Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hoài Vân - Suy nghĩ về một nền tảng tư tưởng

    Hợp tác là tiền đề của phát triển. Không thể phát triển nếu trong xã hội không có hợp tác, thành phần này chống phá thành phần khác, địa phương này đối đầu với địa phương kia

    SỐNG LÀ ĐỔI MỚI :

    Biến đổi là một sự kiện luôn gắn liền với sự sống. Sống là biến đổi. Không phải bây giờ,“trước những biến đổi lớn lao...trên toàn cõi địa cầu”, và “việc hình thành một trật tự thế giới mới”, như nhiều người thường nói, ta mới phải chú ý đến những biến đổi trong cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của xã hội. Mỗi người chúng ta đều luôn phải thay đổi, công việc quản trị đất nước cũng luôn phải thay đổi để có thể thích nghi với những đổi thay của môi trường sống, gồm môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, và môi trường tâm trí. Ngừng thay đổi, “trụ” lại ở một hệ thống giáo điều, là tách rời thực tại, là không thích nghi được với môi trường luôn biến đổi, là bị cuộc sống bỏ rơi, là khởi sự...chết !  

    SỰ ĐẤU TRANH GIỮA CÁC TƯ TƯỞNG :

    Thay đổi như thế nào ? Vấn đề của loài người không phải chỉ là cố gắng thích nghi với môi trường hiện tại, mà còn phải thích nghi với môi trường tương lai. Vì không ai biết được tương lai, nên hễ nói đến tương lai, thì phải dự phóng, tức phải đề ra những giả thuyết trừu tượng. Mà hễ trừu tượng thì lại dễ đi vào những lý thuyết xa rời thực tại. Khi có nhiều lý thuyết được đặt ra, thì liền có sự đấu tranh giữa các lý thuyết ấy. Sự đấu tranh này có thể ôn hòa, nhưng cũng có thể dùng đến bạo lực. Khi đó, việc sử dụng bạo lực để hy vọng giải quyết một cái gì chưa xảy đến, để mong cải thiện một tương lai chưa ai biết hình dáng ra sao, sẽ có hệ quả tức thời và chắc chắn là tàn phá cái hiện tại mà ta đang sống.

    GIẾT NHAU TRONG THẾ GIỚI CỦA TƯ TƯỞNG

    Vì vậy, sự đấu tranh giữa các lý thuyết, các luồng tư tưởng, cần được đặt ra ngoài cái thế giới hiện thực mà ta đang sống. Trong quá trình tiến hóa, loài người đã chế tạo ra được một thế giới riêng biệt, có sự sống riêng của nó, đó là thế giới của tư tưởng. Cần tạo điều kiện cho các tư tưởng “giết” nhau trong thế giới của tư tưởng, để những con người mang các tư tưởng này có thể sống chung hòa bình với nhau trong thế giới thực tại. Hãy “giết” tư tưởng của nhau, nếu cần, chứ đừng giết nhau ! Có lẽ một số lớn điều kiện để con người có thể giết những tư tưởng của nhau thay vì giết nhau hiện nằm trong những nền tảng của lề lối sinh hoạt dân chủ. Dường như dân chủ hiện là một giải pháp để giảm bớt sự giết chóc giữa con người vì sự đấu tranh giữa các lý thuyết, các luồng tư tưởng.

    TRUNG DUNG

    Thêm vào đó, có thể nói, trên mặt tư tưởng, quan niệm lý tưởng để điều hành cuộc sống chính là sự DUNG HÒA NHỮNG ĐỐI NGHỊCH. Đời sống được tạo thành bởi những đối nghịch. Dung hòa những đối nghịch là hòa với cuộc sống. Tinh thần và vật chất, cục bộ và tổng thể, lý tưởng và thực tế, lập trường và trách nhiệm, thiên nhiên và con người, lợi nhuận kinh tế và “an sinh xã hội”, tích lũy tư bản và sức sản suất, cung và cầu, đầu tư và tiêu thụ, thị trường tự do và điều hướng kinh tế, khích động thị trường và kềm hãm lạm phát, tư doanh và quốc doanh, máy móc và con người, thành thị với thôn quê, con người sản suất với con người tiêu thụ, đàn ông và đàn bà, lớp già với lớp trẻ, tiến bộ với bảo thủ, “tả” với “hữu”, bạo lực và ôn hòa, giáo hóa và trừng trị, “ta” với “người”, tri với hành, đạo với đời, động với tịnh, nhân với quả, chỉ với quán v.v...đều là những đối nghịch, cần được dung hòa khéo léo để đi tìm một thế TRUNG DUNG, hay QUÂN BÌNH ĐỘNG cho cuộc sống của riêng mình hay của xã hội.

