Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn vừa bị CSVN kết án một bản án dài tổng cộng lên tới 37 năm tù và 9 năm quản chế. Phạm Chí Dũng 15 năm, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm.
Họ chẳng phải là Nelson Mandela, Václav Havel hay Andrei Sakharov mà chỉ là những người Việt bình thường không thể làm ngơ trước một cơ chế chính trị độc tài, một xã hội bất công, thối nát.
Cả ba đều là nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam. Như anh Nguyễn Tường Thụy phát biểu, anh chỉ nói lên “những trăn trở đối với đất nước và dân tộc.” Lê Hữu Minh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội.” Phạm Chí Dũng, tác giả của Chính Luận 2013, mỉa mai chế độ: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.”
Nhưng đảng CSVN, giống như loài kỳ nhông chỉ thích sống trong bóng tối, rất sợ ánh đèn.
Nhân việc ba nhà báo bị tù, mời đọc vài phương pháp mà các tổ CS hay dùng để loại bỏ kẻ thù.
Ngay từ thời Lenin, ba phương pháp đã được các chế độ CS dùng để vô hiệu hóa một đối tượng: cô lập, trung lập hóa và thỏa hiệp. Trong một nghĩa đơn giản nhất, cô lập là ngăn chận các nguồn thông tin cũng như mọi mối liên hệ đến và đi từ đối phương. “Trung lập hóa” là làm cho khả năng của đối phương không còn tác dụng bằng cách áp dụng một lực tương xứng vào đối phương. “Thỏa hiệp” là nhân nhượng để có lợi cho cả hai bên.
CSVN không có khả năng tạo một lực tương xứng nhằm “trung lập hóa” các thành phần chống đối và cũng không dám phiêu lưu “thỏa hiệp” với các thành phần chống đối nên thường chỉ áp dụng biện pháp thứ nhất, nhanh gọn là bỏ tù những ai chống đối.
Mao Trạch Đông từng nói nhiệm vụ của đảng CS không chỉ thắng kẻ thù nhưng quan trọng hơn là phân hóa kẻ thù. “Phân hóa kẻ thù” theo quan điểm của Mao là làm cho mọi người chung quanh ghét bỏ, khinh bỉ, xa lánh đối tượng cùng lúc khai thác các mâu thuẫn nội bộ đối phương để kẻ thù của đảng tiêu diệt lẫn nhau. Qua bộ máy tuyên truyền, Mao áp dụng biện pháp này một cách triệt để đối với nền Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc non trẻ vốn đã đầy phân hóa nội bộ và nạn quân phiệt hoành hành tại Trung Quốc. Hai nhà nghiên cứu Ming Chu-cheng và Flora Chang trên Đài Bắc Thời Báo (Taipei Times) đã dựa vào các tài liệu của Nhật, Đệ Tam Quốc Tế CS và của chính Chu Ân Lai, để kết luận trong số 23 trận đánh lớn giữa liên minh quốc cộng chống Nhật từ 1937 đến 1945, phe CSTQ không tham dự bất cứ trận đánh lớn nào, nhưng cuối cùng đã thắng. Mao thắng phần lớn nhờ tuyên truyền.
Gắn cho một người tranh đấu nào đó cái nhãn “dân chủ cuội” hay “đấu tranh để được ra nước ngoài” là cách dễ nhất để cô lập một đối tượng.
Với trình độ nhận thức chính trị còn thấp và suy nghĩ nặng cảm tính của nhiều người Việt, đảng CS không cần phải lập lại ba lần như trong chuyện “Tăng Sâm giết người” mà chỉ chụp mũ một lần cũng đủ làm mọi người xa lánh đối tượng mà chế độ cần cô lập. Cho tới nay đảng CSVN chứng tỏ rất thành công với chiêu thức rất căn bản, quen thuộc nhưng hữu hiệu này.
Đừng tự nguyện thực thi chủ trương “phân hóa kẻ thù” giùm cho đảng CS. Đừng để lòng yêu nước bị CS khai thác như CS đã từng làm khi đẩy nhiều triệu tuổi trẻ miền Bắc vào lò lửa chiến tranh và dụ dỗ nhiều tuổi trẻ miền Nam trở thành những tay sai cho đảng lũng đoạn xã hội miền Nam trước năm 1975.
