Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 21 tháng 1 năm 2021
Một ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch, do cựu Thủ Tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng Thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, đã công bố đánh giá về sự khởi đầu khủng hoảng ở Trung Quốc, cho thấy lẽ ra có thể hành động nhanh chóng hơn để ngăn chặn đại dịch ngay từ đầu.
Báo cáo có viết: “Điều rõ ràng với ủy ban là các biện pháp y tế công cộng lẽ ra có thể được cơ quan y tế địa phương và quốc gia ở Trung Quốc áp dụng mạnh mẽ hơn vào tháng 01/2020”. Khi có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người, “tín hiệu đã bị bỏ qua ở quá nhiều quốc gia”.
Cụ thể, hội đồng đặt câu hỏi tại sao Ủy Ban Khẩn Cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) không họp trước tuần thứ ba của tháng 01/2020 và không ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu trước ngày 30/01/2020.
Báo cáo nêu: “Dù thuật ngữ đại dịch không được sử dụng cũng như không được định nghĩa trong Quy Dịnh Y Tế Quốc Tế (2005), việc sử dụng nó sẽ thu hút sự chú ý vào mức độ nghiêm trọng của một sự kiện y tế”, nhấn mạnh rằng phải đến ngày 11/03/2020, WHO mới sử dụng thuật ngữ “Pandemic” (Đại Dịch). Trích báo cáo: “Hệ thống cảnh cáo đại dịch toàn cầu không phù hợp với mục đích. WHO không đủ năng lực để thực hiện nghĩa vụ”
Tổng Thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc WHO “là con rối của Trung Quốc”, dù cơ quan đã thẳng thừng bác bỏ. Các nước Châu Âu do Pháp và Đức dẫn đầu đã thúc đẩy giải quyết những thiếu sót của WHO về tài trợ, điều hành và quyền hạn pháp lý.
Chỉ hơn một năm sau khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc, các chuyên gia thống nhất rằng con số chính thức gần 100 triệu ca nhiễm và hơn hai triệu ca tử vong là đánh giá chưa đầy đủ. Theo báo cáo của ủy ban, việc thống kê đã thiếu hụt ngay từ đầu.
Nhà lập pháp Florida đề xuất đổi tên một đường cao tốc để vinh danh Tổng thống Trump
Anthony Sabatini, một trong những nhà lập pháp tiểu bang Florida, tuyên bố ông đã đệ trình một bản cho dự luật giao thông sắp tới tại Hạ viện Florida để kêu gọi đổi tên Cao tốc Hoa Kỳ 27 thành Đại lộ Tổng thống Donald Trump.
Ông Sabatini nói trong một tweet: “Tôi mong chờ được tham gia nhiệm vụ đổi tên con đường quan trọng này để tôn vinh một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Có hai lý do ông Sabatini đệ trình sửa đổi tên Cao tốc Hoa Kỳ 27 là: Thứ nhất, Tổng thống Trump là người Florida đầu tiên nắm giữ cương vị tổng thống; và thứ hai, cần nâng cấp tên con đường cao tốc dài nhất tiểu bang, nối đài tưởng niệm quốc hội đến đài tưởng niệm tổng thống.
Trong một cuộc phỏng vấn với Orlando Sentinel vào hôm 20/1, ông Sabatini giải thích lý do tại sao ông lại đề xuất đổi tên Cao tốc 27. Ông nói: “Đó là một trong những đường cao tốc có tính lịch sử nhất và là một trong những đường cao tốc dài nhất đi qua gần như toàn tiểu bang. Tôi chỉ nghĩ rằng đó là một lựa chọn khá tốt".
Các nhà sử học và các nhà quan sát khách quan đều cùng đồng ý rằng Tổng thống Donald J. Trump là Tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ kể từ thời Abraham Lincoln.
Ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chưa từng có và nạn thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử, Tổng thống Donald Trump còn là tổng thống kỳ cựu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, là người mang lại hòa bình và gắn kết các dân tộc vùng Trung Đông, cũng như là vị Tổng thống duy nhất trong lịch sử không để Hoa Kỳ tham gia vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào.
