Nhà báo Lưu Trọng Văn vừa gửi đến bạn đọc một stt ngắn
(“Những Bức Hình Biết Nói”) trên trang FB của ông, và nhận được vô
số phản hồi, bầy tỏ sự quan tâm hay chia sẻ:
Tưởng Năng Tiến – Vô Cảm / Vô Duyên & Vô Tâm |
“Cầu
Thăng Long khánh thành việc sửa chữa. Cầu trên cao giữa sông Hồng ngày
giá rét 10 độ và ... tơi bời gió. Các quan chức Trịnh Đình Dũng, Nguyễn
Văn Thể, Chu Ngọc Anh trong bộ đồ veston bước xuống xe, chốc lát làm lễ
khánh thành, rồi lên xe.Các em gái Hà Nội phải rúc lạnh trên cầu cả
tiếng chuẩn bị phút nâng dải lụa để làm đẹp ... đội hình.
Các quan ngài kia mấy ai động đậy thương các em gái rét run mà áo dài mỏng manh vẫn phải hớn hở... cười?
Trong
khi đó trên sân Hà Nội, một trận bóng đá, cũng giữa rét và gió, đám ban
tổ chức bất nhân xua những đứa trẻ áo quần thun ra làm màu chào các cầu
thủ. Còn các ông bầu, HLV quá thương cầu thủ mình nên bắt mặc áo ấm
chống rét…”
Cùng với hằng ngàn “like” tán đồng (hoặc tán
thưởng) là cả trăm lời bình phẩm mà phần lớn đều lên án
“tính vô cảm của quan chức” hiện hành. Nói cho khách quan thì
“văn hóa vô cảm” dường như không chỉ giới hạn vào một giới
người nào mà có lẽ là căn bệnh chung đang tràn lan tại Việt
Nam – theo như thông tin thường thấy trên báo chí ở đất nước
này:
Bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại
Vô cảm Cái chết từ trong tâm hồn
Cần loại bỏ thói vô cảm trong xã hội hiện nay
Để thói vô cảm không còn đất sống
Liều thuốc nào cho căn bệnh vô cảm?
Liệu pháp nào chữa trị căn bệnh thờ ơ, vô cảm?
Trước
khi tìm “thuốc thang” hay “liệu pháp chữa trị” tưởng cũng nên
“chẩn đoán” lại xem (cho nó chắc ăn) là dân Việt có thực sự
mắc bệnh “vô cảm” hay không?
Cứ theo nhận xét của tác
giả Trịnh Hữu Long về “cái thói xen vào chuyện không phải của
mình” thì có vẻ như là người Việt không vô cảm nhưng rất … vô
duyên! Ông dẫn chứng bằng câu chuyện (ngắn) sau:
Vụ Duy
Nguyễn phát ngôn về việc vợ Chí Tài muốn đưa thi hài chồng về Mỹ có một
khía cạnh khá lớn, đó là việc một người xen vào chuyện không phải của
mình.
Cụ thể, anh chàng gymer khá có tiếng nói thế này:
“Vợ Chí Tài và ông cơm không lành canh không ngọt, nên không hề có chuyện yêu thương nhau như báo chí viết”.
“Cho
cái lý do với quan điểm nào mà đòi đem về Mỹ? Lúc sống thì bà ấy không ở
chung, ông Tài ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ, già hú rồi sáu mấy tuổi rồi…
Nếu mà vợ chồng thân thiết là người ta ở bên nhau rồi, không một cảnh
hai quê đâu. Lúc sống thì lạnh nhạt, lúc chết thì lợi dụng người ta nổi
tiếng”.
“Bà vợ tôi không hiểu bà nghĩ làm sao mà đem xác về
Mỹ, rồi còn ủy quyền cho ông Hoài Linh, muốn thì bà bay về mà làm, tự
nhiên đá khó qua cho ông Hoài Linh… Sống ở Mỹ tư tưởng nó phải khác, thứ
nhất là không quan trọng cái thi hài. Người mà sống tiến bộ không ai
quan tâm đến thi hài”.
Ai cũng có thể có quan điểm về việc
tại sao vợ Chí Tài lại muốn đưa thi hài chồng về Mỹ, nhưng khi đăng
video lên cho công chúng xem thì Duy đã mang một chuyện riêng tư của gia
đình Chí Tài vào không gian công cộng, với những lời lẽ nhẹ thì chất
vấn, nặng thì lên án.
Có lẽ khi phát ngôn, Duy không tự chất
vấn lại bản thân là mình lấy tư cách gì để chất vấn và lên án gia đình
Chí Tài. Không phải là một thành viên gia đình, Duy Nguyễn không có
thông tin về nội tình gia đình và không có quyền gì liên quan đến việc
mai táng Chí Tài, cớ sao đăng đàn như thể anh là… ông nội của Chí Tài?
