Header Ads

  • Breaking News

    Âm u thị trường tiền tệ những ngày đầu năm mới

     


    Cơn bão lạm phát đang đến gần?

    Đương nhiên, khi tiền tệ không còn dựa vào bản vị vàng mà dựa vào định giá của ngân hàng trung ương hay của chính quyền và tăng trưởng kinh tế dựa trên vay nợ thì sự mất giá của tiền tệ và mức độ tăng giá của vàng chính là thước đo chuẩn nhất cho lạm phát. (Ảnh: ALEXANDER NEMENOV / AFP qua Getty Images)

    Các đồng tiền mạnh mất giá trong khi vàng tăng, tiền ảo tăng kỷ lục... Các bất thường trên thị trường tiền tệ thế giới là chỉ dấu cho thấy bóng ma lạm phát ngày một lớn và đang bao phủ thị trường tài chính toàn cầu bởi hậu quả của nó sẽ là tăng lãi suất, sự tháo chạy của dòng tiền, phân chia lại của cải của giới tài phiệt và tăng trưởng tiêu điều...

    USD mất giá kỷ lục, các đồng tiền mạnh khác không khả quan

    Tuần trước, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất khi các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng phục hồi kinh tế Mỹ. Chỉ số USD index (DXY) suy yếu 0,7% xuống còn 90,8 trong phiên giao dịch châu Á sau hơn 3 tháng khôi phục nhẹ, chuỗi phục hồi đồng USD chấm dứt vào ngày 4/2/2021 vừa qua. 

    Chỉ số USD index (DXY) suy yếu 0,7% xuống còn 90,8 trong phiên giao dịch châu Á sau hơn 3 tháng khôi phục nhẹ. (Nguồn: Trading Economics)

    Đồng USD đã giảm giá kể từ ngày 4/2/2021, sau khi “cơn lốc” ký duyệt của ông Biden cuốn phăng hàng triệu việc làm trên toàn nước Mỹ chỉ sau hai tuần điều hành. Số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp của Mỹ lên tới hơn 10 triệu người và không có dấu hiệu suy giảm đáng kể. 

    Các nhà đầu tư đã đẩy giá đồng bạc xanh lên nhờ việc Hoa Kỳ triển khai vaccines nhanh hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Tuy nhiên, chi tiêu tài khóa quá lớn khi Quốc hội Mỹ phê duyệt gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden cùng với chính sách tiền tệ quá dễ dàng và rẻ của Cục Dự trữ Liên bang đã không đủ sức để đẩy đồng USD tăng giá. Trong dài hạn, giá đồng USD khó có thể tăng trở lại mặc dù chỉ chỉ số DXY đo lường mối tương quan giữa đồng USD với sáu loại ngoại tệ mạnh khác, những đồng tiền trong rổ này cũng đang mất giá đáng kể bởi nợ công quá lớn và chính sách tiền tệ giá rẻ kéo dài. 

    Nhà phân tích tiền tệ Joseph Capurso của Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Điểm mấu chốt là một khoản kích thích lớn có khả năng sẽ sớm được thông qua, làm trầm trọng thêm thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ và đè nặng lên đồng USD”.

    Không chỉ đồng USD, chương trình tiêm chủng "tụt hậu" của châu Âu cũng góp phần làm mất giá đồng EUR trong thời gian ngắn nhưng các chuyên gia cho rằng đồng EUR sẽ phục hồi khi khi châu lục này sẽ bắt kịp chương trình vaccines, dự báo đồng tiền này có thể tăng lên 1,28 USD/EUR lần đầu tiên kể từ năm 2014, ông Capurso cho biết. 

    Trong một năm qua, đồng đô la Mỹ mất giá ở mức 5-16% so với hầu hết các đồng tiền mạnh trên thế giới. (Nguồn: Trading Economics)

    Trong một năm qua, đồng đô la Mỹ mất giá ở mức 5-16% so với hầu hết các đồng tiền mạnh trên thế giới (Nguồn: Trading Economics)

    Đồng NDT của Trung Quốc tăng giá - Đòn thao túng tiền tệ kiếm lời trong đại dịch? 