    Cần hiểu QUÂN BÌNH ĐỘNG, hay TRUNG DUNG, không phải là “đứng giữa” hai đối nghịch, vì như thế là lại rơi vào một trạng thái cố định, một loại “giáo điều đứng giữa”, tức cũng đưa đến chỗ chết, như đã nói ở trên. QUÂN BÌNH ĐỘNG là khi thiên bên này một chút, khi thiên bên kia một chút, tùy môi trường sống, để thích nghi với thực tại. Vì vậy, QUÂN BÌNH ĐỘNG không phải là một cái gì có được một lần rồi giữ mãi, mà là một tư thế luôn phải điều chỉnh, sửa đổi, làm đi làm lại, tùy theo những đổi thay của thực tại, và tùy theo những dự phóng về tương lai.

    BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG

    Để nắm được điều ấy, tức để dung hòa những đối nghịch một cách tự nhiên, cần có một cái nhìn đi sâu vào bản chất của sự vật. Bản chất của mọi sự vật đều chỉ là một, không phân biệt, không đối nghịch. Đó là ý thức ĐỒNG NHẤT TÍNH của mọi sự vật, xóa nhòa những đối nghịch. Ý thức này cũng đưa đến trạng thái “làm một với sự vật”, và đến tâm trạng : người cũng là ta, ta là tất cả, là Thánh, là Phật, nhưng cũng có thể là tên sát nhân ghê tởm đáng bị mọi người phỉ nhổ. Thánh, Phật, hay tên sát nhân kia đều cùng bản chất như ta, đều đã từng mang tã, bú mẹ, như ta, đều có “Phật Tánh”, đều đến từ Thiên Chúa, đều là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” như lời Thánh Phao Lồ khẳng định...

    Nói nghe có vẻ dao to búa lớn vậy, chứ trong thực tế hàng ngày, điều đó chỉ quy kết một cách giản dị vào sự thông cảm lẫn nhau, sự cố gắng tự đặt mình vào chỗ của người khác để hiểu nhau hơn, dù cho đối tượng có là kẻ ghê tởm nhất, sâu xa nhất.

    Tuy nhiên, bên cạnh ý thức đồng nhất tính, cũng phải ý thức tính phức biến của sự vật ở đời, tức đi từ Đồng Nhất đến Khác Biệt. Đồng nhất ở bản chất, nhưng khác biệt trong hiện tượng, do những quan hệ Nhân Duyên chằng chịt sanh ra. Tuy trong tuyệt đối ta là tất cả, nhưng trong hiên tượng tương đối, ta vẫn là ta, người vẫn là người (thí dụ : tiền tôi tôi tiêu, tiền anh anh sài, chớ có lộn xộn !). Vì sao có sự khác biệt ấy ? Vì những Nhân Duyên phức tạp phủ lên cái bản chất đồng nhất đã nói ở trên (điều này không nhất thiết phủ nhận quan điểm “tự do”, libre arbitre, cua Ky Tô Giáo, như tôi sẽ có dịp trình bày vào dịp khác).

