của nó, Trung Quốc sẽ bị bao vây và chính vì thế ở trong một tình trạng khả dĩ bị xâm kích thường trực.  Đối thủ sẽ ở vào một vị thế để phóng ra một cuộc chiến tranh vào một thời điểm theo sự lụa chọn của nó, và sự hiểu biết lợi thế này sẽ cho phép nó để hành động, như Hoa Quốc Phong đã nói với Tổng Thống Carter khi họ gặp nhau tại Tokyo, “mà không có các sự đắn đo ngần ngại”. 62 Vì thế, một vấn đề có vẻ ở cấp vùng – trong trường hợp thứ nhất người Mỹ đẩy lui Bắc Hàn, trong trường hợp thứ nhì, sự chiếm đóng của Việt Nam tại Căm Bốt -- đã được xem như “tiêu điểm của các cuộc đấu tranh trên thế giới” (như Chu [Ân Lai] đã mô tả về Hàn Quốc. 63

           Cả hai sự can thiệp đặt Trung Quốc chống lại một quyền lực mạnh hơn đã đe dọa sự nhận thức của nó về an ninh của nó; tuy nhiên, mỗi sự can thiệp như thế trên địa hình và vào một thời điểm theo sự lựa chọn của Bắc Kinh.  Như Phó Thủ Tướng Geng Biao sau này có nói với Brzezinski: “Sự ủng hộ của Liên Bang Sô Viết cho Việt Nam là một thành tố trong chiến lược toàn cầu của nó.  Nó được nhắm không chỉ vào Thái Lan mà vào cả Mã Lai, Singapore, Indonesia, và Eo Biển Malacca.  Nếu họ thành công, đó sẽ là một cú đánh chí tử vào khối ASEAN và cũng sẽ cấm chỉ các tuyến giiao thông đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ.  Chúng tôi cam kết làm điều gì đó về việc này.  Chúng tôi có thể không có năng lực để đối phó với Liên Bang Sô Viết, nhưng chúng tôi có năng lực đối phó với Việt Nam”. 64

           Đây không phải là những công việc tao nhã: Trung Quốc đã ném các binh sĩ vào các trận đánh đắt giá vô cùng và gánh chịu các sự tổn thất trên một quy mô sẽ không thể chấp nhận được trong thế giới Tây Phương.  Trong Cuộc Chiến Tranh Trung – Việt, QĐGPNDTQ xem ra đã theo đuổi các nhiệm vụ của nó với nhiều khuyết điểm, làm gia tăng đáng kể tầm mức của các sự tổn thất của Trung Quốc.  Nhưng cả hai cuộc can thiệp đã đạt được các mục đích chiến lược đáng giá.  Ở hai thời khắc then chốt của Cuộc Chiến Tranh Lạnh, Bắc Kinh đã áp dụng học thuyết của nó về sụ gián chỉ (hay ngăn cấm) ở thế công (offensive deterrence) một cách thành công.  Tại Việt Nam, Trung Quốc đã thành công trong việc phơi bày các giới hạn của sự cam kết phòng thủ của Sô Viết đối với Hà Nội và, quan trọng hơn, về tầm với chiến lược tổng quát của nó.  Trung Quốc đã sẵn lòng chấp nhận rủi ro chiến tranh với Liên Bang Sô Viết để chứng tỏ rằng nó đã khướ từ không chịu bị dọa nạt bởi sự hiện diện của Sô Viết tại sườn phía nam của nó.

           Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu đã tóm tắt kết quả tối hậu của cuộc chiến tranh: “Báo chí Tây Phương đã viết một tràng rằng hành động trừng phạt của Trung Quốc như một sự thất bại.  Tôi tin rằng nó đã thay đổi lịch sử của Đông Á” 65./-  

    _____

    CHÚ THÍCH

    1. “Sờ Mông Con Hổ” là một thành ngữ trong tiếng Hán được ưa thích bởi Mao Trạch Đông, có nghĩa làm một điều gì đó táo bạo hay nguy hiểm.  Dịp đưa ra nhận xét này là cuộc gặp gỡ của tôi [tác giả, Henry Kissinger] với Hoa Quốc Phong tại Bắc Kinh trong Tháng Tư, 1979.

