IJAVN và hệ thống sắm vai… hùm! Trong các vụ án liên quan đến cáo buộc “An ninh quốc gia”, tại phiên tòa, các luật sư vẫn chưa được quyền tranh tụng, mà vẫn là mô hình tố tụng thẩm vấn.
Vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” vừa xong phiên hình sự sơ thẩm hôm 5-1-2021, là minh thị cho mô hình tố tụng thẩm vấn.
Mô hình tố tụng hình sự truyền thống của Việt Nam là mô hình tố tụng thẩm vấn, đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bao gồm vấn đề tính công bằng của phiên tòa và quyền con người. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một số yếu tố tranh tụng nhằm khắc phục các khiếm khuyết trên.
Nhằm khắc phục những vấn đề liên quan tính công bằng và quyền con người trong mô hình tố tụng thẩm vấn truyền thống, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường yếu tố tranh tụng trong tố tụng hình sự.
Các yếu tố tranh tụng tiêu biểu đó bao gồm (1) quyền thu thập và trình bày chứng cứ của người bào chữa, (2) nguyên tắc tranh tụng và kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa, và (3) quyền im lặng của người bị buộc tội.
Thứ nhất, về quyền thu thập và trình bày chứng cứ của người bào chữa.
Chất lượng tranh tụng của một mô hình tố tụng phụ thuộc rất nhiều vào quyền của cả phía công tố và phía bào chữa trong việc bình đẳng với nhau khi thu thập, trình bày và kiểm tra chứng cứ.
Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ghi nhận kiểm sát viên và người bào chữa có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ. Đồng thời, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bào chữa có quyền thu thập và trình bày chứng cứ, tài liệu, đồ vật, và yêu cầu.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, khi người bào chữa thu thập chứng cứ họ phải nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong giai đoạn đó. Nếu Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được quyền quyết định đưa chứng cứ do người bào chữa giao nộp vào hồ sơ vụ án hay không, thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 buộc các cơ quan này có nghĩa vụ phải đưa các chứng cứ này vào hồ sơ vụ án.
Ở phiên tòa hôm 5-1-2021, khi các luật sư tranh tụng và người bị buộc tội yêu cầu được chứng minh về các hành vi phạm tội trong các bài báo của 3 tác giả Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, thì hội đồng xét xử lại… từ chối. Điều này có nghĩa người bào chữa bị cản trở về quyền thu thập và trình bày chứng cứ, tài liệu, đồ vật, và yêu cầu liên quan.
Thứ hai, về nguyên tắc tranh tụng và việc trình bày, kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa. Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ghi nhận mọi chứng cứ… có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Đồng thời, mọi bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy, tại phiên tòa, thẩm phán không thể chỉ dựa vào chứng cứ trong hồ sơ vụ án để làm căn cứ phán quyết vụ án, mà phải đặt nhiều trọng tâm hơn vào diễn biến tại phiên tòa.
Về lý thuyết, căn cứ theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, mọi chứng cứ có trong hồ sơ vụ án phải được trình bày và kiểm tra tại phiên tòa. Bất kỳ chứng cứ nào không được trình bày tại phiên tòa thì không thể được xem là căn cứ để giải quyết vụ án.
Quy định này được cho là sẽ giúp xây dựng một phiên tòa công bằng hơn bằng việc trao cho người bào chữa cơ hội kiểm tra chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Từ đó, thẩm phán sẽ có cơ hội nhìn nhận những chứng cứ đó từ góc nhìn của người bào chữa và giảm thiểu khả năng thiên kiến buộc tội của thẩm phán.
Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, cả 25 bài báo của tác giả Phạm Chí Dũng, 6 bài báo được cho là của tác giả Lê Hữu Minh Tuấn, và 5 bài viết của tác giả Nguyễn Tường Thụy đều không được mang ra tranh tụng tại phiên xét xử. Điều này gián tiếp củng cố thêm thiên kiến buộc tội của vị thẩm phán chủ tọa cùng hai hội thẩm.
