Ảnh: dân oan khắp mọi miền đất nước vẫn bám trụ ở Hà Nội trong suốt cơn đại dịch COVID-19
Xử lý, giải toả những vụ việc gọi là lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo, gây mất trật tự công cộng, là thông báo ngày 20/1 của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội để chuẩn bị chào đón Đại Hội Đảng XIII khởi sự ngày 25 và kết thúc ngày 2/2/2021 tới đây.
RFA tìm cách kiểm chứng tin này khi nối đường dây về Ủy Ban Nhân Dân quận Hoàn Kiếm. Người nhận cuộc gọi đầu bên kia đã dập máy ngay lúc chưa nghe hết câu hỏi.
Hà Nội đang vào những ngày rất lạnh, rải rác và quen thuộc vẫn là những nhóm dân oan mỗi sáng thứ Ba trong tuần, co ro chầu chực trước trụ sở Nhà Tiếp Dân của chính phủ để tiếp tục khiếu kiện oan sai nhà đất mà họ là nạn nhân.
Cứ theo chỉ thị mới nhất của Ủy Ban Nhân Dân thành phố, một lệnh không phải lần đầu tiên mới có, thì xử lý đâu không thấy mà chỉ toàn mượn cớ nói dân kích động, lôi kéo, mất trật tự công cộng để bắt người, là khẳng định của ông Nguyễn Trường Chinh, bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng, từ Hải Dương lên Hà Nội khiếu kiện:
“Bắt liên tục! Mấy hôm nay là bắt bà Trương Thị Quí. Trước tôi cũng từng bị đánh phải đi nằm viện.
Tôi đã kêu oan cho con từ 2007 đến giờ đã 14 năm. Năm 2014 tôi ra Hà Nội kêu oan. hàng tháng tôi vẫn gởi 2 đơn lên Viện Kiểm Sát Tối Cao, Tòa Án Tối Cao, 4 đơn lên Thanh Tra Quốc Hội, Ban Dân Nguyện, Chủ tịch nước và ban Nội chính Trung ương đảng”
“Dân oan chúng tôi người thì đòi đất, người đòi nhà, người đòi tài sản, người đòi công lý cho con, người đòi công lý cho bố mẹ. Chúng tôi hợp thành nhóm dân oan để trợ giúp nhau lúc ốm đau, lúc bị hành hung và bị bắt.
Chúng tôi không có mục đích chống phá nhà nước gì cả. Cách đây một tháng tôi nằm trên Hà Nội một tuần . Tôi định ngày mai hay ngày kia đi nhưng họ đã canh me và điện ‘hỏi thăm sức khỏe’. Chắc chuẩn bị Đại Hội Đảng họ làm dữ đấy, nhưng kêu oan cho con thì không thể dừng được”.
Bà Lan, dân oan Dương Nội, thuộc nhóm khiếu kiện đất mà đứng đầu là bà Cấn Thị Thêu đã bị bắt cùng 2 con trai, nói rằng dân oan chỉ có đơn từ và lòng kiên trì chứ không có ý kích động, lôi kéo ai theo mình cả:
“Ở Dương Nội tôi từ 2007, 2008 đã bị chính quyền thu đất. Chúng tôi theo đúng pháp luật làm đơn lên các cấp ngành. Chúng tôi đi trong ôn hòa đến bây giờ là 10 năm. Chả làm cái gì trái pháp luật cả”
“Đến bây giờ Trung ương đã thụ lý đơn của chúng tôi để giải quyết. Vừa rồi chúng tôi có ra Nhà Tiếp Dân ở Ngô Thì Nhậm quân Hà Đông nhưng khi vào thì dứt khoát người ta không cho cả 5 mà chỉ cho 1 người vào.
Một người thì không thể chuyển tải được hết ý kiến của bà con nên chúng tôi đi về theo cách ôn hòa, không làm gì trái luật cả. Đấy là thứ Ba tuần trước”.
Bao năm nay rất đông dân oan từ Bắc, Trung ,Nam kéo ra Hà Nội để khiếu kiện, điển hình như bà Hương ở Bình Định hay ông Ba Đồ ở Lâm Đồng:
“Tôi đi khiếu kiện về đất đai và nhà cửa, có nhiều cái sai trái. Tại địa phương là từ 2005, ra Hà Nội là 2007, tính ra đi Hà Nội cũng trên chục năm rồi.
Trong Đà Lạt Lâm Đồng này ra là mấy chục người luôn, không phải một mình tôi đâu.
Khó khăn lắm, không thể trực tiếp đâu. Vừa rồi, cách đây mười mấy hai chục ngày, tôi ra thì họ không nhận đơn nữa”
“Tôi và nhóm chúng tôi thật sự không gây bạo động. Mình đi khiếu kiện, đi nhờ cấp trên giải quyết thì sao mà bạo động được.
Tôi lấy danh dự để xác nhận chúng tôi không làm gì bạo động hết. Cái gì cho phép, chẳng hạn đi biểu tình theo Điều 25, nhưng ra ngoài đó mấy ông nói là chưa có luật”
“Tụi tôi lớn tuổi rồi, ăn nói cũng đàng hoàng không tiếng to tiếng lớn.Tức nước thì vỡ bờ nhưng tụi tôi khiếu kiện một cách ôn hòa, nhưng người ta bịt miệng không cho mình nói. Tôi về mà không giải quyết tôi trở ra lại”.
Đối với blogger Phạm Thanh Nghiên, nếu triệt để xử lý và giải quyết những hồ sơ oan sai tồn đọng như lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố hồi 2018, thì chẳng cần phải giải tỏa các vụ việc bị cho là lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo, gây mất trật tự công cộng như công văn của Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội ngày 20/1:
“Không oan ức thì không việc gì người ta phải đi kêu oan cả. Người ta bị oan ức mà người gây ra nỗi oan này chính là nhà cầm quyền cướp đất, cướp nhà, cướp tài sản và cướp cả quyền lợi chính đáng của người ta nữa”
“Nói rằng người dân lợi dụng việc đi khiếu kiện để kích động, xách động chống Nhà Nước vân vân là một sự vu khống.
Lấy ví dụ vài năm trở lại đây, và mới nhất cách đây một năm, là vụ Đồng Tâm mà đến mức độ một ông cụ đảng viên bị giết một cách thảm hại, chưa kể những Dương Nội, Văn Giang hay Lộc Hưng mà tôi là một trong những dân oan Lộc Hưng.
Cho nên điều nhà cầm quyền nói chỉ lá cái cớ để trấn áp phong trào đòi quyền lợi chính đáng của những người dân mất nhà mất đất thôi”.
Dân oan cũng là công dân bình thường, không giải quyết oan sai cho họ mà lại đòi giải tỏa dẹp bỏ họ đi thì liệu có chính đáng hay không, là vấn đề chủ tịch Hội Dân Oan, ông Nguyễn Trường Chinh, đặt ra:
“Cuộc đời dân oan Việt Nam là cuộc đời vất vả, xuống đáy tận cùng xã hội. Đi kêu oan từ sáng đến trưa, đói, khát, an ninh, mật vụ, côn đồ nó bắt nó đánh.
Như chúng tôi tuổi cao sức yếu thế là cứ vật vạ ở những nơi có bóng mát. Khách bộ hành đi qua thấy cảm thông thì cho cái bánh mì hay chai nước”
“Tối đến thì vật vạ ở các vỉa hè, cắm lều bạt hoặc chui rúc vào gầm vào hiên nhà người ta để ngủ nhờ. Người nào tử tế họ còn cho ở nhờ, không tử tế thì họ đuổi”.
Còn theo blogger Phạm Thanh Nghiên, đe dọa, đánh đập, bắt bớ dân oan không phải là biện pháp, bởi dẹp chỗ này thì nó mọc ra chỗ khác.
Chính quyền phải đổi cách xử lý, cô nói, phải cố gắng giải quyết hồ sơ khiếu kiện của dân oan như yêu cầu của thủ tướng chính phủ thì mới thôi bị dân đeo bám và chỉ trích.
Năm 2020 chính quyền Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là nhắm vào các tổ chức dân sự không được nhà nước công nhận và các blogger, nhà báo độc lập lên tiếng chỉ trích giới lãnh đạo Hà Nội, các nhà hoạt động cho biết.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Trần Bang, nói với VOA về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2020:
“Năm 2020 chính quyền gia tăng đàn áp, ví dụ như Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, các thành viên bị bắt như Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành; hay trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, Đinh Thị Thu Thủy, và rất nhiều các trường hợp khác nữa.
“Nhưng trong năm 2020 nổi cộm nhất là vụ Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, Nhà Xuất bản Tự do, và các blogger bị bắt khá nhiều, từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, đến Hậu Giang, Cần Thơ và các tỉnh miền tây.”
Ông Trần Bang nhận định:
“Đàn áp nhân quyền ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều người bị bắt vì viết bài trên Facebook. Họ chỉ nói lên sự thật.
“Nhưng có ai đó nghĩ rằng uy tín của họ bị ảnh hưởng thì họ phải tự sửa đổi, chứ không thể dùng bạo lực hay công an để bắt giam những blogger này.”
Ông Vũ Quốc Ngữ, người đứng đầu tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defense The Defenders) nói với báo Người Việt vào dịp cuối năm 2020 rằng “tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam trái ngược hẳn với các lời tuyên truyền của chế độ.”
Theo tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền, trong năm 2020, chính quyền Việt Nam bắt giữ 31 người hoạt động và 29 người hoạt động về quyền đất đai, đồng thời Việt Nam kết án 22 nhà hoạt động với mức án từ 9 tháng đến 12 năm tù.
“Một điểm đáng lưu ý là án tù trừng phạt người hoạt động ngày càng nặng hơn,” ông Vũ Quốc Ngữ nói, đồng thời dẫn chứng các trường hợp như ông Nguyễn Trung Lĩnh, 12 năm tù giam so với mức cao nhất vào năm ngoái của ông Nguyễn Năng Tĩnh, 11 năm tù giam, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” hay trường hợp của nhà thơ Trần Đức Thạch bị phạt 12 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu (HRW) nhận định với đài RFA rằng tình hình nhân quyền Việt Nam 2020 tiếp tục tồi tệ.
Ông Robertson nói: “Quả là một năm rất tồi tệ đối với nhân quyền ở Việt Nam. Chắc chắn chúng ta sẽ thấy nhiều vụ bắt bớ và truy tố nữa diễn ra trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.”
“Tình trạng xấu đi rất là tồi tệ, đặc biệt tình trạng bắt bớ. Hàng loạt các nhà hoạt động nổi tiếng mà người ta nghĩ có thể không bị bắt, đã bị bắt, như anh Phạm Chí Dũng, anh Nguyễn Tường Thụy, và nhà báo Phạm Đoan Trang,” ông Robertson nói. “Việc bắt những người này cho thấy chỉ dấu là Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam, đã bất chấp pháp luật và dư luận quốc tế có xu hướng dùng bạo lực rất là rõ nét.”
Vào giữa tháng 12/2020, Tổ chức Bảo vệ Ký Giả (CPJ) cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia “đặc biệt thành thạo” trong việc “tống giam và sách nhiễu các ký giả và gia đình họ” cũng như “tham gia vào việc kiểm duyệt Internet và mạng xã hội”.
CPJ cho biết đến nay có 15 nhà báo bị giam giữ tại Việt Nam và nhiều nhà hoạt động vì các quyền tự do khác, như quyền tự do tín ngưỡng, đã bị bắt, tuyên phạt với các bản án khắt khe, phải chịu chế độ quấy rối có hệ thống và kể cả bị ép cung, tra tấn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế trong báo cáo công bố ngày 1/12, ghi nhận Việt Nam đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm, con số kỷ lục kể từ khi tổ chức này bắt đầu theo dõi tình trạng tù nhân lương tâm tại Việt Nam từ năm 1996.
https://thoibao.de/blog
Không có nhận xét nào