Bức hình lịch sử:Phó Tổng thống Kamala Harris, phải,người nữ đầu tiên trong vai trò này, chủ tọa buổi lễ tuyên thệ nữ bộ trưởng bộ Tài chính đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, Janet Yellen, diễn ra tại cửa vào Cánh Đông của tòa Bạch Ốc đối diện với tòa nhà bộ Tài chánh, mà bà sẽ lãnh đạo, vào ngày 26 tháng Giêng, 2021. Nguyên chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Yellen có trọng trách giúp lèo lái Hoa Kỳ ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện tại.Chồng bà Yellen, ông George Akerlof, giải Nobel về kinh tế năm 2001, và con trai Robert của họ, cũng là kinh tế gia, hiện diện tại buổi lễ đơn sơ trên. Hình Drew Angerer/Getty Images |
Thứ hai ngày 25 tháng Giêng Thượng Viện Mỹ đã bỏ phiếu công nhận bà Janet L. Yellen, 74 tuổi và là kinh tế gia chuyên về lao động và nguyên chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve, tắt là The Fed), vào chức vụ bộ trưởng Ngân khố (Treasury). Với 84 phiếu thuận 15 phiếu chống, lần đầu tiên một phụ nữ nhận lãnh chức vụ từ 232 năm qua toàn do đàn ông nắm giữ.
Bà Yellen là một trong năm người nữ được đề cử vào chức vụ bộ trưởng trong nội các của tân Tổng thống Biden, bên cạnh tân Phó Tổng thống Kamala Harris, và một số các bà khác. Vào lúc tôi soạn bài này, vẫn còn một số chức vụ, như bộ trưởng và vài chức vụ quan trọng khác, cần Thượng Viện phê chuẩn. Nếu tất cả được chuẩn nhận, nội các của ông Biden sẽ gồm 48 phần trăm là phụ nữ, với nhiều người Da mầu, vượt xa bất cứ nội các chính phủ nào từ trước tới nay trong lịch sử công quyền Mỹ - một món quà xứng đáng mừng 100 năm ngày Tu Chính Án 20 công nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ sau 70 năm tranh đấu cam go của nhiều thế hệ phụ nữ.
Bà Yellen sẽ phải đối đầu với một trách vụ vô cùng lớn lao, đó là giúp chính phủ của ông Biden giải quyết các vấn nạn kinh tế suy xụp trầm trọng do hậu quả của đại dịch Covid-19 đã lấy đi trên 400,000 sinh mạng. Tuần rồi, thêm 900,000 người khai xin trợ cấp thất nghiệp – bằng tổng dân số của San Francisco và nhiều hơn bốn lần con số người khai thất nghiệp trước khi có đại dịch. Các cơ sở thương mại khắp nước Mỹ phải đóng cửa khi nạn nhiễm dịch lại tái gia tăng sau mùa lễ Giáng sinh. Theo thống kê, có tổng số 188,000 ca nhiễm mới và gần 4,000 người chết chỉ trong một ngày 26 tháng Giêng vừa rồi khi bà Yellen nhậm chức. Một vị bác sĩ trẻ gốc Việt làm việc tại một bệnh viện ở Tiểu Sài Gòn, Nam Cali, gần đây đã phải thốt kêu: “Người bệnh không kịp chữa, người chết không kịp chôn.” Đấy là chưa kể tới ảnh hưởng của đại dịch tới các lãnh vực khác, đặc biệt giới học sinh, sinh viên từ nhiều tháng nay không được tới trường.
Tại cuộc điều trần với Ủy ban Tài chánh Thượng Viện, bà Yellen cổ động cho việc cấp bách thông qua gói cứu viện chống dịch 1.9 ngàn tỉ Mỹ kim rất cần cho công trình chống dịch để từ đó phục hồi và phát triển kinh tế.
“Ta cần phải làm nhiều hơn nữa,” bà Yellen nói. “Nếu không hành động quyết liệt ngay ta sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài và sẽ còn nhiều khốn đốn hơn nữa.” Theo bà, lúc này không phải là lúc bận tâm về cái giá phải trả khi chồng chất thêm nợ nần quốc gia. Một khi kinh tế phục hồi và phát triển, ngân quỹ quốc sẽ được bồi dưỡng và tăng trưởng, bà nói.
Giải quyết hậu quả giây chuyền của Covid-19 sẽ là quan tâm hàng đầu của bà, bà Yellen nói, đặc biệt ảnh hưởng bất cân đối của nạn dịch lên các cộng đồng Da mầu, với tỉ số thất nghiệp thường là cao trong số nhân công người Da đenvà Latino.
