Từ năm 1989 đến 1991, thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt của các nước nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô. Hơn 20 năm qua, nếu có dịp đến thăm các quốc gia này, người ta sẽ thấy rằng chính phủ mới và nhân dân tại các nước này đã kịp làm được khá nhiều điều; đời sống kinh tế, xã hội của người dân tốt hơn hẳn so với trước kia, nhưng vẫn còn rất nhiều việc mà chính phủ và nhân dân họ phải nỗ lực thực hiện để xóa đi di sản do những năm dài dưới chế độ cộng sản để lại trên con đường trở thành những quốc gia phát triển, giàu mạnh, dân chủ, tự do. Và tùy theo nội lực của từng nước mà quá trình này nhanh hay chậm, nhẹ nhàng hơn hay nặng nề vất vả hơn. May mắn như nước Đức, nhờ có Tây Đức với một tiềm lực kinh tế hàng đầu của châu Âu, vậy mà trong những năm qua chính phủ Đức đã phải đổ không biết bao nhiêu tiền để vực dậy Đông Đức, xóa đi khoảng cách về mọi mặt giữa hai bờ Đông Tây. Nhưng dù sao, các nước Liên Xô và Đông Âu vẫn có những nội lực nhất định – các nước này trước khi đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã là những quốc gia có nền kinh tế công nghiệp tư bản bước đầu, có nền văn hóa dày dặn, người dân của họ dù sao cũng đã hiểu thế nào là dân chủ, tự do… nên quá trình thay đổi thế chế chính trị cũng đỡ nhọc nhằn vất vả hơn những quốc gia không có được những “hành trang” như vậy. Ví dụ như Việt Nam chẳng hạn. Đôi khi nghĩ đến một ngày nếu vận hạn của đất nước đã qua, Việt Nam may mắn chuyển đổi thể chế chính trị thành một quốc gia dân chủ pháp trị, thì một điều có thể thấy trước đó là cái giá phải trả do di họa của những năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam để lại trên đất nước này phải nói là vô cùng nặng nề, và những mất mát, thiệt thòi là vô cùng lớn.
Thứ nhất là ở Việt Nam, thời gian cầm quyền của Đảng Cộng sản cho đến nay đã kéo dài hơn một số quốc gia khác – 65 năm trên miền Bắc và 35 năm trên toàn lãnh thổ, nên cái hại cũng nặng nề hơn. Thứ hai là do nội lực của đất nước và của dân tộc, trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn chỉ là một nước nông nghiệp nghèo nàn đang phát triển, từ hạ tầng cơ sở vật chất kinh tế, kỹ thuật… đều chưa có gì đáng kể. Cộng với một tầm nhìn ngắn, văn hóa “lùn” của các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau từ trên xuống dưới, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài, hoặc vừa làm vừa phá, hoặc chỉ lo vơ vét, tham nhũng mà không nghĩ gì đến tương lai của đất nước và dân tộc, nên sau bao nhiêu năm cầm quyền, trên khắp đất nước nhìn đâu cũng thấy dấu vết của sự phá hoại trên mọi lĩnh vực. Bao nhiêu đất dọc theo biên giới phía Bắc, biển, đảo… đã mất, biết bao giờ mới đòi lại được. Rừng bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác một cách vô tội vạ, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, một số sông ngòi bắt đầu khô cạn, bây giờ người ta lại bắt đầu phá nát Tây Nguyên với những dự án khai thác bauxite lợi ít hại nhiều, bộ mặt các thành phố lớn, nhỏ thì hỗn độn, quy hoạch yếu kém, kiến trúc lộn xộn một cách không thể sửa chữa nổi v.v… Chưa nói đến cơ cấu luật pháp hay một nền giáo dục yếu kém cần phải xây dựng lại từ đầu, rất mất thời gian. Chưa kể cả một xã hội bị băng hoại về mặt đạo đức, những giá trị, chuẩn mực bị lệch; con người hoặc bị nhồi sọ bởi lối giáo dục tuyên truyền một chiều phải mất thời gian mới hiểu ra được đâu là sự thật đâu là dối trá, hoặc bị tồi tệ đi do phải sống trong một môi trường xã hội có quá nhiều điều không tử tế v.v… Nhưng điều nguy hiểm nhất đối với số phận của đất nước và dân tộc Việt Nam, đó là nếu sự thay đổi thể chế chính trị đến chậm thì nguy cơ phụ thuộc, thậm chí mất nước vào tay nước láng giềng phương Bắc là điều mà hiện nay nhiều người đều đã thấy.
Có những di hại có thể thấy rõ vì nó hữu hình và có thể xây dựng lại, có thể hồi phục sau một thời gian vài ba thập niên tùy theo. Nhưng có những cái di hại vô hình khó thấy hơn mà hậu quả của nó thì rất nặng nề và sự điều chỉnh, sửa chữa cũng vô cùng khó khăn, mất thời gian. Đó là những di hại về văn hóa, con người, về tinh thần mà những quốc gia đã từng trải qua chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo đều phải trả giá.