Thứ ba, quyền im lặng vốn được xem là một trụ cột cần thiết (essential mainstay) của tố tụng tranh tụng.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên ghi nhận trực tiếp quyền im lặng của người bị buộc tội. Theo đó, người bị buộc tội có quyền không bị buộc phải cho lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Nếu mục đích chính của hai yếu tố tranh tụng phía trên nhằm thiết lập nên tính công bằng của phiên tòa, thì sự ghi nhận quyền im lặng lại nhằm mục đích chống lại tình trạng sử dụng nhục hình trong điều tra, từ đó bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội tốt hơn. Đồng thời, pháp luật cũng ghi nhận các biện pháp đảm bảo thực thi quyền im lặng.
Các đảm bảo pháp lý đó bao gồm: (1) Quyền được thông báo quyền của người bị buộc tội. Mục đích của biện pháp này là đảm bảo người bị buộc tội biết và hiểu rõ quyền của mình, bao gồm quyền im lặng, và từ đó có thể quyết định đưa ra sự lựa chọn sử dụng quyền im lặng hay không.
(2) Ghi âm, ghi hình bắt buộc trong mọi cuộc hỏi cung diễn ra trong cơ sở tạm giữ hoặc tại trụ sở của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình này không chỉ nhằm bảo vệ quyền của bị can, mà còn bảo vệ phía cơ quan điều tra trước các khiếu nại, tố cáo.
(3) Tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của lời khai. Theo đó, mọi chứng cứ, bao gồm lời khai, nếu không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đều không được xem là chứng cứ. Nói cách khác, tính hợp pháp phải được đảm bảo bằng sự tuân thủ trình tự, thủ tục theo luật định.
Trở lại với vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Khi ông Phạm Chí Dũng sử dụng quyền im lặng, thì lại được phía buộc tội cho rằng “cố tình không khai báo”, “khai báo nhỏ giọt”… và xem đây là tình tiết tăng nặng cho buộc tội.
Trong vấn đề thứ ba này, xin dẫn chứng một vụ án khác qua lời kể của luật sư Đặng Đình Mạnh (trích):
“Ba ngày sau ngày xét xử vụ án đối với Hội Nhà báo độc lập, thì ngày 08/01/2021, một vụ án chính trị khác của nhóm Hiến pháp cũng đưa ra xét xử bởi Tòa án Cấp cao tại TP.HCM theo thủ tục hình sự phúc thẩm, với các ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Lê Quý Lộc, Hồ Đình Cương và Ngô Văn Dũng. Họ là bốn trong số tám người thuộc nhóm Hiến pháp có kháng cáo bản án sơ thẩm mà Tòa án TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vào hạ tuần tháng 07/2020.
Nhóm Hiến pháp bị cáo buộc với tội danh “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ Luật Hình sự. Đây là tội danh nằm trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Trong phiên tòa, cả bốn người đều chọn kháng cáo theo hướng vô tội. Rằng, họ chỉ thực hiện quyền tự do biểu tình của mình theo Hiến pháp quy định để biểu đạt ý chí về hai vấn đề: Phản đối Luật Đặc khu và đường lưỡi bò của Trung Quốc áp đặt lên biển Đông.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc khi trong sự chuẩn bị biểu tình của họ lại bao gồm cả việc chuẩn bị hung khí, gồm vài chiến nhẫn tự chế có mũi nhọn kim loại và một số đèn pin (cũng tự chế) có khả năng phóng điện do một người ‘gợi ý’ và gởi họ lưu giữ. Sau phần tranh luận đầu của hai luật sư, thì một thẩm phán thuộc thành viên hội đồng xét xử chợt lên tiếng ưu ái, lưu ý vị công tố về điểm mâu thuẫn trong quan điểm bào chữa giữa hai luật sư để tranh luận.
Đến quá trưa, sau phần nghị án, hội đồng xét xử bước ra tuyên đọc bản án, trong đó, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo vô tội của cả bốn người, giữ nguyên phần hình phạt như phiên sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm tuyên xong có hiệu lực thi hành ngay. Vụ án khép lại, nhưng xem ra, công lý xứ này vẫn còn nợ ông Ngô Văn Dũng câu chất vấn trong lời nói sau cùng: “Tôi không quan tâm đến mức án bao nhiêu năm? Tôi chỉ muốn biết, mình đã làm gì để phải chịu mức án đó?”.
Xem ra, ông Ngô Văn Dũng có cơ sở để chất vấn điều đó, bởi lẽ, với tư cách nhà báo độc lập, ông chỉ là người quay phim, chụp ảnh cuộc biểu tình khi nó xảy ra. Nhưng thực tế, đã không hề có một cuộc biểu tình nào đã diễn ra, vì tất cả đều bị bắt giữ trước đó!?”.
https://vietnamthoibao.org
IJAVN và hệ thống sắm vai… hùm!
Trân Văn
09/01/2021
Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong
Cuối cùng, hệ thống tư pháp ở Việt Nam cũng đưa các ông: Phạm Chí Dũng (55 tuổi), Nguyễn Tường Thụy (71 tuổi), Lê Hữu Minh Tuấn (32 tuổi) ra xét xử với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Ông Dũng, ông Thụy, ông Tuấn cùng là thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN). Ngoài việc thực hiện và duy trì Việt Nam Thời báo – diễn đàn điện tử của IJAVN, họ còn trực tiếp cung cấp thông tin, nhận định về nhiều vấn đề liên quan tới Việt Nam cho nhiều cơ quan truyền thông ở bên ngoài Việt Nam.
IJAVN được thành lập năm 2014, những người như ông Dũng, ông Thụy,… công khai trả lời phỏng vấn, viết – gửi bài đến nhiều nơi suốt năm năm và đột nhiên hệ thống tư pháp Việt Nam… phát giác, tất cả những bài viết của họ đều xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của đảng, chống phá nhà nước…
Ông Dũng bị phạt 15 năm tù, ông Thụy và ông Tuấn mỗi người bị phạt 11 năm tù, bởi Tòa án cho rằng, cần nghiêm khắc nhằm cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung, ngăn chặn việc tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước, chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ đảng, nhà nước (1).
Dương Quốc Chính - thành viên nhóm “Con đường nào cho Việt Nam?” – nhận xét về bản án sơ thẩm mà hệ thống tư pháp vừa tuyên đối với ba thành viên của IJAVN: Có lẽ 90% thành viên group, tất nhiên gồm cả ad, mod, đều giật mình, vì thấy bóng dáng của chính mình trong đó. Đấy là sự tài tình của pháp luật Việt Nam, xử một người làm vạn người sợ, bởi ai ai cũng thấy mình phạm tội y chang (2).
Jonathan London – một giảng viên đại học chuyên nghiên cứu về kinh tế, chính trị Việt Nam – thắc mắc: Có nên xem việc phản biện một số điều về đảng hay nhà nước là hành vi chống phá? Theo London, việc tống giam những người như Phạm Chí Dũng,… là sai lầm của Việt Nam trên con đường tiến tới một xã hội văn minh. Chẳng hạn với cách hành xử đó, bao giờ Việt Nam mới có “nhà báo” hoặc “nhà báo độc lâp” đúng nghĩa (3)?
Tương tự, Hoàng Khánh tin rằng, việc xử lý hình sự những cá nhân như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn,… là bằng chứng cho thấy kinh tế Việt Nam rất khó phát triển. Xâm hại nhân quyền sẽ rất khó có cơ hội giao thương một cách bình đẳng và điều đó tác động trực tiếp đến việc làm, đời sống của mọi người. Đảng, nhà nước biết rất rõ nhưng vẫn không thay đổi để bảo vệ. duy trì quyền lực (4).
***
Giống như các phiên tòa từng xử những cá nhân bị cáo buộc chống phá đảng, nhà nước, lần này, phiên tòa xử ba thành viên IJAVN tuy… công khai nhưng những người muốn dự khán, kể cả… mẹ bị cáo, cũng chỉ được phép ngồi… ngóng ở phần đường phía bên kia trụ sở tòa án.
Ông Đỗ Như Ly – một trong những người ngồi… ngóng - tường thuật khá cặn kẽ chuyện ông và những người khác dự khán ở… vỉa hè như thế nào. Ông Ly hy vọng thiên hạ sẽ tỏ tường, thế nào là tham dự một phiên tòa CÔNG KHAI, xử những người chỉ nói bằng lưỡi với bộ óc của… riêng họ ở Việt Nam (5)!
Dẫu hình phạt mà hệ thống tư pháp vừa tuyên đối với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn hết sức khắc nghiệt, có thể làm một số người sờn lòng, chùn chân nhưng có những người như Trần Trung Đạo lưu ý: Cuộc đấu tranh này là của người Việt và chỉ người Việt mới đau, mới xót cho thân phận của mình, mới yêu thương đất nước mình và mới sống chết vì tương lai con cháu mình.
Trần Trung Đạo nhắc một sự kiện cũ: Lúc này (2021), có ai biết Lê Chí Quang - người mà 20 năm trước từng đánh thức nhiều người với bài viết “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” - bây giờ đang ở đâu, làm gì, còn có mặt hay không trên hành trình tranh đấu hôm nay? Chắc không nhiều người nhớ tên anh. Nhưng nhớ hay quên không phải là điều quan trọng. Trên chặng đường tranh đấu gian nan, có những người đứng chờ ở mỗi sân ga để bước lên cùng đi với đất nước. Cũng ngay tại sân ga đó lại có người bước xuống theo chọn lựa riêng của mình. Họ mệt mỏi, họ chán nản, họ hết năng lực, họ thỏa hiệp hay có thể vì bất cứ lý do nào. Dù chọn lựa của họ là gì đi nữa vẫn cám ơn những cống hiến của họ, và có họ hay không con tàu vẫn tiếp tục băng trên đường lịch sử mang theo những hành khách mới.
Hành khách mới hôm nay là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và một danh sách trên 200 tù nhân hiện đang sống trong địa ngục trần gian ở Việt Nam. Họ lên đường đi làm lịch sử. Những ai đang sống trong xã hội tự do hay còn đang có một chút tự do, hãy làm tất cả những gì có thể làm được để những đóng góp của họ không trở thành vô nghĩa. Đừng nản chí. Khúc sông hẹp và nhiều ghềnh đá đương nhiên rong rêu, rác rến cũng đọng lại nhiều. Nhưng khi sông rộng và nước chảy mạnh, những rong rêu, rác rến kia sẽ bị cuốn đi nhanh. Cách mạng dân chủ cũng thế… Đó không phải là ước mơ hay lời cầu nguyện mà là một quy luật xã hội. Nhanh hay chậm nhưng sẽ đến. Không bạo quyền nào có thể bỏ tù được nhận thức của con người. Nhận thức sẽ lớn lên và bùng vỡ thành cách mạng (6)...
***
Hình phạt mà hệ thống tư pháp Việt Nam đã, đang, cũng như sẽ còn giáng vào những người như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn,… rõ ràng là chẳng nhẹ nhàng chút nào nhưng dường như… khó có thể khác. Chỉ nói và viết mà những Dũng, những Thụy, những Tuấn và nhiều người khác… đã buộc hệ thống tư pháp phải công khai thú nhận, rằng những thông tin, nhận định ấy khiến lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước bị… xói mòn, thậm chí làm mối đoàn kết trong nội bộ đảng, nhà nước bị… chia rẽ! Tự thú như thế đồng nghĩa với thừa nhận hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã đến… mạt kỳ và những hình phạt nặng nề là những nỗ lực chống chọi trong tuyệt vọng nhằm cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung (1) song thực tế cho thấy, càng ngày càng giống ảo vọng!
https://www.voatiengviet.com
Không có nhận xét nào