Hình minh hoạ. Công nhân đang dựng biển hiệu và trang trí nhân đại hội đảng 12 ở Hà Nội hôm 4/1/2016 . Reuters
Báo cáo mới nhất từ Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư cho thấy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhìn chung còn xa với chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Đây là tin được truyền thông trong nước loan tải hôm 25/12/2020, qua đó Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư đánh giá thể chế KTTT định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ hầu bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả.
Vẫn theo Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, việc hoàn thiện thể chế diễn ra rất chậm, gây khó khăn cho quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cản trở tiến trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập.
Từ giữa thập niên 1980 với chính sách đổi mới, Việt Nam đã tự khẳng định một thể chế kinh tế thị trường (KTTT) theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ, người quan tâm cũng như am hiểu tình hình kinh tế Việt Nam, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là hiệu lệnh đổi mới của Hà Nội theo sau khẩu hiệu “ kinh tế thị trường với màu sắc đặc biệt Trung Quốc” mà Bắc Kinh đưa ra trước đó:
“Thành ra Việt Nam nói mình theo cơ chế kinh tế thị trường kèm cái đuôi xã hội chủ nghĩa. Nhưng từ khi gọi là đổi mới từ năm 86 đến giờ, mặc dầu kinh tế có lên nhưng vấn đề công bằng xã hội, vấn đề phân biệt giai cấp càng ngày càng mạnh. Nếu phát triển mà chỉ phần chóp bu lấy được của cải trong nước thì nói chưa hoàn thiện là đúng”
“Đây là khẩu hiệu họ đưa ra nhưng họ lầm lẫn, họ cãi nhau ở chỗ khái niệm, họ không đo đạc cho đàng hoàng những cái phát triển của kinh tế và xã hội. Với một xã hội còn lắm khó khăn, dẫu kinh tế có phát triển cao đi nữa mà chỉ một thành phần nào được hưởng lợi thì đúng là chưa thành công”.
Phải nêu bật thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bởi đây là quá trình mà chừng như tới lúc này chưa được xác định, chưa được làm rõ dù đã nói rất nhiều, là phân tích của chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh:
“Định hướng xã hội chủ nghĩa có thể là làm cho dân giàu, tạo công bằng xã hội, cũng có thể được định nghĩa là phải kiểm soát quyền lực như ông Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước đã nhiều lần nhấn mạnh phải kiểm soát các vi phạm về quyền hạn của một số quan chức trong bộ máy Nhà Nước”
“Tôi nghĩ Việt Nam cần sớm xác định rõ định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào. Bởi vì Trung Quốc cũng nói họ có một nền kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc, Cộng Hòa Liên Bang Đức nói có thị trường kinh tế xã hội. Mỗi một nước có một nội dung về kinh tế thị trường khác nhau, vấn đề ở đây là phải xác định rõ một nội dung cho nó thích hợp để cái kinh tế thị trường đó hoạt động một cách có hiệu quả hơn. Mấu chốt là phải thực hiện sự cạnh tranh bình đẳng và phải kiểm soát được các thế lực đột quyền”.
Về phần Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Thị Trường Giá Cả, có tiến đến kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được hay không thì còn nhiều vấn đề lắm:
“Nói thẳng ra là phải hỏi Ban Lý Luận Trung Ương, Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, các ông vạch ra thì các ông rõ hơn. Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là về mặt lý luận nhưng thực tế còn xa vời lắm”
“Việt Nam chưa thể xây dựng được một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, điều kiện hội nhập còn nhiều khiếm khuyết. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường thì đây vẫn còn là bước quá độ. Chưa đầy đủ, thiếu cái gì thì bây giờ đang xem xét, đang bàn. Thí dụ tự do hóa giá cả là một vấn đề, hay phải đáp ứng qui luật thị trường, phải có những yếu tố đó”.
Báo cáo của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư trích dẫn đánh giá từ Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới năm 2019, cho thấy Việt Nam đứng hạng 67 về chỉ số Năng Lực Cạnh Tranh 4.0.
Chỉ số thành phần về thể chế vẫn là một trong nhóm có thứ hạng thấp nhất, tức là đứng thứ 89. Ngoài ra, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, từ 45 lên 42, thế nhưng chỉ số thành phần thể chế lại giảm tới 3 bậc, từ 78 xuống 81.
Theo nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh, những con số về thứ bậc như vậy cho thấy sau 34 năm đổi mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng đang dần hội nhập quốc tế, tuy nhiên:
“Mặc dầu có tiến bộ nhưng thể chế của Việt Nam đang có vấn đề, bộ máy của Việt Nam cần tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Điều ấy cũng đã được phản ảnh trong báo cáo của Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam VCCI, trong đó có nêu tỷ lệ các doanh nghiệp phải chi trả những chi phí ngoài pháp luật, chi phí bôi trơn, tuy có giảm sút nhưng vẫn còn khoảng 56%”
“Tôi nghĩ việc phát hiện ra là một bước tiến có tinh thần cầu thị. Vấn đề bây giờ là phải tích cực thực hiện cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế, sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam”.
Đối với ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam, phải nhìn vào hiện trạng phát triển của Việt Nam để thấy kinh tế thị trường mà còn thòng thêm cái đuôi định hướng chủ nghĩa xã hội là cả một lý luận khiên cưỡng, đánh tráo khái niệm:
“Trước đây thì hùng hồn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” mà cuối cùng là áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn. Năm 86 là buộc phải đổi mới, đi vào kinh tế thị trường mà vẫn bám lấy cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường cho phép tư nhân, cho nhà kinh tế nhiều thành phần, rồi thì ngoại thương, mà trước đây Nhà Nước quản lý không cho ai làm, thì bây giờ nhiều thành phần được buôn bán giao dịch với quốc tế”
“Thế nhưng nếu để như thế thì rõ ra cộng sản muốn làm tư bản chủ nghĩa là phản bội, cho nên sĩ diện bày ra cái đuôi là định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đó là điểm mâu thuẫn của thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai lý giải tiếp:
“Nó vẫn là kế hoạch hóa, hành chính hóa, tức là đảng ra Nghị Quyết để làm kinh tế chứ không để các cơ sở kinh tế phát triển tự nhiên lên. Cái nghịch lý, cái mâu thuẫn là muốn làm tư bản nhưng lại dùng phương thức cộng sản, lấy Nhà Nước bao trùm, lấy quốc doanh làm chủ đạo”.
Vậy có đúng là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chưa hoàn thiện vì còn nhiều bất cập, khiếm khuyết và xa vời chuẩn mực phổ biến về một thị trường hiện đại, hội nhập như Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư chỉ ra? Ông Nguyễn Khắc Mai trả lời;
“Như thế cũng cứ coi như là một bước tiến đi. Có thể đây là một nhóm tiến bộ trong đảng đã bắt đầu nhìn thấy sự thật nhưng không dám nói đến nơi đến chốn, không đi đến tận cùng mà chỉ nói rằng không đầy đủ các phương thức về kinh tế thị trường. Nói một cách nhẹ nhàng thì đây là bước thừa nhận thất bại.”
Cái thất bại lớn nhất, tức đường đi không tới của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chính là cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa vừa mập mờ vừa lạc điệu 34 năm nay. Ông Nguyễn Khắc Mai làm một cuộc so sánh:
“Anh tiêu một đống tiền gấp 2 lần Hàn Quốc, anh chi ra một khoảng thời gian bằng 2 lần của Hàn Quốc mà anh không hình thành được một nền kinh tế đàng hoàng như Hàn Quốc. Anh không có nền khoa học kỹ thuật và giáo dục tiến bộ, không có hệ thống luật pháp để điều tiết cái sinh hoạt hiện đại của xã hội tính từ 1986 đến nay”.
Với thể chế kinh tế thị trường kèm theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chính sách luật pháp lại tùy tiện thì đi mãi chưa tới là chính xác, ông Nguyễn Khắc Mai kết luận.
https://www.rfa.org
Không có nhận xét nào