    2. Trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Bộ Trưởng Quốc Phòng khi đó, Lâm Bưu, đã xóa bỏ mọi cấp bậc và huy hiệu và đã ra lệnh việc huấn luyện ý thức hệ sâu rộng cho các binh sĩ Trung Quốc, sử dụng quyển Sách Đỏ Nhỏ ghi các ngạn ngữ của họ Mao.  QĐGPNDTQ đã được kêu gọi để đóng các vai trò ý thức hệ và xã hội vượt xa các nhiệm vụ của một quân đội bình thường.  Một sự tường trình sâu sắc về tác hại mà các sự phát triển này đã tạo ra trên QĐGPNDTQ trong cuộc xung đột với Việt Nam có thể được tìm thấy trong quyển sách của Edward O’Dowd nhan đề Chinese Military Strategy in the Third Indochina War (New York: Routledge, 2007).

    3. “Chu Ân Lai, Khang Sinh, và Phạm Văn Đồng: Bắc Kinh, 29 Tháng Tư 1968”, trong sách đồng biên tập bởi Odd Arne Westad, Chen Jian, Stein Tonnesson, Nguyễn Vũ Tùng [?], và James G. Hershberg, “77 Conversations Between Chinese and Foreign Leaders on the Wars in Indochina, 1964-1977”, Cold War International History Project Working Paper Series no. 22 (Washington, DC: Woodrow Wilson International History Project, May 1998), 127-28. (Các dấu ngoặc là trong nguyên bản).

    4. Xem Chương 8, “The Road to Reconciliation”, trang 205.

    5. Tôi luôn luôn tin tưởng rằng việc sẵn lòng ép buộc – theo họ Mao – phe Khmer Đỏ đứng đắn về mặt ý thức hệ phải đi đến một thỏa hiệp, một cách không cần thiết như sự việc đã diễn ra, đã góp phần vào sự đốn ngã họ Chu.  Cũng xem, Kissinger, Years of Uphealval (Boston: Little, Brown, 1982), 368.

    6. Robert S. Ross, The Indochina Tangle: China’s Vietnam Policy, 1975-1979 (New York: Columbia University Press, 1988), 74, trích dẫn bản tường thuật của Tân Hoa Xã (15 Tháng Tám, 1975), như được phiên dịch trong tập Foreign Broadcast Information Service (FBIS) Daily Report, People’s Republic of China (18 Tháng Tám 1975), A7.

    7. Cùng nơi dẫn trên.   

    8. Cùng nơi dẫn trên, 98, trịch dẫn bản tường thuật của Tân Hoa Xã (15 Tháng Ba, 1976), như được phiên dịch trong FBIS Daily Report, People’s Republic of China (16 Tháng Ba, 1976), A13.

    9. Trong Tháng Tư 1978, Tổng Thống A Phú Hãn bị ám sát và chính phủ của ông bị thay thế; vào ngày 5 Tháng Mười Hai, 1978, Liên Bang Sô Viết và chính phủ mới của A Phú Hãn đã ký kết một Hiệp Ước Thân Hữu, Láng Giềng Tốt và Hợp Tác; và vào ngày 19 Tháng Hai, 1979, đại sứ Hoa Kỳ tại A Phú Hãn bị ám sát.

    10. Cyrus Vance, Hard Choice: Critical Years in America’s Foreign Policy (New York: Simon & Schuster, 1983), 79.

    11. “Các Chỉ Thị Của Tổng Thống Carter cho Zbigniew Brzezinski về Sứ Mạng Của Ông Tại Trung Quốc, 17 Tháng Năm, 1978, trong sách của Zbigniew Brzezinski, Power and Principle: Memoirs of the National Security Adviser, 1977-1981 (New York: Farrar, Strauss & Giroux, 1985), Annex 1, 2.

    12. Năm nguyên tắc là: sự khẳng định chính sách một nước Trung Hoa; một sự cam kết không đưa ra sự ủng hộ của Mỹ cho các phong trào độc lập của Đài Loan; một sự không khuyến khích của Mỹ về một sự điều binh dàn trận có tính cách giả thuyết của Nhật Bản vào Đài Loan; ủng hộ cho bất kỳ sự giải quyết hòa bình nào giữa Bắc Kinh và Đài Loan; và một sự cam kết cho sự bình thường hóa liên tục.  Xem Chương 9, “Resumption of Relations: First Encounters with Mao and Zhou”, trang 271.