“Chúng ta cần bảo đảm là người dân không phải đói ở đất Mỹ này, là họ có thể dọn thực phẩm lên bàn ăn, rằng họ không bị mất nhà ở và trở thành vô gia cư vì bị đuổi nhà,” Bà Yellen nói. “Chúng ta cần đối phó với những thứ đau khổ này, và tôi thiết nghĩ ta không nên nhượng bộ trong công cuộc cấp bách này.”
Ngay sau khi bà Yellen được công nhận vào chức bộ trưởng Tài chánh, tân phó TT Harris đã chủ tọa lễ tuyên thệ của bà vào chức vụ rất quan trọng trong một buổi lễ “dã chiến” diễn ra trên thềm Cánh Đông của tòa Bạch Ốc đối diện với tòa nhà bộ Tài chánh nơi bà Yellen sẽ làm việc. Hiện diện tại buổi lễ là chồng bà Yellen, ông George Akerlof, giải Nobel về kinh tế năm 2001, và con trai Robert của họ, cũng là kinh tế gia. Tân Bộ trưởng Yellen sẽ không chỉ cùng chung đối phó với đại dịch Covid và phục hồi kinh tế quốc gia, mà bà còn đóng vai trò nhà ngoại giao cao cấp nhất vào thời kỳ đầy căng thẳng toàn cầu này. Theo đó, bà Yellen sẽ có phần vụ hàn gắn liên hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với các nơi trên thế giới, kể cả với các đồng minh Canada, Mexico và khối Liên minh Châu Âu đã bị soi mòn dưới thời Donald J. Trump. Bà sẽ phảivận động các đồng minh của Hoa Kỷ cùng phối hợp để đối phó với Trung Hoa, mà bà Yellen cho là quốc gia đã có các hành xử kinh tế “bất hợp pháp, không công bằng và lạm dụng.”
Tại buổi điều trần tại Thương Viện, bà Yellen nói Trung Hoa đang “có những hành xử nhằm tạo cho họ lợi thế kỹ thuật bất công” và cho biết chính phủ của ông Biden đã sẵn sàng xử dụng mọi công cụ hiện có để đối phó với tình trạng này. Một trong những thử thách đầu tiên của bà là duyệt lại các thương thảo với Bắc Kinh của chính phủ ông Trump, kể cả việc Trung Hoa đã không thỏa mãn các thương thảo đó, và sẽ quyết định việc Hoa Kỳ tiếp tục duy trì thuế quan trị giá 360 tỉ Mỹ kim trên hàng xuất khẩu của Trung Hoa.
Đấy là các chương trình trước mắt. Lâu dài thì bà Yellen dự tính sẽ giúp đề luật về thuế má, trong đó có việc tăng thuế các tập đoàn thương mại và giới giầu có vốn ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, bà cũng dự định sẽ đem lại các thay đổi trong sứ mệnh của bộ Tài chánh, gồm có việc dùng quyền lực của bộ để thẩm định thiệt hại kinh tế mà hiện tượng thay đổi khí hậu mang lại và hỗ trợ các chương trình phát triển kỹ thuật xanh. Bà cũng đề cập tới việc giảm bớt sự bất bình đẳng chủng tộc về kinh tế.
“Trách nhiệm của bộ trưởng bộ Tài chánh là tạo sức mạnh cho nền kinh tế Mỹ, nuôi dưỡng sự phồn thịnh chung cho mọi giới và đề bạt chương trình kinh tế dẫn tới sự tăng trưởng dài hạn,” bà Yellen nói.
Với một vai trò quan trọng như vậy, chưa kể việc bộ trưởng Tài chánh xếp hàng thứ năm trong Hiến pháp là người kế vị chức Tổng thống, độc giả hẳn muốn biết người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé (đã từng bị ông Trump chê là lùn) Janet Yellen là ai.
Cách đây sáu năm, tôi có soạn bài chân dung của người phụ nữ độc đáo này khi bà được Tổng thống Obama cử và được Thượng Viện công nhận vào chức vụ chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang. Bà Yellen ở trong chức vụ này tới năm 2018 thì từ chức dưới thời Tổng thống Trump, thay thế bởi ông Jerome Powell, một đảng viên Cộng hòa. Từ đó tới nay, bà đi dạy và diễn thuyết. Theo tài liệu thuế má cá nhân nạp cho chính phủ của ông Biden cùng với hồ sơ bổ nhiệm bà vào chức bộ trưởng Tài chánh, bà cho biết đã nhận được 7 triệu Mỹ kim diễn thuyết phí.
