Hoa Kỳ vừa ra lệnh hạn chế cấp visa đối với các quan chức thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vì đã tham gia vào hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo, quân sự hoá khu vực Biển Đông.
Theo thông cáo báo chí được Ngoại trưởng Michael Pompeo đưa ra hôm 14 tháng Một năm 2021, lệnh hạn chế này áp dụng cụ thể đối với các cá nhân thuộc quân đội Trung Quốc, các lãnh đạo thuộc các công ty nhà nước, quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc đồng loã với việc xây dựng, mở rộng các đảo, quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông, hoặc gây sức ép lên các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực trong việc cản trở họ trong hoạt động khai thác tài nguyên ở khu vực này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông đang tìm kiếm việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật quốc tế.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm tên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế của Hoa Kỳ. Lý do vì CNOOC đã giúp chính phủ Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, CNOOC có hành động ép Quân đội Giải phóng Nhân dân đe dọa các nước láng giềng và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự – quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu.
CNOOC cũng nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, hôm 17 tháng 12 năm 2020, Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng tàu chiến của quân đội nước này sẽ “quyết liệt” hơn khi phải đáp trả những vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng tại Biển Đông.
Là một trong những nước bị Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông, Việt Nam hưởng lợi gì khi Hoa Kỳ mạnh tay, mạnh miệng với Trung Quốc?
Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng, Việt Nam có lợi chính là về mặt pháp lý khi Hoa Kỳ đồng quan điểm với Việt Nam và chỉ trích Trung Quốc. Ông nói:
“Nếu Mỹ thách thức Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là các hành động sai trái của Trung Quốc thì điều đó rất có lợi cho Việt Nam.
Bởi vì Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đang tranh chấp trên Biển Đông, mà Trung Quốc thì vẫn phớt lờ những lẽ phải và luật pháp quốc tế để đưa ra những yêu sách theo cách của họ mà Việt Nam không làm gì được vì không đủ tiềm lực.
Đặc biệt khi Mỹ có những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, gọi tắt là FONOP, vào khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa. Những điều Việt Nam không thể làm được.
Tuy nhiên cũng phải đặt ra vấn đề là Việt Nam phải tính toán, là khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng thì Việt Nam cũng trong vòng xoáy đó.
Trong cuộc chiến giữa hai kẻ mạnh thì cũng nguy hiểm cho Việt Nam vì Việt Nam thì yếu, như câu ‘trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết’.”
Qua email trao đổi với RFA hôm 16 tháng Một năm 2021, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng, các hành động của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ có tác động hạn chế hoặc ít ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông giải thích:
“Việt Nam gián tiếp hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt này của Hoa Kỳ vì họ lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà Việt Nam đã phản đối từ lâu.
Nhưng các hành động của Hoa Kỳ sẽ không có tác động rõ ràng đến hành vi gây hấn của CNOOC hoặc Trung Quốc ở Biển Đông.
Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đều ra thông cáo báo chí chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao đã chỉ trích Trung Quốc về việc cải tạo, xây dựng, quân sự hóa và cưỡng chế quy mô lớn ở Biển Đông.
Bộ Thương mại đã chỉ ra sự quấy rối và đe dọa của CNOOC đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông của các quốc gia ven biển.
Những hành động này phần lớn mang tính biểu tượng vì CNOOC không có sự hiện diện thương mại lớn ở Hoa Kỳ.
Các hoạt động toàn cầu của CNOOC sẽ không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào vì lệnh cấm của Hoa Kỳ không áp dụng đối với hoạt động buôn bán hoặc liên doanh bên ngoài khu vực Biển Đông.”
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vào tháng Bảy năm 2016, bác bỏ yêu sách đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.
Trước đó, hồi tháng Bảy năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo đã ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền hoàn toàn phi pháp của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Theo Washington, chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên tại Biển Đông cũng phi pháp. Hoa Kỳ khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình.
Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Giới chuyên gia cho rằng, dù hoa Kỳ có mạnh miệng hay mạnh tay với Trung Quốc đến đâu chăng nữa thì nội lực của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từng nhiều lần khẳng định với RFA rằng, từ năm 2007, việc quốc tế hóa, công khai hóa, phi nhạy cảm hóa hồ sơ biển Đông đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện để đấu tranh trong vấn đề Biển Đông.
Nhưng vấn đề minh bạch hóa tư liệu Biển Đông thì hiện nay giới nghiên cứu trong và ngoài nước phải trông chờ.
Phải minh bạch thì các nhà nghiên cứu mới có đủ cơ sở dữ liệu để tranh biện lại tất cả những ai nói ngược lại lịch sử, nói ngược lại với công pháp quốc tế, nói ngược lại những vấn đề mà Luật biển LHQ 1982 đã quy định nghĩa vụ và quyền lợi của những nước có biển, có đảo cũng như các quốc gia không có đảo.
Trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 15 tháng Một vừa qua, phía Mỹ khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, thịnh vượng”, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá hình Biển Đông năm 2021 rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng.
Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp.
Quan chức Trung Quốc nói ‘thời Bắc Kinh trỗi dậy đã đến’
Quan chức an ninh hàng đầu Trung Quốc Trần Nhất Tân bình luận sự trỗi dậy của phương Đông và sự xuống dốc của phương Tây là xu thế. Ông cho rằng môi trường quốc tế đang có lợi cho Bắc Kinh.
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 15-1 cho biết ông Trần Nhất Tân (Chen Yi Xin), một quan chức an ninh hàng đầu của Trung Quốc, mới đây nói với các quan chức thi hành pháp luật nước này rằng thời kỳ dành cho sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đến.
Ông Trần Nhất Tân hiện là tổng thư ký Ủy ban Chính trị pháp luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan giám sát toàn bộ các cơ quan thực thi pháp luật, gồm cả lực lượng cảnh sát nước này.
Bình luận trên được đưa ra đầu tuần này khi ông chủ trì một cuộc họp nghiên cứu bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước liên quan tới những thay đổi địa chính trị trên toàn cầu.
Ông Trần Nhất Tân cho rằng trong lúc thế giới đã bước vào thời kỳ rối ren, môi trường quốc tế có lợi cho Trung Quốc.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một đại lượng biến thiên lớn (của thế giới hiện nay)… ‘Đông lên Tây xuống’ là xu thế. Những thay đổi của môi trường quốc tế có lợi cho chúng ta (Trung Quốc)” – ông Trần Nhất Tân phát biểu.
Quan chức Trung Quốc này nói thêm: “Việc nước Mỹ kiềm chế, gây sức ép với Trung Quốc là một sự uy hiếp lớn. Nhưng cuộc đối đầu của chúng ta với Mỹ vừa là một cuộc chạm trán ngắn, vừa là một cuộc chiến kéo dài“.
Ông Trần Nhất Tân nói rằng Trung Quốc vẫn là “quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới” và hiện nay đã bước vào một “giai đoạn phát triển mới” mà sẽ đòi hỏi nước này phải ưu tiên “phát triển chất lượng cao“.
Tuy nhiên, ông nói với các quan chức thi hành pháp luật rằng để đạt mục tiêu đó, họ không được lơ là trong vấn đề giữ an ninh. “An ninh là tiền đề của phát triển. Không có an ninh, chúng ta không thể đạt được bất kỳ thứ gì” – ông nhấn mạnh.
Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), bình luận bài phát biểu của ông Trần Nhất Tân giúp biết được Bắc Kinh tự tin ra sao về tình hình hiện nay cùng những lo ngại của họ và cách nhìn về phương Tây.
“Các lãnh đạo Trung Quốc thật sự tin rằng Trung Quốc có thể trở thành ‘đèn chiếu ánh sáng dẫn hướng’ cho thế giới” – ông Alfred Wu nói.
https://thoibao.de/blog
Không có nhận xét nào