Kính tặng tất cả Quả Phụ Hoàng Sa 19-01-1974
Vừa đẩy cửa bước vào, Bằng hơi khựng lại, vì tiếng đàn và giọng hát buồn buồn của Lãm Thúy – vợ của Bằng:
“…Biết đi sầu em mong.
Nhưng ngàn dân đang ngóng…” (1)
Nhận ra tình khúc “ruột” mà chàng và Lãm Thúy thường tay trong tay vừa đi chầm chậm dọc bờ sông – từ Câu Lạc Bộ nổi đến cầu Tư Lệnh – vừa thì thầm hát mỗi lần Lãm Thúy tiễn chàng đi công tác, Bằng thở dài. Bằng tự trách, đã biết Lãm Thúy hay lo mà chàng lại quên, cho Lãm Thúy biết tin hơi sớm về chuyến công tác sắp đến! Ngần ngừ một chốc, Bằng đóng cửa lại, ra dấu cho bà giúp việc giữ im lặng rồi chàng đến sau lưng Lãm Thúy.
Tay vẫn lướt nhẹ trên phím đàn, Lãm Thúy vừa hát vừa nhìn ra khoảng không gian im vắng của một buổi chiều, bên kia cửa sổ. Bất chợt tiếng hát của Lãm Thúy vút cao hẳn một bát trình – octave – như nỗi đau thương đang thét gào từ trái tim đa cảm của nàng:
“…Cố quên sầu thương đi.
Anh nguyền đi theo gió,
chớ buồn khóc chi càng khổ người đi…” (2)
Là một sĩ quan từng chỉ huy nhiều đơn vị tác chiến Hải Quân, Bằng cứ tưởng rằng tâm hồn chàng đã chai lỳ về những sinh ly tử biệt; nhưng bây giờ, trong khung cảnh này và lời ca này, Bằng mới nhận ra chàng cũng chỉ là một người bình thường với những cảm nhận bình thường và những xúc động bình thường. Bằng đứng yên, nén vào lòng những rung động ngút ngàn.
Khi tiếng đàn và giọng hát của Lãm Thúy chậm dần để chấm dứt: “…Cố nén sầu lòng bao năm!” (3) Bằng nhẹ nhàng khom xuống, ôm vai nàng rồi tựa cằm lên vai phải của nàng. Lãm Thúy đưa tay phải vin vào cổ của Bằng rồi nghiêng đầu vào má chàng. Bằng hôn nhẹ vào tóc nàng, thì thầm:
-Sao biết là anh? Nhỡ thằng nào khác thì sao?
-Làm vợ anh bao nhiêu năm mà không nhận ra “mùi của anh” thì tệ quá!
-Cảm ơn em. Em thay đồ, mình đi đón các con, xong, đưa các con đi ăn, nha!
Thường thường, cả gia đình đi ăn vào cuối tuần; nhưng mỗi khi nhận được lệnh công tác, Bằng thích đưa vợ con đi ăn vào buổi chiều trước hôm chàng thi hành lệnh. Vì biết tính Bằng, Lãm Thúy chỉ “Dạ”.
Trong khi thay y phục, thấy Bằng vội vàng xếp quân trang vào va-ly, Lãm Thúy ngạc nhiên:
-Để tý đi ăn về em sắp xếp; mai mới đi mà anh làm chi gấp vậy?
-Sẵn mượn được xe Jeep, anh đem tất cả quân trang, quân dụng xuống chiến hạm rồi trả xe luôn tối nay; mai không có xe, xích lô chở không hết.
-Nếu vậy thì chốc nữa, khi anh lái xe đến cổng Hải Quân Công Xưởng, em và các con phải xuống xe, chờ anh ngoài cổng, phải không?
-Cái cô này! Có bao giờ anh bắt em chờ ngoài cổng đâu mà em lo dữ vậy!
Lãm Thúy im lặng, nét mặt dàu dàu như chưa hiểu ý chàng. Bằng tiếp:
-Em bớt cái tính hay lo đi! Anh đã đưa chiến hạm ra cặp cầu Tư Lệnh rồi.
-Chiến hạm đại kỳ xong rồi hay sao, anh?
