Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 1 năm 2021

    Giám đốc tình báo Mỹ chính thức kết luận: Trung Quốc ‘gây ảnh hưởng’ đến cuộc bầu cử 2020
    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 1 năm 2021

    Ban quản lý CIA đã gây sức ép để các nhà phân tích rút lại đánh giá có ý nghĩa lớn này.

    Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) John Ratcliffe đã chính thức đưa ra đánh giá rằng Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang năm 2020, theo một bức thư được trình lên Quốc hội.

    Trong bức thư (pdf), ông Ratcliffe cáo buộc rằng thông tin tình báo về hoạt động can thiệp bầu cử của Trung Quốc đã bị ban quản lý tại CIA kìm hãm. Họ đã gây áp lực buộc các nhà phân tích rút lại sự ủng hộ đối với quan điểm này.

    Trích dẫn một báo cáo của Thanh tra phân tích cộng đồng tình báo Barry Zulauf, giám đốc tình báo quốc gia cho biết một số nhà phân tích miễn cưỡng mô tả hành động của Trung Quốc là can thiệp bầu cử vì họ không đồng tình với các chính sách của Tổng thống Donald Trump.

    Tờ Washington Examiner đã công bố bức thư của ông Ratcliffe và báo cáo của viên thanh tra vào ngày 17/1, mười ngày sau khi xuất bản một báo cáo ban đầu về các tài liệu.

    Trong bức thư, ông Ratcliffe viết: “Dựa trên tất cả các nguồn thông tin tình báo sẵn có, với các định nghĩa được áp dụng nhất quán và không phụ thuộc vào các cân nhắc chính trị hoặc áp lực quá mức – [tôi nhận thấy] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử liên bang Hoa Kỳ năm 2020″.

    Báo cáo của ông Zulauf, thanh tra phân tích cộng đồng tình báo, đã được gửi tới Quốc hội vào ngày 7/1 cùng với đánh giá của cộng đồng tình báo về sự can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Trong báo cáo (pdf), ông Zulauf nói rằng các nhà phân tích về Nga và Trung Quốc đã áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho báo cáo của họ về vấn đề can thiệp bầu cử. Trong khi cho rằng hoạt động của Nga là can thiệp bầu cử rõ ràng, các nhà phân tích vẫn miễn cưỡng làm điều tương tự đối với Trung Quốc.

    Ông Alan Dershowitz: Hạ viện đã phạm phải sáu vi phạm hiến pháp trong khi luận tội

    Ông Alan Dershowitz–Giáo sư luật danh dự tại Đại học Harvard–cho rằng Hạ viện đã vi phạm sáu điểm khác nhau của Hiến pháp khi luận tội Tổng thống Donald Trump.

    Trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax, ông Dershowitz nói: “Họ đã vi phạm quy định về quyền tự do ngôn luận. Họ đã vi phạm các tiêu chuẩn luận tội. Họ đã vi phạm dự luật về tước quyền công dân và tịch thu tài sản. Họ đã vi phạm quy trình tố tụng hợp lý, liên tục và liên tiếp hết điều này đến điều khác như vậy.”

    “Làm thế nào mà quý vị có thể luận tội một tổng thống cho một bài phát biểu được bảo vệ theo Hiến pháp?” ông ấy nói.
     

    Chuyên gia luật này cũng cho rằng Quốc hội không đứng trên luật pháp, nhưng trớ trêu thay, họ có quyền được bảo vệ khỏi tội lỗi cho những gì họ làm trên sàn Thượng viện.

    Ông Dershowitz nói với người dẫn chương trình Carl Higbie: “Nhưng hình phạt duy nhất là bỏ phiếu bãi nhiệm họ và đưa họ ra xét xử trước tòa án công luận. Các thượng nghị sỹ và dân biểu được miễn trừ khỏi kiện tụng về những gì họ làm hoặc nói trên sàn của Thượng viện, vì vậy không thể có bất kỳ vụ kiện cá nhân nào.”

    “Hiến pháp rất rõ ràng, mục đích của việc luận tội là phế truất [tổng thống],” ông nói. “Thượng viện không thể xét xử một công dân bình thường được.”

    Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 232–197 cho một điều khoản luận tội để luận tội Tổng thống Trump hôm thứ Tư (13/01) vì “kích động nổi dậy.” Đảng Dân chủ và 10 đảng viên Đảng Cộng Hòa khác cho rằng Tổng thống Trump đã kích động vụ đột nhập Điện Capitol hôm 06/01.

    Ant Group bị ĐCSTQ thâu tóm, Jack Ma hối hận vì đã không rời Trung Quốc sớm hơn


    Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba đã không xuất hiện trước công chúng đến nay đã hơn hai tháng. Ngoại giới suy đoán rằng Jack Ma đã “trốn ra nước ngoài” hoặc bị nhốt trong “căn phòng tối”. Ngày 15/1, Ngân hàng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết Tập đoàn Ant Group đã thành lập tổ công tác chấn chỉnh dưới sự chỉ đạo của bộ phận quản lý tài chính. Truyền thông Anh Wired UK dẫn lời một nguồn thạo tin tiết lộ rằng, Jack Ma hiện đang “tránh sóng gió” ở Hàng Châu, và vì không muốn trở thành tâm điểm của công chúng nên ông đã không lộ diện công khai, theo Vision Times.