    13. Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Buổi Gặp Gỡ Của Tổng Thống với Phó Thủ Tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: Washington, 29 Tháng Một 1979, 3:35 – 4:59 chiều”, Jimmy Carter Presidential Library (JCPL), Vertical File – China, tài liệu số 270, 10-11.

    14. “Tóm Lược Phiên Họp của Tiến Sĩ Brzezinski với Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoàng Hoa, Bắc Kinh, 21 Tháng Năm 1978”, JCPL, Vertical File – Chian, item no. 232, 3.

    15. Cùng nơi dẫn trên, 6-7.

    16. Cùng nơi dẫn trên.  Sadat làm Tổng Thống Ai Cập từ 1970 cho đến khi có sự ám sát ông vào năm 1981.  “Hành động quả cảm” được đề cập tới bao gồm sự trục xuất của Sadat hơn hai mười nghìn cố vấn quân sự Sô Viết ra khỏi Ai Cập trong năm 1972, việc phóng ra Cuộc Chiến Tranh Tháng Mười, 1973, và sự gia nhập sau đó vào một tiến trình hòa bình với Do Thái.

    17. Cùng nơi dẫn trên, 4.

    18. Cùng nơi dẫn trên, 10-11.

    19. Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại , Phiên Họp với Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình: Bắc Kinh, 21 Tháng Năm 1978”, JCPL, Vertical File – China, item no. 232-e, 16.

    20. Cùng nơi dẫn trên, 5-6.

    21. “Tóm Lược Phiên Họp Của Tiến Sĩ Brzezinski với Chủ Tịch Hoa Quốc Phong: Beijing, 22 Tháng Năm, 1978,” JCPL, Vertical File – China, item 232c, 4-5.

    22. Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Buổi Gặp Gỡ Của Tổng Thống với Đại Sứ Ch’ai Tse-min: Washington, 19 Tháng Chín, 1978, JCPL, Vertical File – China, tài liệu số 250b, 3.

    23. Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Phiên Họp với Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình: Bắc Kinh, 21 Tháng Năm 1978”, CPL, Vertical File – China, item no. 232-e, 6.

    24. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các phân tích gia chính sách đã đưa ra nhóm từ “sự trổi dậy hòa bình: peaceful rise” để mô tả khát vọng chính sách ngoại giao Trung Quốc mong đạt được vị thế quyền lực quan trọng trong khuôn khổ của hệ thống quốc tế hiện hữu.  Trong một bài viết sâu sắc tổng hợp cả hai học thuật Trung Quốc lẫn Tây Phương về ý niệm này, học giả Barry Buzan nêu lên viễn ảnh rằng sự “trổi dậy hòa bình” của Trung Quốc khởi sự từ cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, khi Đặng Tiểu Bình ngày càng sắp xếp sự phát triển nội bộ và chính sách ngoại giao của Trung Quốc đứng vào hàng ngũ của thế giới phi cách mạng và đã không tìm kiếm các quyền lợi chung với khối Tây.  Các chuyến du hành của họ Đặng ra hải ngoại đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ của sự sắp xếp lại hàng ngũ.  Xem Barry Buzan, “China in International Society: Is ‘Peaceful Rise’ Possible?”, The Chinese Journal of International Politics 3 (2010): 12-13.

    25. “Một Cuộc Phỏng Vấn Với Đặng Tiểu Bình,” Time (5 Tháng Hai, 1979),  xin xem ở website có địa chỉ là : http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,946204,00.html.

    26. “China and Japan Hug and Make Up,” Time (6 Tháng Mười Một, 1978), xem ở website có địa chỉ là: http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,948275-1,00.html.

    27. Henry Kamm, “Teng Begins Southeast Asian Tour to Counter Rising Soviet Influence”, New York Times (6 Tháng Mười Một, 1978), A1.

    28. Henry Kamm, “Teng Tells the Thais Moscow-Hanoi Treaty Perils World’s Peace,” New York Times (9 Tháng Mười Một, 1978), A9.

    29. “Các trích đoạn từ Các Buổi Nói Chuyện Tại Wuchang, Shenzhen, Zhuhai và Shanghai: 18 Tháng Một – 21 Tháng Hai, 1992”, trong Tuyển Tập Của Đặng Tiểu Bình (Selected Works of Deng Xiaoping, tập 3, phiên dịch bởi The Bureau for the Compilation and Translation of Works of Marx, Engels, Lenin, and Stalin Under the Central Committee of the Communist Party of China (Beijing: Foreign Language Press, 1994), 366.

