Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 28 tháng 1 năm 2021

    Cựu chánh văn phòng: Ông Biden ‘đặt nước Mỹ sau cùng’ bằng các lệnh hành pháp
    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 28 tháng 1 năm 2021

    Bằng các lệnh hành pháp, tổng thống Joe Biden đang “đặt nước Mỹ sau cùng”, ông Mark Meadows, cựu chánh văn phòng của TT Trump cho biết hôm thứ Tư (27/1).

    Trò chuyện trong chương trình Fox & Friends, ông Meadows cho biết “Chính quyền ông Biden đã lập nên kỷ lục với các lệnh hành pháp. Ý tôi là, tổng thống Trump đã đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Những gì chúng ta thấy là tổng thống Biden đang đặt nước Mỹ sau cùng. Dù đó là chính sách biên giới hay bất kỳ lệnh hành pháp nào khác mà ông ấy đưa ra, chúng sẽ có tác động đáng sợ đến việc làm [của người Mỹ]”.

    Ông nói thêm, những động thái mau lẹ của ông Biden sẽ “phản tác dụng” vì chúng khiến các doanh nghiệp nhỏ phải giảm mức lương cho người lao động, trong khi chính sách của cựu TT Trump “thực sự khiến tăng lương, có lẽ theo mức lớn nhất mà chúng ta từng thấy trong nhiều thập kỷ.”

    Trong khi đó, đảng Dân chủ lại đang ưu tiên luận tội ông Trump, nhưng ông Meadows cho rằng mọi người đang tập trung quá nhiều vào sự kiện biểu tình ngày 6/1 hơn là những gì quan trọng với nước Mỹ. Theo ông, điều cần tập trung hiện tại là giúp người dân có công việc trở lại và giúp đỡ những doanh nghiệp nhỏ.

    Ông cũng nhắc tới việc hôm thứ ba, 45 thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu để chống lại việc tổ chức phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump. Các thượng nghị sỹ nói rằng việc luận tội một cựu tổng thống là vi hiến.

    Mỹ chuẩn bị “đòn liên hoàn” nhắm vào Trung Quốc?

    Linda Thomas-Greenfield, người được Tổng thống Joe Biden đề cử đảm nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cam kết theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

    Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 27-1 trước khi bỏ phiếu thông qua đề cử vị trí đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Thomas-Greenfield khẳng định sẽ dành nhiệm kỳ đại sứ của mình tại LHQ để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an, kiềm chế nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đưa các công dân Trung Quốc vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại LHQ.

    Bà Thomas-Greenfield nói với các Thượng nghị sĩ trong phiên điều trần: "Chúng ta biết Trung Quốc đang vận động khắp hệ thống LHQ để thúc đẩy một chương trình nghị sự trái ngược với các giá trị kiến tạo của tổ chức này - các giá trị của Mỹ. Họ sẽ thành công nếu chúng ta lùi bước. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra".

    Những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa nhiều quan chức nước này vào các vị trí lãnh đạo tại LHQ, bao gồm các vị trí cấp cao tại Liên minh Viễn thông Quốc tế hay Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Cùng với Nga, các đại diện của Trung Quốc thường sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ các dự thảo nghị quyết.

    Bà Thomas-Greenfield cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đưa những ngôn từ "gây tai hại" của nước này vào các nghị quyết của LHQ.

    Ngoài việc ngăn chặn hành động của Trung Quốc tại LHQ, bà Thomas-Greenfield cho biết sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo ở châu Phi, nơi Trung Quốc đang dốc sức đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, để đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh ở lục địa này.

    Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu thường niên


    Cứ mỗi khi đến tháng 1, tổng thư ký Liên Hợp Quốc lại trình bày một bài phát biểu trước thế giới. Năm ngoái, António Guterres nhắc đến bốn rủi ro sẽ đe dọa hành tinh: căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng khí hậu, sự thiếu lòng tin trên toàn cầu, và mặt tối của công nghệ. Và đó là trước khi rủi ro thứ năm, covid-19, nổi lên khắp toàn cầu. Hôm nay, ông Guterres có thể sẽ than thở về sự mong manh của thế giới khi đối mặt bệnh tật và sự chia rẽ, nhưng cũng sẽ nhấn mạnh cách khắc phục những điều này thông qua hợp tác quốc tế và phục hồi xanh.