    Trong nhiều thập kỷ qua, để thực thi chiến lược xuất khẩu, Trung Quốc đã tự làm mất giá đồng CNY khiến cho hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với các nền kinh tế khác, giúp hàng hóa rẻ của Trung Quốc bao phủ thị trường quốc tế. 

    Ngược lại, năm 2020, khi thặng dư thương mại của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, đạt mức kỷ lục 535 tỷ USD (theo Bloomberg) bất chấp đại dịch, thì đồng CNY lại tăng giá mạnh so với đồng USD.

    Trung Quốc đạt kỷ lục thặng dư thương mại năm 2020. (nguồn: Bloomberg)

    Trung Quốc đạt kỷ lục thặng dư thương mại năm 2020 (nguồn: Bloomberg)

    Hàng thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn là nơi có sức tăng trưởng nóng nhất, thặng dư thương mại liên tiếp, mức thặng dư liên tiếp đạt kỷ lục... Từng đó điều kiện hỗ trợ, vậy tại sao nhưng CNY vẫn mất giá? Còn năm 2020 thì lại đột ngột bật tăng?

    Lý do là, năm 2020 đặc biệt ở chỗ cả thế giới đóng cửa biên giới, phong tỏa, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong đại dịch. Lúc này chỉ có Trung Quốc sớm "thoát khỏi đại dịch", duy trì sản xuất và xuất khẩu mạnh mẽ nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh về giá là không cần thiết, thậm chí, việc thao túng làm mất giá đồng CNY lại là "mất mát" cho nền kinh tế. Đây là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc tăng giá đồng CNY mà không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. 

    Việc đồng CNY tăng giá mạnh vừa không làm tổn hại đến cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc năm 2020 lại hỗ trợ nước này về giá trong nhập khẩu. Trong thời điểm cả thế giới khan hiếm lương thực, dược phẩm, hàng bảo hộ nhưng lại dư thừa nhiên liệu do cầu suy giảm, Trung Quốc tận dụng tăng cường nhập khẩu thực phẩm, dự trữ than đá, khí ga tự nhiên cho nhu cầu trong nước. Và đồng CNY tăng giá đã hỗ trợ Trung Quốc tăng cường dự trữ hàng hóa giá rẻ khắp toàn cầu.

    Chỉ riêng tháng 12/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đạt mức kỷ lục 203,7 tỷ USD - tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng trước đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 4,5% so với cùng kỳ.

    Trong suốt năm 2020, Trung Quốc liên tiếp tăng cường dự trữ lương thực và nhiên liệu như một hành động chiến lược dài hạn để đối phó với khủng hoảng virus Vũ Hán có thể kéo dài và khốc liệt hơn.

    Đồng CNY lên giá mạnh so với đồng USD, tình trạng hiếm có trong lịch sử thao túng tiền tệ của Trung Quốc nhưng lại "vừa vặn" thích hợp với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận từ xuất khẩu năm 2020 của nước này (Nguồn: Trading Economics; đường màu xanh: tỷ giá USD/VND, đường màu đen: tỷ giá USD/VND)

    Đồng CNY lên giá mạnh so với đồng USD, tình trạng hiếm có trong lịch sử thao túng tiền tệ của Trung Quốc nhưng lại "vừa vặn" thích hợp với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận từ xuất khẩu năm 2020 của nước này (Nguồn:  Trading Economics; đường màu xanh: tỷ giá USD/VND, đường màu đen: tỷ giá USD/VND)

    Tiền ảo lên ngôi trong khi vàng vẫn giữ nguyên niềm kiêu hãnh

    Tâm điểm vẫn là Bitcoin khi nó đạt mức kỷ lục trên 52.500 USD, tăng gần 20% qua đêm, mức tăng cao nhất kể từ năm 2017, sau khi Tesla Inc công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào tài sản kỹ thuật số. 

    Tâm điểm vẫn là Bitcoin khi nó đạt mức kỷ lục trên 52.500 USD, tăng gần 20% qua đêm, mức tăng cao nhất kể từ năm 2017, sau khi Tesla Inc công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào tài sản kỹ thuật số. (Nguồn: Trading Economics)

    Trong khi đó, vàng vẫn tiếp tục leo dốc do lo ngại lạm phát và bất ổn tăng cao. Vàng giao ngay hiện giao động ở mức 1.780 USD/ ounce sau khi đạt 1.848,60 USD, mức cao nhất kể từ ngày 2/2/20020. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 4 tăng 0,2% lên 1.837,50 USD / ounce. Dù giảm nhiều so với thời điểm đạt đỉnh vài tháng trước, vàng đã tăng gần 10% so với 1 năm trước đó. 

    Gần đây, Tesla đã khiến cho đồng Bitcoin tăng vọt khi báo cáo thường niên năm 2020 rằng họ đã mua 1,5 tỷ USD tiền điện tử phổ biến nhất thế giới như một phần của chính sách đầu tư rộng rãi của hãng này và dự kiến ​​s bt đầu chp nhn tài sn k thut s làm thanh toán cho các sản phẩm "Trong tương lai gần".

    Ông Junichi Ishikawa, chiến lược gia ngoại hối tại IG Securities ở Tokyo, cho biết: “Đây là một bước ngoặt đối với cách chúng ta nhìn nhận tiền tệ kỹ thuật số”.

    “Kể từ đây, Bitcoin thực sự sẽ được coi là một tài sản có sẵn để các nhà quản lý tài sản lựa chọn trong danh mục đầu tư của họ”.

    Bitcoin được giao dịch ở mức 51.300 USD sau khi đẩy lên mức kỷ lục mới ở mức 52.520,77 USD vào thứ Tư vừa qua.

    Đối thủ của Bitcoin là đồng Ethereum đã duy trì ở mức 1.733,14 USD sau khi đạt mức 1.784,85 USD, mức cao chưa từng có vào ngày thứ Hai tuần trước.

    Vàng leo lên mức cao nhất trong một tuần do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ giảm, với các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng về một gói kích thích được theo dõi nhanh ở Hoa Kỳ.

    Vàng đã có đợt tăng suốt ba ngày liên tiếp trong tuần trước, đây là đợt tăng giá dài nhất kể từ ngày 5 tháng 1 năm nay, sau khi đảng Dân chủ công bố dự thảo đầu tiên về các điều luật quan trọng bao gồm dự luật cứu trợ Covid-19 của Tổng thống Joe Biden. Gói hỗ trợ mạnh mẽ này được dự đoán rằng sẽ khiến đẩy nhanh mức lạm phát có nguồn gốc từ thị trường, vốn đang ở mức cao nhất trong nhiều năm và đã kích thích cái gọi là giao dịch tái chế. Giá vàng đã tăng đáng kể sau khi tiếp cận mức kháng cự quan trọng.

    Cơn sóng ngầm "lạm phát" đang đến gần

    Các biến động lớn trên thị trường tiền tệ hiện nay cho thấy lạm phát đang dần hiện hữu, nó không còn là nỗi lo sợ mang tính lý thuyết khi cả thế giới nới lỏng tiền tệ hơn một thập kỷ qua. Đương nhiên, khi tiền tệ không còn dựa vào bản vị vàng mà dựa vào định giá của ngân hàng trung ương hay của chính quyền và tăng trưởng kinh tế dựa trên vay nợ thì sự mất giá của tiền tệ và mức độ tăng giá của vàng chính là thước đo chuẩn nhất cho lạm phát. 

    Số liệu cập nhật vào tháng 1/2021 cho thấy lạm phát ở Châu Âu và nhóm các nước G20 hầu hết đã tăng trở lại vào đầu năm 2021, trừ một số nền kinh tế Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

    Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone đã tăng 0,9% từ đầu năm 2021, mức tăng đáng kể nếu so với tỷ lệ suy giảm 0,3% trong tháng 12/2020. Theo Eurostat, tỷ lệ lạm phát lõi (tức là không tính sự lên xuống của giá năng lượng và lương thực) đạt 1,4%. Dù tính theo cách nào, tỷ lệ lạm phát tại châu Âu nói trên vẫn còn xa mới đạt mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là gần 2%. 

    Thống kê lạm phát này dường như khiến chúng ta rất yên tâm mà quên không nhìn vào giá trị tiền tệ đang mất dần, giá vàng đang tăng và bong bóng các tài sản đầu cơ (tiền ảo, bất động sản, chứng khoán phái sinh...) đang phình to. 

    Vậy câu hỏi tại sao các chỉ số lạm phát rất chậm trong việc thể hiện ra dấu hiệu tăng trở lại? Câu trả lời là ở cách tính toán hết sức "kỹ thuật" của "rổ hàng hóa tính toán chỉ số lạm phát" mà mỗi quốc gia lựa chọn. Dù loại hàng hóa nào được đưa vào tính toán lạm phát, thì tất cả các rổ hàng tính lạm phát này đều không bao gồm hàng hóa là các sản phẩm, dịch vụ tài chính như cổ phần, cổ phiếu, sản phẩm tài chính phái sinh, giá BĐS, giá Bitcoin... Đây chính là lỗ hổng trong chu kỳ kinh tế lần này. 

    Bởi vì dòng tiền giá rẻ trong hơn thập kỷ qua không chảy vào sản xuất đáng kể, cầu suy yếu khiến giá hàng hóa toàn cầu giảm sút. Cả nhân tố giá đẩy (giá chi phí đầu vào) và cầu kéo đều không hiện diện tại giá của các hàng hóa trong rổ tính lạm phát của mọi nền kinh tế. Thay vào đó, dòng tiền giá rẻ thúc đẩy thị trường tài chính và đầu cơ trên toàn cầu, tạo bong bóng giá tại các khu vực này; những thứ nằm ngoài rổ tính toán lạm phát, nằm ngoài các con số thống kê. 

    Dù không thể hiện trong các con số thống kê nhưng không có nghĩa là lạm phát không tồn tại, nó chỉ đến chậm hơn và  hậu quả của sự "ẩn mình" này của lạm phát sẽ nguy hiểm hơn mà thôi. 

    Thực tế, cảnh báo lạm phát còn rõ ràng hơn bởi giá hàng hóa, giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu đang tăng mạnh trở lại. Dù yếu tố lạm phát do cầu kéo chưa rõ nét, nhưng lạm phát do chi phí đẩy là khó tránh khỏi. 

    Việt Nam cần cẩn trọng trước mắt bão

    Lạm phát mới manh nha thôi và chúng ta có nên lo lắng quá mức vậy không? Câu trả lời là CÓ và thậm chí là cần RẤT CẨN TRỌNG. 

    Lạm phát thấp chính là lý do để tiền giá rẻ và các cuộc giải cứu bất tận khiến khối nợ nhà nước và tư nhân đạt kỷ lục mới, chưa từng có, trên khắp toàn cầu, tạo ra một đội quân doanh nghiệp xác sống chiếm giữ tài nguyên và lấn lướt các doanh nghiệp lành mạnh khác. 

    Khi lạm phát tăng trở lại, các ngân hàng trung ương buộc phải từ bỏ chính sách lãi suất thấp hàng thập kỷ của mình. Việc tăng lãi suất trở lại sẽ là thách thức cực lớn với khả năng trả nợ của cả khối tư nhân và nhà nước. Nợ xấu không thể không tăng, ít nhất là các doanh nghiệp xác sống kể trên sẽ khó lòng tồn tại khi không được "bơm máu" từ dòng tiền dễ dãi và rẻ mạt. Gọng kìm lãi suất cơ bản tăng cao và nợ xấu tăng sẽ đe dọa khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM). Lúc này, NHTM buộc phải tăng lãi suất huy động để tìm kiếm nguồn tiền bù đắp vào dòng tiền thiếu hụt do không thu được nợ. 

    Lúc này, bán tháo tài sản đã đầu cơ trên thị trường tài chính và bất động sản sẽ trở thành xu hướng lớn bởi các lý do: (i) các thị trường tài chính và bất động sản không được "bơm máu' từ dòng tiền giá rẻ và dư thừa bởi lạm phát tăng, các NHTW buộc phải thu hẹp cung tiền bằng lãi suất cao, lợi suất thị trường sẽ giảm đi và không còn hấp dẫn nhà đầu tư; (ii) hầu hết bong bóng thị trường tài chính và tài sản được bơm phồng bởi nợ với chi phí (chính là lãi suất) thấp. Khi nợ phải trả bằng chi phí cao hơn lợi suất đầu tư, các nhà đầu tư sẽ bán tài sản đầu tư, đầu cơ đang nắm giữ để thanh toán nợ. Ai cũng muốn bán, bong bóng giá tài sản có thể vỡ nếu tâm lý thị trường kém. Giá tài sản càng giảm, thì áp lực bán tháo càng lớn; (iii) bản thân tài sản tài chính này lại là tài sản đảm bảo cho khoản vay của nhà đầu tư tại các NHTM, các quỹ. Giá sụt giảm khiến nhà đầu tư phải lựa chọn bán tháo tài sản hoặc bơm tiền bằng vốn tự có để đảm bảo cân đối nợ - vay theo an toàn của NHTM. Lúc này, khả năng bơm tiền mặt là vốn tự có là rất khó khăn. 

    Nếu nhà đầu tư không thể bán tháo tài sản, dù trong vài tháng, nợ xấu sẽ tất yếu trở thành vấn đề của mọi nền kinh tế, trong đó Việt Nam bởi các thị trường tài chính liên thông và ngày một gắn bó chặt chẽ với nhau, từ xu hướng cho tới tâm lý thị trường và chính sách tiền tệ. 

    Chưa kể, khi Fed và ECB từ bỏ chính sách lãi suất thấp và tăng lãi suất cơ bản trở lại, NHTM các nền kinh tế này tăng lãi suất huy động, dòng tiền đầu tư gián tiếp có nguồn gốc từ EU và Mỹ chảy vào Việt Nam (và các nền kinh tế mới nổi) tìm kiếm chênh lệch lợi suất trong nhiều năm sẽ lập tức quay đầu. Sự tháo chạy của dòng vốn ngoại với các nền kinh tế có độ mở quá lớn, quy mô nhỏ như Việt Nam sẽ tạo áp lực tiêu cực lên tỷ giá, tâm lý thị trường, giá của thị trường tài sản... Thị trường chứng khoán có thể quay đầu, thậm chí sẽ có thời điểm tạo đáy thấp hơn cả giá trị thực của các các cổ phiếu đang niêm yết. 

    Như vậy, khi lạm phát quay trở lại, chúng ta sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu, rủi ro thanh khoản ngân hàng tăng, giảm giá các thị trường tài sản. Ngoài ra, các cú sốc về đảo chiều dòng vốn có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá, tạo thêm vòng luẩn quẩn của lạm phát trong nước gia tăng. 

    https://www.ntdvn.com/kinh-te/m-u-thi-truong-tien-te-nhung-ngay-dau-nam-moi-con-bao-lam-phat-dang-den-gan-144426.html

    Không có nhận xét nào