Đăng lại bài chân dung bà Yellen, xuất bản trên tạp chí Trẻ Dallas, bên cạnh các thông tin kinh tế tài chánh hữu ích khác, để độc giả biết thêm về gốc gác và quan tâm của bà, người phụ nữ sẽ giúp lèo lái kinh tế Mỹ ra khỏi cơn ác mộng hiện nay. Đoạn kết của bài về bà Yellen sáu năm trước cũng là kết luận của bài về nữ bộ trưởng Tài chánh đầu tiên của Hoa Kỳ lần này.
Đầu tháng Giêng năm nay [2014] Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận việc Tổng thống Obama tiến cử bà Janet L. Yellen, 67 tuổi, vào chức vụ chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System). Yellen là người phụ nữ đầu tiên được tiến cử vào chức vụ cao nhất của cơ quan trách nhiệm làm ra chính sách kinh tế quốc gia, có ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế toàn cầu, đúng lúc quỹ này lên 100 tuổi.
Tạp chí Time trong số ra ngày 20 tháng 1 năm nay [2014] đã gọi bà là “Người Phụ nữ Trị giá 16 ngàn tỉ” (The Sixteen Trillon Dollar Woman) -- đó là tổng sản lượng của nền kinh tế Hoa Kỳ và cũng là lớn nhất thế giới. “Nền kinh tế Mỹ bây giờ nằm trong tay bà. Liệu Janet Yellen sẽ làm gì với nó,” Time chạy một hàng tít nhỏ trên bìa.
Quỹ Dự trữ Liên bang, gọi tắt là “The Fed”, được thành lập năm 1913, là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Cơ quan này đóng vai trò là một thứ ngân hàng của các ngân hàng tư, và trực thuộc chính phủ liên bang, nhằm cung cấp cho quốc gia một hệ thống tài chính và tiền tệ an toàn, uyển chuyển và vững vàng hơn. Trải qua nhiều năm, vai trò của The Fed cũng trải rộng hơn, điển hình gần đây [cuối thập niên 2000]là việc can thiệp trực tiếp của chính phủ qua việc bơm hàng trăm tỉ Mỹ kim để vực nền kinh tế lên sau khi xẩy ra hiện tượng bong bóng địa ốc bị “bục” trong mấy năm vừa qua [từ 2008], kéo theo việc nhiều ngân hàng và công ty tài chính phải khai phá sản. Hệ thống của The Fed gồm 12 ngân hàng dự trữ liên bang đặt tổng hành dinh khắp nước Mỹ, và một số các chi nhánh nằm dưới sự điều động của một Ban Thống đốc (Board of Governors) dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Yellen, nguyên phó chủ tịch của Ban Thống đốc được tiến cử kế thừa nguyên Chủ tịch Ben S. Bernanke về hưu, kể từ ngày 1 tháng 2 vừa rồi. Bà Yellen là vị chủ tịch thứ 15 của The Fed.
Bà Yellen, gốc Do Thái, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Yale sau khi tốt nghiệp Đại học Brown. Tại Yale, bà có dịp thụ huấn với kinh tế gia giáo sư James Tobin, cũng là người được trao giải Nobel và là người chủ trương kinh tế học cần đặt trọng tâm vào việc giúp đỡ người dân và chính quyền có thể giúp làm giảm ảnh hưởng tai hại trong dân chúng khi nền kinh tế bị suy trầm, thay vì để thị trường tự chấn chỉnh lấy như nhiều chuyên viên kinh tế bảo thủ tin tưởng.
Từ năm 1971 bà Yellen làm giảng viên tại Đại học Havard. Sau sáu năm, khi không được nhận vào làm giáo sư chính thức, bà vào làm việc với tư cách một kinh tế gia cho Ban Thống đốc của Quỹ Dự trữ Liên bang. Như thể định mệnh đã an bài, trong thời gian làm việc tại đây, vào năm 1977, bà gặp kinh tế gia đồng nghiệp George A. Akerlof, khi hai người tình cờ được sắp xếp ngồi cùng bàn ăn trưa trong một cuộc hội nghị. Họ kết hôn một năm sau đó và có với nhau một người con trai, Robert, 32 tuổi, hiện là giáo sư giảng dậy kinh tế tại Đại học Warwick, Anh Quốc.