Mà ngay cả ông nội của Chí Tài cũng chưa chắc có tư cách xen vào chuyện
này, vì bà vợ Chí Tài mới là người có tư cách quyết định.
Nhưng
có vẻ Duy Nguyễn chỉ là một phần của hiện tượng này. Ta hãy điểm lại, từ
vỉa hè cho đến hội trường Ba Đình, đâu đâu cũng có Duy Nguyễn.
Ở bình diện tập thể, người Việt cũng không thờ ơ hay vô cảm xíu nào ráo trọi. Coi:
Đón sao Hàn giữa dịch Corona
Những kỷ niệm đón hụt sao Hàn của fan Việt
Fan Việt đội mưa rét vạ vật ở sân bay đón sao Hàn
Fan Hàn bất chấp dịch Covid-19 ra sân bay đón thần tượng
Fan bóng đá còn đông đảo và cuồng nhiệt hơn gấp bội:
Việt Nam vô địch Seagame 30 năm 2019: Triệu người xuống đường
Đà Nẵng: Dòng người đổ ra đi bão mừng chiến thắng
Cần Thơ đi bão mừng U22 Việt Nam vô địch
Bất chấp lạnh, người Hà Nội đi bão ăn mừng chiến thắng
Ở
California và Washington, DC thì người Việt không đi bão nhưng họ
tụ tập, hay đi biểu tình để ủng hộ ứng viên tổng thống (Dân
Chủ hoặc Cộng Hoà) cùng biểu ngữ và cờ xí với “hào khí”
ngất trời!
Báo Phụ Nữ cho hay: “Sau khi đội bóng đá nam đoạt
huy chương vàng SEA Games 30 đêm 10/12, hàng triệu người hâm mộ cả nước
đã xuống đường ‘đi bão’. Thống kê trong ngày này, đã xảy ra 50 vụ tai
nạn, làm chết 31 người, bị thương 35 người.”
Người Việt ở
nước ngoài đi biểu tình thì may mắn là không ai bị trọng thương
hoặc tử thương gì sất. Tuy thế, những lời lẽ nẩy lửa – hay
cay độc – mà họ dùng để mạt sát nhau (trong lúc tranh cãi để
bênh vực quan điểm chính trị của mình) thì có thể làm cho tha
nhân bị tổn thương cho đến khi nhắm mắt!
Đây quả là
chuyện đáng tiếc. Còn nhiều điều đáng tiếc hơn nữa đã Tổ
Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) ghi nhận như sau:
“Trong
năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ
bản một cách có hệ thống. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của
Đảng Cộng sản Việt Nam, xiết chặt vòng kiềm tỏa các quyền tự do biểu
đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Các
công đoàn độc lập hay bất kỳ một tổ chức, hội nhóm nào bị coi là có
nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản vẫn bị cấm thành
lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới một số trang
mạng và tài khoản trên mạng xã hội, và gây sức ép, buộc các công ty viễn
thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ hoặc hạn chế các nội dung phê phán
chính quyền hoặc đảng cầm quyền.
Tất cả những sự kiện
này, xem chừng, không được người Việt (trong cũng như ngoài
nước) theo dõi hoặc bận tâm gì lắm. Họ có những nỗi quan ngại
khác, theo ghi nhận của một số cư dân mạng:
Phạm Đức
Dương Tùng: “Dân VN, đặc biệt giới đấu tranh trong nước, đòi các giá
trị tự do phải được tôn trọng tại Mỹ và cầu nguyện cho Mỹ thoát khỏi
nguy cơ CS.”
FB Thảo Dân: “Đọc lại dòng thời gian năm trước,
dày đặc Đồng Tâm. Nhớ, trang bạn bè mình, nhiều người cũng thế. Năm nay.
Ít người nhắc. Tin về người tù thế kỷ Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực
còn lẻ loi lạc lõng hơn. Những cái tên trong gia đình người nông dân giữ
đất Cấn Thị Thêu cũng chỉ xuất hiện lác đác. Tất cả bị chìm khuất trong
cuộc bầu cử bên kia bán cầu, mà người Việt xã nghĩa không có cơ hội dự
phần.”
FB Thanh Sơn Phạm: “Vì sao người Việt nam không quan tâm đến bầu cử tại VN mà chỉ quan tâm đến bầu cử bên Mỹ?”
FB
Lâm Văn Nhân: “Nếu người Việt nam quan tâm đến bầu cử nước nhà bằng 50%
quan tâm đến bầu cử nước Mỹ, đất nước này đã rất khác.”
Dân tộc này, rõ ràng, không thờ ơ và cũng không vô cảm. Họ chỉ hơi vô duyên và vô tâm (chút xíu) thôi hà!
Không có nhận xét nào