    Ít nhất thì một nỗi lo đã không còn nữa: rằng một bước đi sai có thể khiến Donald Trump phật lòng và khiến nước Mỹ, nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách của Liên Hợp Quốc cho đến nay, rút khỏi tổ chức. Joe Biden, không như tổng thống tiền nhiệm của ông, là một người tin vào chủ nghĩa đa phương. Nhưng ông Guterres, người đôi khi bị chỉ trích vì không dám mạnh miệng, vẫn muốn cẩn thận: ông đang để mắt đến nhiệm kỳ 5 năm thứ hai.

    Joe Biden và vấn đề phá thai ở Mỹ

    Joe Biden lên nắm quyền với lời hứa duy trì quyền phá thai. Hôm nay, ông dự kiến sẽ loại bỏ một chính sách được gọi là “quy tắc bịt miệng toàn cầu” (global gag rule), vốn ngăn không cho các nhóm nước ngoài cung cấp dịch vụ phá thai được nhận tiền từ Mỹ. Ông cũng sẽ bắt đầu xem xét lại quyết định của chính quyền Trump trong việc ngăn Title X, một chương trình kế hoạch hóa gia đình, được chuyển tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai trong nước.

    Nhưng Tòa án Tối cao sẽ có nhiều tiếng nói hơn tổng thống trong vấn đề phá thai ở Mỹ. Với đa số bảo thủ 6-3, gần như chắc chắn tòa án sẽ duy trì nhiều hơn các hạn chế phá thai cấp bang vốn đang làm suy yếu dần phán quyết Roe v Wade, một phán quyết hồi năm 1973 tuyên bố phá thai là hợp hiến. Tòa án cũng có nhiều khả năng hơn bao giờ hết sẽ lật ngược hoàn toàn phán quyết đó. Ông Biden cam kết “pháp điển hóa” án lệ Roe, có lẽ là trong luật liên bang. Nhưng điều này khó có khả năng được ưu tiên trong danh sách dài những việc làm sắp tới của chính quyền ông.

    Kyrgyzstan có tổng thống mới


    Một nhân vật dân túy lôi cuốn, người từng cười đùa khi bị so sánh với Donald Trump, hôm nay nhậm chức tổng thống Kyrgyzstan sau một chiến thắng áp đảo. Sadyr Japarov hứa hẹn đặt ra một lộ trình ổn định, sau khi bất ổn chính trị lật đổ cựu tổng thống của quốc gia Trung Á này vào mùa thu năm ngoái. Ông cũng muốn đại tu hệ thống chính trị để trao cho mình những quyền lực mới.

    Các cử tri đã thông qua kế hoạch của ông Japarov trong việc làm suy yếu quốc hội – cơ quan định hình Kyrgyzstan như một quốc gia tự do hiếm hoi trong một khu vực độc tài – để nghiêng về chế độ tổng thống, thứ mà đất nước đã loại bỏ sau cuộc cách mạng năm 2010 nhằm đề phòng sự trở lại của các nhà độc tài. Nhưng người phản đối gọi các sửa đổi là cuộc thâu tóm quyền lực trơ trẽn ở một nước đã chứng kiến ba cuộc nổi dậy dân túy kể từ năm 2005. Khi tuyên thệ, ông Japarov có thể sẽ suy ngẫm về số phận của những người tiền nhiệm — hai người lưu vong, một người trong tù — như một lời nhắc nhở sâu sắc rằng, ở Kyrgyzstan lên nắm quyền thường dễ hơn giữ được quyền lực.