Ấn Độ đổi tên quả ‘thanh long’ thành ‘hoa sen’
Reuters đưa tin, chính quyền bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, đã quyết định đổi tên quả thanh long, vì cho rằng cái tên nguyên gốc của loại trái cây này liên quan đến Trung Quốc.
Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang lâm vào bế tắc trong tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới Himalaya. New Delhi đã cấm các ứng dụng và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất như một động thái đáp trả việc 20 binh sĩ của họ thiệt mạng trong cuộc giao tranh với quân đội của Bắc Kinh hồi tháng 6.
“Chính quyền Gujarat đã quyết định… từ ‘dragon fruit’ [thanh long] là không phù hợp, và gắn với Trung Quốc. Hình dạng của trái cây này giống như một bông hoa sen, và do đó chúng tôi đặt tên cho loại quả này một cái tên mới theo tiếng Phạn là kamalam. Không liên quan đến chính trị”, ông Vijay Rupani, Thủ hiến Gujarat nói với giới báo chí Ấn Độ vào hôm thứ Ba (19/1).
Hoa sen, hoặc kamal trong tiếng Hindi, là biểu tượng đảng của ông Modi, Đảng Bharatiya Janata (BJP).
“Thanh Long” từ nay sẽ được gọi là kamalam ở bang quê nhà của thủ tướng Ấn Độ, theo ông Rupani, thành viên Đảng Bharatiya Janata.
Trước khi nghỉ, ông Trump ký lệnh bảo vệ người tị nạn Venezuela ở Mỹ
Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp giúp người tị nạn Venezuela trên đất Mỹ không bị trục xuất. Ông Trump đưa ra quyết định này để họ không phải quay lại chịu đựng điều kiện sống khắc nghiệt dưới chính thể Maduro, TheBL đưa tin.
“Chính phủ chuyên quyền của Nicolás Maduro đã liên tục vi phạm các quyền tự do của người dân Venezuela. Thông qua vũ lực và gian lận, chế độ của Maduro phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở Tây Bán cầu trong thời gian gần đây ”, lệnh hành pháp viết.
Trước tình hình ngày càng xấu đi ở Venezuela, lệnh hành pháp quy định rằng người tị nạn Venezuela có thể ở lại Mỹ trong thời gian 18 tháng.
Lệnh này chỉ áp dụng cho những người tị nạn Venezuela sống bất hợp pháp trên đất Hoa Kỳ kể từ ngày 20/1/2021. Lệnh này cũng không bao gồm những người đã không thường trú tại Hoa Kỳ kể từ ngày 20/1/2021, những người đã bị tòa án Mỹ kết án vi phạm một trọng tội hoặc hai tội nhẹ trở lên, và một số trường hợp khác.
Ông Biden ký một loạt sắc lệnh mới, đảo ngược chính sách của ông Trump
Ngay sau khi nhậm chức, ông Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh, nhằm đảo ngược một số ưu tiên hàng đầu của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo Breit Bart, sau khi vào Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã ký ba sắc lệnh đầu tiên, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang ở những cơ sở liên bang, yêu cầu hỗ trợ cho các cộng đồng thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ y tế để đảm bảo bình đẳng chủng tộc và một sắc lệnh đưa nước Mỹ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris.
“Tôi nghĩ không có thời gian để lãng phí với tình hình ngày nay của đất nước,” ông Biden nói và lưu ý rằng ông muốn “bắt tay vào công việc ngay lập tức”.
Một sắc lệnh khác chấm dứt việc ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới, chấm dứt tài trợ cho việc xây tường biên giới và ra lệnh tạm dừng xây dựng trong vòng 7 ngày.
Ông cũng ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp “duy trì và củng cố” lệnh ân xá DACA, vốn trì hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ.
Các sắc lệnh tiếp bao gồm thu hồi lệnh cấm người chuyển giới nhập ngũ, đảo ngược chính sách ngăn Mỹ tài trợ cho các chương trình ở nước ngoài liên quan đến phá thai và thu hồi cấp phép hoạt động cho hệ thống đường ống dẫn dầu Keystone XL.
Ông Biden cũng dỡ bỏ các hạn chế của ông Trump đối với việc đi lại từ các nước đạo Hồi là Syria, Iran, Iraq, Sudan, Libya, Somalia, Yemen, Eritrea, Nigeria, Myanmar, Kyrgyzstan và Tanzania.
Trung Quốc khuyên nhủ ông Biden ngay trong ngày nhậm chức
Người phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra lời khuyên bảo cho Tổng thống Joe Biden vào ngày nhậm chức của ông, kêu gọi một cách tiếp cận cân bằng hơn đối với quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, theo Newsmax.
Khi ông Biden chuẩn bị kế nhiệm Tổng thống Donald Trump, người áp dụng quan điểm đặc biệt cứng rắn chống lại ĐCSTQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra mong muốn của Bắc Kinh đối với chính quyền mới.
“Chúng tôi hy vọng chính quyền mới có thể gặp Trung Quốc ở điểm giữa con đường, xử lý đúng đắn những khác biệt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tiến hành hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực rộng lớn hơn”, bà Hoa nói. “Đây là kỳ vọng của cả hai dân tộc và toàn thế giới”.
Bà cũng kêu gọi tổng thống thứ 46 “phục vụ mong muốn của người dân, nhìn nhận Trung Quốc dưới ánh sáng hợp lý và khách quan”, bà Hoa nói, mục tiêu phải là “đưa quan hệ Trung – Mỹ trở lại đường phát triển lành mạnh và ổn định càng sớm càng tốt”.
Trong những tuần cuối cùng tại vị, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã liên tiếp lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ, ban hành các biện pháp trừng phạt và coi việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc là “tội ác diệt chủng”.
Bà Hoa bác bỏ lập trường này và kêu gọi chính quyền mới không đi theo các bước của người tiền nhiệm.
TT Biden chỉ định người gốc Việt làm quyền bộ trưởng Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh
Ông Dat Tran hiện là phó trợ lý bộ trưởng cao cấp đặc trách Văn phòng Tích hợp Tổ chức thuộc Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ.
Tổng thống Joe Biden ngày thứ Tư chỉ định một người gốc Việt tạm thời làm bộ trưởng Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ, một trong số hàng loạt các công chức chuyên nghiệp đang giúp cho quá trình chuyển tiếp của chính quyền Biden ngay sau khi ông nhậm chức.
Ông Dat Tran, phó trợ lý bộ trưởng cao cấp đặc trách Văn phòng Tích hợp Tổ chức, sẽ nắm quyền lãnh đạo bộ này cho tới khi Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận người được ông Biden lựa chọn, Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo loan báo một loạt các quan chức tạm quyền tại các cơ quan chính phủ liên bang.
“Các công chức này, giống như rất nhiều công chức trong chính phủ liên bang, tận tâm phục vụ người dân Mỹ chứ không phải một đảng phái chính trị hay chủ trương nào,” ông Biden được dẫn lời nói trong thông cáo. “Kinh nghiệm của họ trong chính phủ và cam kết phục vụ công chúng sẽ cho phép chính quyền này nắm quyền trong khi chúng tôi chuẩn bị kiểm soát đại dịch và vực dậy nền kinh tế của chúng ta.”
Trong vai trò phó trợ lý bộ trưởng cao cấp, ông Dat Tran cố vấn các nhà lãnh đạo cao cấp của Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh về hoạch định chiến lược; quản lý hiệu suất; quản lý rủi ro; cải tiến hiệu suất; nghiên cứu chính sách; phân tích dữ liệu; chuyển đổi, và đổi mới, theo phần giới thiệu đăng trên website của bộ.
Mời đại diện Đài Loan dự lễ nhậm chức, chính quyền Biden thách thức Bắc Kinh
Quan hệ Mỹ-Đài Loan thời tân tổng thống Joe Biden không thể có một khởi đầu thuận lợi hơn thế. Trong một sự kiện chắc chắn làm cho Trung Quốc nổi giận, ngày 20/01/2021, lần đầu tiên đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ đã đến dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden với một lời mời chính thức.
Theo hãng tin Anh Reuters, bà Tiêu Mĩ Cầm (Hsiao Bi Khim), người được xem là đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ đã đến dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Joe Biden. Trên mạng Twitter, nhân vật thân cận với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn này cho biết bà rất vinh dự khi có mặt ở lễ nhậm chức để đại diện cho chính phủ và nhân dân Đài Loan.
Bà Emily Horne, phát ngôn viên của tân Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, xác nhận rằng cam kết ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan luôn “vững như bàn thạch” và “tổng thống Biden sẽ sát cánh cùng bạn bè và đồng minh để phát huy thịnh vượng, an ninh và các giá trị chung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương - bao gồm cả Đài Loan”.
Hướng đi của Tổng thống Biden sau khi nhậm chức
Nhiều tổng thống nhậm chức với một cuộc khủng hoảng. Joe Biden thì đối diện một loạt khủng hoảng. Đại dịch đã giết chết 400.000 người Mỹ; nó cũng đã tàn phá nền kinh tế; vết thương chủng tộc để lâu mưng mủ đã mở lại; và mối thù đảng phái sâu sắc làm tổn hại niềm tin vào nền dân chủ. Ông Biden có vẻ rất phù hợp cho nhiệm vụ khó khăn này. Ông không phải một chiến binh văn hóa mà là một chính khách lớn tuổi có xu hướng hòa giải. Ông bắt đầu nhiệm kỳ với một loạt các sắc lệnh hành pháp được thiết kế để đảo ngược một số thiệt hại dưới thời Trump.
Thay đổi lâu dài hơn cần phải thông qua các luật. Với việc đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội một cách sít sao, quy mô các thay đổi sẽ khiến nhiều người cánh tả thất vọng. Nhưng ông Biden sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự kiểu Chính sách Kinh tế Mới (New Deal) với các ý tưởng kinh tế dân túy. Để thông qua chương trình đòi hỏi kỉ luật chặt chẽ trong đảng của ông, hoặc kỹ năng lão luyện để giành chiến thắng trước phe Cộng hòa, hoặc thành thạo nghệ thuật hòa giải, hoặc một cơ chế thủ tục không bị ngăn cản bởi filibuster. Với sự chia rẽ của nước Mỹ, ông cũng nên tiến hành một kiểu hòa giải rộng lớn hơn.
EU họp bàn đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin
Các lãnh đạo EU sẽ họp online vào hôm nay để thảo luận về tiêm ngừa covid-19 khi ngày càng có nhiều chỉ trích đối với tiến độ chậm trễ của châu Âu. Các thành viên của khối tụt hậu so với hầu hết các nước giàu, với chỉ 1,4% công dân EU được tiêm một liều cho đến nay. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đang dẫn đầu lời kêu gọi Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, đơn vị quản lý thuốc của EU, nhanh chóng phê duyệt vắc xin Oxford-AstraZeneca.
Với nguồn cung vắc-xin Pfizer-BioNTech dự kiến chậm lại trong những tuần tới, cấp phép cho vắc-xin đến từ Anh sẽ giúp các chính phủ EU đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người lớn vào cuối mùa hè. Cũng trong chương trình nghị sự là ý tưởng về một chứng chỉ vắc-xin chung để cho phép các nước giảm bớt các hạn chế biên giới. Hy Lạp và các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch đang rất muốn mở lại biên giới của họ trong mùa hè. Tuy nhiên, Pháp cảnh giác với bất kỳ kế hoạch nào được cho là buộc mọi người tiêm vắc-xin.
