Lúc đó tôi đang học chứng chỉ năm đầu (SPCN/Lý Hóa Vạn vật) của Đại học Khoa Học Sài Gòn.
Tôi đã được báo trước rằng, các chứng chỉ dự bị của Đại học Khoa Học rất khó. Số lượng sinh viên ghi danh là nhiều ngàn, nhưng số đậu được qua hai đợt thi chỉ có vài trăm, không khác gì một cuộc thi tuyển. Với tôi, cô gái mười tám tuổi, mọi chuyện ở môi trường đại học còn quá mới mẻ, mông mênh để khám phá và học hỏi.
Vào một buổi chiều, sau khi rời phòng thực tập và khá mệt do bài hôm đó phải làm nhiều lần mới viết được tường trình, tôi đi một vòng sân trường để thư giãn. Ở hành lang dãy nhà nằm trên đường đi và ở chỗ dễ thấy nhứt, có một bảng tin do sinh viên thực hiện, thường đăng những thông tin cuộc chiến lấy từ báo chí phương tây. Rất nhiều hình màu cỡ lớn mới được dán lên đó.
Tôi đi tới, mới nhìn lướt qua đã thấy choáng với những gì trông thấy. Quá nhiều xác chết. Toàn đàn bà và trẻ con. Nằm la liệt trên các đường làng. Khi bình tĩnh xem kỹ, tôi được biết đó là hình ảnh cuộc thảm sát ở thôn Mỹ Lai- xã Sơn Mỹ- Quảng Ngãi, do lính Mỹ gây ra.
Quảng Ngãi là tỉnh giáp quê tôi, và rất nhiều hàng xóm của gia đình tôi là dân Quảng Ngãi đã chạy trốn và thoát được chiến tranh, tới được thành phố Đà Nẵng. Còn trong ảnh là những người không muốn hoặc không thể chạy trốn chiến tranh, và đã bị chiến tranh CHỘP được. Họ đã bị giết hàng trăm người, khi lính Mỹ hành quân qua làng, “tìm diệt” Việt cộng.
Thông tin chỉ được biết tới muộn màng cả năm sau, khi nhà báo Seymour Hersh công bố những hình ảnh do nhiếp ảnh gia Ronald L. Haeberle chụp vào ngày 16 tháng 3 năm 1968. Ronald L. Haeberle là phóng viên quân đội có nhiệm vụ cung cấp hình ảnh cho việc "đếm xác" (body count) trong thống kê quân sự của Mỹ. Với bài viết chấn động về Mỹ Lai, Seymour Hersh đã nhận giải thưởng Pulitzer về tường thuật quốc tế năm 1970.
Các tạp chí lớn như Time, Life và Newsweek... đồng loạt giật tít lên trang bìa vụ thảm sát Mỹ Lai, đài truyền hình CBS phát sóng về vụ thảm sát.
Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa phải mở các cuộc điều tra về sự kiện Mỹ Lai. Bản báo cáo cuối cùng, công bố tháng 3 năm 1970, đã chỉ trích mạnh mẽ việc các sĩ quan cấp cao che giấu vụ việc.
Một sĩ quan Mỹ tham gia cuộc thảm sát bị tuyên án chung thân để xoa dịu dư luận (dù sau đó, bản án đã được giảm chỉ còn tính tượng trưng). Tuy nhiên, những gì mà cuộc chiến truyền thông khơi mào đã chuyển thành cơn bão lớn, nở bung thành phong trào phản chiến rộng khắp thế giới, cho tới tận sau ngày Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, để lính Mỹ rút khỏi Việt Nam, kết thúc cuộc chiến về phía họ.
Những hình ảnh về thảm sát Mỹ Lai khiến khẩu hiệu “Việt Nam Cộng Hòa- tiền đồn chống cộng”, nhằm ngăn không cho cộng sản Trung Hoa tràn xuống Đông Nam Á trở nên yếu thế hẳn. Nó đã bị các hình ảnh từ thực tế cuộc sống đánh bại. Những hình ảnh khủng khiếp về cuộc thảm sát đã gây chấn động và làm tổn thương trái tim con người, dù sống ở bất cứ đâu.
Tôi không biết các bạn mình ở Đại học Khoa Học đã có cảm xúc gì khi nhìn thấy các hình ảnh ấy, còn với tôi, nó đã bám lại trong tôi, dai dẳng như một vết thương không thể lành, một nỗi đau đớn khôn nguôi. Nó tác động lên tâm trí tôi, chiếm cứ tuổi trẻ tôi suốt thời gian sau đó, suốt những tháng năm đại học.
Cuộc chiến này không thể tiếp tục, càng kéo dài, dân tộc Việt càng sớm bị diệt vong. Đó là suy nghĩ của tôi, một nữ sinh viên mới vào đại học. Thường dân luôn ở giữa hai lằn đạn, là nạn nhân của cả hai phe, súng đạn của bên nào cũng có thể/có quyền giết chết họ… Có hai câu, được lưu truyền trong thời gian dài ở miền nam, được cho là sấm-Trạng-Trình: “Mười phần chết bảy còn ba/Chết hai còn một mới ra thái bình”. Quá đáng sợ !
Tôi còn nhớ, trong một giờ học với giáo sư Lê Văn Thới (người đầu tiên ở Việt Nam đã khởi sự việc dịch các danh từ chuyên môn hóa học sang tiếng Việt), bỗng những chấn động và tiếng bom rất gần vọng về từ vùng ven khiến viên phấn đang ở trên bàn lăn mạnh xuống sàn. Giáo sư đã đứng lặng lúc lâu trước khi cất lời: “Đó chính là điều mà các anh chị phải biết”.
Các thầy cô của chúng tôi, những tiến sĩ du học từ phương Tây, một thế hệ trí thức đa phần thiên tả, đã truyền lại cho học trò mình những suy nghĩ của họ. Và những sinh viên mười tám đôi mươi, đầy trong sáng và lý tưởng, đã coi lời thầy mình là kim chỉ nam, khi phải chọn đường… Trí thức/truyền thông thiên tả đã ảnh hưởng rất lớn lên phong trào sinh viên- học sinh miền Nam.
Cô sinh viên trẻ là tôi, lần đầu “tiếp xúc” với truyền thông thiên tả phương tây, chính là qua bản tin về Mỹ Lai đó. Tôi thấy mình như trưởng thành hơn so với trước, chỉ biết nhìn chiến tranh một cách lơ đãng qua màn ảnh ti vi hay trong rạp xi nê, ở phần thời sự trước khi vào phim chính. Tôi đã trở lại chỗ bản tin nhiều lần sau đó, để đọc những thông tin thời sự khác về chiến tranh Việt Nam, đều lấy từ báo chí phương Tây, nhiều khi cứ đứng một mình bên cạnh bản tin trong sân trường vắng, bần thần mãi cố tìm lời giải thích…
Khi đó, như rất nhiều người, tôi chưa để ý lắm tới kẻ mà “tiền đồn Việt Nam Cộng Hòa” có nhiệm vụ ngăn chặn. Thời đó, Trung Hoa cộng sản vẫn nằm trong danh sách các nước chậm tiến/kém-phát-triển, và chỉ nghĩ tới chuyện cạnh tranh với Liên Xô cùng phe. Thời đó, nếu có ai nói rằng sẽ tới một ngày, Trung cộng có thể soán ngôi Số-Một-thế-giới của Mỹ, kẻ đó sẽ bị coi là thần kinh hoang tưởng hết thuốc chữa…
…………………………………………………..
Bây giờ là những ngày đầu của năm 2021, sau năm 2020 mà cả loài người đã phải sấp mặt vì con virus Corona từ Vũ Hán. Đã nửa thế kỷ kể từ khi tôi “bắt gặp” bảng tin về Mỹ Lai trong sân trường Khoa Học. Mọi thứ đã thay đổi gần như không tưởng. Trung cộng đã thực sự trở thành một thế lực, tận dụng tối đa tư cách thành viên các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, sử dụng chúng như những bệ phóng cực kỳ hiệu quả cho tham vọng chinh phục thế giới của mình, và đã thành công.
Chỉ sau vài thập niên thực hiện “toàn-cầu-hóa” theo cách riêng: bỏ tiền ra đầu tư/thao túng ở các nước nghèo và tham nhũng, lãnh đạo Trung cộng đã tự tin vạch ra cột mốc Made in China 2025, thời điểm bá chủ thế giới cho đất nước theo mô hình Chủ-nghĩa-xã-hội-đặc-sắc-Trung-Quốc.
Khi con-rồng-lớn-châu-Á giương móng vuốt, trừng mắt phun lửa vào mặt các “ông lớn” Âu Mỹ, họ mới thức giấc một cách muộn màng.
Báo chí/truyền thông cũng đã thay đổi chóng mặt. Ngày xưa, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí cánh tả dường như là chống lại việc bưng bít thông tin. Còn ngày nay, những tiến bộ về công nghệ đã khiến người dùng ngày càng lệ thuộc vào các “ông lớn” Big Tech, Big Media...
Ngày xưa, chỉ có báo in và ti vi làm công việc “hướng dẫn dư luận”, thì ngày nay mạng xã hội đã thống trị con người 24/7. Những gì mạng xã hội cho phép/không cho phép truy cập hoàn toàn có thể “định hướng dư luận” và tạo nên một đám đông suy nghĩ/hành động theo ý các ông lớn… Quyền lực của các ông lớn truyền thông trùm phủ lên toàn thể địa cầu, và chưa biết họ sẽ dẫn dắt thế giới tới đâu.
Truyền thông cánh tả thế kỷ 21 sẽ tiếp tục “định hướng dư luận” và lôi kéo loài người đi đâu, về đâu, và theo cách nào?
Có phải câu hỏi chỉ có thể được trả lời khi mọi sự-thật-phũ-phàng đã trở nên quá hiển nhiên …?
FB. NGÔTHỊ KIM CÚC 12.01.2021
Không có nhận xét nào