Một môi trường sống bị ô nhiễm, bị hủy hoại. Môi trường tinh thần cũng vậy. Có những căn bệnh tinh thần mà nếu sống trong một xã hội như xã hội Việt Nam hay Trung Quốc (vốn là một hình mẫu để chính quyền Việt Nam bắt chước theo y hệt nên những căn bệnh cũng giống nhau) lâu ngày con người sẽ bị lây nhiễm ít nhiều mà không hay.
Bệnh vô cảm
Xã hội Việt Nam bây giờ có quá nhiều điều phi lý, trái tai gai mắt, và cũng có quá nhiều những bi kịch, những câu chuyện thương tâm. Mỗi ngày mở những tờ báo ra, bật TV lên, hoặc ngay trong đời sống thường ngày, người ta phải đọc, nhìn, nghe hay chứng kiến tận mắt biết bao nhiêu chuyện như vậy. Tổng Giám đốc X bị bắt vì tham nhũng hàng tỷ đồng. Công ty Y bị phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, làm thất thoát hàng trăm tỷ. Một khu nhà hay một cây cầu vừa mới xây đã bị sập, lún vì làm ăn gian dối, bớt xén vật tư. Một bữa tiệc sinh nhật của con cái một “quan lớn” tốn kém hàng trăm triệu đồng trong đó chủ nhân bữa tiệc vung tay tặng các bạn mỗi người một chiếc xe gắn máy hiệu @. Một em bé chết oan vì bị điện giật trên đường do dây điện bị hở, không ai chịu trách nhiệm. Một tai nạn giao thông thảm khốc do đường hẹp, lô cốt chặn, chen lấn nhau hoặc đôi khi chỉ vì do chất lượng đường xá tồi khiến người đi xe ngã xuống và bị xe tải phía sau cán lên. Một người phụ nữ nghèo đi mót cà phê bị chó nhà giàu cắn chết nhưng công an lại không truy cứu tội hình sự người quản lý trang trại đã để mặc chó cắn chết người v.v… Đầu tiên khi đọc hoặc nghe những chuyện như vậy, người ta phẫn nộ, bức xúc, thương cảm. Nhưng rồi hàng ngày cứ phải đọc mãi, chứng kiến mãi với mức độ phi lý, bất công ngày càng lớn hơn, người ta thành quen đi, không còn ngạc nhiên trước bất cứ chuyện gì nữa. Người ta quen dần với những điều không tử tế, với cái xấu, cái ác… và trở nên vô cảm dần dần mà không hay.
Tai hại của điều này là đến lượt mình, mỗi người khi phải làm một điều không tử tế hoặc không lương thiện sẽ tự bảo rằng chung quanh mình ai cũng làm như vậy, ai cũng đang sống như vậy, có sao đâu?
Cái xấu, cái ác lên ngôi
Chưa cần phải từ nguồn báo chí truyền thông của “thế lực thù địch” nào, chỉ cần theo dõi báo chí trong nước, do nhà nước kiểm soát nội dung và cho phép phát hành, cũng có thể thấy ở Việt Nam hiện nay, cái xấu, cái ác đang lộng hành ra sao. Có nhiều người sẽ bảo xã hội nào mà chả có cái xấu, cái ác, ở Mỹ chẳng hạn, cũng có những cảnh bạo lực, giết người, thậm chí sát nhân hàng loạt… đó thôi. Nhưng vấn đề ở đây là cái xấu, cái ác, sự thiếu lương thiện đang tràn lan ở mọi cấp độ từ những hành vi nhỏ nhặt hàng ngày như chen lấn giành đường nhau, dúi tiền cho cảnh sát giao thông để được cho qua khi bị bắt lỗi và cảnh sát cũng thản nhiên nhận tiền như là chuyện bình thường phải vậy, hoặc sẵn sàng cãi vã, chửi bới nhau thậm chí đánh nhau chỉ vì những chuyện xích mích không đáng… cho đến những hành vi ở mức độ lớn hơn. Nhiều khi rùng mình vì mức độ trơ tráo vô đạo đức trong những hành vi tội lỗi như khi một ông hiệu trưởng không những dụ dỗ, ép dâm hàng loạt học sinh tuổi vị thành niên mà còn buộc các em phải lên giường với hàng loạt quan chức để có lợi cho mình; hay mức độ dã man một cách thản nhiên như khi một con người có thể để mặc cho đàn chó cắn xé đồng loạt đến chết mà không cứu; hay những cô cậu học sinh còn ở tuổi cấp hai có thể thản nhiên đánh bạn, thản nhiên quay video clip tung lên mạng và những học sinh khác thì ngồi xem mà không phản ứng gì. Khi một xã hội mà những điều không tử tế, cái xấu, cái ác đã trở thành chuyện bình thường trong khi điều tử tế, cái đẹp, cái thiện dần trở thành hiếm hoi, bất bình thường thì đó là điều thực sự phải báo động đỏ từ lâu rồi.