Còn những kẻ cơ hội thì sao? Những kẻ cơ hội bao giờ cũng có, ở đâu cũng có, ngành nghề nào cũng có, lãnh vực nào cũng có và xã hội nào cũng có.
Phong trào dân chủ Việt Nam còn non trẻ, phân tán, lỏng lẻo và phải đương đầu với khó khăn từ mọi phía, khó có thể tránh khỏi những người núp dưới chiếc dù “tự do dân chủ” để kiếm sống hay trục lợi bằng việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác. Sống bằng “nghề chống Cộng” là một thực tế cơm gạo đối với một số người.
Tuy nhiên, không nên từ vài kẻ cơ hội để suy ra hay đánh mất niềm tin vào cả một phong trào. Cuộc đấu tranh này là của người Việt Nam và chỉ người Việt Nam mới đau, mới xót cho thân phận của mình, mới yêu thương đất nước mình và mới sống chết vì tương lai con cháu mình.
Đâu năm 2021 này có ai biết Lê Chí Quang, một người đã từng đánh thức nhiều người với bài viết “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” hai chục năm trước bây giờ đang ở đâu, làm gì, còn có mặt hay không trên hành trình tranh đấu hôm nay?
Chắc không nhiều người nhớ tên anh.
Nhưng nhớ hay quên không phải là điều quan trọng. Trên chặng đường tranh đấu gian nan, có những người đứng chờ ở mỗi sân ga để bước lên cùng đi với đất nước. Cũng ngay tại sân ga đó lại có người bước xuống theo chọn lựa riêng của mình. Họ mệt mỏi, họ chán nản, họ hết năng lực, họ thỏa hiệp hay có thể vì bất cứ lý do nào. Dù chọn lựa của họ là gì đi nữa vẫn cám ơn những cống hiến của họ, và có họ hay không con tàu vẫn tiếp tục băng trên đường lịch sử mang theo những hành khách mới.
Hành khách mới hôm nay là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và một danh sách trên 200 tù nhân hiện đang sống trong địa ngục trần gian ở Việt Nam. Họ lên đường đi làm lịch sử. Những ai đang sống trong xã hội tự do hay còn đang có một chút tự do, hãy làm tất cả những gì có thể làm được để những đóng góp của họ không trở thành vô nghĩa.
Đừng nản chí. Khúc sông hẹp và nhiều ghềnh đá đương nhiên rong rêu, rác rến cũng đọng lại nhiều. Nhưng khi sông rộng và nước chảy mạnh, những rong rêu, rác rến kia sẽ bị cuốn đi nhanh. Cách mạng dân chủ cũng thế.
Các cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu CS trước đây hay Bắc Phi độc tài trong thập niên vừa qua cho thấy, một khi ngọn gió đổi chiều đại đa số người dân đều muốn đứng về phía dân chủ, phía tự do. Ngay cả hôm nay, một người có chút tự trọng cũng không muốn ai biết mình là đảng viên đảng CS chứ đừng nói chi khi cách mạng dân chủ bùng nổ.
Khi nào cách mạng dân chủ diễn ra khó biết trước. Nếu biết trước được thì János Kádár, Tổng Bí Thư đảng CS Hungary đã không để mộ mình sau khi chết còn bị đào lên. Nếu biết trước được thì vợ chồng Nicolae Ceaușescu đã không để bị xử bắn. Nhưng cách mạng dân chủ sẽ đến cho Việt Nam. Đó không phải là ước mơ hay lời cầu nguyện mà là một quy luật xã hội. Nhanh hay chậm nhưng sẽ đến.
Không bạo quyền nào có thể bỏ tù được nhận thức của con người. Nhận thức sẽ lớn lên và bùng vở thành cách mạng.
Đừng làm kỳ nhông hay đứng về phía loài kỳ nhông mà hãy tiếp tay với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn soi sáng con đường dân chủ Việt Nam.
Trần Trung Đạo
http://www.trantrungdao.com/?p=5313
Không có nhận xét nào