Đa số những nghiên cứu chung giữa hai ông bà cho thấy các nhược điểm của lý thuyết kinh tế cho rằng các thị trường có khuynh hướng hoạt động hữu hiệu và sẽ tự điều chỉnh lấy, một lý thuyết tin là sự can thiệp của chính quyền chỉ gây tốn kém thêm. Công trình khảo cứu của họ cho thấy chính quyền, trong đó có các ngân hàng trung ương, có thể đề ra các chính sách kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân. Trên căn bản đó, ông Akerlof đã tiếp tục công cuộc nghiên cứu trong chiều hướng đó và vào năm 2001, ông được chung giải Nobel về kinh tế với hai đồng nghiệp nữa. Trong khi đó bà Yellen được Tổng thống Bill Clinton đề cử làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế vào năm 1997.
Trả lời phóng viên của báo Time, bà Yellen cho biết chồng bà, kinh tế gia Akerlof, và giáo sư Tobin tại Yale là hai nguồn ảnh hưởng trí thức lớn nhất. Bà nói thêm là Akerlof là người hỗ trợ và là “fan” số 1 của bà, đã giúp bà quân bình hoá vai trò làm mẹ với nghề nghiệp. Họ cùng đi với nhau khắp nơi -- Anh Quốc; Berkeley, Calif.; San Francisco; và Washington, với ông Akerlof xin chân dậy học tại những nơi mà công việc làm chính sách kinh tế của bà Yellen đòi hỏi, có nghĩa là nàng đi theo nghề, và chàng đi theo nàng. Sở dĩ họ có thể làm được như vậy vì, theo bà Yellen, “Giới khoa bảng chúng tôi rất linh động, song tôi có một ông chồng rất tận tụy trong việc làm một người đồng hành trọn vẹn trong cuộc hôn nhân của chúng tôi.” Phóng viên Time Rana Foroohar đùa hỏi, như vậy có nghĩa là ông nhà cũng thay tã cho con và rửa chén đĩa nữa chứ? “Đã hẳn là thế rồi,” bà Yellen trả lời.“Tôi nghĩ nếu chị hỏi thế thì anh ấy bỏ vô việc nhà bao nhiêu phần trăm thì chắc chắn là phần của anh ấy chiếm trên 50% đấy.”
Vào cuối năm 2005, vào lúc giá cả địa ốc tăng vút trời xanh, trong cương vị giám đốc của cơ quan The Fed tại San Francisco, bà Yellen đã lên tiếng cảnh báo việc cái bong bóng địa ốc có thể sẽ bị bục, gây ảnh hưởng kinh tế tai hại, trong một bài diễn văn đọc tại đại hội thường niên của trường thương mại Haas thuộc Đại học Berkeley. Cũng nội dung này bà đã trình bầy một tháng trước đó ở London trong cuộc hội thảo về chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ do Trung tâm Kinh tế và Tài chính Âu châu tổ chức. Cũng như một số nhà làm chính sách trong hệ thống The Fed, bà Yellen không ngờ sự kiện cái bóng bóng địa ốc bị bục đó lại có thể gây ảnh hưởng sâu rộng làm vậy, thay vì chỉ trong phạm vi kỹ nghệ địa ốc và xây cất, khiến The Fed phải trực tiếp can thiệp bằng việc bơm vào nền kinh tế hàng trăm tỉ Mỹ kim “stimulus” để vực nền kinh tế dậy.
Năm 2010, bà Yellen được đề cử vào chức phó chủ tịch bên cạnh chủ tịch The Fed lúc đó là ông Ben S. Bernanke. Bà đã giúp soạn thảo các chính sách kinh tế của The Fed, trong đó có việc duy trì lạm phát ở mức 2 phần trăm mỗi năm, giữ phân lời thấp,tiếp tục chương trình “stimulus” ở mức độ nhẹ hơn để giúp cải thiện các ngành nghề và tạo công ăn việc làm, bên cạnh những biệnpháp khác.
Bà Yellen được nhiều người đã từng làm việc với bà nhận xét là có cái trầm tĩnh của một học giả. “Bà ta vững vàng và công bằng. Đó chính là thái độ của một nhà lãnh đạo liên bang cần phải có,” giám đốc Quỹ Dự trữ Liên bang tại Dallas, Richard Fisher, đã nhận xét. Ông Fisher thường có nhiều bất đồng chính sách với bà Yellen nhưng lại hỗ trợ việc bà được tiến cử vào chức chủ tịch của The Fed.
Trong bốn năm tới, tức nhiệm kỳ của một chủ tịch The Fed, thái độ trầm tĩnh, sự vững vàng và công bằng của bà Yellen vô cùng cần thiết để lèo lái con thuyền kinh tế Hoa Kỳ ra khỏi hẳn tình trạng suy trầm do cuộc khủng hoàng tài chính 2008 gây ra và vững tiến trên đường phát triển.
[TD, 01/2014, 11/2021]
https://www.diendantheky.net
Không có nhận xét nào