Intel tìm cách thay đổi khi bị cạnh tranh quyết liệt
Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, cuối ngày hôm nay sẽ báo cáo kết quả kinh doanh. Ngành công nghiệp chip đã bùng nổ trong đại dịch coronavirus, khi công việc chuyển sang trực tuyến và người tiêu dùng trong phong tỏa mua nhiều thiết bị điện tử hơn. Nhưng cổ phiếu Intel lại bị tụt phía sau. Một số khách hàng lớn của công ty Mỹ đang trở thành đối thủ cạnh tranh, khi họ tự thiết kế chip của riêng mình. Họ cũng đang đánh mất thị phần vào tay AMD, một đối thủ nhỏ hơn.
Các nhà máy của Intel, trong nhiều thập kỷ là nhà máy phức tạp nhất thế giới, giờ đã bị bỏ lại phía sau bởi nhà máy của các công ty châu Á như TSMC và Samsung. Daniel Loeb, một nhà đầu tư chủ động, rất mong Intel thực hiện bước đi lịch sử là tách riêng hoàn toàn mảng sản xuất. Vào ngày 13 tháng 1, Intel thông báo Bob Swan, giám đốc hiện tại, sẽ bị thay thế bởi Pat Gelsinger, một nhân viên lâu năm của công ty hiện đang điều hành hãng điện toán đám mây VMWare. Ông Gelsinger sẽ bắt đầu công việc của mình từ tháng 2. Ông sẽ rất bận rộn.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ họp xem xét lãi suất
Trong vòng chưa đầy ba tháng trên cương vị người đứng đầu ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Naci Agbal đã chủ trì hai đợt tăng lãi suất vốn được mong chờ từ lâu tổng cộng 6,75 điểm phần trăm. Kỉ lục đó có thể kết thúc vào cuối ngày hôm nay khi ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng họp thiết lập lãi suất. Đồng tiền này đã mất gần một phần ba giá trị so với đồng đô la Mỹ trong mười tháng đầu năm ngoái, trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan loại bỏ bộ trưởng kinh tế tiền nhiệm và chủ tịch ngân hàng trung ương, gây ra một số ồn ào về tính độc lập của ngân hàng trung ương và cho phép ông Agbal tăng lãi suất.
Điều đó giúp đồng lira tăng phần nào. Nhưng bất chấp lạm phát cao, ở mức 14,6%, ông Erdogan gần đây đã tiếp tục những lời kêu gọi định kỳ của mình về chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, đánh động các nhà đầu tư nước ngoài và gây ra một đợt bán tháo đồng lira ngắn hạn. Hầu hết các nhà phân tích hiện kỳ vọng ngân hàng sẽ giữ lãi suất ổn định. Đợt tăng giá gần đây của đồng lira có thể bị đe dọa.
Tổng chưởng lý New York kiện Hiệp hội Súng trường Quốc gia
Hôm nay, Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), nhóm vận động hành lang ủng hộ súng lớn nhất nước Mỹ, sẽ yêu cầu tòa án Manhattan bảo vệ họ khỏi một vụ kiện từ Tổng chưởng lý bang New York, Letitia James. Năm ngoái, bà James, người có thể kiện NRA vì nó là tổ chức phi lợi nhuận đăng ký tại tiểu bang của bà, cáo buộc tổ chức gian lận tài chính và các hành vi sai trái, rằng các giám đốc điều hành đã sử dụng tiền tài trợ để đi du lịch cá nhân bằng máy bay riêng, thực hiện các chuyến mua sắm xa hoa, và tặng quà.
NRA yêu cầu bác bỏ hoặc hoãn vụ kiện, tuyên bố nó có động cơ chính trị. Và vào ngày 15 tháng 1, tổ chức này đã nộp đơn xin phá sản và tái thành lập pháp nhân mới ở Texas. Động thái này là một nỗ lực nhằm cản trở vụ kiện của bà James. Tuy nhiên, không rõ nó có mang lại nhiều sự bảo vệ pháp lý, hay các tòa án ở Texas có thân thiện với NRA hơn hay không. Còn bà James được cho là sẽ chiến đấu với họ đến cùng.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào