Nhiều người Mỹ công khai bày tỏ sự xấu hổ của họ về các sự kiện ở Điện Capitol. Nhà nghiên cứu Jennifer Jacquet giải thích tại sao cảm giác này có thể thúc đẩy đất nước họ tiến lên.
***
ZEITmagazin ONLINE: Nhiều người Mỹ đang bày tỏ sự xấu hổ về cuộc bạo động ở Điện Capitol những ngày qua. Bà cảm thấy thế nào khi xem những hình ảnh đó?
Jennifer Jacquet: Thật là xấu hổ. Đặc biệt là khi một người bạn từ Thụy Điển gọi cho tôi để nói chuyện về những gì đang diễn ra. Bởi vì đã có một sự thay đổi quan điểm. Tôi chú ý đến người khác khi họ nghĩ về đất nước của mình. Từ đó một cảm giác xấu hổ và thẹn thùng dâng lên. Tôi thực sự lo lắng về những gì đã xảy ra. Đêm qua tôi đã thức dậy bốn lần và suy nghĩ về chuyện đó.
Jennifer Jacquet, sinh năm 1980, là giáo sư thuộc Khoa học Môi trường tại Đại học New York (NYU). Ở đó, bà nghiên cứu các chức năng xã hội của sự trừng phạt, sự xấu hổ và cảm giác tội lỗi. Cuốn sách của bà “Xấu hổ. Sức mạnh chính trị của cảm giác bị đánh giá thấp” được xuất bản năm 2015.
ZEIT: Điều gì khiến bà và nhiều người Mỹ khác phải công khai thừa nhận sự xấu hổ của mình trong những ngày này?
Jacquet: Chà, nhìn thấy những người đồng hương ăn mặc như các diễn viên Braveheart và xông vào Điện Capitol – thật là xấu hổ. Ngoài ra, một số hình ảnh đã khơi dậy điều gì đó vượt xa sự bối rối đơn thuần. Thí dụ, những loại hình xăm trên người, hoặc áo cánh của Đức Quốc xã có liên quan đến trại Auschwitz: Nhìn những hình ảnh đó, quả là vô cùng xấu hổ. Toàn bộ sự việc trông giống như một màn kịch phi lý, giống như một buổi biểu diễn xiếc. Tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đó có phải là chính trị hay không? Nó có thực không? Hay đó chỉ là một buổi biểu diễn, một màn kịch?
ZEIT: Tại sao nhiều người Mỹ dường như có cảm giác rằng họ phải công khai thừa nhận sự xấu hổ của mình? Bà đâu có chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra ở Điện Capitol?
Jacquet: Mọi người cảm thấy xấu hổ, nhưng không phải là cảm giác tội lỗi. Đó là một sự khác biệt quan trọng. Có thể nói, cảm giác tội lỗi là hình thức trừng phạt cá nhân tốt nhất. Nó bắt mọi người phải tự đánh giá hành động của mình và điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng cảm giác tội lỗi không phải là những gì đang xảy ra ở đây, vì tất nhiên hầu hết người Mỹ không phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn ở Điện Capitol. Họ xấu hổ, và đó là một cảm giác xã hội. Khi cảm thấy xấu hổ, chúng ta nghĩ về những gì người khác nghĩ về mình. Trong trường hợp này không phải là nghĩ về chúng tôi với tư cách cá nhân, mà là một quốc gia. Sự xấu hổ bao phủ lên con người bạn. Cảm giác đó nói lên điều gì đó, bạn là ai. Chúng tôi nhìn vào gương và xem chúng tôi là ai, với tư cách là nước Mỹ, là một quốc gia. Sự thẹn thùng là một cách diễn đạt vừa phải, nhưng nó không nói lên toàn bộ sự việc.
ZEIT: Nhưng trên tất cả, cái nhìn từ bên ngoài đóng vai trò quan trọng, về những gì người khác nghĩ về các bạn.
Jacquet: Xấu hổ là một cảm giác xã hội luôn cần khán giả, ngay cả khi đó là một khán giả tưởng tượng. Để làm được điều này, có lẽ bạn phải hiểu sự xấu hổ xuất hiện như thế nào. Để giải thích điều đó, tôi sẽ phải quay lại một chút.
ZEIT: Xin bà cứ tự nhiên.