    Các cơ quan quản lý của Trung Quốc gần đây đã tập trung vào việc chấn chỉnh lĩnh vực tài chính online. Theo báo cáo của các kênh truyền thông Trung Quốc ngày 16/1, trong cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 15/1/2021, ông Trần Vũ Lộ (Chen Yulu), Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ, tiết lộ rằng dưới sự hướng dẫn của bộ phận quản lý tài chính, Ant Group đã thành lập tổ công tác chấn chỉnh.

    Ant Group hiện đang đẩy mạnh xây dựng thời gian biểu để chỉnh đốn và cải cách, đồng thời duy trì tính liên tục và các hoạt động kinh doanh bình thường của tập đoàn, đảm bảo chất lượng của các dịch vụ tài chính cho công chúng.

    Thủ lĩnh đối lập Nga bị bắt ngay sau khi về nước


    Cảnh sát Nga hôm 17/1 đã bắt thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny tại nơi kiểm soát hộ chiếu sau khi ông từ Đức bay về nước, Reuters đưa tin.

    Đây là lần đầu tiên ông Navalny về Nga sau khi ông bị đầu độc mùa hè năm ngoái.

    Chiếc máy bay chở người từng nhiều lần chỉ trích điện Kremlin này đã bị chuyển hướng sang một sân bay khác của Moscow vào phút chót trong một động thái của chính quyền mà Reuters nói là một nỗ lực ngăn cản các phóng viên và người ủng hộ chờ đón ông.

    Hãng tin này dẫn lời các nhân chứng nói rằng ông Navalny bị bắt khi ông đưa hộ chiếu cho nhân viên hải quan trước khi chính thức nhập cảnh vào Nga.

    Tin cho hay, vợ, luật sư và nữ phát ngôn viên của ông được cho phép vào Nga.

    Việt Nam ‘hoan nghênh kết luận’ của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ


    Việt Nam hôm 16/1 lên tiếng “hoan nghênh kết luận” của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), đồng thời cho rằng quyết định này “có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương”.

    Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 15/1 cho rằng hành động định giá thấp tiền tệ của Việt Nam là điều “không thỏa đáng”, nhưng không đưa ra ngay hành động áp thuế tức thời, theo Reuters.

    Cổng thông tin chính phủ của Việt Nam hôm 16/1 nói rằng kết luận của USTR “hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”.​

    Bộ Công thương, cơ quan đầu mối của Việt Nam nhằm xử lý cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, được trích lời nói rằng quyết định của USTR “có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước”.

    Trong thông cáo của USTR, người đứng đầu cơ quan này, ông Robert Lighthizer, nói rằng các hành động và chính sách “thiếu công bằng” về việc định giá thấp tiền tệ “gây tổn hại tới các doanh nghiệp và công nhân Mỹ” và “cần phải được xử lý”.

    Ông Lighthizer cũng bày tỏ “hy vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra cách thức xử lý các quan ngại” của phía Mỹ.

    Guatemalan trấn áp đoàn di dân tới Mỹ

    Lực lượng an ninh Guatemalan hôm Chủ nhật (17/1) đã sử dụng gậy gộc và hơi cay để trấn áp một đoàn bộ hành với hàng nghìn người đang hướng đến Mỹ. Sự việc diễn ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Biden, theo Reuters.

    Các nhà chức trách cho biết, có khoảng 7.000 đến 8.000 người di cư đã vào Guatemala kể từ hôm thứ Sáu với mục đích tiếp nối hành trình tới biên giới Hoa Kỳ.

    “Thông điệp của Guatemala rất to và rõ: Những loại phong trào quần chúng bất hợp pháp này của người dân sẽ không được chấp nhận, đó là lý do tại sao chúng tôi đang cùng hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết vấn đề này như một vấn đề của khu vực”, hãng tin Reuters trích email của văn phòng Tổng thống Guatemalan cho biết.

    Một phần lớn đoàn bộ hành đã đụng độ vào đầu ngày Chủ nhật với các nhân viên an ninh của Guatemalan, khoảng 3.000 người trong số họ đã tập trung tại làng Vado Hondo, cách biên giới Honduras và El Salvador khoảng 55 km.

    Về phía Mexico, giới chức nước này đang chuẩn bị ngăn chặn đoàn di dân ở biên giới phía nam, đồng thời cho biết rằng họ cũng phải đề phòng sự lây lan của virus Vũ Hán.

    Người thừa kế tập đoàn Samsung bị kết án tù vì tội hối lộ

    Ngày 18/1, Tòa án cấp cao Seoul (Hàn Quốc) đã kết án người thừa kế Samsung Lee Jae Yong 2 năm rưỡi tù giam trong phiên xét xử lại vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun Hye, Yonhap đưa tin.

    Tòa án cấp cao Seoul đã tuyên án tù ông Lee Jae Yong, phó chủ tịch tập đoàn Samsung vì tội hối lộ bà Park và bà Choi Soon Sil, người bạn thân lâu năm của bà Park, để giành được sự ủng hộ của chính phủ trong việc kế vị và đảm bảo quyền kiểm soát Samsung. Bà Park sau đó đã bị luận tội và cách chức tổng thống vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

    Ông Lee, 52 tuổi, bị buộc tội vào tháng 2/2017 vì đã đưa hối lộ 29,8 tỷ won (27,4 triệu USD) và còn hứa sẽ đưa nhiều hơn nữa.

    Năm 2017, ông Lee bị kết án 5 năm tù vì đã cung cấp tổng cộng 8,9 tỷ won (8,1 triệu USD) để hỗ trợ cho việc tập luyện cưỡi ngựa của con gái bà Choi và quyên góp cho một quỹ thể thao do gia đình bà Choi điều hành. Nhưng ông Lee đã được trả tự do vào năm 2018, sau khi một tòa phúc thẩm giảm án xuống còn 2 năm rưỡi tù treo, dựa trên số tiền hối lộ đã sửa đổi là 3,6 tỷ won.

    7 tàu dầu Iran bị tấn công trên đường tới Syria - Trung Đông dậy sóng


    Thủ tướng Syria Hussein Arnous vừa tuyên bố cho biết có 7 tàu dầu Iran đã bị tấn công và truy kích trên đường tới Syria.

    Theo Thủ tướng Arnous, 2 trong số 7 tàu dầu đã bị tấn công trên biển Đỏ, dẫn tới việc chúng bị chậm chễ trên đường tới đích hơn 1 tháng và kết quả là khiến nhà máy lọc dầu Banias đã phải dừng sản xuất và gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về các sản phẩm phái sinh từ dầu mỏ ở Syria".

    Ông Arnous không tiết lộ kẻ nào phải chịu trách nhiệm về những vụ "tấn công khủng bố" khiến khiến 2 tàu dầu bị chậm chễ, tuy nhiên ông cho biết 5 con tàu dầu khác đã bị tấn công trong những tháng gần đây, gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng ở Syria.

    Reuters dẫn lời Thủ tướng cho biết, Syria không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhập khẩu thêm dầu thô để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhiên liệu, điều mà ông cáo buộc là do những lệnh cấm vận mà liên quân do Mỹ dẫn đầu áp đặt lên Syria.

    "Chúng tôi trở nên độc lập trong việc nhập khẩu dầu mỏ và chúng tôi đã sử dụng một lượng lớn ngoại tệ để thanh toán cho các lô hàng nhiên liệu mua từ nước ngoài", ông Arnous phát biểu trong một cuộc họp của Quốc hội.

    Israel lại không kích Dải Gaza

    Ngày 18/1, quân đội Israel thông báo các máy bay chiến đấu Israel đã oanh kích các cơ sở của phong trào Hamas tại Dải Gaza để đáp trả vụ tấn công trước đó từ phía Palestine.

    Theo thông báo của quân đội Israel, có 2 quả rocket được bắn từ Dải Gaza vào vùng biển gần thành phố Ashdod, miền Nam Israel. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại bên phía Israel, song các nguồn tin quân sự khẳng định rocket đã rơi xuống biển Địa Trung Hải và chưa có nhóm nào nhận đứng sau vụ tấn công này.

    Quân đội Israel nhấn mạnh để đáp trả vụ tấn công trên, các máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công các mục tiêu quân sự thuộc phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, bao gồm cả các khu vực có đường hầm đang được đào.

    Trong khi đó, các nguồn tin Palestine tại Gaza xác nhận Israel đã bắn trúng khu vực nông nghiệp tại Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza, song không gây thiệt hại về người.

    Tuần trước, xe tăng của Israel đã tấn công căn cứ quân sự của phong trào Hamas tại Dải Gaza, sau khi một xe quân sự bên phía Gaza nã đạn vào Israel.

    Chính quyền của ông Biden bí mật tiếp xúc các quan chức Iran

    Theo Sputnik, một số quan chức thuộc chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã bắt đầu các cuộc tiếp xúc với Iran về việc Washington có thể trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy vài ngày nữa là đến lễ nhậm chức của ông.

    Kênh truyền hình Channel 12 của Israel ngày 16/1 đưa tin các quan chức Mỹ cũng đã thông tin cho Tel Aviv về vấn đề này.

    Mặc dù chi tiết nội dung được thảo luận trong các cuộc tiếp xúc hiện chưa được tiết lộ, song phía Israel tỏ ra quan tâm tới một thỏa thuận hạt nhân dài hạn và được cải thiện, trong đó bao gồm các điều khoản hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và các hoạt động liên quan đến khủng bố.

    Theo các thông tin trước đó, đại diện từ các quốc gia Arab và Israel đã đề xuất Tổng thống đắc cử Biden cho họ tham gia các cuộc đàm phán tương lai liên quan đến thỏa thuận hạt nhân JCPOA.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào