Header Ads

  • Breaking News

    Đặng Văn Sinh - Tản Mạn Cuối Năm


    Còn nhớ vào những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ XX, mỗi khi lên lớp, tôi sợ nhất là phải giảng bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của nhà thơ Chế Lan Viên. Thú thật, nhìn những gương mặt xanh xao thiếu dinh dưỡng của đám học trò nông thôn, mà trong đó vài đứa, chốc chốc lại ngáp ngủ, thì ông thầy dù có văn hay chữ tốt đến mấy cũng chẳng thể nào nhét vào bộ nhớ của chúng những hình ảnh “siêu thực”:

    “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
    (…)
    Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
    Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!
    Trái cây rơi vào áo người ngắm quả
    Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn”.

    Họ Chế (Đúng ra là họ Phan) trong cơn lên đồng đã tưởng tượng ra một thực cảnh (không phải viến cảnh vì cấu trúc câu thơ của ông đều sử dụng thì hiện tại) chỉ có ở chốn Bồng Lai, nơi mà các vị tiên chẳng phải làm gì, suốt ngày chỉ có uống rượu, đánh cờ và múa hát mà vẫn được ăn ngon mặc đẹp. Đối lập với những vần thơ có cánh ấy, học trò lại cảm thụ theo cách của chúng. Tất cả các bài kiểm tra đều cùng một kiểu “diễn đạt văn vần thành văn xuôi”, đương nhiên là được chèn thêm khá nhiều những liên từ, giới từ và trạng từ ngô nghê vốn chẳng liên quan gì đến nội dung thơ Chế.

    Ba mươi bảy năm sau, Chế ngộ ra những bài thơ mình viết trước đây đều là của giả được mạ vàng tây, trang kim lấp lánh, xủng xoảng những động từ, tính từ lừa thiên hạ, ông tự thú nhận mình cũng tiếp tay cho tội ác:

    “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
    Chỉ một đêm, còn sống có 30
    Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
    Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
    Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong”.

    Chế phản tỉnh, nhưng lạ thay, bài học nhỡn tiền vẫn không đủ cảnh báo những kẻ cuồng tín. Năm mươi nhăm năm kể từ khi “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” ra đời lại có quý ngài ở tầm “phương diện quốc gia” phán một câu xanh rờn “Nhìn tổng quát lại đất nước có bao giờ được như thế này không?”.

    Câu nói rất đúng nếu ta chỉ bịt mắt soi vào quá khứ, hay một cách văn vẻ là “cái nhìn lịch đại”. Những người cổ vũ cho “học thuyết lịch đại” này luôn lấy năm 1945 làm mốc rồi từ đó phóng chiếu đến tương lai, hẳn nhiên, thời bây giờ hơn đứt ngày xưa chẳng cần phải bàn cãi. Năm Ất Dậu dân ta làm gì có màn chống muỗi, đào đâu ra phích đựng nước nóng, có nằm mơ giữa ban ngày cũng chẳng tưởng tượng ra tủ lạnh, TV, máy tính… Nhờ có Cách mạng thánh Tám, có Đảng, Bác Hồ mới được cơm no áo ấm. Vì thế phải đời đời ơn Đảng, ơn Bác, mong Đảng “muôn năm vinh quang”. Ai nghĩ ngược lại tức là “thế lực thù địch”.

    Thế nhưng, cuộc sống luôn vận động bởi vận động là phương thức tồn tại của vạn vật từ vĩ mô đến vi mô. Vũ trụ xoay vần với hàng tỷ thiên hà luôn bị quy luật sinh diệt chi phối. Bản thân con người cũng vận động không ngừng. Đó là quy luật bất biến. Vì thế, trọng mọi hoàn cảnh, con người phải có cái nhìn đồng đại. Đây là cái nhìn biện chứng, khách quan đúng như lý thuyết của Marx trong “Tư bản” (Le Capital). Vậy nếu so sánh theo chiều ngang (đồng đại) thì Việt Nam đang đứng ở thứ bậc nào trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói là trên thế giới?

    Hãy lấy năm 1964 làm mốc để so sánh. Thời kỳ này, Hàn Quốc là quốc gia nghèo, thu nhập bình quân đầu người tương đương với Bắc Việt Nam. Tổng thống Park Chung Hee, đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế, trong đó có việc đưa người Hàn đi lao động xuất khẩu ở Châu Âu và đưa lính sang Việt Nam đánh thuê cho Mỹ để lấy ngoại tệ xây dựng đất nước. Hai mươi năm sau, Nam Hàn trỗi dậy thành con rồng với nền kinh tế xếp thứ 12 thế giới và GDP bình quân đầu người (2019) lên đến 44,740, GDP danh nghĩa là 31,430 USD. Cũng năm 1964, người Malaysia sang Sài Gòn làm thuê bị dân Việt Nam gọi là “mọi”. Năm mươi sáu năm sau tình hình bị đảo ngược. GDP bình quân năm 2020 (dự đoán) của người Mã đạt mức 28,567 USD, về danh nghĩa là 11.484 USD, và hàng chục ngàn công dân con Lạc cháu Hồng nhập cảnh vào “xứ mọi” xưa dưới danh nghĩa “lao động xuất khẩu” rồi gây ra đủ hệ lụy làm mất danh dự quốc gia.

    Đài Loan (Taiwan) là một quốc đảo, diện tích vỏn vẹn 36.197 Km2, dân số chưa đến 24 triệu, phần lớn là hậu duệ những người theo Quốc dân đảng chạy loạn sau khi Tàu cộng chiếm Đại Lục. Vậy nhưng ở mảnh đất cằn cỗi ấy, họ vẫn tạo dựng cho mình một thế đứng hiên ngang, chỉ cách bờ biển Phúc kiến 180 km mà các ông chủ Trung Nam Hải không làm gì được ngoài thứ võ mồm khiến Tổng thống Thái Anh Văn cũng “võ mồm” đáp trả, nếu Trung cộng tấn công, bà sẽ ra lệnh cho quân đội phóng tên lửa phá hủy đập Tam Hiệp. Hậu quả sẽ có ít nhất 400 triệu dân vùng hạ du sông Trường Giang trôi ra biển. Đài Loan hiện là quốc gia nhập khẩu nhiều lao động làm thuê nhất châu Á mà Việt Nam là “khách hàng” nhẵn mặt từ hơn hai chục năm nay. GDP đầu người của Đài Loan năm 2019 là 55.078 USD và GDP danh nghĩa là 24.828, xếp thứ hạng khá cao trên thế giới.

    Chưa hết, ngay cả một nước Hồi giáo trong khu vực có số dân đến 261 triệu như Indonesia cũng có thu nhập bình quân đầu người (2020) 4038 USD, vậy nếu so với năm 1945 thì họ tăng trưởng gấp bao nhiêu lần? Nên nhớ rằng, tất cả các quốc gia này đều không có đảng Cộng sản lãnh đạo. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh Họ là những chính thể dân chủ, đa nguyên, đa đảng, và, Quốc hội của họ không cho phép ghi vào Hiến pháp bất cứ một đảng chính trị nào độc quyền lãnh đạo đất nước.

    Ngày 15 háng 8 năm 1945, sau khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, một loạt các quốc gia Đông Nam Á bị chiếm đóng, tuyên bố độc lập mà không cần bất cứ một đảng phái nào lãnh đạo “cướp chính quyền” trừ Triều Tiên bị Trung Quốc nhảy vào với âm mưu kéo nước này vào quỹ đạo Cộng sản. Mỹ can thiệp, kết quả là bán đảo Liêu Đông phải chia làm hai miền. Có điều cả Nam Hàn và Bắc Hàn đều đã nhận thức được nguy cơ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, họ đủ tỉnh táo nhận diện kẻ thù đích thực nên tránh được cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, không cần “giải phóng” bằng mọi giá.

    Bắc Triều Tiên, là chế độ độc tài toàn trị cha truyền con nối nhưng xét đến cùng từ Kim Nhật Thành đến Kim Chính Ân đều là những nhà lãnh đạo yêu nước theo cách riêng của họ. Hơn 20 năm đàm phán biên giới, Bắc Kinh không lấy được của Bắc Hàn một mét vuông đất cho dù chính họ nuôi dưỡng tập đoàn lãnh đạo Triều Tiên từ nhiều năm nay. Tinh thần quả cảm của nhà Kim cao đến mức, tuy đất nước nghèo đói cùng cực mà vẫn làm được “đồ chơi”, sẵn sàng bấm nút răn đe khiến gã láng giềng tham lam vô độ phải dè chừng. Khi mới lên chấp chính thay cha lúc chưa tròn ba mươi tuổi, Kim Chinh Ân đã mạnh tay thanh toán hàng loạt gián điệp Tàu (kể cả ông chú dượng) do Chu Vĩnh Khang “cấy” vào các cấp chính quyền. Chỉ riêng chừng ấy việc làm cũng đã khiến thiên hạ phải nhìn nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên bằng con mắt khác.

    Theo con số thống kê của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trên Wiki Pedia, năm 2019 là 10.755 USD, trên danh nghĩa 3.498 USD, nhưng con số công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước chỉ xấp xỉ 2.700 USD. Đương nhiên đây vẫn là con số “đẹp” đã được “vo tròn” để yên lòng dân và “làm dáng” với cộng đồng thế giới. Thế nhưng ngay cả con số “đẹp” này, thử hỏi, chúng ta xếp thứ hạng bao nhiêu so với các nước trong khu vực mà lúc nào cũng véo von ca bài ca muôn thuở?

    Đương nhiên, GDP chỉ là một tiêu chí đánh giá sự phát triển của quốc gia. Hãy tham khảo thêm những chỉ số khác nữa để định vị cho chính xác. Giáo dục luôn được ghi trong các loại nghị quyết là “quốc sách” nhưng có thể nói chưa bao giờ nhếch nhác như bây giờ. Nạn bằng giả, bằng đểu tràn lan. Luận án tiến sĩ có thể mua bất cứ ở lò ấp nào miễn là có tiền. Thật nực cười cho một đất nước có đến 13 ngàn Giáo sư, Phó Giáo sư, 24 ngàn Tiến sĩ các loại mà hàng năm không có lấy một phát minh được quốc tế ghi nhận. Chủ nghĩa thành tích, nạn dạy thêm học thêm và gian lận điểm trong các kỳ thi đã trở thành phổ biến như một thứ bệnh ung thư di căn vô phương cứu chữa.

    Khốn khổ thay, một xứ sở “rừng vàng biển bạc”, con người thông minh, cần cù, mà mấy chục năm nay chúng ta trở thành quốc gia làm thuê vĩ đại. Người Việt Nam toàn làm những việc mà người bản xứ không thèm làm. Người Việt ở đâu là ở đó có tệ nạn trộm cắp đến nỗi chính quyền sở tại phải niêm yết các bảng cảnh báo bằng tiếng Việt. Nữ phóng viên KT, con gái rượu cựu Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chôm chỉa ở siêu thị Thụy Điển và Anh Quốc chỉ là một trong “các đồng chí bị lộ”. Hết ăn cắp, buôn lậu đến bỏ trốn khỏi công ty ra làm ngoài, rất nhiều người bị bắt, bị phạt tiền thậm chí phải “nhập kho” để rồi cuối cùng là trục xuất một cách nhục nhã.

    Cán bộ sứ quán thì lợi dụng hộ chiếu đỏ buôn sừng tê, ngà voi, vây cá mập. Đại sứ Lê Văn Bàng tại Liên hợp quốc còn cùng lái xe mò trộm sò ở vùng biển cấm, bị cảnh sát bắt được lại chối quanh là “không biết tiếng Anh”…

    Tham nhũng từ lâu đã trở thành quốc nạn đến nỗi ông chủ “lò tôn” phải liên tục đốt cả củi tươi lẫn củi khô mà căn bệnh mạn tính này xem ra không hề thuyên giảm. Cùng với tham nhũng, tai nạn giao thông luôn đứng ở tốp đầu. Trung bình mỗi ngày từ 22 người bất đắc kỳ tử, đến nỗi Chính phủ phải cảnh báo, năm 2018, số người chết vì tai nạn giao thông tương đương dân số một huyện*.

    Mùa mưa thì hàng trăm đập thủy điện xả lũ “đúng quy trình” phá hoại hoa màu, người chết, nhà cửa bị nước cuốn trôi chỉ biết ngẩng mặt kêu trời. Bệnh viện không còn là nơi chữa bệnh mà chỗ làm tiền trên lưng người nghèo.

    Hiện tượng rác thải, trong đó bao hàm rác công nghiệp, rác sinh hoạt và cả rác văn hóa đã đưa Việt Nam trở thành cường quốc ô nhiễm. Không ở đâu tỷ lệ người chết vì ung thư cao như Việt Nam, trong khi đó Bộ Y tế, cơ quan chủ quản chữa bệnh lại buôn thuốc ung thư giả…

    Tất cả những vấn nạn trên đều trực tiếp dẫn đến sự suy thoái của đất nước nhưng còn nguy hiểm hơn là sự suy thoái của cả một dân tộc. Bị hệ ý thức giáo điều, lạc hậu và các tệ nan chi phối, con người đã tự đánh mất mình. Thói dối trá, thói ăn cắp và thói vô cảm đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” những người lương thiện thành một cộng đồng lưu manh. Giờ đây, thế giới luôn cảnh giác với công dân Việt Nam mỗi khi xuất ngoại. Vì sao đến nông nỗi, giá trị tấm hộ chiếu Việt Nam còn thấp hơn cả Lào và Cambode?

    Bởi vì chúng ta luôn mục hạ vô nhân, rằng dưới gầm trời này chỉ có mình là nhất. Chúng ta đã “đánh thắng ba đế quốc to”, lắm anh hùng, nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, vô thiên lủng cơ quan đoàn thể, cá nhân gắn đủ các nhãn mác, vậy vì sao cứ luôn ngoái cổ gậm nhấm niềm vinh quang quá khứ mà không thèm “ghé mắt trông ngang” xem thiên hạ hành xử ra sao?

    Triết gia Đức Hegel nói một câu vô cùng chí lý “Chính phủ nào thì công dân ấy”. Tất nhiên không bao giờ xảy ra nghịch lý, một chính phủ loại ba lại có công dân loạt một và ngược lại.

    Nhân dịp sắp đến năm Con Trâu, xin có đôi dòng tản mạn…

    https://www.tvvn.org/tan-man-cuoi-nam-dang-van-sinh/

    Không có nhận xét nào