Jacquet: Trong các xã hội dân chủ, chỉ có nhà nước là được phép sử dụng vũ lực như một hình phạt. Điều đó có nghĩa là với tư cách là một công dân, tôi không thể thực hiện bất kỳ quyền kiểm soát nào đối ai khác, thí dụ như với hàng xóm của mình. Vậy tôi có những lựa chọn nào? Tôi có thể giữ lại các phương tiện không cho anh ta tiếp cận, nhưng cũng chỉ ở một mức độ hạn chế, chẳng hạn như không cho con anh ta kẹo Halloween. Và tôi có thể cố gắng hủy hoại danh tiếng của anh ấy bằng cách nói những chuyện tiêu cực về anh ấy. Đó là một trong số ít cách mà các cá nhân hoặc nhóm người trong một nhà nước pháp quyền có thể thực hiện quyền kiểm soát người khác: công khai làm họ xấu hổ. Vì vậy, xấu hổ là một hình thức trừng phạt xã hội. Bất cứ ai cảm thấy xấu hổ đều nghĩ đến những gì người khác nói và nghĩ hoặc có thể nói và nghĩ về mình.
ZEIT: Có phải sự xấu hổ về các sự kiện ở Điện Capitol trong trường hợp này cũng là một biểu hiện của xã hội Mỹ vốn theo cá nhân chủ nghĩa? Cá nhân xấu hổ về một biến cố chính trị, và hầu như họ tự chuốc lấy trách nhiệm?
Jacquet: Thật thú vị khi bạn liên kết nó theo cách đó, bởi vì thực sự thì ngược lại: Sự xấu hổ ít phổ biến hơn ở các quốc gia theo cá nhân chủ nghĩa, so với những quốc gia mà đồng cảm cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Trong danh sách những cảm xúc hàng ngày của chúng ta, sự xấu hổ ở vị trí thấp hơn nhiều so với cảm giác tội lỗi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì trong một xã hội với bản chất cá nhân, người ta thừa nhận rằng cá nhân phải chịu trách nhiệm về bản thân và có thể bị trừng phạt vì hành động của mình. Trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, ví dụ như ở Bengkulu, Indonesia, thậm chí đôi khi không có một thuật ngữ để chỉ thế nào là tội lỗi. Mặt khác, cảm giác xấu hổ thường phổ biến ở nơi nào mà xã hội có sức ép lớn để nhìn và kiểm soát người khác.
ZEIT: Nhưng phải có điều gì đó đặc biệt của người Mỹ về tâm lý xấu hổ này. Khi những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu gần đây xâm nhập vào Hạ viện ở Berlin, người Đức không hề tỏ ra xấu hổ một cách phổ biến và công khai. Sự xấu hổ có phải là mặt trái của lòng yêu nước của người Mỹ?
Jacquet: Xấu hổ là mặt trái của lòng kiêu hãnh. Và tất nhiên bạn nói đúng, điều đang phổ biến ở Hoa Kỳ là mức độ đồng nhất cao với đất nước của mình và lòng yêu nước. Tôi nghĩ rằng, nên có một từ riêng cho sự xấu hổ về đất nước của mình. Ai tốt hơn để phát minh ra điều đó hơn người Đức, những người có rất nhiều từ đẹp và chính xác cho những điều cụ thể. Ngoài ra, tôi thấy điều đáng chú ý là, bạn nói rằng người Đức không có cách biểu lộ sự xấu hổ về đất nước của họ giống như người Mỹ.
ZEIT: Tại sao? Bà thấy nó khác nhau?
Jacquet: Ai, nếu không phải là người Đức, có kinh nghiệm về nỗi xấu hổ tập thể về đất nước của họ? Sự xấu hổ về Đệ tam Đế chế và cuộc thảm sát Holocaust đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội Đức. Một vài năm trước, tôi đã làm việc với các nhà khoa học của Viện Max Planck, chúng tôi muốn thực hiện các nghiên cứu về các chủ đề xấu hổ, danh dự và tội lỗi. Các nhà khoa học vào thời điểm đó cho biết: Chúng tôi không thể thực hiện những nghiên cứu này ở Đức vì người Đức đặc biệt nhạy cảm với sự xấu hổ xuất phát từ lịch sử của đất nước. Tôi tin rằng, kinh nghiệm này cũng có thể sử dụng một cách tích cực.
ZEIT: Ở mức độ nào?
Jacquet: Ở Đức có những luật rất nghiêm khắc, thí dụ như việc phủ nhận Holocaust là một hành vi phạm tội. Một kết quả có thể đến với sự xấu hổ tập thể là sự nhạy cảm, sự cảnh giác cao độ đối với những phát triển có hại cho xã hội. Tôi hy vọng rằng, những gì đã xảy ra ở Điện Capitol cũng sẽ thúc đẩy chúng tôi thực hiện các bước cụ thể và đúng hướng. Dấu hiệu đầu tiên của điều này đã có, chẳng hạn như đòi hỏi về việc luận tội Donald Trump.
