Cuốn sách mở đầu bằng: “Tôi mở mắt chào đời ở Việt Nam tại một bệnh viện Pháp cổ xưa sáu tháng trước khi tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson ra lệnh cho hàng ngàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ lên đất nước chúng tôi..”.
Đó là một thiên hồi ký của một cậu bé hồi nhỏ sống ở phi trường Tân Sơn Nhất với ước mơ thành một hoa tiêu vùng vẫy trời cao. Và cũng là những hồi tưởng từ hai đời người, một cha một con, cùng theo nghiệp bay bổng nhưng phục vụ đất nước khác nhau và trong những hoàn cảnh cá nhân khác nhau.Người cha luôn luôn là hình bóng đi bên cạnh đời người con với nét hào hùng của một người chiến đấu vì tự do và hiểu được ý nghĩa của tự do. Khi chiến đấu cho đất nước, trung tá Phạm văn Hòa bay chiến đấu cơ A1 sau là hoa tiêu vận tải C130, đã mang cả một thời tuổi trẻ của mình trong ước vọng thực hiện được lý tưởng của mình. Cũng như khi chiến đấu cho đất nước Hoa Kỳ, đại úy Phạm Xuân Quang, một hoa tiêu trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, cũng hiểu được giá trị của tự do và nghĩ rằng đã được hưởng ân huệ của đất nước định cư thì cũng phải có nhiệm vụ phải bảo vệ đất nước ấy.
Cầm tập hồi ký “ A Sense of Duty: My Father, My American Journey” của Quang X. Pham, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu hát “Hòn Vọng Phu”. Ở đây, người cha, một phi công của Không Quân Việt nam, bay khu trục rồi chỉ huy một phi đoàn vận tải. Người con, tốt nghiệp đại học rồi gia nhập Thủy Quân lục Chiến Hoa Kỳ thành một phi công trực thăng. Chuyện ấy cũng có thể bình thường. Nhưng người con viết hồi ký về cuộc đời của cha mình và cũng là dịp để nhìn lại một cuộc chiến đã chấm dứt từ ba mươi năm nay, chuyện ấy mới là đáng nói. Qua bóng dáng của người cha, một thời lửa khói được kể lại. Và, tiếp nối, là người con của thế hệ tiếp theo. Không gian bao la nhưng vẫn nằm trong bàn tay người phi công. Tác phẩm, là hồi ký của một người con nhưng đa phần là hình bóng của người cha và những người đồng đội cũ. Cuộc chiến dù đã ba mươi năm qua, nhưng vẫn còn dư âm, tưởng như mới ngày nào…
Cuốn sách mới xuất bản mà đã được sự chú ý rất nhiều. Nhật báo Los Angeles Times và Orange County Register đều có bài điểm sách. Tuần báo Publishers Weekly và tạp chí Orange Coast Magazine cũng giới thiệu đầy cảm tình và trang trọng. Nhiều tác giả nổi tiếng có nhiều hiểu biết về Việt Nam như Richard Pyle, như Larry Engelmann, như Robert Olen Butler, như James R. Reckner,… cũng có những nhận xét xác đáng về tầm vóc cũng như giá trị của tác phẩm. Và, với người Việt Nam, những chính khách như Bùi Diễm, Đỗ Ngọc Yến , Hoàng Đức Nhã,… cũng đã cho nhiều ý kiến đồng tình chia sẻ…
Với riêng cá nhân tôi, tôi đọc “ A Sense OF Duty” không phải vì những bài giới thiệu hoặc điểm sách như thế. Bản tâm tôi đã rất thích đọc những cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam. Trong tủ sách của tôi cũng có hàng trăm cuốn Anh ngữ, Pháp ngữ và Việt ngữ về đề tài này. Và, càng đọc nhiều tôi lại có một điều làm tôi ấm ức và cảm thấy bất công. Hầu như những cuốn ngoại ngữ đều chung một luận điệu. Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Cộng sản Bắc Việt, người lính Nam Việt Nam chỉ là vai trò phụ thuộc. Hiếm có cuốn sách nào có cái nhìn chính xác hơn. Khi học môn sử ở chương trình cử nhân, tôi đã nhiều lần nói lên cái tâm trạng và suy nghĩ của mình trong lớp học, của một người lính đã tham dự cuộc chiến. Thú thực tôi có cảm giác là người cô đơn, một mình phải thuyết phục đám đông đã sẵn ấn tượng từ sách vở. Mà tôi biết, trong dư luận Hoa Kỳ, những người phản chiến nắm phần chủ động. Ngay, một người như John Steinbeck, là một nhà văn nổi tiếng đoạt giải Nobel văn chương năm 1962, tác giả của “ The Grapes of Wrath” hay “Of Mice and Men” nổi tiếng nhân bản, mà khi viết những bài ủng hộ chiến tranh Việt Nam như hàng ngày viết “Letters from Việt nam” cho nhật báo “News Day” hay tranh luận với nhà thơ Liên Xô Evgueni Evtusensko, cũng bị chê là hiếu chiến.
