Header Ads

  • Breaking News

    Huỳnh Minh Triết - Học giả Mỹ: Cần nới rộng phạm vi áp dụng của Tu chính án thứ Nhất trong thời mạng xã hội


    Minh họa: Justin Klanke/ New York Times.

    Luật Khoa giới thiệu quan điểm của David L. Hudson, Jr. – một học giả chuyên nghiên cứu, bình luận và giảng dạy về Tu chính án thứ Nhất. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nhân quyền của Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ (americanbar.org).


    Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ giới hạn các chủ thể nhà nước, bao gồm cấp liên bang, tiểu bang và địa phương. Nhưng ngày nay, có nhiều lý do để thay đổi điều này.

    Một số thực thể tư nhân đầy quyền lực, cụ thể là các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter, có khả năng hạn chế, kiểm soát và kiểm duyệt ngôn luận ở mức tương đương, thậm chí cao hơn cả các cơ quan công quyền. Một xã hội quan tâm đến bảo vệ tự do ngôn luận phải nhận ra rằng đã đến lúc mở rộng phạm vi chế tài của Tu chính án thứ Nhất lên các thực thể tư nhân quyền lực này. Các mạng xã hội mà họ tạo nên đã mở đầu một cuộc cách mạng về năng lực truyền thông. 

    Mặc dù bài viết này chỉ tập trung vào các mạng xã hội, chúng ta thấy rằng sự phân biệt các thực thể nhà nước/ tư nhân và các quan điểm điều chỉnh hành vi của nhà nước có ảnh hưởng vượt ra ngoài không gian số. 

    Phản ứng của Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ (NFL) đối với việc Colin Kaepernick và các cầu thủ khác quỳ một chân trong khi nghe Quốc ca Mỹ là một ví dụ về việc các hãng tư nhân hành động mà không bị kiểm soát bởi Tu chính án thứ Nhất.

    Bản chất của việc Kaepernick quỳ để phản đối nội dung phân biệt chủng tộc trong quốc ca rõ ràng đã đánh động công luận. Việc NFL chỉ trích Kaepernick và sau đó cấm cầu thủ quỳ khi nghe quốc ca làm dấy lên yêu cầu phải đánh giá lại phạm vi áp dụng của Tu chính án thứ Nhất, cũng như tầm quan trọng của tự do ngôn luận. 

     

    Colin Kaepernick (chính giữa) và các cầu thủ quỳ gối khi nghe Quốc ca Mỹ trong một trận đấu năm 2016. NFL sau đó cấm việc này, nhưng vì bị công luận phản đối nên đã xin lỗi và hủy bỏ quyết định. Ảnh: Getty Images.

    Nói về tự do ngôn luận, hai lý lẽ để người Mỹ bảo vệ mãnh liệt quyền tự do biểu đạt được ghi trong Tu chính án thứ Nhất bao gồm: thị trường ý tưởng (marketplace of ideas) và nhu cầu hoàn thiện bản thân (individual self-fulfillment). Các lý lẽ này không đòi hỏi sự có mặt của nhà nước. Các chủ thể tư nhân có khả năng xâm phạm tự do ngôn luận ngang bằng với chủ thể công.

    Lý lẽ đầu tiên, thị trường của ý tưởng, là ẩn dụ phổ biến trong Tu chính án thứ Nhất. Ý này được hiểu là chính phủ không nên bóp méo hay kiểm soát nội dung trong không gian thảo luận ý tưởng của người dân. Tốt nhất cứ để người dân bày tỏ và tôn trọng các ý tưởng và quan điểm khác nhau. Nguyên tắc này đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử Mỹ, từ thời John Milton viết tác phẩm Areopagitica về tự do ngôn luận (1644). Ông viết: “Hãy để Sự thật và Giả dối vật lộn với nhau. Có khi nào Sự thật lại thua trong một cuộc đối đầu công khai và tự do?”

    Lý lẽ thứ hai về nhu cầu hoàn thiện bản thân thường được hiểu theo lý thuyết về tự do (liberty). Theo quan điểm này, con người có nhu cầu và khao khát được bộc lộ bản thân để đạt đến mức độ phát triển hoàn thiện. Việc kiểm duyệt ngăn cản sự phát triển cá nhân và khả năng tiến hóa của con người. 

    Lập luận đặt ra là khi các công ty tư nhân như Facebook tiến hành kiểm duyệt, các cá nhân không được tham gia vào thị trường ý tưởng và không được trao quyền tự do hoàn thiện bản thân. Điều này không khác gì với việc kiểm duyệt của các cơ quan nhà nước cả.

    Đúng là nguyên tắc trước nay của Tu chính án thứ Nhất hạn chế việc áp dụng điều luật này đối với các chủ thể tư nhân. Đầu năm 2018, một tòa án quận liên bang ở Texas đã áp dụng nguyên tắc này để bác đơn kiện của một cá nhân chống lại Facebook. Tòa giải thích rằng “Tu chính án thứ Nhất chỉ được áp dụng khi chính quyền hạn chế ngôn luận”.

    Nhìn chung, trong suốt 140 năm, Tối cao Pháp viện Mỹ luôn lý giải rằng Hiến pháp và các quyền hiến định chỉ dùng để hạn chế các nhân tố nhà nước (ngoại trừ Tu chính án 13 có nội dung cấm chế độ nô lệ). Do đó, các diễn giải pháp lý truyền thống nói chung đều cho rằng các chủ thể tư nhân không bị Hiến pháp điều chỉnh. Đây chính là định nghĩa của “học thuyết điều chỉnh hành vi của nhà nước” (state action doctrine). Mục đích của nguyên tắc này là tạo ra một vùng bảo đảm quyền riêng tư và bảo vệ người dân khỏi sự can thiệp quá mức của chính quyền.

    Tối cao Pháp viện đã hình thành học thuyết điều chỉnh hành vi của nhà nước trong vụ kiện về Quyền dân sự năm 1883 (Civil Rights Cases of 1883). Vụ này bao gồm năm vụ kiện tương đồng nhau, trong đó bên nguyên là những người da đen, kiện các chủ kinh doanh dịch vụ công (như rạp hát, khách sạn, công viên giải trí và tàu hỏa) vì đã từ chối phục vụ họ chỉ vì lý do sắc tộc. Bên nguyên tranh luận rằng các hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Điều khoản bảo vệ Công bằng trong Tu chính án thứ 14.

    Biển báo phòng chờ dành riêng cho người da màu tại trạm xe buýt Durham, bang North Carolina năm 1940. Ảnh: Library of Congress.

    Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện trả lời họ khá thờ ơ: “Chỉ những hành động cụ thể của các chủ thể nhà nước là bị cấm. Việc một người xâm phạm quyền cá nhân của người khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Tu chính án thứ 14.”

    Tối Cao Pháp Viện vì thế nói rằng không có tu chính án nào trong Hiến pháp phù hợp để bảo vệ các nguyên đơn, và bảo họ tìm kiếm sự bảo vệ ở hệ thống luật của bang. Đáng buồn là vào lúc đó, cũng chẳng có bất kỳ điều luật nào trong hệ thống thông luật của bang bảo vệ họ.

    Duy chỉ có Thẩm phán Tòa tối cao John Marshall Harlan I, người được gọi là Ngài Phản đối Vĩ đại (Great Dissenter), đã một mình phản bác ý kiến của đa số trong vụ Plessy kiện Ferguson (1896). Ông cho rằng các đồng nghiệp của mình đang cho phép chính phủ thoải mái phân biệt đối xử với một người dựa trên chủng tộc trong vấn đề sử dụng các cơ sở công cộng. 

    Ông viết: “Hành vi phân biệt đối xử đến từ các công ty và cá nhân trong khi thực hiện chức năng công cộng (public) hoặc bán công cộng (quasi-public) chính là một dấu hiệu của chủ nghĩa nô dịch”. Theo Thẩm phán Harlan I, đó là những hành vi mà Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh, thông qua Tu chính án 13 và 14.

    Nhưng vào năm 2018, mạng Internet đã đẩy phạm vi và mức độ sử dụng ngôn luận vượt ra ngoài khuôn khổ của các không gian công luận truyền thống, như trên phố hoặc ngoài công viên. Hiện nay, chúng ta giao tiếp với nhau qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter nhiều hơn bất cứ các kênh offline nào. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng đã công nhận thực tế này trong phán quyết vụ Packingham kiện bang North Carolina (2017):

    “Trong quá khứ, có thể khó xác định đâu là không gian trao đổi quan điểm quan trọng nhất. Ngày nay, câu trả lời đã rõ ràng: đó là không gian số. Nói rộng ra, đó ‘là các diễn đàn dân chủ vô biên của Internet’ nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng”.

    Trong phần trình bày quan điểm của mình về vụ kiện, thẩm phán Anthony Kennedy nói rõ hơn. Theo ông, sự bùng nổ của mạng xã hội đã góp phần tạo ra “một cuộc cách mạng mang tầm vóc lịch sử”. Nói cách khác, các mạng xã hội trong thời hiện đại đã trở thành một không gian tương đương với các diễn đàn công luận truyền thống như trong công viên hay ngoài đường phố.

    Thẩm phán Kennedy đưa ra phán quyết trong vụ Packingham v. North Carolina (2017). Ảnh: Scotusblog.com.

    Sự phát triển của xã hội và sự thay đổi trong các phương tiện truyền thông dẫn đến nhu cầu phải thay đổi nguyên tắc rằng Tu chính án thứ Nhất chỉ chế tài các nhân tố nhà nước, nếu không muốn thấy cảnh điều luật này trở nên vô ích. Đã đến lúc chúng ta thừa nhận phạm vi áp dụng của Tu chính án thứ Nhất phải được mở rộng.

    Đây không phải là một lập luận mới mẻ gì. Rất nhiều người khác đã vận động cho cách tiếp cận này. Nhiều học giả trong ngành luật nhìn nhận rằng khi một chủ thể tư nhân có quyền kiểm soát truyền thông và diễn đàn mạng, thì họ có vai trò tương đồng với một nhân tố chính phủ.

    Chẳng hạn, nhà bình luận pháp lý Benjamin F. Jackson đã giải thích rất thuyết phục trong một nghiên cứu năm 2014 rằng: “các phát ngôn công khai của người dùng trên mạng xã hội xứng đáng được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ, bởi vì chúng đồng thời thỏa mãn ba quyền hiến định: tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội”.

    “Khi một chủ thể tư nhân kiểm soát cách thức truyền thông trên mạng và các diễn đàn mạng thì nó đóng vai trò tương tự như một chủ thể nhà nước.”

    Từ nhiều thập niên trước, Erwin Chemerinsky, một học giả luật xuất sắc đã lập luận rằng nguyên tắc chỉ điều chỉnh chủ thể nhà nước cần được đánh giá lại và xóa bỏ. Ông viết, sự kiểm duyệt của tư nhân cũng có thể gây tác hại như kiểm duyệt của chính quyền. Áp dụng tương tự với tự do ngôn luận, ông tranh luận:

    “Tự do ngôn luận phải được bảo vệ cả về mặt phương tiện – giúp người ta đưa ra quyết định tốt hơn – và về giá trị nội tại – mỗi cá nhân có lợi ích khi được bày tỏ quan điểm của mình. Điều mà ai cũng đồng thuận là hành vi biểu đạt ý kiến là tối quan trọng và phải được bảo vệ. Bất kể hành vi xâm phạm tự do ngôn luận nào, cho dù là của các thực thể công hay tư, đều giết chết các giá trị này.

    Nói cách khác, chúng ta đều đồng ý không chỉ ở chuyện chính quyền không được trừng phạt việc biểu đạt; mà hơn nữa, bản thân việc bày tỏ ý kiến là quý giá, và do đó, mọi sự xâm phạm thiếu căn cứ xác đáng đều không được chấp nhận.

    Nếu chủ doanh nghiệp có thể sa thải nhân viên và chủ nhà trọ có thể tống người thuê ra đường chỉ vì lời nói của họ, thì nhiều người sẽ không dám nói và khả năng biểu đạt của họ sẽ bị tước mất. Về mặt phương tiện, “thị trường ý tưởng” đã bị siết lại. Về mặt giá trị nội tại, các cá nhân này đã bị chối bỏ cơ hội biểu đạt bản thân. Do đó, các tòa án nên tôn trọng khế ước xã hội bằng cách ngăn cản mọi hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận phi lý, chứ không chỉ những hành vi phát sinh từ nhà nước.”

    Một số tòa thượng thẩm cấp bang đã diễn giải điều khoản bảo vệ tự do ngôn luận từ hiến pháp bang để bảo vệ các cá nhân trong tranh chấp có liên quan đến các tổ chức tư nhân. Chẳng hạn, một số bang đã bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở các trung tâm mua sắm do tư nhân sở hữu. Tòa Tối cao bang New Jersey áp dụng điều khoản này trong hiến pháp bang và cho phép người thuê kiện quy định mang tính áp chế của hiệp hội các chủ nhà tư nhân.

    Năm 2012, trong một phán quyết, tòa án bang này viết: “Ở New Jersey, quyền tự do phát ngôn của cá nhân không chỉ được bảo vệ khỏi sự ngăn cấm của chính quyền, mà còn từ những hành vi cấm cản và cưỡng ép phi lý của các thực thể tư nhân trong những trường hợp cụ thể”.

    Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nên làm theo những ví dụ này từ các tòa cấp bang để nới lỏng nguyên tắc giới hạn phạm vi của Tu chính án thứ Nhất trong các chủ thể nhà nước. Tòa Tối cao nên diễn giải sao cho Tu chính án này có thể hạn chế cả các tập đoàn tư nhân quyền lực, chẳng hạn như các mạng xã hội, trong việc thực hiện “các hành vi ngăn cản và áp chế vô lý” đối với quyền tự do ngôn luận.

    https://www.luatkhoa.org

    Không có nhận xét nào