Sự bạc nhược, cầu an
Khi phải sống chung quá lâu với những điều bất công phi lý, với các xấu cái ác đang tràn lan, và biết rằng có kêu thì cũng chẳng thay đổi được gì, số đông người Việt dường như đã chọn cho mình một “phương châm” sống an toàn, đó là mặc kệ, mọi chuyện đã có nhà nước lo, họ chỉ lo kiếm sống, lo cho bản thân và gia đình. Và điều đó tạo ra một căn bệnh khác cũng phổ biến không kém: sự bạc nhược, cầu an. Đối với đám đông này, đừng nói với họ về sự thối nát của chế độ, về gánh nặng nợ nần đang đổ lên đầu các thề hệ sau do việc vay nợ nước ngoài, việc mất đất mất biển và cả nguy cơ mất nước trong tương lai, việc các nước khác người dân được có những quyền gì cũng như nhu cầu tự do dân chủ trong nhân dân… Họ sẽ lảng tránh, sợ hãi, không tin, và tiếc thay con số này vẫn còn khá lớn. Chưa kể những kẻ mà quyền lợi gắn chặt với chế độ này và vẫn cố sống cố chết bênh vực cho chế độ này là không tính đến. Đó là lý do vì sao một đảng cầm quyền có quá nhiều sai lầm và tội lớn đối với đất nước, với nhân dân trong suốt bao nhiêu năm qua như Đảng Cộng sản Việt Nam lại vẫn tiếp tục tồn tại.
Sự giả dối
Trong lịch sử giành chính quyền và giữ chính quyền của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng rất nhiều “chiêu thức”, trong đó có sự dối trá, mỵ dân. Có thể nói sự dối trá, nói một đằng làm một nẻo là “chính sách” xuyên suốt trong đối nội cũng như đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam từ bao lâu nay. Và từ bao nhiêu nay người dân Việt Nam đã phải sống trong một môi trường giả dối, từ khi còn đi học trẻ em Việt Nam đã phải học tin vào những điều giả dối cho đến khi trưởng thành nhìn xung quanh xã hội toàn những điều giả dối – bằng giả, hàng giả, chất lượng công trình và cả chất lượng tác phẩm văn hóa văn nghệ nhiều thứ cũng là giả… Và cũng như các căn bệnh đã kể trên, đến một lúc nào đó sự giả dối cũng trở thành căn bệnh phổ biến trong xã hội – người ta chạy theo thành tích, chạy theo những giá trị ảo, giá trị giả bên ngoài và đánh giá nhau cũng bằng những cái bên ngoài đó như căn nhà, chiếc xe, áo quần, mảnh bằng phó tiến sĩ, tiến sĩ “mua”… mà không xét đến giá trị thật bên trong của một con người.
Hoài nghi và mất lòng tin
Và khi phải ăn uống hít thở hàng ngày với một bầu không khí giả dối như vậy thì lẽ đương nhiên con người trở nên mất lòng tin, hoài nghi vào tất cả mọi thứ. Từ một nguyên nhân sâu xa nhất là sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống lý luận chính trị Mácxít-Lêninnít, lý thuyết về chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản… mà bao nhiêu năm nay Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn ra sức nhồi nhét vào đầu người dân, trong lúc chưa tìm ra được một hệ thống lý luận khác để thay thế (thật ra thì đã có sẵn những hệ thống lý luận của các nước dân chủ pháp quyền khác để mà học hỏi nhưng vấn đề là nhà nước Việt Nam không muốn học!), cùng với sự xuống cấp, tha hóa về mọi mặt trong đời sống đạo đức xã hội, khiến con người mất lòng tin và căn bệnh hoài nghi này cũng phổ biến không kém. Điều tai hại hơn là người ta không tin cả vào những điều tốt, sự tử tế.
Môi trường xã hội Việt Nam hiện nay là một môi trường mà cái ác cái thiện lẫn lộn, môi trường văn hóa nghệ thuật cũng vậy – cái đẹp cái xấu lẫn lộn, thật giả lẫn lộn, dễ làm cho con người, nhất là giới trẻ, bị nhiễu về mặt nhận thức, thẩm mỹ cho đến phương hướng, mục đích sống… không biết phân biệt, thẩm định hay dở, đúng sai. Xã hội cứ thế mà nhiễu loạn cả lên.
Và tất cả những căn bệnh đó như những tế bào ung thư đang tàn phá cả xã hội Việt Nam mà nếu không có một sự thay đổi toàn diện, triệt để về mặt thể chế chính trị thì mọi sự “sửa chữa” kiểu như thay tên Đảng, thay tên nước, thay đổi nhân sự này chính sách kia… cũng chỉ như những cố gắng vá víu tạm bợ, che chỗ này vá chỗ kia trên ngôi nhà đã thực sự mục ruỗng từ bên trong mà thôi.
© 2010 Song Chi
Theo Talawas Blog
Không có nhận xét nào