Thành ra, đọc một cuốn sách có nhiều điểm đồng tình với mình, cũng là một điều thích thú. Dù không thích chiến tranh nhưng chúng tôi vẫn vì bổn phận và chiến đấu hết mình vì bổn phận ấy. Tôi sẽ mang cuốn sách cho những người bạn bản xứ và khoe như tôi đã làm với cuốn sách mới tinh còn thơm mùi mực của nhà văn Ngô Thế Vinh. Có cuốn sách của người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam tại sao không phổ biến? Để nói thêm một tiếng nói cho những người đáng được nhắc đến.
Ngoài lý do kể trên, còn một lý do khác, kể ra thì cũng hơi riêng tư. Tôi đọc cuốn sách này vì người viết là một Không Quân viết về một người cha Không Quân, niên trưởng của chúng tôi.Và ở đó, tôi tìm được không khí của những phi trường mà tôi quen thuộc. Đời sống ấy, dù đã ba mươi năm qua, nhưng còn phảng phất đâu đây. Mỗi lần nhắc lại là bồi hồi trong tâm. Bạn bè chúng tôi, bao nhiêu người gục ngã. Những chiếc trực thăng nổ tung trên trời, những chiếc khu trục cháy đỏ vỡ toang tầng không, những cái chết hào hùng. Lạ kỳ, khi tôi đọc những trang sách viết về một niên trưởng phi công kỳ cựu, tôi nghe bên tai mình văng vẳng những nốt nhạc của bài Không Quân Hành Khúc. Bài hát ấy, bạn bè chùng tôi thường hợp ca mỗi khi họp mặt như tiếng hát gọi đàn “ Giờ đoàn người từng vượt bao biên giới đã chiến đấu. Đã chiếm chiến công ngang trời.Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới, quyết chiến đấu. Đi không ai tìm xác rơi.Lúc đất nước muốn, bao người con thân yêu ra đi. Tiếc tấm thân làm gì…”…
Phạm Xuân Quang đã viết “ A Sense of Duty” như một tác phẩm đầu tay của một người tị nạn đã trở thành một Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từ những tác động ký ức liên quan đến số phận, niềm hy vọng cũng như những hậu quả phát khởi từ biến cố trong cuộc chiến Việt Nam. Là một người trẻ Việt thuộc thế hệ thứ hai trưởng thành ở Hoa Kỳ, anh biểu lộ tấm lòng tri ân với đất nước đả bảo bọc anh và đã tự mình tình nguyện gia nhập quân đội và trở thành một phi công trực thăng nối nghiệp người cha là một phi công khu trục của Không Quân Việt Nam. Cuộc trùng phùng giữa hai cha con sau một thời gian dài chia cách cũng là một yếu tố để anh có quyết định trên.
Năm 1964, người cha , phi công Phạm Văn Hòa của phi đoàn khu trục 514 bị phòng không Việt Cộng bắn trong khi đang yểm trợ tiếp cận cho bộ binh dưới đất. Được trực thăng Hoa Kỳ cứu cấp sau khi bị đáp ép buộc, ông trở về nhà đúng vào ngày sinh của đứa con trai ông, tên Quang. Sau đó ông lại tiếp tục những phi vụ oanh kích, thi hành bổn phận của một quân nhân trong thời binh lửa. Thâm tâm ông không muốn làm hành động của một anh hùng, nhưng ông hiểu nhiệm vụ của mình để hoàn tất những công việc ấy.
Trước khi Saigòn bị quân cộng sản xâm chiếm, trung tá Hòa chắc chắn rằng vợ con mình đã được di tản. Ông gửi vợ và mấy đứa con lên một chiếc C130 di tản đến Hoa Kỳ. Riêng ông ta không được may mắn. Ông bị ở lại và bị tù ngục hơn mười năm. Những trại khổ hình mà ông đã trải qua như Long Giao, Suối Máu, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, toàn những nơi nổi tiếng là rừng thiêng nước độc. Sau khi gần được phóng thích, Cộng Sản chuyển ông về trại Z0D ở Rừng Lá.Năm 1987, ông được thả về và năm năm sau ông được sang Hoa Kỳ gặp gỡ lại vợ con sau một thời gian sống nghẹt thở vì sự canh chừng của hệ thống công an khắc nghiệt và đa nghi.
Quang Phạm đến Hoa Kỳ lúc chỉ mới mười tuổi và biết vỏn vẹn vài ba chữ Anh Ngữ. Anh bắt đầu vào trường học. Mẹ anh cũng rất cố gắng hội nhập vào xã hội mới và sau đó đã hành nghề kế toán để nuôi cả gia đình. Quang sống trong một gia đình vắng mặt người cha và người mẹ đóng vai trò chủ gia đình. Tất cả đều chung một cố gắng sống sao cho có ý nghĩa trong cuộc đời mới. Bà mẹ muốn Quang học những nghành như y khoa hay dược khoa rất bất ngờ khi nghe Quang nói muốn gia nhập Thủy Quân Lục Chiến sau khi tốt nghiệp cử nhân. Bà không thể nào vui với một ý định như thế. Rồi, rốt cuộc Quang cũng thành một phi công như ước muốn của anh thời niên thiếu.
Năm 1992, gia đình Quang đoàn tụ ở về thành phố Oxnard, California. Quang tốt nghiệp cử nhân và sau đó tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến thành một phi công đầu tiên của thế hệ Việt Nam thứ hai. Khi Quang vừa tốt nghiệp sĩ quan thì người cha được rời khỏi trại tù Việt Cộng và trở về sống vất vưởng ở Sài Gòn chờ ngày sang Hoa Kỳ định cư. Trong khi đó thì Quang thi hành những phi vụ trong cuộc chiến Bão Sa Mạc tấn công quân Iraq của Saddam Hussein. Hai năm sau, người cha được định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO và đoàn tụ với cả gia đình. Nhưng hai ngày sau Quang phải lên đường trên chiến hạm USS Tarawa từ San Diego trên hải trình ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, vùng Vịnh Trung Đông, biển Somalia. Sau đó Quang lên bờ làm sĩ quan tùy viên cho Tư lệnh Không Đoàn Ba TQLC. Lúc này , cha con mới có dịp nói chuyện với nhau cũng như gặp gỡ lại những người là chiến hữu KQ VNCH cũ cùng với nghiệp bay bổng.
Trung tá Phạm Văn Hòa đã có dịp kể lại tất cả những chi tiết của cuộc đời nhiều thăng trầm của mình với con và tìm ở đó như một chiến hữu có cùng những giấc mộng thời thơ ấu dù lớn lên và trưởng thành từ thời gian không gian khác nhau.
Khi gặp gỡ lại thân phụ mình, Quang vì những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời người cha nên có ý định viết một cuốn sách kể lại những ngày tháng trải qua. Anh ghi chép lại tất cả chi tiết để thành một hồi ký. Năm 2000, ông cựu trung tá Không Quân Việt Nam Phạm Văn Hòa bị xuất huyết não và từ trần. Như thế chỉ còn một mình Quang thực hành chương trình đã định từ trước.
Hành trình của ngươì cha dường như được nối tiếp từ người con. Phi công Phạm Văn Hòa, tức Hòa Điên, một biệt danh mà bạn bè ông thường gọi, chiến đấu để bảo vệ cho tự do của đất nước ông. Là phi công khu trục và vận tải, ông có cái hãnh diện của một chiến sĩ làm nhiệm vụ.Con ông, Phạm Xuân Quang, tình nguyện vào lính để trở thành một phi công trực thăng cũng với ý nguyện phục vụ đất nước đã bảo bọc anh và gia đình và cũng để thỏa mãn cái mộng ước đã có khi còn nhỏ ở phi trường Tân Sơn Nhứt.
“A Sense of Duty: My Father, My American Journey” là một chuyện kể cảm động của những người đến Hoa Kỳ định cư từ những xứ sở xa lạ và đã thành công khi nhập được vào dòng chính. Một độc giả Hoa Kỳ đã viết rằng đã cảm được nỗi đau , nỗi buồn của người kể chuyện khi đọc cuốn hồi ký này. Hoa Kỳ là một xứ sở có rất nhiều những câu chuyện như thế, của những người làm lại cuộc đời từ bàn tay trắng.
Hồi ký này là câu chuyện của gia đình Quang với những người làm trọn nhiệm vụ của mình. Người cha, làm tròn bổn phận với đất nước mình. Người mẹ, làm tròn nhiệm vụ hiền mẫu của mình. Người con, làm tròn nhiệm vụ với đất nước đã nuôi dưỡng bảo bọc mình. Tất cả, là những nỗ lực của những người hiểu được cái giá của tự do.
Bút pháp của Quang là một cách viết tự nhiên có pha lẫn chút trào lộng cay đắng nhưng tràn đầy sức sống của một người hiểu được mình phải bắt đầu từ đâu và đi trên những con đường nào. Trong nhiều chương sách , ít nhất là hơn một nửa trong tổng số 24 chương, tác giả đã nhắc lại thời nhỏ của mình trong khu cư xá trong phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn những máy bay cất cánh để mơ mộng nối gót hành trình của cha. Cũng như, khi sang định cư ở mỹ, phải phấn đấu thế nào, và hội nhập vào dòng chính ra sao cũng như phải chịu những sự kỳ thị bất công dành cho một cậu bé Mỹ gốc Việt. Quang có nhiều kinh nghiệm từ những va chạm ấy và rút ra một kết luận muốn thành công trong xã hội Mỹ phải làm việc gấp hai và suy nghĩ gấp bốn một đứa bé da trắng bản xứ.
Hình như, Quang cũng có những ngoái nhìn về phía cuộc chiến đã qua. Hành trình của anh, khởi đầu một cách gián tiếp từ thân phụ, qua chiến tranh Việt Nam đến chiến tranh vùng Vịnh, từ một cậu bé con của nguồn gốc quê hương đến một người lính bảo vệ đất nước mà mình trưởng thành. Anh không có mục đích nhìn lại quá khứ mà chỉ muốn nhìn lại những gì mà chúng ta nhớ lại từ quá khứ ấy. Có nhiều câu hỏi được đặt ra với Quang, từ lúc thơ ấu đến lúc trưởng thành.
Những câu hỏi bao quanh cuộc chiến đã tàn lụi và những hệ quả của nó cho toàn dân Việt Nam nói chung và gia đình Quang nói riêng. Những suy nghĩ về tự do và cái giá phải trả của nó. Chính vì suy nghĩ trên nên Quang đã nhập cuộc, như phản ứng của một người trẻ hiểu biết được trách nhiệm của mình.
Cho nên, có một độc giả đã viết “ Trước đây, không bao giờ tôi hỏi cha tôi về những chuyện đã xẩy ra từ hồi chiến tranh Việt Nam. Bây giờ, đọc xong cuốn sách này, tôi sẽ hỏi,…”
Phải rồi, chiến tranh Việt Nam có những bí ẩn kể như phi lý. Hàng triệu người lính của cả hai bên Nam Bắc và 58 ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ bị tử trận. Không chỉ thế, còn hàng triệu nạn nhânchiến cuộc với những biến cố kinh hoàng. Chiến tranh chấm dứt, hơn hai trăm ngàn sĩ quan viên chức Nam Việt Nam vào tù Cộng sản. Hàng triệu người vùi thân biển cả. Tất cả, là trả giá cho tự do. Cái giá khá mắc cho một dân tộc vốn thông minh cần cù…
In một cuốn sách như tác phẩm này có nhiều trạng huống tế nhị mà tác giả phải vượt qua. Rất nhiều nhà xuất bản đòi hỏi phải theo những ý hướng đã định và đề tài chiến tranh Việt Nam không phải là đề tài có nhiều hấp dẫn. Khi nhà xuất bản Random House đồng ý xuất bản thì lại gặp nhiều vấn đề như hình bìa có bản đồ Việt nam với tên thành phố được Cộng sản cải danh lại mà không phải là Sài Gòn. Nhưng rốt cuộc, nhà xuất bản phải nhượng bộ và hình bìa là ảnh hai cha con với bản đồ Việt nam làm nền phía sau với tên của thành phố Sài Gòn. Cũng như trong giai đoạn “edit” có rất nhiều đoạn bị cắt bỏ bởi chủ quan của nhà xuất bản. Dẫu sao, đó cũng là chuyện thông thường khi xuất bản một tác phẩm ở Hoa Kỳ.
Tác giả đã mang sự thành thực cũng như tôn trọng sự thực để làm thành sự quyến rũ cho tác phẩm. Ông không cao giọng rao giảng cũng như muốn làm người phê phán. Ông chỉ mang cuộc đời của mình và của cha mình để tôn vinh tự do và biết phải chiến đấu để có sự cao quý ấy.
Tác giả “ A Sense of Duty”,
Phạm Xuân Quang, đã phục vụ như một phi công của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã
tham gia chiến dịch vùng Vịnh và Somalia. Anh cũng là người điều hành công ty
QTC Medical Services và CEO của Lathian Systems, công ty mà anh là người sáng lập.
Anh cũng là một khuôn mặt quen thuộc của giới truyền thông Hoa Kỳ, đã góp mặt
trên nhiều shows vô tuyến truyền hình và truyền thanh. Viết “ A Sense of Duty
“, anh muốn làm tròn bổn phận của một người với cha anh mình, đất nước mình.
Chúng ta hãnh diện có những khuôn mẫu Việt Nam thành công như thế: trung hậu
trong gia đình, dũng cảm trong chiến trường và nhạy bén hiệu quả trên thương
trường…
Nguyễn Mạnh Trinh
https://www.tvvn.org
Không có nhận xét nào