    ÁP DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI :

    Ý thức được rằng sự khác biệt là do một tập hợp nhân duyên chứ không phải do bản chất, khiến cho người ta dễ dàng chấp nhận sự khác biệt hơn, và, khi thấy cần cải thiện một sự việc nào đó, người ta sẽ có khuynh hướng tìm cách ảnh hưởng vào những nhân duyên của nó thay vì chỉ biết gạt bỏ nó một cách duy ý chí. Nói cách khác, cần dung hòa “Nhân” và “Quả”. Không nên chỉ chú ý đến một trạng thái nhất thời của sự vật, tách rời sự vật ấy ra khỏi chuỗi nhân duyên cấu thành nó (khía cạnh “Quả"), mà cũng cần tìm đến sự vật như một hợp thể linh động biến hóa trong thời gian và không gian, ràng buộc với các sự vật khác (khía cạnh Nhân). Ý thức sự ràng buộc này đưa đến quan niệm XÃ HỘI NHƯ SỰ TỔNG HỢP CỦA NHỮNG TƯƠNG QUAN XÃ HỘI. Vì xã hội sống động nên xã hội cũng như cuộc sống nói chung, đều được làm thành bởi những đối nghịch, và lúc nào cũng bao gồm mâu thuẫn. Mặt khác, tương quan xã hội gồm hai loại : thống nhất và đấu tranh. Vậy, mâu thuẫn (lúc nào cũng có trong đời sống) có thể đi đôi với thống nhất làm thành MÂU THUẪN HỢP TÁC, hay đi đôi với đấu tranh, làm thành MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG. Với một cách nhìn thực tế, phi giáo điều, biết dung hòa những đối nghịch, biết chú trọng đến “nhân” thay vì chỉ chú trọng đến “quả”, người ta có thể hy vọng biến những mâu thuẫn đối kháng thành mâu thuẫn hợp tác .

    Nói cách giản dị, khi ta biết tự đặt mình vào chỗ của người, thì những thù ghét, đối

    kháng, hằn học, sẽ tự nó tiêu tan, và ý muốn hợp tác để giải quyết các mâu thuẫn đang đặt ra giữa ta và người sẽ tự nó hình thành. Đó là tư duy mà tôi nghĩ cần hướng đến trong việc điều hành cuộc sống của xã hội.

    TƯ DUY GIÁO ĐIỀU LÀ DIỆT NGƯỜI KHÁC ĐỂ RỒI...TỰ DIỆT !

    Ngược lại, một cách nhìn thiên lệch, giáo điều, không thể chấp nhận “ta” cũng là “người”, không chấp nhận thông cảm với những gì mình thù ghét, chủ trương DIỆT hơn là HÒA, rất có nhiều tai hại, vì bản chất giáo điều của nó. Thật vậy, cách suy nghĩ này chỉ biết nắm chặt lấy một phần của thực tại, mà cho rằng đó là toàn thể thực tại, bỏ hẳn phần còn lại. Thực tại luôn bao gồm những đối nghịch. Chỉ nắm một phần của thực tại là xa rời thực tại, là “cục bộ chủ nghĩa”, là đi đến chỗ chết. Mọi hệ thống giáo điều đều đã lần lượt sanh ra và chết đi...

    Mặt khác, chủ trương diệt những gì mình cho là sai trái cũng là một thái độ tai hại, vì chắc gì mình đã hoàn toàn đúng, chắc gì xã hội sẽ không bao giờ cần đến những tư tưởng đối nghịch với mình để quân bình lại với những cái sai trái của mình ?

    TƯ TƯỞNG GIÁO ĐIỀU TRONG VIỆC PHÂN BIỆT “CŨ"-"MỚI” :

     Ở nước ta, có lúc người ta đã không biết dung hòa CŨ và MỚI, đã chạy “theo mới” một cách giáo điều. Kết quả là mỗi nhóm người chạy theo một cái “mới” khác nhau, rồi quay trở về chém giết lẫn nhau quyết liệt. Nền tảng tư tưởng cổ truyền đã bị bỏ rơi nên người trí thức Việt Nam không còn có điều gì chung với nhau nữa, mà chỉ còn là người của chủ thuyết này, chủ thuyết nọ, lôi kéo đồng bào đấu tranh hăng say cho những “quê hương” mới của mình.

    Thêm vào đó, khi xóa bỏ nền tảng tư tưởng cổ truyền người ta cũng đã xóa bỏ sự nối tiếp tự nhiên của giòng sinh mệnh dân tộc, khiến những cái mới mà họ đem về VN không hòa nhịp nổi với tình tự dân tộc, với tấm lòng người dân bình thường, gây nên những thất bại, đổ vỡ, và trì trệ mà chúng ta đều thấy. Những nhận xét này đưa chúng ta sang lãnh vực “hệ thống giá trị”, và sự dung hòa nhu cầu “đổi mới” với sự cần thiết duy trì các giá trị truyền thống của dân tộc.

    VẤN ĐỀ GIÁ TRỊ ĐẠO LÝ NỀN TẢNG CỦA VN :

    Có nhiều tầng lớp giá trị. Có những tầng lớp giá trị luôn biến hóa để cố gắng đáp ứng với những thay đổi của thực tại. Có những tầng lớp giá trị khác lại trường tồn bất biến, thí dụ như những giá trị đạo đức căn bản có mặt trong mọi thời đại, và trong mọi xã hội loài người. Những giá trị ấy tương ứng với phần thâm sâu nhất, cơ bản nhất của mọi con người. Đó là những giá trị Nhân Bản, và chính là những yếu tố quan trọng đã làm cho xã hội loài người còn hiện hữu cho đến ngày nay. Phủ nhận những giá trị Nhân Bản là đi đến diệt vong.

     Một dân tộc cũng có những giá trị tương đối cố định, được ghi nhận qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đó là những giá trị truyền thống của dân tộc này. Người ta có thể nghĩ là nếu một hệ thống giá trị truyền thống đã giúp cho một dân tộc trường tồn trong quá khứ, thì hệ thống giá trị ấy cũng sẽ tiếp tục giúp cho dân tộc này hiện hữu trong tương lai. Vì thế, cần bảo tồn những giá trị truyền thống cơ bản của dân tộc.

    HÌNH THÀNH HỆ THỐNG GIÁ TRỊ

    Tuy nhiên, một dân tộc cũng có những giá trị có thể thay đổi tùy theo những biến hóa của môi trường trong đó dân tộc ấy hiện hữu và phát triển. Nói thế có nghĩa là trong hệ thống giá trị của một dân tộc, những giá trị mới có thể được hội nhập, một số giá trị cũ có thể bị đặt nhẹ bớt đi, và một số giá trị khác có thể được quan trọng hóa thêm lên.

    Vấn đề là làm sao thích nghi được với các điều kiện thực tế. Thích nghi được với các điều kiện thực tế thì xã hội tồn tại. Thích nghi không được thì xã hội suy thoái, và có thể sẽ phải tiêu tan dưới lớp bụi mờ của thời gian để một đôi khi chỉ còn lưu lại vài dấu tích ngẩn ngơ với “hồn thu thảo, bóng tịch dương”...Vì thế, muốn trường tồn, một dân tộc cần duy trì khả năng hội nhập những tư tưởng, những lý thuyết mới, cũng như khả năng sắp đặt lại hệ thống giá trị của mình, và đồng thời vẫn phải cố duy trì những giá trị truyền thống, cùng với những giá trị Nhân Bản của loài người.

    SỰ TỒN VONG CỦA MỘT DÂN TỘC

    Đặt vấn đề một cách khác, ta có thể nói : mọi dân tộc đều có ba mục tiêu chính yếu :

    - mục tiêu thứ nhất là trường tồn,
    - mục tiêu thứ hai là phát triển,
    - mục tiêu thứ ba là bảo vệ tính cá thể của mình, để khi tồn tại và phát triển, mình vẫn là mình chứ không biến thành cái khác.

    Bảo vệ tính cá thể là một mục tiêu đòi hỏi một thái độ “đóng”, một thái độ loại bỏ những gì đến từ bên ngoài, để những điều đó đừng làm mình biến chất, biến thành cái khác.

    Ngược lại, trường tồn và phát triển là hai mục tiêu đòi hỏi phải “mở”. Thật vậy, muốn trường tồn và phát triển thì mình bắt buộc phải mở ra với bên ngoài, để tiếp thu những cái mà mình cần, mình thiếu, và đón nhận những tín hiệu đến từ môi trường chung quanh, để có thể hy vọng thích nghi được với môi trường ấy. Điều này cũng giống như một đứa trẻ, muốn sống (tức là trường tồn), và muốn lớn khôn (tức là phát triển), thì phải mở mũi để thở, mở miệng để ăn, mở trí khôn để học hỏi.

     Như thế, sự tồn vong của một dân tộc tùy thuộc vào khả năng dung hòa những thái độ “mở”, và những thái độ “đóng”. Nếu chỉ biết “đóng”, hay chỉ biết “mở”, thì dân tộc ấy sẽ đi đến diệt vong, hay biến thành cái khác.

    Nếu dân tộc VN còn hiện hữu ở cuối thế kỷ 21, hay ở cuối thế kỷ 22, hay sau đó nữa, thì điều đó có nghĩa là dân tộc VN đã biết bảo tồn những giá trị căn bản của loài người, trong đó có quan niệm Nhân Quyền, đã biết bảo vệ một số giá trị truyền thống của mình, và đã biết CHỌN LỰA GIỮA NHỮNG GIẢ THUYẾT TIẾN HÓA để luôn luôn thích nghi được với cuộc sống trong suốt thời gian này.

    CHỌN LỰA GIẢ THUYẾT TIẾN HÓA :

    Chọn lựa như thế nào ? Vấn đề thật ra là tổ chức sự chọn lựa ấy làm sao cho hữu hiệu, và tránh được những tranh chấp gây đổ vỡ, tàn phá, tai hại cho xã hội. Dân chủ hiện là cách tổ chức tốt nhất, hay đỡ xấu nhất, để chọn lựa giữa những giả thuyết tiến hóa của xã hội. Vì thế, cho đến một tương lai nào đó, Việt cần đi theo con đường dân chủ.

    Thật ra, Dân Chủ cũng như truyền thống dân tộc, đều là những cách triển khai đặc biệt, trong những điều kiện dặc biệt, của nền tảng Nhân Bản của loài người. Vậy, khi bàn đến giá trị xã hội, mọi cách nhìn đều phải quay về con người, về bản chất con người, về các giá trị Nhân Bản. Đó là ngọn hải đăng chung cho tất cả chúng ta, là cái nhất quán trong sự suy nghĩ của chúng ta đó vậy.

    LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN XÃ HỘI THEO CHIỀU HƯỚNG VỪA NÓI ?

    Không thể chủ quan cho rằng : cứ “bảo” xã hội cải thiện là nó sẽ cải thiện. Để cho một tư duy được phổ cập, cần tạo ý thức. Đó là một việc làm lâu dài, là nhiệm vụ của GIÁO DỤC. Tôi nghĩ vai trò của tôn giáo trong lãnh vực này rất quan trọng. Tuy nhiên, muốn giáo dục đem lại được hiệu quả, con người cần phải no bụng. Bụng đói thường ít biết nghe lẽ phải. Vì thế, nhà Nho cho hai điều quan trọng của chính trị là NUÔI DÂN cho no đủ, và GIÁO DỤC dân.

    Giáo dục ở đây không chỉ là sửa đổi theo những tiêu chuẩn, khuôn mẫu, ở bên ngoài kẻ được giáo dục, mà cũng là tạo điều kiện để cái tốt tiềm tàng nơi mọi người có thể hiển lộ ra. Trong tinh thần ấy, có lẽ đừng nên nghĩ là mình nhất định phải đem cái “tốt” mà mình nắm giữ nhét vào đầu người dân “xấu xa ngu muội”. Người dân dù ở giai tầng xã hội nào cũng đã có sẵn cái tốt nơi họ. Có thể là họ phát biểu cái tốt ấy một cách khác với những nhà trí thức muốn “giáo dục” họ mà thôi. Nếu vẫn cứ nhất định quả quyết rằng họ xấu, thì nên tìm những nhân duyên của cái xấu ấy mà kiếm cách ảnh hưởng vào chúng, nhưng vẫn cần tạm thời chấp nhận cái “tư duy” hiện tại của người dân, và tự thích nghi với cách suy nghĩ đó trong việc quản lý xã hội.

     Ngoài ra, đối với thành phần tự cho mình là ưu tú trong xã hội, không ai “giáo dục” nổi nữa, thì chỉ còn cách tự TU THÂN. Ta nhận thấy tiền nhân ta đã đặt vấn đề tu thân vào chỗ then chốt trong tiến trình đào tạo nên người có trách nhiệm quản trị xã hội. Thật vậy, cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm đều quy kết vào tu thân, rồi từ tu thân mới bung ra ứng dụng trong viêc gia đình (tề gia), quốc gia (trị quốc), và thiên hạ (bình thiên hạ).

    NHỮNG BIỆN PHÁP TỨC THỜI : VAI TRÒ CỦA CƠ CẤU

    Nhiều người sẽ không khỏi nhận xét rằng : nếu phải chờ cho giáo dục với tu thân tạo nên được một ý thức nào đó trong xã hội, để rồi từ từ cải thiện xã hội ấy, thì sợ rằng hàng chục hay hàng trăm năm nữa cũng chưa chắc đã có gì thay đổi. Vì vậy, cần có những biện pháp tức thời. Ở trên, chúng ta đã nghi ngờ rằng lý tưởng của công việc quản trị xã hội là tăng cường hợp tác, tránh bớt đối kháng, trong những tương quan mâu thuẫn chằng chịt cấu thành xã hội ấy. Tôi nghĩ trong những biện pháp tức thời, vai trò của cơ cấu rất quan trọng. Cơ cấu kiểu này sẽ gồm hai loại chính :

    -cơ cấu trọng tài
    -và cơ cấu “gặp gỡ”.

     Cơ cấu trọng tài có nhiệm vụ dung hòa những mâu thuẫn đã phát lộ dưới dạng đối kháng công khai, để đưa chúng trở về hình thức “mâu thuẫn hợp tác”. Sức mạnh của cơ cấu trọng tài được lấy ra từ :

    -Sự hậu thuẫn của chính quyền, với những biện pháp khích lệ và chế tài
    -Sự hậu thuẫn của các giá trị nền tảng đã nói ở trên, qua các cấu trúc bảo đảm những giá trị ấy, như các tôn giáo
    -Sự hậu thuẫn của người dân qua ý thức quyền lợi chung của nước nhà.

    Cơ cấu “gặp gỡ” có nhiệm vụ duy trì các mâu thuẫn dưới dạng “hợp tác”, ngăn ngừa sự biến dạng của chúng thành “mâu thuẫn đối kháng”. Cơ cấu loại này là nơi gặp gỡ giữa những thành phần có mâu thuẫn với nhau, một cách định kỳ và cởi mở, để các thành phần ấy tập làm quen với nhau, với những ưu tư của nhau, với những lý lẽ của nhau. Đó chính là bước đầu để có thể đi đến cảm thông, tự đặt mình vào chỗ của người, và chính là nền tảng của tinh thần hợp tác vậy.

    TÓM LẠI

    Chúng ta đã phác họa những thái độ mà chúng ta nghĩ là có khả năng giúp cho xã hội hai điều chủ yếu :

    - Một là dễ thích nghi hơn với thực tại, vì biết quân bình những đối nghịch, biết giữ “trung dung”, biết hòa với thực tại, với cuộc sống
    - Hai là dễ tạo sự hợp tác giữa những thành phần trong xã hội, vì trọng sự cảm thông, tìm quân bình giữa các quyền lợi mâu thuẫn, đặt nặng hòa hơn là diệt...

    Cần nhấn mạnh : hợp tác là tiền đề của phát triển. Không thể phát triển nếu trong xã hội không có hợp tác, thành phần này chống phá thành phần khác, địa phương này đối đầu với địa phương kia. 

    x
    x x

    Mọi tương lai đều khả hữu, kể cả tương lai xấu nhất. Tất cả tùy thuộc vào những “tập hợp nhân duyên” trên đó chúng ta có nhiều trách nhiệm. Tương lai của nước nhà sẽ phần nào được định đoạt bởi thái độ và quyết tâm hành động của mỗi người trong chúng ta, của mỗi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

    NGUYỄN HOÀI VÂN

    10 năm 1995

    http://www.nguyenhoaivan.net/default.asp?do=news_detail&id=35&kind=3

    Không có nhận xét nào