Sưu tầm và lược dịch : Ts. Phạm Đình Bá
Để được hoàn toàn tự do, điều cần thiết là bạn có thể hành động theo ý muốn. Nếu bạn không thể hành động một cách cụ thể, thì hành động của bạn không được tự do. Mặc dù người ta thường hiểu rằng con người có khả năng suy nghĩ và hành động tự do như những tác nhân hợp lý và đạo đức, nhưng các quy luật nhân quả chung mà mọi hoạt động và phản ứng của con người được điều chỉnh là ngoài tầm kiểm soát cá nhân. Chính xung đột này đưa ra vấn đề thực sự là chúng ta tự do như thế nào.
Timothy Hatfield, Úc Châu
Chúng ta tự do ở một số khía cạnh và không tự do ở những khía cạnh khác. Nếu tôi bị cầm tù thì rõ ràng là tôi không được tự do về mặt thể chất theo bất kỳ cách nào đáng kể. Tôi không thể chọn ra ngoài để đi dạo, ăn sáng hay đi xem phim. Nhưng mặt khác, tôi vẫn tự do suy nghĩ, tự do viết bất cứ thứ gì mình thích. Thực ra, tự do bao gồm ba nguyên tắc chính:
1) Việc không có sự ép buộc hoặc hạn chế ngăn cản cá nhân lựa chọn các giải pháp thay thế khác nhau mà ta mong muốn.
2) Không có các ràng buộc vật chất trong điều kiện tự nhiên ngăn cản cá nhân đạt được các mục tiêu đã chọn.
3) Sở hữu phương tiện hoặc sức mạnh để đạt được mục tiêu mà cá nhân chọn theo ý nguyện của mình.
Chúng ta không sống trên các hòn đảo riêng lẻ. Nếu tôi là Mai An Tiêm trên đảo hoang, tôi có thể làm tất cả những điều mà tôi có thể làm được. Nhưng chúng ta đang sống trong xã hội. Trong xã hội, chúng ta tự do ở mức độ mà hành động của chúng ta không gây hại cho người khác.
Rashan John, Ấn Độ
Câu hỏi “Thế nào là chúng ta tự do?” có thể được nhìn nhận từ ít nhất ba khía cạnh: 1) Chúng ta tự do theo những cách nào? 2) Ý chí tự do bao gồm những gì? 3) Làm thế nào chúng ta có ý chí tự do? Tất cả các quyền tự do khác được cho là phụ nếu không có ý chí tự do.
Hãy xem xét một trong những cách mà chúng ta có thể thấy mình tự do: tự do như một con chim, hoặc một động vật hoang dã. Nhưng chúng có quyền lực nào của sự lựa chọn không? Chúng có bị hạn chế bởi bản năng, đói, khát, áp lực xã hội và nỗi sợ hãi? Tương tự như vậy, chúng ta cũng là những thử nghiệm tự động, nhưng với mức độ lựa chọn cao hơn và phạm vi ràng buộc mạnh mẽ hơn: nhà tù, tống tiền, đe dọa và chết chóc, cùng nhiều khía cạnh khác. Con người rõ ràng có năng lực tự kiềm chế, đối nhân xử thế, tế nhị, giác ngộ tư lợi; khả năng suy nghĩ thấu đáo và thực hiện một kế hoạch hành động; và có khả năng để tính đến cách những người khác sẽ phản ứng. Nhưng ngay cả trong thế giới hoàn hảo nhất, sẽ có những ràng buộc.
Khi tự do bị ràng buộc thì ở đâu là ý chí tự do? Ý chí tự do đòi hỏi sự tự chủ hoàn toàn trong suy nghĩ, hoặc ít nhất là sức mạnh để tự thiết lập các nguyên tắc hành động của bản thân. Ngay cả khi đó, hành vi cá nhân sẽ không nhất thiết tuân theo các nguyên tắc cấu thành ý chí tự do. Tâm trí của chúng ta đã bị ảnh hưởng từ khi sinh ra bởi những gì chúng ta giao tiếp với người khác.
Ý chí tự do là quyền tự chủ, khả năng để lựa chọn các giá trị và niềm tin. Nhưng nó đến từ đâu? Từ hư không? Từ khối lượng và năng lượng? Từ một sức mạnh vượt quá mọi khoa học? Vì vậy, nếu tôi có ý chí tự do, làm sao? Có điều gì đó sâu thẳm trong tôi - cái tôi, linh hồn, tinh thần hoạt động độc lập với bản năng?
James Malcolm, Anh Quốc
Chúng ta có tự do đến mức chúng ta trải nghiệm sự lựa chọn. Một số lựa chọn là cực kỳ quan trọng vì chúng ta biết rằng khả năng A sẽ dẫn đến một kết quả rất khác với kết quả được tạo ra bởi khả năng B. Những lựa chọn này dẫn đến việc cân nhắc nhiều lần và kéo dài. Sự tự do mà chúng ta trải nghiệm đã dẫn đến sự xuất hiện của ngôn ngữ cùng với sở thích, bản thân, quyền tự quyết và kiến thức.