    Tình hình kinh doanh của các quỹ đầu tư quốc gia

    Hôm nay Norges Bank Investment Management (NBIM), tổ chức điều hành quỹ đầu tư quốc gia Na Uy, lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này, sẽ công bố kết quả kinh doanh trong năm 2020. Đại dịch năm ngoái khiến các quỹ đầu tư quốc gia trở nên bất thường. 26 chính phủ đã rút tổng cộng 162 tỷ đô la từ các quỹ đầu tư quốc gia nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang chao đảo. Bị ảnh hưởng bởi biến động và việc không thể sắp xếp các cuộc gặp trực tiếp, các quỹ này cũng đầu tư ít hơn một phần ba so với năm 2019.

    Nhưng các tài sản có thanh khoản cao như trái phiếu và cổ phiếu, hiện vẫn chiếm khoảng ba phần tư danh mục đầu tư của họ, đã tăng vọt kể từ tháng 4. Điều này giúp đẩy số tài sản do các quỹ đầu tư quốc gia quản lý lên mức kỷ lục 9,1 nghìn tỷ đô la vào tháng trước, từ 8,7 nghìn tỉ đô la hồi tháng 12 năm 2019. Một lý do khác là nhờ học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ, các quỹ đã trở thành những nhà đầu tư khôn ngoan hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 — mang lại cho họ khả năng miễn dịch trước biến động thị trường. Kết quả của NBIM sẽ cho thấy họ miễn dịch tới đâu.

    Dữ liệu GDP quý 4/2020 của Mỹ

    Vào mùa hè và mùa thu, khi nhiều nền kinh tế giàu có phục hồi sau làn sóng covid-19 đầu tiên, nước Mỹ đã tăng trưởng trở lại. GDP tăng 7,4% trong quý 3 và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, ước tính GDP quý 4 công bố hôm nay sẽ mang họ quay về mặt đất. Các nhà phân tích vẫn cho rằng nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng không nhanh như quý 3, khi các doanh nghiệp đóng cửa vào mùa xuân mở cửa lại.

    Cuối năm thường luôn chứng kiến số liệu kém cỏi hơn, nhưng đợt tăng số ca nhiễm covid-19 mới và hết hạn gói kích thích đầu tiên do Quốc hội thông qua đã làm trầm trọng thêm thiệt hại. Nhưng cũng có lý do để lạc quan. Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi một gói kích thích mới trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la, và nhiều khả năng sẽ có đủ vắc-xin covid-19 cho toàn bộ dân số trưởng thành của Mỹ vào cuối mùa hè. IMF, trong dự báo mới nhất của mình, dự đoán GDP tăng 5,1% trong năm 2021.

    Luật sư: Máy tính của bà Pelosi vẫn chưa thu hồi được dù đã lục nhà nghi phạm

    Luật sư đại diện cho một phụ nữ bị cáo buộc đã giúp đánh cắp máy tính xách tay của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết hôm thứ Ba (26/1), chiếc máy tính vẫn chưa tìm lại được.

    Một video xuất hiện cho thấy Riley June Williams, 22 tuổi, đang nói chuyện gần máy tính xách tay hiệu HP trong văn phòng của bà Pelosi vào ngày 6/1 đã được đưa vào đơn kiện hình sự chống lại cô.

    Nhưng các đặc vụ FBI đã lục soát nhà của Williams và không tìm thấy máy tính, luật sư của cô, AJ Kramer, nói với tòa án hôm thứ Ba.

    “Họ đã tìm kiếm khắp nơi và cô ấy không có máy tính”, ông nói với Thẩm phán Tòa án Zia M. Faruqui, tiểu bang Philadelphia, theo Inquirer đưa tin.

    Các công tố viên lưu ý trong phiên điều trần rằng Williams chỉ bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi trộm cắp chứ không phải tự mình đánh cắp máy tính. Video cho thấy bàn tay với tới chiếc máy tính không phải của Williams.

    Trợ lý Luật sư Mona Sedky nói với Faruqui rằng cuộc điều tra đang diễn ra.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào