Nguồn: Tomoya Onishi, “Vietnam general secretary Trong elected to unprecedented 3rd term”, Nikkei Asia, 31/01/2021.
Đảng Cộng sản Việt Nam hôm Chủ nhật đã quyết định trao cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba chưa từng có tiền lệ trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Quyết định này, được đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng, cho thấy sự thừa nhận của Đảng rằng ông Trọng đã quản lý ổn định các công việc nhà nước, bao gồm việc ngăn chặn dịch COVID-19 và tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào các quan chức cấp cao và các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước.
Ông Trọng, 76 tuổi, sẽ là tổng bí thư đầu tiên của đảng giữ chức tổng bí thư ba nhiệm kỳ kể từ khi Việt Nam thống nhất vào năm 1976.
Đảng tổ chức đại hội toàn quốc khoảng 5 năm một lần. Ông Trọng được giới thiệu bởi các ủy viên Bộ Chính trị, và sau đó đề cử này đã được bỏ phiếu thông qua bởi 200 ủy viên mới của Ban Chấp hành Trung ương, những người sẽ giữ giữ chức vụ của mình trong 5 năm tới.
Các quy tắc của Đảng giới hạn tổng bí thư chỉ được phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm. Mặc dù việc thay đổi điều lệ đảng được coi là cần thiết để cho ông Trọng nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba, nhưng thay vào đó, đảng quyết định đưa ra một ngoại lệ.
Nhiều người dự đoán ông Trọng sẽ nghỉ hưu sau khi hết nhiệm kỳ thứ hai vì lo ngại về tuổi tác và các vấn đề sức khỏe của ông; ông bị đột quỵ nhẹ vào tháng 4 năm 2019. Nhưng các lời kêu gọi duy trì nguyên trạng trong đảng đã tăng lên trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất ổn trên trường quốc tế, đặc biệt là liên quan đến việc Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh giành quyền bá chủ.
Ông Trọng được ghi nhận vì sự lãnh đạo của ông trong năm 2020, khi Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế đồng thời ngăn chặn được sự lây lan của coronavirus. Cho tới thứ Bảy tuần này, Việt Nam chỉ có 1.739 ca nhiễm COVID-19 kể từ lần bùng phát đầu tiên vào năm ngoái, ít hơn nhiều so với một số nước Đông Nam Á khác.
Năm 2011, ông Trọng đảm nhận chức vụ hiện tại sau khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch Quốc hội.
Được coi là một người “bảo thủ”, ông Trọng đã và đang dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng trong giới lãnh đạo đảng. Tại đại hội toàn quốc năm 2016, ông được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai sau khi buộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ – một nhà lãnh đạo được cho là có tư tưởng cải cách, người đang tìm cách giành chức tổng bí thư – phải nghỉ hưu.
Việc bầu ông Trọng diễn ra sớm hơn dự kiến khi một loạt ca nhiễm COVID-19 được phát hiện ở một số tỉnh phía Bắc. Truyền thông địa phương đưa tin đại hội sẽ kết thúc vào ngày mai, sớm hơn một ngày so với dự kiến trước đó.
Đảng được đặt dưới sự lãnh đạo tập thể của “tứ trụ” trong Bộ Chính trị – bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Vị trí chủ tịch nước mà ông Trọng đang đảm nhiệm đồng thời từ năm 2018 do người tiền nhiệm qua đời dự kiến sẽ được trao cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi.
Phạm Minh Chính, 62 tuổi, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ kế nhiệm ông Phúc làm Thủ tướng.
Vương Đình Huệ, 63 tuổi, bí thư thành ủy Hà Nội và nguyên phó thủ tướng, sẽ trở thành chủ tịch quốc hội.
Ba vị trí này sẽ được quyết định chính thức khi quốc hội mới nhóm họp sau đại hội. Trần Quốc Vượng, thường trực ban bí thư, người được coi là ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm ông Trọng, sẽ phải nghỉ hưu.
Việc lựa chọn các lãnh đạo trụ cột của Việt Nam thường tính đến sự cân bằng địa lý – tức có đại diện từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Trong khi chức vụ tổng bí thư thường thuộc về một nhà lãnh đạo miền Bắc, ba chức vụ còn lại được chia cho các quan chức của mỗi miền.
Nhưng đội hình mới bao gồm hai quan chức từ miền Bắc, bao gồm ông Trọng, và hai từ miền Trung.
Miền Nam không có đại diện trong “tứ trụ” lần này, điều có thể làm dấy lên sự không hài lòng từ trung tâm kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh.
“Ông Trọng sẽ tiếp tục chương trình nghị sự trong nước hiện tại, tập trung vào vấn đề xây dựng đảng. Vì vậy, chúng ta có thể trông đợi chiến dịch chống tham nhũng cấp cao của ông sẽ tiếp tục”, Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nói với Nikkei Asia.
Một ưu tiên chính của ông Trọng sẽ là phát triển một đội ngũ lãnh đạo mới để được bầu tại đại hội đảng lần sau vì đảng cần tránh những vấn đề nhân sự mà ông phải đối mặt trong đại hội lần này, ông Hiệp nói.
Ông nói thêm: “Quan trọng nhất, ông ấy sẽ phải chuẩn bị cho một người kế nhiệm nhằm tiếp quản vị trí của mình và xây dựng sự đồng thuận rộng rãi cho sự lựa chọn của mình. Những gì chúng ta nên theo dõi chặt chẽ trong vài năm tới là ông Trọng sẽ ở lại bao lâu và ai sẽ tiếp quản vị trí của ông nếu ông từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ mới.”
Việt Nam, quốc gia có dân số gần 100 triệu người, đạt mức tăng trưởng 2,9% vào năm 2020 và đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà sản xuất toàn cầu khi họ coi đây như một trung tâm khả dĩ trong chuỗi cung ứng đang tăng trưởng của Đông Nam Á. Có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam đang có tầm quan trọng gia tăng về địa chính trị như một tiền tuyến nơi các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự giao thoa, xung đột.
Việc bầu ban lãnh đạo mới của Việt Nam đã thu hút sự chú ý từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.
Ông Hiệp nói: “Quyết định [giữ ông Trọng ở lại] sẽ có rất ít tác động đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung và quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc nói riêng”.
“Việt Nam vẫn sẽ duy trì quỹ đạo chính sách đối ngoại hiện tại, theo đuổi đa dạng hóa quan hệ chiến lược và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các cường quốc và ủng hộ vai trò của ASEAN”, ông nói thêm. “Việt Nam cũng sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì cả hai quốc gia này đều quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của Việt Nam.”
http://nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào