Đầu tư cho khoa học công nghệ và thu hút đầu tư FDI
GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, cho rằng Việt Nam cần đánh giá FDI theo bốn tiêu chí, đó là (1) FDI phải được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế một cách hoàn chỉnh, (2) FDI phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước, (3) phải có mối liên hệ hàng dọc với doanh nghiệp trong nước, và (4) phải ưu tiên FDI từ các nước tiên tiến với tiêu chuẩn cao về chế tài pháp lý, về văn hóa và đạo đức doanh nghiệp.
Để có thể khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước cũng như thúc đẩy sự liên kết hàng dọc (vertical linkages) giữa FDI với các công ty trong nước, theo GS. Trần Văn Thọ, nội lực phải mạnh (cụ thể là doanh nghiệp trong nước phải mạnh).
Muốn cho doanh nghiệp trong nước mạnh về khoa học công nghệ, thì Việt Nam phải thành công trong chiến lược quốc gia thúc đẩy đổi mới – sáng tạo khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Vậy Việt Nam đã đầu tư cho khoa học công nghệ như thế nào và bằng cách nào?
Khả năng nội địa hóa R&D ở Việt Nam của doanh nghiệp FDI?
Tháng 3 năm 2020, tập đoàn Samsung tuyên bố xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam với số vốn đầu tư 220 triệu USD. Samsung nói về những mục tiêu lớn, giúp Việt Nam phát triển.
“Dự kiến khi đi vào hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.
Trung tâm này là tòa nhà đầu tiên được Samsung Điện tử xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Và đây cũng là Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các Trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Thông qua việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hiện đại, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.”
Tuy nhiên, theo một số giảng viên đại học khối ngành kỹ thuật ở những trường lớn ở Hà Nội và một số kỹ sư tham gia chương trình R&D của Samsung thì dường như các hoạt động R&D này của Samsung, cho đến thời điểm này, vẫn chỉ mang tính hình thức. Chính phủ Việt Nam cam kết giảm thuế cho họ để khuyến khích họ vận hành chương trình R&D, nhưng chỉ yêu cầu chung chung, chứ không có kèm theo các cam kết minh bạch, hướng đến một chiến lược cụ thể, để có thể thực sự thúc đẩy sự phát triển ở Việt Nam. Kết quả là Samsung chủ yếu tuyển vào sinh viên mới ra trường, chưa đủ trình độ để “R&D”. Họ được giao việc lặt vặt, trả lương không cao.
Thử so sánh với Huawei của Trung Quốc, khi quyết định phát triển ở Nhật, đã thành lập trung tâm R&D ở trung tâm Tokyo (quận Shinagawa), nơi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Nhật, trả lương cao để tuyển vào những kỹ sư ngoài 40 tuổi của các hãng Nhật. Đó là độ tuổi sung sức nhất, vừa tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm, vừa đủ trẻ có thể sáng tạo kỹ thuật mới và có thể khai thác lâu dài.
So sánh với cách Huawei tổ chức việc R&D ở Nhật để thấy việc tổ chức R&D của Samsung không thể thay thế cho sự chủ động của Việt Nam. Công nghệ cao là không phải là khẩu súng kíp thời Cao Thắng để có thể bắt chước, mà phải được đào tạo toàn diện cả về tri thức, kỹ năng và tinh thần sáng tạo thì mới lĩnh hội được. Bản thân Samsung nếu muốn thực tâm giúp Việt Nam phát triển R&D cũng không thể làm như Huawei làm ở Tokyo.
Đó là chưa kể, Nghiên cứu và Phát triển là vấn đề sinh tử của quốc gia và doanh nghiệp. Không ai làm thay cho Việt Nam, dù đó là Samsung, Toyota hay Apple. Việc các nước phát triển phải dùng luật pháp để bảo vệ ngành công nghệ cao của mình, như Báo cáo của UNCTAD dẫn ở trên đã đề cập, cho thấy điều đó.
Việt Nam đã đầu tư cho R&D như thế nào?
Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 5 năm tới, dứt khoát chúng ta tăng trưởng phải chuyển sang chiều sâu, mà con đường duy nhất là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thế nhưng, đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam thì lại rất thấp, mục tiêu đến 2020 đạt 2% GDP, nhưng thực chất đến nay mới 0,4% GDP, thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản (3,5% GDP), Trung Quốc (2,1% GDP), Singapore (2,2% GDP)…
“Nếu cứ đầu tư thế này, tôi khẳng định luôn, chắc chắn chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thị trường khoa học công nghệ là kênh huy động nguồn lực tốt nhất cho khoa học công nghệ thì ta lại phát triển kém nhất. Nguồn nhân lực thì theo Chiến lược Phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 – 2020, đến năm nay, số cán bộ nghiên cứu đạt 11 – 12 người/1 vạn dân, thì ta mới đạt 7 người/vạn dân, thua xa kế hoạch. Đầu tư ít, nguồn nhân lực không đảm bảo, thị trường kém thì lấy đâu ra tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo? Tôi thiết tha kiến nghị phải thay đổi căn bản đầu tư cho khoa học công nghệ”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Tất nhiên, Việt Nam cần phải chấm dứt tư duy kế hoạch hóa, phụ thuộc tuyệt đối vào chỉ tiêu mà không đặt chỉ tiêu và kế hoạch trong một chiến lược cụ thể. “Phát triển khoa học công nghệ” chỉ đơn giản bằng cách tuyển dụng thêm cho đủ số lượng “cán bộ khoa học” theo chỉ tiêu đã định (bản thân mục tiêu này cũng thiếu căn cứ hợp lý), thì kết quả duy nhất Việt Nam nhận được sẽ chỉ đơn giản là “giải ngân” cho hết số tiền ngân sách dùng cho “khoa học” và làm phình to bộ máy “cán bộ nhà nước”. Mục tiêu “phát triển khoa học công nghệ” vẫn không đạt được.
FDI trong mối quan hệ với chiến lược phát triển công nghệ
Việt Nam vừa công bố Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến 2030. Quyết định này có rất nhiều khuyết điểm. Nó không đặt vấn đề phát triển công nghệ thuộc “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” trong mối quan hệ với khối doanh nghiệp FDI, mặc dù khối FDI là động lực chính về mặt chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Quyết định này đặt ra những mục tiêu khổng lồ, nhưng ở phần “Nhiệm vụ, Giải pháp”, nó lại tổ chức một cách thức thực hiện rất đơn giản, máy móc và rời rạc.
Nó chia cho mỗi Bộ một công việc khác nhau. Bộ Kế hoạch Đầu tư thì đề xuất các quy định, tăng vốn hỗ trợ cho “các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ ưu tiên”. Bộ Khoa học và Công nghệ thì “điều chỉnh phân bổ ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ do bộ quản lý”, “xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”. Bộ Thông tin Truyền thông thì “phát triển hạ tầng số”. Bộ Giáo dục thì phát triển các chương trình đào tạo chủ lực của “cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Bộ Lao động thì đào tạo lại người lao động những kỹ năng mới, “điều chỉnh các chương trình đào tạo nghề theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin”.
Bộ Tài chính thì thử nghiệm “các dịch vụ công nghệ tài chính”. Ngân hàng Nhà nước thì “ phát triển mô hình ngân hàng số”. Bộ Tư pháp thì “ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, phân tích chính sách”. Bộ Công thương thì lo “phát triển thương mại điện tử”. Bộ Nông nghiệp thì “ứng dụng và phát triển công nghệ số, chuyển đổi số” trong sản xuất nông nghiệp. Bộ Tài nguyên Môi trường thì thu thập, quản lý “nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường”. Bộ Ngoại giao thì nghiên cứu “kinh nghiệm của các nước”, “huy động trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và quốc tế”.
Bộ Xây dựng thì ứng dụng công nghệ cao để “quản lý quy hoạch xây dựng” và “ phát triển đô thị thông minh”. Bộ Công an thì phát triển “công nghiệp an ninh mạng”. Bộ Giao thông thì ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quản lý giao thông. Bộ Y tế thì “triển khai hệ thống khám, chữa bệnh thông minh”. Bộ Nội vụ thì “tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kiến thức, trình độ, năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Các tỉnh thành địa phương thì “phổ biến tinh thần và nội dung của Chiến lược” này cho địa phương.
Đó không phải là một văn bản mô tả chiến lược, mà đơn giản chỉ là một danh sách những cơ quan và những đầu việc mà mỗi cơ quan đó thực hiện. Đó lại là một cách đơn lẻ, không hợp thành một chiến lược có tính chỉnh thể và nhất quán.
Nó không xác định được “chương trình đào tạo” những ngành liên quan đến “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của Bộ Giáo dục thì liên quan gì đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư rót vốn. Phần việc của các bộ khác cũng tương tự như thế.
Nó thiết kế một dự án mà mỗi Bộ chia nhau một phần việc, tức là nhận một phần ngân sách của dự án để làm. Nó chia tác thực tại thành các không gian “kinh tế”, “xã hội”, “giáo dục” riêng biệt, cứ như thể các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục… ấy không liên quan gì đến nhau trên thực tế.
Việc Quyết định “phát triển” các ngành thuộc “cách mạng lần thứ tư” không xem xét đến khối FDI cũng là biểu hiện của lối tư duy cơ giới đó. Không nhắc đến FDI những không xác định xem công nghệ cao sẽ được chuyển giao vào Việt Nam bằng cách nào khác.
Xây dựng thế trận phát triển nội lực khoa học công nghệ và thu hút FDI tương ứng
Để FDI trở thành một động lực phát triển cho nền kinh tế trong nước, Việt Nam cần đoạn tuyệt với tư duy chỉ tiêu, chạy theo kế hoạch thuần túy đã ăn sâu vào trí não từ thời “xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Việt Nam cần chuyển sang vận hành hệ thống FDI trong nước bằng tư duy chiến lược, tức xây dựng một thế trận, được cấu thành bởi các yếu tố kinh tế – xã hội và cách thức tổ chức, vận hành của nó. Thế trận mà Việt Nam cần xây dựng phải bao gồm sự liên kết chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp, hoặc hợp nhất chúng, chẳng hạn, bằng cách phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghệ trong đại học, đồng thời, gắn kết hệ thống này với mạng lưới FDI. Điều Việt Nam cần thực hiện trước tiên là thành lập một nhóm nghiên cứu mạnh nghiên cứu một quy trình sau đây.
Xác định những ngành kinh tế và công nghệ chủ yếu mình muốn xây dựng. Ví dụ, nếu chọn lĩnh vực giao thông thì đó có thể là xe hơi tự lái, công nghệ tàu điện đô thị, nếu chọn khoa học máy tính thì đó có thể là trí tuệ nhân tạo… Đặc biệt, cần kết hợp các lĩnh vực kinh tế dân sự và quốc phòng, chẳng hạn, phát triển công nghệ drone và kiểm soát drone, vừa phục vụ dân sự vừa phục vụ quốc phòng. Tất nhiên, cần kết hợp các lĩnh vực khác nhau, ví dụ, trí tuệ nhân tạo phục vụ cho xe hơi tự lái, hoặc phục vụ cho phương tiện drone trong quân sự.
Nếu chọn công nghệ tàu điện đô thị, Nhà nước thực hiện một dự án dân sinh hoặc quốc phòng, chẳng hạn, xây dựng một tuyến đường xe điện nào đó, lý tưởng nhất là kết nối hai đô thị nào đó gần nhau. Kinh phí đầu tư cho tuyến đường này sẽ bao gồm nghiên cứu phát triển. Ví dụ, ngày nay, các kỹ thuật nền tảng của ngành công nghiệp đường sắt có kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật vô tuyến điện tử, cơ khí chính xác, reliability engineering (ngành kỹ thuật nghiên cứu tính đáng tin cậy của hệ thống khi được vận hành theo một quy ước kỹ thuật định trước), điện tử công suất (power electronics), kỹ thuật hệ thống công nghiệp (systems engineering), kỹ thuật điều khiển tự động, v.v. Việt Nam cần xác định mình có cần phải phát triển đồng loạt lực lượng lao động sáng tạo trong tất cả các kỹ thuật này cùng một lúc hay không, nếu không cần hoặc không nên làm, thì xác định một số nhóm kỹ thuật ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phương tiện cho chúng.
Ở đây lấy một ví dụ đường sắt đô thị, bởi vì Việt Nam hơn 10 năm qua xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Sài Gòn, chỉ đơn giản bằng cách ký vào tờ giấy vay nợ và chờ đợi nước cho vay (Trung Quốc, Nhật Bản) xây dựng. Hơn 2 tỷ USD đầu tư cho mỗi tuyến đường, nhưng Việt Nam không phát triển được bất kỳ công nghệ hiện đại nào liên quan đến đường sắt. Một dự án như vậy cần được nghiên cứu một cách khoa học cả ba mặt là kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Cung đường đó cần được đặt trong toàn hệ thống giao thông nội đô, hệ thống giao thông nội đô cần được đặt trong hệ thống giao thông vùng, hệ thống vùng cần được đặt trong hệ thống giao thông quốc gia. Khi chưa nghiên cứu kỹ lưỡng như vậy thì chưa thể xác định được có nên làm đường sắt đô thị hay không. Mặc dù chắc chắn rằng giao thông nội đô ở hai thành phố lớn Hà Nội và TpHCM là một vấn nạn, một nút thắt cổ chai cản trở sự phát triển, nhưng quyết định chọn điểm nào trên bản đồ để giải quyết trước thì trước tiên cần nhận thức được bản đồ đó.
Sau khi lựa chọn lĩnh vực và kỹ thuật ưu tiên, Việt Nam cần xây dựng tam giác Nhà nước – Đại học – Doanh nghiệp để thực hiện, bằng cách chọn một trường đại học và doanh nghiệp để đầu tư, trong một dự án dân sinh hoặc quốc phòng của Nhà nước đã chọn. Phải cho định chế Đại học tham gia vào quá trình này, vì đây là nơi có chức năng tiếp thu, phát triển, lưu trữ và truyền bá tri thức kỹ thuật mới một cách chuyên nghiệp. Phải chọn doanh nghiệp tham gia, vì đây là nơi có chức năng thực hiện dự án trong thực tiễn, tích lũy tài chính và tri thức để phát triển các dự án tương tự trong tương lai.
Quá trình này đồng thời cũng gắn liền với cải cách triệt để quản trị Đại học, Doanh nghiệp và cải cách hoạt động hành chính của Nhà nước. Các trường đại học Việt Nam hiện nay, với cấu trúc và cách vận hành tương tự một cơ quan hành chính thời Liên Xô cũ, kết hợp với mục tiêu theo đuổi lợi nhuận giáo dục của kinh tế thị trường, không thể tham gia thành công vào một đại dự án có sứ mệnh phát triển tri thức như vậy. Nó cần được tự chủ tuyệt đối trong tài chính, nhân sự và chính sách, trên cơ sở vận hành bằng cơ chế minh bạch và tuân thủ trách nhiệm giải trình. Chỉ khi cải cách phương thức tổ chức, gắn kết quá trình đào tạo với các dự án thực tiễn, nó mới có thể cải cách thực sự triết lý giáo dục và quá trình đào tạo của mình.
Sau khi xây dựng được một thế trận Đại học – Doanh nghiệp – Nhà nước như vậy, Việt Nam tìm kiếm đầu FDI phù hợp với thế trận mình đã sắp đặt sẵn. Dự án lớn cần được chia nhỏ thành từng phần, mỗi phần có thể được thực hiện theo nhiều cách: Việt Nam tự làm, hoặc mua lại hoặc kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn các nước tiên tiến. Tất nhiên, cần thực hiện nhiều dự án cùng lúc, trên cơ sở tính toán để tổ chức sao cho chúng liên kết với nhau thành hệ thống. Chẳng hạn, nếu vừa thực hiện dự án phát triển xe hơi tự lái và dự án đường sắt đô thị, thì máy CNC (kỹ thuật dùng máy computer điều kiện các máy cơ khí, thực hiện các thao tác cơ khí phức tạp và tinh vi một cách chính xác) hay trí tuệ nhân tạo có thể là những công nghệ chung. Những công nghệ chung này lại được phát triển trên cơ sở những kỹ thuật nền tảng khác. Nhóm nghiên cứu cần vẽ được bản đồ danh mục các công nghệ này, xác định cái nào cần tự mình làm chủ, cái nào có thể mua. Các dự án đầu tư FDI cần được mời gọi khi Việt Nam đã có bản đồ lĩnh vực kinh tế và công nghệ mình muốn, tương tự chủ đầu tư một ngôi nhà chỉ tiếp người bán vật liệu xây dựng sau khi đã thiết kế chi tiết trên giấy ngôi nhà mình muốn.
Cuối cùng, không kém phần quan trọng, là xây dựng chiến lược quốc gia về Sáng tạo và Khởi nghiệp trong định chế Đại học, cụ thể hóa chiến lược bằng các dự án nhỏ, và, tích hợp các dự án nhỏ này với đại dự án dân sinh hoặc quốc phòng của Nhà nước được nói đến ở trên.
Tóm lại, việc xây dựng các tiêu chí định lượng để đánh giá đầu tư FDI như trong Nghị quyết của Bộ Chính trị Việt Nam là cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần phải cụ thể hóa bằng một kế hoạch được nghiên cứu kỹ lưỡng, vẽ một bản đồ chi tiết hệ thống các vấn đề cần thực thi thì việc kêu gọi vốn FDI mới thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của Việt Nam.
https://usvietnam.uoregon.edu
Không có nhận xét nào