    30. Lee Kuan Yew, From Third World to First: The Singapore Story – 1965-2000 (New York: HarperCollins, 2000), 597.

    31.Cùng nơi dẫn trên, 598-99.

    32. Fox Butterfield, “Differences Fade as Rivals Mingle to Honor Teng,” New York Times (30 Tháng Một, 1979), A1.

    33. Joseph Lelyveld, “ ‘Astronaut’ Teng Gets New View of World in Houston,” New York Times (3 Tháng Hai, 1979),  A1. 

    34. Fox Butterfield, “Teng Again Says Chinese May Move Against Vietnam,” New York Times (1 Tháng Hai, 1979), A16.

    35. Joseph Lelyveld, “ ‘Astronaut’ Teng Gets New View of World in Houston,” A1.  Để có sự phù hợp với phần chính của quyển sách này, cách đánh vần nguyên thủy của đoạn văn được trích dẫn là “Teng Hsiao-p’ing” đã được đổi thành “Deng Xiaopịng”

    36. Hai mươi hai năm tượng trưng cho khoảng cách giữa hai cuộc thế chiến.  Bởi vì hơn hai mươi hai năm đã trôi qua kể từ khi chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhì, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lo âu rằng một nhịp điệu lịch sử nào đó đang vận chuyển các biến cố.  Họ Mao đã đưa ra cùng luận điểm với lãnh đạo cộng sản Úc Đại Lợi E. F. Hill một thập niên trước đó.  Cũng xem Chương Tám, “The Road to Reconciliation,” trang 207, và Chen Jian và David L. Wilson, đồng biên tập, “All Under the Heaven Is Great Chaos: Beijng, the Sino-Soviet Border Clashes, and the Turn Toward Sino-American Rapprochement, 1968-69,” Cold War International History Project Bulletin 11 (Washington, DC: Woodrow Wilson International Center for Scholars, Winter, 1998), 161.

    37. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Buổi Gặp Gỡ Đầu Tiên Của Tổng Thống với Phó Thủ Tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: Washington, 29 Tháng Một 1979,” JCPL, Vertical File – China, tài liệu số 268, 8-9.

    38. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Buổi Gặp Gỡ Của Tổng Thống với Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình: Beijing, 21 Tháng Năm, 1978,” JCPL, Vertical File – China, tài liệu số 232-e, 14.

    39. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Buổi Gặp Gỡ Của Tổng Thống với Phó Thủ Tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: Washington, 29 Tháng Một 1979, 3:35 – 4:59 chiều”, Jimmy Carter Presidential Library (JCPL), Vertical File – China, tài liệu số 270, 10-11.

    40. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Carter-Deng, Đề Tài: Việt Nam, Washington, 29 Tháng Một 1979, 5:00 – 5:40 chiều”, JCPL, Brzezinski Collection, China [PRC] 12/19/78-10/3/79,  tài liệu số 007, 2.

    41. Ross, The Indochina Tangle, 229.

    42. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Carter-Deng, Washington, 29 Tháng Một 1979, 5:00 – 5:40 chiều”, JCPL, Brzezinski Collection, China [PRC] 12/19/78-10/3/79,  tài liệu số 007, 2.

    43. Cùng nơi dẫn trên, 5.

    44. Brzezinski, Power and Principle, 410.

    45. ”Tổng Thống Tường Thuật về Các Cuộc Đàm Thoại Của Ông với họ Đặng: 30 Tháng Một, 1979”, JCPL, Brzezinski Collection, China [PRC] 12/19/78-10/3/79,  tài liệu số 009, 1.

    46. Henry Scott-Stokes, “Teng Criticizes the U.S. for a Lack of Firmness in Iran,” New York Times (8 Tháng Hai, 1979), A12.

    47. Con số thấp hơn xuất hiện trong sách của Bruce Elleman, Modern Chinese Warfare, 1795-1989 (New York: Routledge, 2001), 285.  Con số cao hơn là số ước lượng của Edward O’Dowd trong quyển Chinese Military Strategy in the Third Indochina War, 3, 45-55.