-Em cứ lo lắng quá như vậy thì từ nay anh không cho em biết bất cứ điều gì nữa.
Lãm Thúy cố làm vui lòng Bằng:
-Em hết lo rồi.
-Thôi, đừng giả vờ, “cô nương”! “Tui” biết cô “wá” mà!
-Thiệt mà!
-Thôi, đi kẻo trễ, hai đứa nhỏ chờ.
Khi xe chạy trên đường Mạc Đỉnh Chi, ngang Hội Việt Mỹ, Bằng hơi mỉm cười, nhớ lại thời chàng học thêm Anh văn tại đây. Lý do Bằng phải học thêm Anh văn là vì lúc học trung học cho đến xong tú tài II, ban Toán, Bằng chọn Pháp văn là sinh ngữ chính. Khi nghe các bạn cùng khóa Hải Quân – ngày trước, bậc trung học và tú tài, chọn Anh văn là sinh ngữ chính – thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội cho biết rằng số vốn tiếng Anh của các bạn này mà khi nghe Mỹ thuyết trình về một vấn đề chuyên môn nào đó thì chỉ biết… “khóc thét”! Thế là Bằng ngại, phải học thêm Anh văn.
Những buổi tối đến đây học Anh văn sẽ không có gì đáng nhớ, nếu không có sự xuất hiện của cô sinh viên đại học Văn Khoa tên Lãm Thúy.
Lãm Thúy đẹp thùy mị, đoan trang nhưng nét mặt buồn buồn, trông rất nghiêm. Đa số học viên tại Hội Việt Mỹ là người lớn tuổi, đã ra đời, có chức vị trong đời; vì vậy, sự xuất hiện của cô sinh viên làm cho mọi người lưu tâm.
Người lưu tâm đến Lãm Thúy nhiều nhất là Bill Smith, vị giáo sư trẻ nhất trong số nam nữ giáo sư của Hội Việt Mỹ. Là đàn ông, khi bắt gặp đôi mắt xanh màu ngọc bích của Bill nhìn Lãm Thúy, Bằng có thể hiểu được những rung động trong lòng Bill đang khuấy động dữ dội đến cỡ nào! Riêng Bằng, nét e ấp, thẹn thùng cùng sóng mũi cao và hai “lúm đồng tiền” trên đôi má bầu bỉnh của Lãm Thúy không thể không lưu lại chút tình cảm lâng lâng, nhè nhẹ trong lòng chàng.
Liếc mắt, thấy Bằng cứ tủm tỉm cười, Lãm Thúy hỏi:
-Có gì thú vị lắm hay sao mà anh cứ cười mỉm một mình hoài vậy?
-Xe chạy ngang Hội Việt Mỹ làm anh nhớ hồi đó hai đứa mình quen nhau.
Lãm Thúy âu yếm để tay lên vai Bằng. Cả hai cùng im lặng trong chút hạnh phúc nhỏ nhoi.
Đến trường Saint Paul, trước khi rời xe, Bằng dặn:
-Em ngồi đó, để anh vào đón con.
Nhìn đồng hồ tay, thấy chưa đến giờ tan trường, Lãm Thúy bảo:
-Chưa đến giờ tan trường mà, anh!
-Biết rồi. Anh muốn làm cho hai đứa nhỏ ngạc nhiên chơi.
Nhìn theo dáng người cao, đôi vai ngang bướng bỉnh của Bằng, Lãm Thúy chợt nhớ một kỷ niệm “quê một cục” của nàng.
Kỷ niệm “quê một cục” xảy ra vào hôm vô tình Bằng ngồi cạnh Lãm Thúy, trong lớp Anh văn do Bill Smith đảm trách. Lãm Thúy chẳng hề để ý đến Bằng; vì nàng có rất nhiều thanh niên trí thức theo đuổi. Tối đó Lãm Thúy ngạc nhiên khi thấy Bill, tay xách cặp, tay xách Guitar – được bọc trong bao bằng vải – bước vào lớp. Chào mọi người xong, Bill cho biết hôm nay là Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, chàng muốn tất cả sẽ dành 30 phút cuối giờ học để ca hát cho vui. Mọi người vỗ tay.
Sau khi tất cả học viên nộp bài luận văn “Hãy tả một ngày lễ nào của Việt Nam mà bạn yêu thích nhất”, Bill nhìn đồng hồ tay, thấy còn 30 phút nữa hết giờ. Bill mở bọc Guitar và hỏi ai tình nguyện giúp vui trước, vui lòng đưa tay lên? Mọi người đều cười, nhìn nhau. Thấy không ai đưa tay, Bill tình nguyện hát trước. Muốn nhân cơ hội này, gián tiếp tỏ tình với Lãm Thúy, Bill nói:
-Tôi sẽ hát tình khúc Put Your Head On My Shoulder của Paul Anka để tặng một người đẹp trong lớp này mà tôi không thể phát âm tên của nàng!
Cả lớp cười rộ lên. Bằng nhìn Lãm Thúy rất nhanh và thấy nàng vẫn điềm nhiên, chẳng có vẻ nghi ngờ gì về câu nói “bóng gió” của Bill. Bill nhờ một học viên thường đi chơi với Bill đệm Guitar. Sau khi cho người đệm Guitar biết “tông” và nhịp điệu của bản nhạc, Bill vừa đi chầm chậm quanh lớp vừa hát một cách thoải mái, tự nhiên:
“Put your head on my shoulder.
Hold me in your arms, baby!
Squeeze me oh so tigh,
Show me that you love me too…”
Giọng ca của Bill ấm áp, nồng nàn, chinh phục cả lớp.
Bill chấm dứt ca khúc vừa khi Bill đến bên Bằng. Mọi người vỗ tay. Bằng vội lên tiếng trước khi Bill quay đi:
-Hi, xin lỗi Bill! Anh có bản nhạc đó không, làm ơn cho tôi mượn?
Bill ngạc nhiên:
-Anh chơi đàn à? Thú vị quá! Nhạc cụ gì?
-Guitar.
-Có. Mai tôi sẽ copy tặng anh.
-Cảm ơn anh.
Bill xoay người bước đi. Lãm Thúy hơi ngần ngừ, muốn hỏi Bằng về ca khúc Bill vừa hát nhưng cứ ngại ngùng. Lớn lên và được giáo dục rằng “nam nữ thọ thọ bất thân” cho nên khi nghe Bill giới thiệu và hát, Lãm Thúy cứ tưởng là Put Your Hand On My Shoulder – và nàng nghĩ – như vậy cũng đủ lãng mạn rồi! Vì vậy, sau khi nghe Bill hứa với Bằng, Lãm Thúy viết lên tờ giấy rồi đưa sang Bằng: “Thưa anh, khi nào ông Bill tặng anh bản Put Your Hand On My Shoulder, anh vui lòng cho tôi mượn.” Bằng viết trả lời: “Thưa cô, tựa của bài hát là Put Your Head – chứ không phải Hand – On My Shoulder. Vâng tôi sẽ cho cô mượn”. Đọc “note” của Bằng, Lãm Thúy đỏ mặt, mắc cỡ quá, chỉ muốn trốn ra khỏi lớp ngay tức thì! Nhưng nghĩ lại, Lãm Thúy nhận thấy Bằng là một thanh niên trực tính; điều đó rất hợp với bản tính thẳng thắn của nàng.
Hôm sau, thấy Bằng nơi bãi đậu xe, Bill bảo Bằng chờ rồi Bill lấy từ cặp da copy của bản nhạc trao cho Bằng. Sau khi cảm ơn Bill, Bằng vội đem lên văn phòng, làm một copy khác. Vào lớp, Bằng đến bên Lãm Thúy:
-Đây, tôi biếu cô một copy. À, mà cô hát hay là cô chơi đàn?
Lãm Thúy vẫn còn thẹn về chữ “Head” và “Hand”; vì ngại Bằng nghĩ rằng nàng lãng tai hay là kém Anh văn, cho nên ấp úng:
-Dạ…dạ hát và đàn?
Bằng nhìn Lãm Thúy, lòng gợn lên chút xao xuyến nhè nhẹ, nói rất nhỏ:
-Không biết làm thế nào tôi có thể nghe được giọng hát và tiếng đàn của cô?