ZEIT: Tác giả và nhà hoạt động Margeaux Feldman đã viết cách đây vài ngày: “Sự xấu hổ (…) đã ngăn chận chúng ta trở nên năng động”. Ngược lại, bà nói rằng sự xấu hổ có tác dụng động viên.
Jacquet: Sự xấu hổ có thể có tác dụng kích hoạt hoặc làm tê liệt. Trong trường hợp này, nó không phải là một chọn lựa thế-này-hoặc-thế-kia. Tất nhiên, một trong những hậu quả của việc xấu hổ có thể là nhu cầu cần trốn tránh và bỏ đi. Nhưng sự xấu hổ hiện tại ở Mỹ thì mang tính chất kích hoạt, nó có thể dẫn đến một cái gì đó thực sự sẽ được thay đổi. Nhiều người ở Hoa Kỳ đang được khuyến khích ngay bây giờ để thực hiện các bước tiếp theo, hòng đảm bảo rằng những điều như cuộc bạo động ở Điện Capitol không bao giờ có thể lặp lại.
ZEIT: Khi chúng ta nói về sự xấu hổ, chúng ta cũng phải nói về sự trơ trẽn của phía bên kia: Những người ủng hộ Trump dường như không cảm thấy hổ thẹn chút nào, nhiều người vạch ngực khoe khoang trước các phóng viên về ý kiến và hành động của họ.
Jacquet: Hành động vô liêm sỉ nhất đối với tôi là cảnh sát ở Điện Capitol chụp ảnh selfie với những người ủng hộ Trump. Anh cảnh sát ở đó để bảo vệ Capitol. Thế mà anh ta có thể cười cợt trước máy hình của những kẻ đột nhập.
ZEIT: Bà giải thích thế nào về những hành động trơ trẽn đó?
Jacquet: Chà, mọi người dường như được ban thưởng cho sự vô liêm sỉ của họ khi được đưa tin. Họ nổi tiếng vì những gì họ làm. Nói cho cùng, sự trơ trẽn của đám đông luôn luôn là một phần không thể thiếu trong toan tính chính trị của Trump. Ông ấy không tạo ra những người này, nhưng ông ấy đã nâng cao vai trò của họ, cho họ tiếng nói và một môi trường hành động. Mỗi tổng thống Hoa Kỳ đều có vòng cử tri riêng, nhóm người riêng mà Tổng thống khuyến khích, để sau đó họ xuất hiện trước công chúng với phong thái đặc biệt tự tin – hoặc nói cách khác: đặc biệt trơ trẽn. Vào thời Bush, đó là những người theo thuyết sáng tạo luận (Kreationismus – Creationism). Bạn có nhớ những người muốn ngăn cản việc dạy thuyết tiến hóa [ND: của Darwin] trong lớp học không? Sau đó Barack Obama trở thành tổng thống. Và những người đó qua đêm bỗng biến mất, và một vòng cử tri mới được thành hình.
ZEIT: Liệu một người đã từng là biểu tượng của sự xấu hổ – như những người trung thành với Trump ở Điện Capitol – có thể trở lại trong thành phần của xã hội đa số một lần nữa, hay họ sẽ mãi mãi là kẻ bị ruồng bỏ?
Jacquet: Có lẽ trong trường hợp này, vấn đề không phải là việc tái hòa nhập mà là việc phòng ngừa. Chúng ta không cần phải tái hòa nhập những người phân biệt chủng tộc, những người chà đạp nền dân chủ, mà chúng ta phải phá hủy nền văn hóa đã tạo ra họ. Ví dụ, cần nhiều tiền hơn cho giáo dục chính trị. Tôi tin chắc rằng, điều gì đó đang xảy ra ở đây. Tại thời điểm này, đừng quá khắt khe với người Mỹ. Chúng tôi đang ở giữa quá trình chuyển đổi. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn và câu chuyện hiện nay chỉ là những đám cháy cuối cùng.
Nguồn : Diễn Đàn Khai Phóng
Lời kết của DĐKP: „Một kết quả có thể đến với sự xấu hổ tập thể là sự nhạy cảm, sự cảnh giác cao độ đối với những phát triển có hại cho xã hội“. Một kết luận tuyệt hay của GS Jennifer Jacquet, không phải là một lập luận tự phát, mà là kết quả của công trình nghiên cứu lâu năm. Bà Jacquet vì thế cũng tin rằng, sự xấu hổ của người Mỹ hiện nay có thể dẫn họ vượt qua mọi khó khăn để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn.
Đức cũng đã từng có sự xấu hổ tập thể tương tự, nhưng ở tầm mức cao hơn. Sau 1945, cả xã hội biết xấu hổ tập thể khi tội ác khủng khiếp của Hitler được đưa ra ánh sáng. Quân nhân giải ngũ biết xấu hổ tập thể vì đã thụ động làm những quân cờ trong cỗ máy chiến tranh. Nhóm người khác thì xấu hổ tập thể và cảm thấy trách nhiệm vì thiếu dũng cảm để hoạt động ngăn ngừa tội ác. Được chủ động hỗ trợ bởi chính sách giáo dục và truyền thông đại chúng của chính quyền hậu chiến trong kế hoạch làm sáng tỏ tội ác chiến tranh, sự xấu hổ tập thể đó là một trong những yếu tố quan trọng để giải phóng các nguồn lực trong xã hội Đức để mọi người phát huy sáng tạo và hăng hái đưa đất nước họ tiến lên, dân của họ có thể ngẩng cao đầu ngang hàng với thế giới văn minh. Và quả thật, cách làm đó và sự dũng cảm của chính quyền đương thời đã đưa nước Đức đến thành công rất bất ngờ: mặc cảm tội lỗi được vơi nhẹ, nguồn lực xã hội được giải phóng, công cuộc xây dựng đất nước được dễ dàng, uy tín quốc tế được nâng cao.
Tiếc thay, xã hội Việt Nam chưa bao giờ có sự xấu hổ tập thể như thế, mặc dù bao nhiêu tội ác trong thời gian qua: Tội ác trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc, tội ác trong thời kỳ chiến tranh như thảm sát Mậu Thân ở Huế, tội ác khi chiến tranh chấm dứt như tù cải tạo không bao giờ được xét xử, hoặc gần đây tội ác đã ám sát công dân Lê Đình Kình. Đấy chỉ là vài thí dụ. Chính quyền chưa bao giờ thừa nhận tội ác và bày tỏ sự xấu hổ. Trừ một ít ngoại lệ hiếm hoi, trí thức thì hoặc tiếp tay hoặc sợ hãi thụ động và chừng mực nào làm những con tốt thí để phục vụ chế độ. Thanh niên sinh viên trẻ hơn thì không hề có khái niệm nào về những tội ác nói trên, nói gì đến xấu hổ tập thể. Những tội ác đó vẫn tồn tại như ung nhọt của lịch sử. Ung nhọt có thể được chữa lành, nếu có ý muốn và biết cách điều trị, nhưng chúng cũng có thể trở thành ung thư hủy hoại cơ thể, nếu không đối đầu thừa nhận sự hiện hữu của chúng. Bao giờ mà sự xấu hổ tập thể về tội ác trong quá khứ chưa ăn sâu vào tiềm thức của xã hội, như chính phủ Đức đã đạt được trong ba thập niên hậu chiến, lúc đó những ung nhọt lịch sử, vốn bị chính quyền cố ý che dấu, có thể làm nhiều thế hệ trẻ trở nên tê liệt về tinh thần, thờ ơ tập thể, vô cảm tập thể, mạnh ai nấy cướp giật để làm giàu. Như vậy, xã hội làm sao tiến đến văn minh? Đấy là chưa kể: xung khắc thế hệ trong gia đình sẽ có lúc bùng nổ, có thể xói mòn sự kính trọng với cha mẹ ông bà, phá hủy cả cấu trúc gia đình và xã hội. Điều này đã xảy ra ở những gia đình hậu chiến Đức, nơi mà các thế hệ né tránh thảo luận về các tội ác chiến tranh thời Hitler.
Ở Mỹ hiện nay, ở Đức hậu chiến hay ở Việt Nam, giới có ăn học đương thời phải chịu trách nhiệm về sự khiếp nhược và đồng lõa của mình, mà nói theo tinh thần phê phán của nữ triết gia Hannah Arendt: “Mọi hình thức bạo quyền đều dựa trên sự tán đồng công khai hoặc thầm lặng của đám đông, và không có thành viên nào trong đám đông ấy có thể rũ bỏ trách nhiệm”. Voltaire cũng nói tương tự: „Giới trí thức phải chịu trách nhiệm với những gì họ làm, và cả những gì họ không chịu làm“. Nước nào mà giới có ăn học có thể vượt qua được sự khiếp nhược để dũng cảm đối đầu với sự xấu hổ tập thể, nước đó có cơ hội sớm giải phóng trí tuệ tập thể để đưa đất nước họ tiến lên. Mong thay, trách nhiệm sẽ được giới trí thức trẻ ở Việt Nam dũng cảm nắm lấy, bất chấp bạo quyền.
https://www.diendantheky.n
Không có nhận xét nào