    48. O’Dowd trong quyển Chinese Military Strategy in the Third Indochina War, 45.

    49. Đặng Tiểu Bình với Jimmy Carter hôm 30 Tháng Một, 1979, như được trích dẫn trong sách của Brzezinski, Power and Principle, 409-10.

    50. “Bản Văn Lời Tuyên Bố bởi Mạc Tư Khoa”, New York Times (19 Tháng Hai, 1979); Craig R. Whitney, “Security Pact Cited: Moscow Says It Will Honor Terms of Treaty – No Direct Threat Made,” New York Times (19 Tháng Hai, 1979), A1.

    51. Edward Cowan, “Blumenthal Delivers Warning,” New York Times (28 Tháng Hai, 1979), A1.

    52. Cùng nơi dẫn trên.

    53. Một trong số ít học giả thách thức sự hiểu biết theo quy ước này – và nhấn mạnh đến chiều kích chống Sô Viết của cuộc xung đột – là Bruce Elleman, trong tác phẩm của ông ta, Modern Chinese Warfare, 284-97.

    54. Một có một sự duyệt xét các số ước lượng khác nhau về các sự tổn thất của QĐGPNDTQ, xem O’Dowd, Chinese Military Strategy in the Third Indochina War, 45.

    55. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Buổi Gặp Gỡ Đầu Tiên Của Tổng Thống với Phó Thủ Tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: Washington, 29 Tháng Một 1979,” JCPL, Vertical File – China, tài liệu số 268, 8.

    56. ”Tổng Thống Tường Thuật về Các Cuộc Đàm Thoại Của Ông với họ Đặng: 30 Tháng Một, 1979”, JCPL, Brzezinski Collection, China [PRC] 12/19/78-10/3/79,  tài liệu số 009, 2.

    57. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại với Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình: Beijing, 8 Tháng Một, 1980”, JCPL, NSA Brzez.Matl.Far East, Box No. 69, Brown (Harold), Trip Memcons, 1/80, File, 16.

    58. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại với Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình: Beijing, 8 Tháng Một, 1980”, JCPL, NSA Brzez.Matl.Far East, Box No. 69, Brown (Harold), Trip Memcons, 1/80, File, 15.

    59. “Các Chỉ Thị Của Tổng Thống Carter cho Zbigniew Brzezinski về Sứ mạng Của Ông Tại Trung Quốc, 17 Tháng Năm, 1978, trong sách của Zbigniew Brzezinski, Power and Principle, Annex 1, 4.

    60. Theo một sự ước lượng, vào năm 1986, Việt Nam đã cho đóng “700,000 binh sĩ chiến đấu tại phần miền bắc của xứ sở,” Karl D. Jackson, “Indochina, 1982-1985: Peace Yields to War,” trong sách đông biên tập bởi Solomon và Kosaka, The Soviet Far East Military Buildup, như được trưng dẫn bởi Elleman, trong quyển Modern Chinese Warfare.

    61. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Buổi Gặp Gỡ Của Phó Tổng Thống với Phó Thủ Tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: Beijing, 28 Tháng Tám 1979, 9:30 sáng – 12 giờ trưa,” JCPL, Vertical File – China, tài liệu số 279, 9.

    62. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại Giữa Tổng Thống Carter với Thủ Tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Hoa Quốc Phong: Tokyo, 10 Tháng Bẩy 1980,” JCPL, NSA BRzez. Matl. Subj. File, Box Nọ 38, “Memcons: President, 7/80.

    63. Như được trích dẫn trong sách của Chen Jian, China’s Road to the Korean War (New York: Columbia University Press, 1994), 149.

    64. “Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, Tóm Lược Cuộc Đàm Thoại của Tiến Sĩ Brzezinski với Phó Thủ Tiướng Geng Biao của Công Hòa Nhân Dân Trung Quốc” Washington, 29 Tháng Năm, 1980,”  JCPL, NSA Brzez.Matl.Far East, Box No. 70, ‘Geng Biao Visit, 5/23-31/80,” Folder, 5.

    65. Lee, From Third World to First, 603.

    _____

    Nguồn: Henry Kissinger, Chương 13: “Touching the Tiger’s Buttocks”: The Third Vietnam War, các trang 340-375, trong quyển On China, xuất bản bởi The Penguin Press, New York, 2011. 

    Ngô Bắc dịch và phụ chú

    04.03.2013    

    http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacHKissinger1979.htm


    Không có nhận xét nào