Lãm Thúy e thẹn cúi mặt, lý nhí cảm ơn vừa khi Bill bước vào lớp. Thấy cạnh Lãm Thúy không còn ghế trống, Bằng quay đi. Nhìn theo Bằng, Lãm Thúy cảm thấy có nhiều thiện cảm với Bằng.
Đang miên mang trong dòng kỷ niệm, Lãm Thúy giật mình vì tiếng reo vui của Hoàng Anh và Oanh Vũ:
-Măng! Măng! Ba nói cho tụi con đi ăn ở nhà hàng Bồng Lai.
******
Dựng chiếc Honda Dame gần cột cờ trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Bằng trao chìa khóa Honda cho Lãm Thúy rồi nắm tay nàng, bóp nhẹ:
-Em về đi!
-Em chờ chiến hạm rời bến đã.
-Lần nào anh đi công tác em cũng đòi đi đưa, rồi em buồn. Em cứ tự làm khổ em! Cười đi!
Nhìn nụ cười méo xẹo của Lãm Thúy, Bằng vừa đi lui về hướng hạm kiều vừa gật đầu nhè nhẹ vừa bắt chước giọng trầm trầm của Bill vào bữa tiệc cưới của chàng và nàng năm xưa:
“Just give me a steel guitar, a glass of wine…
And one more thing before I go.
Here's a secret, I still love you so…”
Biết Bằng muốn làm cho giây phút quyến luyến bớt ngậm ngùi, nhưng sao Lãm Thúy cũng vẫn không thể cười được! Nhìn theo dáng điệu đáng yêu của Bằng, Lãm Thúy vừa quẹt nước mắt vừa tức cười, thụng mặt, thầm nghĩ, “bộ dạng” “dễ ghét” như vậy hèn gì “mấy con khỉ” cứ “đeo cứng ngắt”! Mỗi khi nghĩ đến “mấy con khỉ” là mỗi lần Lãm Thúy nhớ những giọt nước mắt hờn ghen của nàng. Lần nào cũng vậy, thấy Lãm Thúy buồn tủi, hờn ghen, Bằng cũng – nửa đùa nửa thật – bảo:
-Tại hồi đó nhiều thằng khổ vì em thì bây giờ em phải khổ vì một thằng! Ha…ha…
******
Không hiểu tại sao sau khi bác xích-lô đưa Hoàng Anh và Oanh Vũ đi học, Lãm Thúy lại cảm thấy bồn chồn, rốt ruột, đứng ngồi không yên! Nghĩ rằng, có thể nàng quá lo lắng về chuyến công tác dài hạn của Bằng tại vùng I Duyên Hải, Lãm Thúy ôm đàn, dạo vài đoản khúc vui cho khuây khỏa. Khi Lãm Thúy đàn đến bản Qui Sait, Qui Sait, Qui Sait của Luis Mariano thì có tiếng gõ cửa.
Nhớ là bà giúp việc vừa đi chợ, Lãm Thúy quay ra cửa và thấy người đưa thư. Thấy tên người gửi là Bằng, Lãm Thúy rất vui, cảm ơn người đưa thư rồi mở thư ra ngay:
Lãm Thúy,
Chiến hạm đến vùng hành quân lâu rồi nhưng anh bận quá, không viết thư cho em. Hôm nay tàu về bến, vừa họp xong, thấy bưu tín viên đi ngang, anh viết vội vài dòng để em yên tâm, đừng lo lắng gì cho anh. Em hãy lo cho hai con và lo cho em…
Đọc đến đây, biết Bằng vẫn bình an, Lãm Thúy cảm thấy thư thái và hớn hở trong lòng. Nhưng chỉ vài tíc tắc sau, sự âu lo, sốt ruột và bồn chồn lại trở về! Ngại có điều gì xảy ra cho con, Lãm Thúy thay đồ, đi Honda Dame đến trường Saint Paul.
Bước vào văn phòng, Lãm Thúy rất ngạc nhiên trước cảnh các Sơ đều quay quần bên radio chứ không ai ngồi tại bàn làm việc như mọi khi. Bất ngờ Sơ Claudine quay ra cửa, thấy Lãm Thúy, vội hỏi:
-Dạ, bà cần chi ạ?
Các Sơ tắt radio, trở về bàn làm việc trong khi Lãm Thúy đáp lời Sơ Claudine:
-Thưa, tôi muốn biết sáng nay con tôi đến lớp có gì lạ hay không ạ?
-Thưa bà, cháu tên gì, lớp mấy ạ?
-Thưa, Hoàng Anh và Oanh Vũ; lớp 3 và lớp 4 ạ!
Một trong các Sơ ngồi sau bàn làm việc, dò danh sách rồi đáp:
-Thưa bà, hai cháu vẫn bình thường; đang ở trong lớp.
Lãm Thúy nhíu mày, tự hỏi, Bằng bình an, Hoàng Anh và Oanh Vũ bình thường thì niềm lo âu, nỗi bồn chồn trong lòng nàng là do đâu? Vừa khi đó Sơ Claudine chợt nhớ, cách nay không lâu, một “ông Hải Quân” vào gặp Sơ, xin đón Hoàng Anh và Oanh Vũ về sớm. Sự việc “ông Hải Quân” đón con hôm đó và nét mặt âu lo của Lãm Thúy hôm nay khiến Sơ Claudine phân vân:
-Thưa, hôm trước ông nhà đến đón hai cháu về sớm cho nên tôi biết ông nhà là Hải
Quân, đúng không, thưa bà?
-Thưa vâng, ông nhà tôi là Hải Quân.
Sơ Claudine làm dấu Thánh Giá rồi nhìn tượng Chúa trên tường, khấn:
-Xin Chúa ban phép lành cho mấy “ông Hải Quân”. Xin Chúa giúp bà và hai cháu nhiều nghị lực nếu ông nhà có mặt ở…
Lãm Thúy hoang mang, không để Sơ Claudine nói dứt câu:
-Sơ nói gì? Tôi không hiểu.
Nghĩ rằng tin dữ đã làm cho tinh thần của Lãm Thúy bấn loạn, Sơ Claudine hỏi:
-Có lẽ bà đã biết tin rồi, phải không ạ?
-Tin gì? Sơ Claudine! Sơ có biết là những câu nói của Sơ làm cho khối óc của tôi muốn vỡ tung ra hay không?
Sơ Claudine vừa lý nhí “ Xin lỗi bà” vừa đưa Lãm Thúy vào văn phòng của Sơ, đóng cửa lại. Lãm Thúy không tự hiểu được tại sao nàng lại hoàn hoàn bị phân tâm đến độ phải vâng lời Sơ Claudine như một cô học trò! Sơ Claudine đưa nàng đến chiếc ghế trước bàn làm việc của Sơ rồi bảo:
-Mời bà ngồi.
Lãm Thúy ngồi. Sơ Claudine ngồi sau bàn làm việc, dịu dàng nhìn Lãm Thúy:
-Thưa bà, từ sáng đến giờ, đài phát thanh cứ lập đi lập lại một bản tin làm rúng động mọi người. Bà đã nghe tin đó chưa ạ?
-Thưa Sơ, tôi chỉ nghe tin tức hoặc xem TV vào buổi chiều và tối; ban ngày tôi cần sự yên tịnh, vì tôi có việc khác phải làm.
-Vâng, nếu thế thì tôi mời bà nghe, nhé!
Sơ Claudine xoay ra bàn nhỏ sau lưng, vừa mở radio vừa tiếp:
-Nếu đài phát thanh chưa phát ngay bản tin đó thì họ sẽ phát chỉ sau một vài phút; vì họ cần cập nhật thêm nhiều dữ kiện của chiến trận. Bà chịu khó chờ.
Trong khi Lãm Thúy tự hỏi tại sao Sơ Claudine lại dùng danh từ “chiến trận” thì – từ radio – tổng hợp âm thanh nam và nữ vang lên:
“…Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời.
Việt Nam ! Việt Nam !...” (5)
Âm thanh hợp ca nhỏ dần nhỏ dần rồi tiếng xướng ngôn viên: “Xin cảm ơn quý thính giả đang theo dõi chương trình truyền thanh của chúng tôi. Sau đây là phần tường trình với nhiều chi tiết vừa được cập nhật về cuộc hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải Quân Trung cộng tại Hoàng Sa, do phóng viên Nguyễn Trần tường thuật từ Đà Nẵng.”
Giọng nam vang lên: “Nguyễn Trần xin kính chào quý thính giả. Chúng tôi vừa được bổ túc nhiều chi tiết quan trọng về trận hải chiến rất hào hùng và đẩm máu giữa Hải Quân VNCH với Hải Quân của quân xâm lược Trung cộng tại quần đảo Hoàng Sa – của Việt Nam.
Kính thưa quý vị, lực lượng Hải Quân Trung cộng gồm 4 chiến hạm: K271, K274, T389, T396 và một số tàu đánh cá được trang bị vũ khí nặng.
Lực lượng Hải Quân VNCH hiện có mặt tại Hoàng Sa là: HQ 4, HQ 5, HQ 16, HQ 10, một số Biệt Hải/Hải Kích/Địa Phương Quân.
Bốn chiến hạm của Hải Quân VNCH được phân nhiệm như sau: Mục tiêu của HQ 5 là K274; của HQ 4 là K271; của HQ 16 là T389; và của HQ 10 là T396.
Sau khi nhận được chỉ thị của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải – Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – Chỉ Huy Trưởng Hải Đội Đặc Nhiệm Hoàng Sa của Hải Quân VNCH, Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc, ra lệnh khai hỏa!
Ngay tức khắc, HQ 16 và HQ 10 bắn thẳng vào T389 và T396 của Trung cộng. Trung cộng phản pháo dữ dội. Hai bên đều tận dụng tất cả hỏa lực.
Kết quả, T389 của Trung cộng trúng hải pháo, bốc cháy; T396 của Trung cộng tác xạ không chính xác và bị quay vòng vòng; vì tay lái trúng đạn của Hải Quân VNCH.. Chiếc K274 của Trung Cộng cũng bị trúng đạn, ủi vô bờ.
Hải pháo của Trung cộng bắn trúng đài chỉ huy của HQ 10. Hạm Trưởng và một số nhân viên bị tử thương…”
Lãm Thúy giật mình, bùng tai, không nghe được gì nữa! Nàng thở dồn dập, mắt mở lớn nhìn trừng trừng vào khoảng không bên ngoài cửa sổ như không tin những gì nàng đã nghe!
Sơ Claudine bước về phía Lãm Thúy, ân cần vịn vai nàng:
-Bà cố gắng bình tĩnh. Hãy cho chúng tôi biết, chúng tôi có thể giúp bà được điều gì?
Lãm Thúy mím môi thật chặt, cố nén vào lòng tiếng thét bi thương! Trong khi thần kinh của Lãm Thúy bị chấn động một cách kinh hoàng và tàn bạo thì hình ảnh Oanh Vũ và Hoàng Anh hiện lên. Lãm Thúy nắm chặt hai tay vào nhau một lúc lâu lắm rồi lắp bắp đáp:
-Cảm…cảm… ơn Sơ. Tôi…tôi… sẽ…vượt qua …cơn đau này – vì …vì…con tôi!
-Bà cần đón hai cháu hay không?
-Dạ không. Tôi phải đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân để nhờ họ xác định.
-Bà cần người đưa đi hay không? Chúng tôi sẽ có người đưa bà đi.
Lãm Thúy “rơi” vào trạng thái chối bỏ:
-Cảm ơn Sơ. Tôi tự lo được. Nếu có thể, Sơ vui lòng cho tôi gửi chiếc Honda Dame lại đây; vì tôi tự biết, tôi không nên đi bằng Honda hai bánh; hơn nữa, Bộ Tư Lệnh cũng gần đây.
Không đợi Sơ Claudine đáp, Lãm Thúy đi ra cổng, quẹo trái, đi về hướng Hải Quân Công Xưởng. Đến cổng gác – trước khi vào Hải Quân Công Xưởng và bệnh xá Bạch Đằng – Lãm Thúy dừng lại. Anh thủy thủ trong trạm gác hỏi:
-Chị cho biết tên, họ. Chị cần vào khu vực này có chuyện gì?
-Tôi là Quả Phụ Hoàng Sa. Tôi muốn sang Bộ Tư Lệnh Hải Quân để được xác nhận về tin của chồng tôi.
-Bà vui lòng chờ chút.
Anh thủy thủ quay điện thoại. Chỉ một chốc, sau khi anh thủy thủ gác điện thoại, Lãm Thúy thấy chiếc Jeep “lùn” từ Hải Quân Công Xưởng chạy đến và ngừng ngay cổng gác. Một sĩ quan Hải Quân bước xuống, chào Lãm Thúy:
-Thưa, có phải bà là Quả Phụ Hoàng Sa không ạ?
Lãm Thúy vừa gật đầu vừa quẹt nước mắt. Vị sĩ quan tiếp:
-Tôi được lệnh đưa xe đến đón bà để đưa bà sang Bộ Tư Lệnh.
Trạng thái chối bỏ lại trở về, Lãm Thúy đáp:
-Cảm ơn anh. Nhưng tôi chỉ muốn được một mình đi dọc theo mấy cầu tàu thân thương mà tôi từng đưa tiễn chồng tôi.
-Vâng. Tôi hiểu.
Nhìn theo Lãm Thúy, vị sĩ quan và các thủy thủ nhìn nhau, thờ dài!
Lãm Thúy đi chầm chậm. Ngang qua bệnh xá Bạch Đằng, nàng thầm ước:“Con xin nguyện sẽ đổi quảng đời còn lại của con chỉ để được thấy Bằng một lần cuối!” Từng bước chân vô thức đưa Lãm Thúy đi dọc bờ sông. Thấy vài chiến hạm cặp dọc cầu tàu, tự dưng tiếng hát ngân lên âm thầm trong lòng nàng:
“Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly…
Thấy
bóng người về hay chăng?
Xa nhau bến xưa ngày ấy,
Anh đi thế thôi từ đây
Sầu chết bên lòng
Hồn nặng nhớ mong …” (7)
Đến cầu Tư Lệnh, Lãm Thúy đứng chơ vơ cạnh cột cờ. Mọi sinh hoạt tại cầu tàu cũng như nơi cổng gác tại Bộ Tư Lệnh đều có vẻ hấp tấp hơn mọi khi; nhưng Lãm Thúy lại cảm thấy hồn nàng trống vắng như một bãi tuyết mênh mông! Nhìn quân nhân Hải Quân vội vã đi về phía hạm kiều, không thể nào Lãm Thúy không nhớ lại “bộ dạng” “dễ ghét” của Bằng vào buổi chia xa cách nay chỉ vài tuần!
Sự chịu đựng dường như đã cạn kiệt và máu trong cơ thể như đã ngưng luân lưu, Lãm Thúy thở mạnh, ôm ngực như sắp quỵ xuống thì tiếng còi vận chuyển từ một trong các chiến hạm vang lên khiến nàng choàng tỉnh.
Chiến hạm ngoài cùng từ từ tách bến.
Lãm Thúy nhìn theo chiến hạm với tất cả niềm thương nhớ. Khi chiến hạm khuất dần trong tầm mắt của nàng, Lãm Thúy hốt hoảng bước nhanh đến gần cầu tàu như không muốn tầm nhìn của nàng bị giới hạn.
Chính lúc ấy, Lãm Thúy tưởng như thấy được Bằng đứng nơi cửa đài chỉ huy, vẫy tay tạ từ. Và, từ cõi lòng tan tác của nàng, tiếng hát xưa vọng về:
“… Anh như bóng mây hồng
Trôi về chốn xa vời,
Lòng nặng nhớ mong…”
Tiếng hát xưa vút cao một bát trình như nỗi đau thương đang gào thét trong lòng nàng:
“…Cố quên sầu thương đi!
Anh nguyền đi theo gió,
Chớ buồn khóc chi,
Càng khổ người đi…” (8)
…Lãm Thúy ôm ngực, từ từ…quỵ xuống!
ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/
1-2-3-7-8.- Bến Cũ của Anh Việt.
4.- A Steel Guitar And A Glass
Of Wine của Paul Anka.
5.- Việt Nam! Việt Nam! của Phạm Duy.
Không có nhận xét nào