Ngày 9 tháng 1 năm 2021 là đúng một năm kể từ ngày chính quyền Hà Nội đưa lực lượng hơn 3.000 quân tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, giết chết cụ Lê Đình Kình - 82 tuổi, và bắt giam, khởi tố 29 người khác. Phía lực lượng chức năng nói có 3 chiến sĩ hy sinh trong vụ tấn công vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Một phụ nữ trong dòng họ nhà cụ Kình mà gia đình có người thân bị bắt trong vụ án này, kể cho Đài Á châu Tự do về những nỗi đau, mất mát, lo sợ và oan ức của bản thân, gia đình và những người dân Đồng Tâm khác phải chịu đựng trong suốt một năm qua.
Đối với người phụ nữ này đó là những ngày kinh khủng nhất trong đời. Luôn sống trong lo sợ, bị theo dõi, đe dọa. Cập nhật tình hình ở xã Đồng Tâm những ngày này, bà cho biết hiện giờ do trong làng có tranh chấp đất giữa Nhà thờ trong vùng và chính quyền xã nên quân đội kéo về rất đông, gần giống thời điểm chuẩn bị tấn công vào làng hồi năm ngoái. Họ trang bị cả vũ khí, xe vòi rồng, có mặt trong làng từ trước Giáng sinh cho đến nay. Theo bà, có lẽ đội quân đó sẽ ở lại cho đến qua ngày 9/1, tức ngày kỷ niệm 1 năm cuộc tấn công đẫm máu. Mục đích được nhận định nhằm đề phòng người lạ các nơi hoặc báo chí kéo về đưa tin tức ra ngoài.
Kể lại khoảng thời gian một năm qua, bà nói thời gian đầu là cảm giác kinh hoàng, hoảng loạn vì người thân, họ hàng bị bắt, bị giết. Vài tháng sau đó là nỗi nơm nớp lo sợ bị theo dõi, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai cũng đều bị phát hiện.
Chính vì vậy mà người dân rất hạn chế, không dám tiếp xúc nhiều với người lạ và báo chí:
“Khi mới xảy vụ việc thì không chỉ riêng một mình nhà mình mà cả cái xã này ai cũng hoảng loạn, mất ăn mất ngủ. Cả những gia đình mà người ta không bị cũng như vậy. Tết năm ngoái nhìn xung quanh người ta cũng không thèm mở đèn, thức dậy vào đêm 30 nữa. Cả xã đều như vậy. Tết năm ngoái rất là buồn. Nhiều tháng sau họ vẫn theo dõi, ai hé ra một cái gì là họ sẽ bắt. Cho nên mấy tháng trời vẫn cứ rất hoang mang, đi đâu cũng như là bị theo dõi, gắn máy nghe lén. Không ai nghĩ rằng mình được an toàn cả. Chị có đăng bài này kia cũng bị khủng bố. Có những nhóm chị em chơi với nhau là toàn những gia đình có người bị bắt trong vụ án. Mấy chị em hay buồn nên tâm sự với nhau, an ủi với nhau để còn tiếp tục làm ăn và nuôi những người trong tù. Vậy mà cũng bị theo dõi và biết được.”
Mọi người được minh oan trở về về là điều sung sướng nhất. Còn nếu không vẫn phải chịu thì cũng mong nhà nước sẽ hạ mức án xuống, làm sao để cho nhà cụ Kình không ai bị án tử hình cả, không ai phải chết cả.
Bà cho biết tiếp, sau biến cố vào ngày 9/1/2020, người dân làng Đồng Tâm dường như bất lực, sợ hãi và tuyệt vọng. Họ không nghĩ được rằng chính quyền có thể ra tay độc ác như vậy, không nghĩ rằng mình chỉ đấu tranh giữ đất bao nhiêu năm trời mà lại nhận hậu quả thảm khốc như vậy. Giờ đây, gia đình, dòng họ nhà cụ Kình dường như chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Nỗi đau thì vẫn còn nguyên đó, nhưng vẫn phải nương nhau mà sống, về ở với nhau để ủi an và che chở cho nhau, thay nhau làm việc để thăm nuôi những người đi tù và cả gia đình, con cái của những người đó nữa.
Mong được rửa oan khủng bố, giết người và được trở về đoàn tụ với gia đình là mong mỏi lớn nhất của gia đình bà:
“Mọi người được minh oan trở về về là điều sung sướng nhất. Còn nếu không vẫn phải chịu thì cũng mong nhà nước sẽ hạ mức án xuống, làm sao để cho nhà cụ Kình không ai bị án tử hình cả, không ai phải chết cả. Gia đình còn có thể gặp gỡ, còn được thấy mọi người.”
Bà nói chính vì việc đưa tin sai lệch của báo chí, truyền thông Nhà nước mà trong mắt nhiều người dân Việt Nam không hiểu hết câu chuyện, họ cho rằng dân Đồng Tâm là những người dữ dằn, tàn ác:
“Mình quá oan. Mình không có giết người mà bây giờ mình phải chịu tội giết người. Người Đồng Tâm đi đến đâu, ở bên ngoài nhiều người không hiểu cứ bảo là cái dân đó ghê quá, dân khủng bố, giết người, dám làm những chuyện như vậy. Bởi vì báo chí gieo rắc, cho nên ai cũng nghĩ dân Đồng Tâm ở đây là ghê gớm lắm. Thật sự họ rất là hiền, kể cả những người tham gia chống tham nhũng họ đều rất tốt.”
Hy vọng gì ở phiên phúc thẩm Hướng đến phiên tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Bùi Viết Hiểu, nói với Đài Á châu Tự do rằng hiện giờ luật sư đã được vào làm việc với thân chủ, và chỉ còn chờ đến ngày có quyết định xét xử phúc thẩm nữa thôi:
“Luật sư vào để ký giấy trợ giúp pháp lý cho những người bị giam có ý định kháng cáo. Các luật sư đã được vào gặp thân chủ sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, thì nó phù hợp với luật Tố tụng là sau khi tòa sơ thẩm 15 ngày thì bị cáo có quyền kháng cáo. Từ hôm đó đến nay thì không thấy có một động thái gì từ tòa phúc thẩm. Thực ra thì chúng tôi chỉ có đợi quyết định xét xử thôi. Hiện giờ chúng tôi đã có thông báo bào chữa rồi thì có quyền vào để gặp thân chủ.”
Ông Miếng nói rằng không thể đoán trước được phiên phúc thẩm sẽ có kết quả thế nào. Với trách nhiệm của người luật sư, ông chỉ có thể chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung bào chữa, còn việc tuyên án thế nào là quyền của tòa:
“Tôi thì muốn ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới phải làm rõ được các hành vi mà các bị cáo đã kháng cáo ở tòa sơ thẩm. Thực ra trong đêm đó nó rất là hỗn loạn, và những điều được ghi nhận chỉ là từ cơ quan điều tra thôi, còn những điều mà họ khai ở bên phiên tòa sơ thẩm và bây giờ là phúc thẩm thì sẽ có những lời khai khác, và nó phù hợp với những chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Phiên tòa sơ thẩm không làm rõ. Cho nên phiên tòa phúc thẩm họ phải làm rõ những điều đó. Nếu như làm rõ và có các tình tiết có lợi cho các bị cáo thì có thể xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có kháng cáo. Hoặc là trường hợp không thể giải quyết được ở phiên tòa sơ thẩm thì tòa phúc thẩm có thể yêu cầu hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.”
Luật sư Lê Văn Hoà, người bào chữa cho 2 người chịu án tử hình trong phiên sơ thẩm là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, từng trả lời RFA rằng ông hy vọng ở phiên phúc thẩm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét về tính nhân đạo để có phán quyết “thấu tình đạt lý”, đặc biệt là đối với 2 người chịu án tử hình.
Phiên toà sơ thẩm xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ bắt đầu vào ngày 7/9/2020. Theo thông báo ban đầu, phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày nhưng chỉ sau hơn 1 tuần tòa tuyên án đối với 29 người, trong đó có 2 án tử hình, 1 án chung thân, 12 án tù từ 3 năm đến 16 năm; và 14 án từ 15 tháng đến 3 năm tù treo.
https://www.rfa.org/
Không có nhận xét nào