Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Joe Biden sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ngày 20/01/2021 tại Washington D.C
Vài ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống tân cử thứ 46 của Hoa Kỳ, ông Joe Biden đã gần như hoàn tất bộ khung nhân sự được đề xuất và thiết lập của mình.
Ba nhà quan sát thời sự và chính trị từ Hoa Kỳ từ Mỹ và Canada biình luận với BBC News Tiếng Việt về đâu là điểm nhấn và những tín hiệu gì liên quan chính sách đối nội, đối ngoại từ dàn nhân sự được đề xuất này.
"Có ba nhân vật đáng chú ý theo tôi, thứ nhất là vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Lloyd Austin, đó là vị tướng người da màu đầu tiên được đề cử làm chức Bộ trưởng Quốc phòng," nhà báo Phạm Trần, có hơn 50 năm sinh sống và hoạt động báo chí tại Hoa Kỳ, nói với BBC hôm 14/01/2021 từ Washington D.C.
"Ông ấy là một người có kinh nghiệm và được binh sỹ rất kinh trọng. Giới quan sát ở Hoa Kỳ và đặc biệt phía quân đội đã hoan nghênh sự bổ nhiệm này của ông Joe Biden.
"Vị trí thứ hai là vị Bộ trưởng Ngoại giao, Antony Blinken, là một người có kinh nghiệm rất lâu trong nền ngoại giao của Hoa Kỳ.
"Thứ ba là vị trí Bộ trưởng Bộ an ninh Quốc gia, Alejandro Mayorkas, bộ này rất quan trọng với tình hình nước Mỹ trong giai đoạn này và ông đã có kinh nghiệm dưới thời ông Tổng thống Barack Obama.
"Ngoài ra, còn một vị trí quan trọng khác nữa là Bộ trưởng Tài chính của nước Mỹ, Janet Yellen, đó là một phụ nữ và bà là chuyên gia về thị trường chứng khoán và đã giữ nhiều chức vụ quan trọng ở trong chính quyền Hoa Kỳ cũng như trên thị trường chứng khoán."
'Thúc giục nhưng không dễ dàng'
Theo nhà báo Phạm Trần, các đề cử nhân sự này đã được dư luận tán thành, nhưng có thể việc thông qua tại Thượng viện có thể gặp một số khó khăn, ông nói tiếp với hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC:
"Ông Joe Biden đã thúc giục bên Thượng nghị viện là phải tổ chức nhanh chóng để thông qua bốn vị mà tôi vừa kể, trước khi ông Biden nhậm chức.
"Nhưng tôi e là bên phía đảng Cộng hòa sẽ không làm chuyện đó là bởi vì ông Thượng nghị sỹ Mitch McConnell đã nói rõ ràng rằng có mấy việc. Việc thứ nhất là ông ấy sẽ không tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội.
"Thứ hai là ông cũng không trả lời ông Joe Biden về yêu cầu của ông Biden về thông qua cấp thời các nhân vật cốt lõi đề cử trong chính quyền của ông Joe Biden.
"Và thứ ba nữa là ông ấy hoàn toàn bác bỏ chuyện kêu gọi truất phế ông Donald Trump, thì những điều đó cho chúng ta thấy tình hình nước Mỹ còn rất nhiều khó khăn và ông Joe Biden sẽ phải đối phó ngay từ ngày đầu tiên bước vào tòa Bạch Ốc."
Từ Ottawa, Ontario, Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, nhà quan sát thời sự và chính trị quốc tế, bình luận với BBC:
"Tôi thấy rằng thứ nhất, nội các của ông Joe Biden có đặc tính là có phụ nữ nhiều hơn, có người trẻ nhiều hơn và thứ nữa là trong chính quyền đó có nhiều chuyên gia hơn, người da màu nhiều hơn.
"Điều thứ hai mà tôi nghĩ là một nhân vật rất quan trọng và bộ ba đó rất quan trọng cho chính sách của Hoa Kỳ, người thứ nhất là tôi muốn nói tới ông William Burns, người sẽ được chỉ định làm tân Giám đốc của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người thứ hai là ông Jack Sullivan, là người rất trẻ, trong độ tuổi 40, sẽ là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ.
"Và người thứ ba là ông Antony Blinken, người được đề cử cho chức vụ Ngoại trưởng, ba người này tôi tin chắc rằng có đủ khả năng để làm lãnh đạo vấn đề đối ngoại và tôi xin bổ túc thêm ý kiến của nhà báo Phạm Trần là về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất của Hoa Kỳ bây giờ về đối nội là cần phải đoàn kết và phải giải quyết những vấn đề đối nội."
"Về vấn đề thứ hai là đối ngoại, là phải hàn gắn với tất cả các quốc gia ở bên ngoài và tập hợp được một lực lượng để đối phó với Trung Quốc, tôi nghĩ rằng bộ tam mà tôi vừa nêu tên là các ông Blinken, ông Sullivan và ông Burns là ba người có đủ khả năng vừa đối chọi với Nga, vừa đối chọi với tình hình của Trung Đông, trong đó có tình hình của Iran và vừa đối chọi với Trung Quốc," Luật sư Vũ Đức Khanh nói với Bàn tròn Thứ năm của BBC.
'Thuận lợi nhưng vẫn gặp thách đố'
Nước Mỹ đang chia rẽ và chứng kiến nhiều sóng gió về chính trị tại Washington D.C. có thể là một thách đố không nhỏ với tân chính quyền Biden
Trước đó, hôm 13/01/2021, cũng từ Washington D.C., nhà báo Nguyễn Khanh, nguyên Giám đốc ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa ra bình luận với BBC:
"Tôi nghĩ rằng trước hết trong dàn nhân sự của ông Biden bao giờ cũng có bốn Bộ mà người ta gọi là bốn Siêu bộ, trong đó có các bộ Ngoại giao, Tư pháp, Quốc phòng và Tài chính, thì cả bốn bộ đó, các đề cử nhân sự đều là những người rất quen thuộc đối với chính trường thủ đô Washington, khác hẳn với trường hợp trước đây của ông Donald Trump.
"Khi ông Trump bước vào chính trường, đặt chân vào tòa Bạch Ốc, ông Trump không biết ai cả. Nhưng ông Biden đã biết mọi người rồi, ông có mấy chục năm trời ở Washington D.C, và gần nhất là cách mới có bốn năm ông vừa hoàn tất làm Phó Tổng thống sau hai nhiệm kỳ, thành ra những người đó là những nhân sự đã từng làm việc với ông Biden, hoặc là ông Biden đã từng làm việc với họ.
"Họ biết ông hoặc là ông đã biết họ và tất cả chính trường Washington đều biết ông Biden, nên không có điều gì trở ngại cả.
"Nhưng tuy có sự thuận lợi đó, nhưng không phải là chỉ ông Biden thôi, mà bất cứ ai lên làm Tổng thống Mỹ và nhất là vào thời điểm này, cũng phải giải quyết ba vấn đề rất quan trọng.
"Vấn đề thứ nhất là làm sao hàn gắn lại được đất nước, nước Mỹ bây giờ đang chia đôi ra với một nửa nước Mỹ là của ông Trump và một nửa khác của nước Mỹ là của ông Biden, làm sao hàn gắn được?
"Điểm thứ nhì là làm sao giải quyết được đại dịch Covid-19 do virus Corona gây ra và điểm thứ ba là làm sao xây dựng lại được nền kinh tế của quốc gia đang gặp những khó khăn?
"Làm sao để giúp nền kinh tế vượt qua những khó khăn đang có đó để mà tiếp tục phát triển, ai ngồi ghế Tổng thống cũng phải xử lý những vấn đề đó cả và đó là về đối nội.
"Về đối ngoại, nhiều người không hài lòng với ông Donald Trump, nhưng họ phải công nhận một điều rằng ông Trump đã để lại một di sản rất đặc biệt cho vấn đề đối ngoại mà gồm hai điểm. Điểm thứ nhất là kể từ bây giờ trở đi, bất kể ai làm Tổng thống Mỹ, thì cũng sẽ áp dụng một chính sách cứng rắn và nghiêm chỉnh hơn với Trung Quốc.
"Không có nhẹ nhàng, không có dễ dàng, không có uyển chuyển, không có mềm mỏng như là dưới thời ông Barack Obama, thời ông Bill Clinton, thời ông George W. Bush, mà sẽ là một chính sách cứng rắn và nghiêm chỉnh với Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump để lại di sản được cho là có nhiều thách đố đối với chính quyền mới trong thời gian tới đây
"Và điểm thứ nhì là ông Trump cũng để lại di sản là chữ 'đồng minh', đồng minh không có nghĩa là tiếp tục ngồi một chỗ và đợi nước Mỹ cung cấp tiền mà bắt buộc phải làm việc chung với Hoa Kỳ vì quyền lợi chung của đồng minh và của nước Mỹ
"Đó là điểm mà tôi nghĩ chắc chắn ông Biden phải làm như vậy, chứ không thể nào mà có thể làm khác hơn được nữa, đó là về vấn đề đối ngoại, mà có liên quan tới câu chuyện chính sách, nhân sự và nhân sự với chính sách của tân chính quyền Biden, mà nói," nhà báo Nguyễn Khanh nói với BBC.
Theo truyền thông Mỹ, tới nay về cơ bản, Tổng thống tân cử Joe Biden đã hoàn tất các phương án nhân sự cho nội các của mình, tuy nhiên trong đó có một số vị trí cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Trong một diễn biến mới của tuần này, ông Biden đã chọn một nhà ngoại giao kỳ cựu làm quan chức cấp cao của ông về chính sách châu Á, bao gồm bang giao với Trung Quốc.
Ông Kurt Campbell, người được chọn cho vị trí này là nhà ngoại giao về vấn đề châu Á hàng đầu của Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama và được coi là kiến trúc sư của chính sách "xoay trục" châu Á của Washington, truyền thông Mỹ hôm 13/01 dẫn nguồn từ ban chuyển giao của Tổng thống tân cử Hoa Kỳ đưa tin.
Hôm 14/01, ông Biden cũng có một bài phát biểu tại thành phố Wilmington, tiểu bang Delaware, hứa hẹn "một chương mới" cho nước Mỹ, trong đó, ông bày tỏ quyết tâm của tân chính phủ về dập đại dịch Covid-19 và dự kiến bơm 1,9 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-55667123
Không có nhận xét nào