Đại Hội 13 của đảng Cộng Sản Việt Nam khai mạc chính thức hôm 26/01/2021 đang thu hút sự chú ý của báo giới quốc tế, trong đó có báo Anh, Pháp và Nhật Bản.
Reuters hôm thứ Ba đưa tin và bình luận từ Hà Nội rằng nếu được tái cử để tiếp tục ở lại trên ghế tổng bí thư của đảng Cộng Sản Việt Nam ở Đại hội 13, TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ có thành tích về thời gian giữ cương vị lãnh đạo đảng có thể so sánh với cố tổng bí thư ĐCSVN Lê Duẩn:
“Người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng cầm quyền, ông Nguyễn Phú Trọng đã ca ngợi sự phát triển kinh tế bùng nổ và ngăn chặn đại dịch COVID-19 là những thành tựu quan trọng vào hôm thứ Ba khi ông chủ trì khai mạc đại hội đảng quan trọng tại Hà Nội.
“Trong chín ngày họp, hầu hết diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, các đại biểu sẽ chọn ra một đội ngũ lãnh đạo mới, nhằm mục đích thúc đẩy thành công kinh tế đang diễn ra của Việt Nam – và tính hợp pháp của sự cai trị của Đảng. Đại Hội Đảng diễn ra 5 năm một lần…
“Ông Trọng đã bị các biến chứng về sức khỏe trong vài năm qua, nhưng nếu – như giới quan sát mong đợi – ông tiếp tục làm Tổng Bí thư, thì ông sẽ trở thành tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiểm soát và cầm quyền bằng bàn tay sắt, sau cái chết của nhà sáng lập và nhà cách mạng Việt Nam, ông Hồ Chí Minh.”
Reuters cũng nhắc tới công cuộc chống tham nhũng mà thành tích của nó đã được bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa 12 của BCHTƯ đảng Cộng Sản Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng nêu đậm nét trước Đại hội, hãng tin Anh viết:
“Một đặc điểm của 5 năm qua là cuộc trấn áp tham nhũng do ông Trọng đứng đầu – chính thức được mệnh danh là “lò lửa”. Ông Trọng hôm thứ Ba nói nhiều trường hợp tham nhũng đã được phát hiện, điều tra và truy tố, thúc đẩy sự ủng hộ của người dân đối với chiến dịch: “Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế và ngăn chặn”, ông khẳng định.
“Các nhà phê bình chính phủ đã mô tả cuộc đàn áp có động cơ chính trị,” Reuters viết thêm.
Cũng trong dịp này, hôm 26/01, trang mạng của kênh truyền hình France24 của Pháp dẫn bài viết của AFP bình luận về Đại Hội 13 của ĐCSVN khai mạc.
Đại hội sau những cánh cửa đóng kín?
Bài viết của hãng tin Pháp với tựa đề “Đại hội ‘bí mật’ của Việt Nam khai mạc dưới đám mây của đàn áp” bình luận:
“Quá trình chuyển đổi chính trị ‘bí mật’ kéo dài cứ hai lần trong một thập kỷ của Việt Nam đã bắt đầu vào thứ Ba, với việc đảng Cộng Sản sẵn sàng lựa chọn các nhà lãnh đạo tương lai của mình, những người sẽ phải đối đầu với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và căng thẳng thương mại gia tăng với Hoa Kỳ.
“Tổng bí thư của đảng, cũng như ba “trụ cột” lãnh đạo chủ chốt khác, sẽ tranh cử tại kỳ Đại hội ở Hà Nội mà diễn ra phần lớn sau những cánh cửa đóng kín, và sẽ kéo dài cho đến ngày 2 tháng Hai…
“Các nhà phân tích nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng Sản, người cũng đã giữ chức chủ tịch nước từ năm 2018, đang cạnh tranh cho một nhiệm kỳ tổng bí thư nữa, mặc dù ông được cho là sẽ không tiếp tục giữ cả hai chức vụ lãnh đạo đồng thời.”
Hãng AFP ngoài ra còn dẫn lời một số nhóm hoạt động, cho biết thêm:
“Theo các nhóm nhân quyền, đường dẫn đến đại hội đã được đánh dấu bằng một cuộc đàn áp không ngừng đối với những người bất đồng chính kiến, các nhóm này cho rằng sự đàn áp đã leo thang dưới sự lãnh đạo hiện tại….
“Các con đường đã bị phong tỏa vào sáng sớm thứ Ba xung quanh Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội, với mật độ an ninh dày đặc canh gác khi các đại biểu đến dự lễ khai mạc,” hãng tin Pháp bình luận thêm từ Hà Nội.
Đảng Cộng Sản VN đặt mục tiêu tới 2046
Cũng hôm thứ Ba, NikkeiAsia cũng có bài đưa tin tường trình về sự kiện, báo mạng của Nhật Bản viết:
“Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm thứ Ba đã chính thức khởi động Đại hội toàn quốc diễn ra hai lần một thập kỷ bằng cách nêu bật một mục lớn trong chương trình nghị sự – những mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam dự định đặt ra sẽ hướng đất nước có thu nhập trung bình thấp hướng tới tham vọng đạt được vị thế quốc gia phát triển vào năm 2045.
“Gần 1.600 đại biểu đã tập trung tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở thủ đô để dự lễ khai mạc.
“Buổi lễ diễn ra sau phiên trù bị vào thứ Hai, khi chương trình làm việc, quy chế bầu cử và các vấn đề khác được thảo luận để mật nghị có thể diễn ra suôn sẻ trong ngày cuối cùng, ngày 2 tháng Hai.”
Nikkei Asia dẫn lời ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư của ĐCSVN, trong phát biểu tại phiên khai mạc, nói:
“Đại hội sẽ đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cần hoàn thành để hướng tới những dấu mốc quan trọng vào các năm 2025, 2030 và 2045.
“Các đại biểu sẽ chính thức thông qua các mục tiêu kinh tế nhằm giúp đất nước thoát khỏi mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025.”
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người từ 1.036 đến 4.045 đô la. GNI bình quân đầu người của nước này ở mức 2.590 đô la vào năm 2019, theo Ngân hàng Thế giới, báo mạng của Nhật viết thêm.
https://www.tvvn.org/
Không có nhận xét nào