Sở thích bao gồm các nhu cầu cơ bản và các mục tiêu dài hạn. Cái tôi có nguồn gốc từ sự nhận biết về cơ thể với sự hình thành sau đó của những ký ức theo từng giai đoạn, cung cấp cho chúng ta bản sắc cá nhân. Sự tự chủ xuất hiện bởi vì chúng ta có thể kiềm chế những hành động không phù hợp với những mối quan tâm khác mà chúng ta đánh giá cao hơn. Ý thức về quyền tự quyết xuất hiện trong quá trình thực hiện hành động sau khi cân nhắc. Kiến thức cho phép chúng ta phân loại trải nghiệm của mình, bao gồm cả những sở thích mà chúng ta mô tả là lý do cho hành động của mình. Việc theo đuổi các khả năng cá nhân có thể bị hạn chế bởi cả sự kế thừa tự nhiên và sự tiếp xúc với môi trường xã hội cụ thể.
Maurice J. Fryatt, Gia Nã Đại
Chúng ta tự do trong phạm vi mà chúng ta có chủ ý để đưa ra các lựa chọn. Để làm như vậy phụ thuộc vào 1), năng lực đưa ra lựa chọn của chúng ta, và 2), nhận thức của chúng ta về các lựa chọn khả thi. Cả hai đều có giới hạn chắc chắn. Năng lực đưa ra lựa chọn của chúng ta có thể bị suy giảm và có thể hoạt động sai, nhưng ngay cả trong điều kiện tối ưu, năng lực của chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi lịch sử, môi trường cá nhân, sinh học, xã hội và văn hóa. Những điều này ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về các lựa chọn thay thế, và khiến chúng ta phải chuyển hướng một số lựa chọn giống như lựa chọn của nhiều người khác. Tất nhiên chúng ta có thể suy ngẫm, nỗ lực bù đắp những hạn chế, nhưng chúng ta không thể bước ra ngoài chính mình.
Do đó, cách chúng ta tự do về cơ bản sẽ bị ảnh hưởng bởi thiết bị mà ý thức phụ thuộc vào: bản thể vật chất của chúng ta, bao gồm cả bộ não của chúng ta. Bằng chứng từ khoa học thần kinh ủng hộ quan điểm rằng sự lựa chọn rõ ràng theo sau các hoạt động từ não bộ. Vì vậy, thay vì mang lại sự lựa chọn, ý thức của chúng ta ghi lại và giám sát các sự kiện liên quan đến các ‘lựa chọn rõ ràng’.
Colin Brookes, Anh Quốc
Nguồn gốc của tự do của chúng ta là ngôn ngữ. Ngôn ngữ cho phép chúng ta mô tả các lựa chọn thay thế và hiểu các lựa chọn của chúng ta. Các quá trình vật lý là không thể tránh khỏi và có thể dự đoán được: hóa chất A cộng với hóa chất B gây ra phản ứng C. Thay vì bị thúc đẩy bởi các chuỗi nhân quả liên tục như vậy, nhờ ngôn ngữ, chúng ta có thể nhìn thấy các khả năng thay thế và chọn một con đường hành động cho riêng cá nhân.
Bạn có thể lựa chọn - đồng ý hoặc không đồng ý với điều tôi trình bày!
Les Reid, Ireland
Tự do là không bị ràng buộc. Loại ràng buộc xâm phạm quyền tự do của chúng ta được thực hiện bởi các yếu tố bên ngoài. Sự ràng buộc tự bản thân không làm giảm ý chí tự do- tự kỷ bản thân làm tăng thêm ý chí tự do.
Chúng ta tự do nếu chúng ta gắn giá trị với lý tưởng của mình và giải quyết chúng không ngừng. Chúng ta phải có khả năng xác định chúng ta là ai, chúng ta đại diện cho điều gì và điều gì buộc chúng ta phải hành động theo cách đó.
Chúng ta phải đặt câu hỏi về mọi thứ bên trong chúng ta mà dường như đã được đặt ở đó bởi sự nuôi dạy hoặc bởi môi trường từ đó chúng ta lớn lên. Nếu cần, chúng ta thay đổi những giá trị mà chúng ta đã nhận được hoặc đã thiết lập bằng lý trí của riêng mình. Nếu không có sự xem xét nội tâm sâu sắc và liên tục, chúng ta không thể hy vọng có tự do nhiều hơn những chiếc máy tự động làm những gì mà bộ tộc chúng ta tuyên bố là phù hợp cho cá nhân.
Tự do là con đường, không phải là đích đến. Nó thường là con đường khó khăn nhất mà chúng ta có thể chọn. Đó là một cuộc chiến liên tục với trí tuệ thông thường, với xã hội và sức ì khổng lồ của xã hội. Quan trọng nhất, nó là cuộc chiến chống lại bản chất của chính chúng ta.
Chúng ta muốn phù hợp và hòa nhập với bộ tộc của mình, và chúng ta luôn cảm thấy có xu hướng từ bỏ tự do của mình để có cảm giác an toàn và thoải mái. Do đó, để tự do là thường xuyên cảnh giác chống lại những thôi thúc ngược với lựa chọn thật sự từ cân nhắc của chính mình; và lý trí là công cụ cho thưc hiện tự do thật sự.
Sebastian Fisher, Áo Quốc
Nguồn: How Are We Free? https://philosophynow.org/issues/76/How_Are_We_Free
Không có nhận xét nào