Việt Nam không ‘bịt miệng’ người dân…
“Ở bất kỳ quốc gia pháp quyền nào, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận đi kèm với trách nhiệm và tôn trọng pháp luật của đất nước và quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội.
Những điều này phù hợp với các công ước quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền mà Việt Nam là một bên, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) (Điều 193, 21 và 22.2). Việt Nam chỉ truy tố và đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật, chứ không phải những người thực hiện các quyền hợp pháp của họ đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp. Việc tạm giam và xét xử vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy trình pháp luật Việt Nam”.
Đoạn trích ở trên nằm bản dịch Việt ngữ về phúc đáp của chính phủ Việt Nam đề ngày 28/12/2020, đối với thư chất vấn của Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, về các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cùng Phạm Đoan Trang và Hồ Sỹ Quyết.
Câu văn thể khẳng định: “Việt Nam chỉ truy tố và đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật, chứ không phải những người thực hiện các quyền hợp pháp của họ đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp”, được hiểu như thế nào trong điều kiện ở vế trước đó: “Ở bất kỳ quốc gia pháp quyền nào, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận đi kèm với trách nhiệm và tôn trọng pháp luật của đất nước và quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội”?
Các cụm từ cáo buộc về hành vi nêu tại Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017): “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” – “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” – “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”.
Cả 3 hành vi kể trên đều dùng chung một phương tiện gọi là “tuyên truyền thông tin”. Vậy, “tuyên truyền thông tin” là gì? Nó có đồng cách hiểu về công tác tuyên truyền của cơ quan Tuyên giáo Đảng?
Theo cách hiểu của cơ quan tuyên huấn, công tác tuyên truyền, từ góc độ của khoa học chính trị, nhất là chính trị học, là hình thức hoạt động quan trọng và cần thiết của một đảng chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, công tác tuyên truyền của Đảng không chỉ là phương thức truyền bá hệ tư tưởng chính trị, làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; mà còn trở thành phương thức cầm quyền của Đảng.
Theo bài viết “Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn cho công tác dân vận hiện nay”, tác giả Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đăng trên Tạp chí Dân vận số tháng 10/2019, thì định nghĩa về tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”
Thế nhưng quyền tự do ngôn luận của người dân lại không phải là câu chuyện của cách hiểu “tuyên truyền” của “dân vận”.
Những bài viết được cho là “phỉ báng chính quyền nhân dân” – “nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” – “tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý” đều không phải trong phạm trù của “tuyên truyền – dân vận”, nên cần thiết có cách hiểu phù hợp về thế nào là phỉ báng, là bịa đặt, và thế nào là mức độ đưa đến chiến tranh tâm lý?
Tất cả các vấn đề nêu trên, rất tiếc, chưa tìm thấy về điều khoản nào trong hệ thống văn bản pháp quy hiện hành có các yêu cầu chế tài liên quan về quyền tự do ngôn luận.
Giả dụ như các bài báo đều nhằm đả kích các chính sách của Đảng, thì không thể suy diễn là vì Đảng lãnh đạo toàn diện, nên đả kích chính sách của Đảng là gián tiếp đả kích chính quyền.
Rõ ràng quyền đả kích ở đây thuộc một điều khoản Hiến định tại Điều 4.2, rằng Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Khi Đảng bị đả kích, Đảng cần đối thoại qua yêu cầu của tuyên truyền dân vận. Đảng không thể dùng quyền lực chuyên chế để cho rằng đó là nhằm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa, rồi bịt miệng các tiếng nói được gọi là phản biện trái chiều!
https://vietnamthoibao.org/vntb-lai-noi-ve-quyen-tu-do-ngon-luan/
Không có nhận xét nào