Header Ads

  • Breaking News

    Hercule Biden có đấu nổi với một Rambo Trump từ chối phất cờ trắng ?

    Hôm nay 20/01/2021, ngày cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, báo chí Pháp tràn ngập tin bài về tân và cựu tổng thống Mỹ. 

    Cùng đăng ảnh ông Joe Biden tươi cười trên trang nhất, Libération chạy tựa « Let’s Joe », tít lớn của La Croix là « Biden, bước ngoặt », còn đối với Les Echos là « Lời hứa Biden ». Le Figaro chọn tấm ảnh công viên National Mall trước điện Capitol với 200.000 lá cờ để thay thế cho đám đông, và hàng tựa « Joe Biden, một nhiệm kỳ để hòa giải nước Mỹ ». « Biden muốn khôi phục lại nước Mỹ như thế nào », tựa của Le Monde.

    Le Figaro nhận định « Biden lên điều hành nước Mỹ trong bão tố ». Lễ nhậm chức hầu như không có công chúng, ngoài lực lượng quân nhân hùng hậu và các nhà báo, có khoảng 1.000 khách mời chính thức. Sau khi tuyên thệ, bài diễn văn của ông Biden hẳn sẽ lấy lại chủ đề « đấu tranh cho linh hồn nước Mỹ » trong chiến dịch tranh cử, nhưng tờ báo nhắc nhở rằng đại đa số cử tri Cộng Hòa vẫn coi việc ông được bầu lên là không chính danh.

    Trong khi Washington dựng rào chắn khắp nơi để tránh bạo động, thung lũng Silicon cũng trực chiến để hạn chế những người ủng hộ tổng thống Donald Trump. Từ ngày 13/01, Airbnb hủy toàn bộ hợp đồng đặt phòng tại thủ đô và ngoại ô trong tuần lễ Joe Biden đăng quang, những người biểu tình bị nhận diện trong vụ xâm nhập điện Capitol cũng bị cấm đăng ký mạng này suốt đời.

    Tất cả những bài đăng trên Facebook có câu « Stop the steal », cho rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận, đều bị xóa. Twitter cũng tỏ ra cứng rắn, xóa những tweet đặt vấn đề về kết quả bầu, cấm tác giả đăng bài từ 12 giờ đến 7 ngày. YouTube còn dữ dằn hơn : tất cả những kênh từ chối thất bại của Donald Trump đều bị cấm một tuần lễ, và nếu bị phạt 3 lần trong vòng 3 tháng sẽ xóa hẳn kênh. Nhưng biện pháp hiệu quả nhất của Big Tech là việc cấm đoán ông Trump. Có điều nhiều người ủng hộ Donald Trump lại « chuyển nhà » sang các nền tảng khác như Gab, MeWe, Telegram khiến cảnh sát rất khó theo dõi.

    Trên lãnh vực ngoại giao, Le Monde cho rằng « Joe Biden dấn bước trên một vùng đất đầy mìn do Donald Trump gài lại ». Tổng thống Mỹ thứ 46 tương lai hôm 24/11/2020 tuyên bố « Nước Mỹ đã quay lại », nhưng sự trở lại này đặc biệt tế nhị. Trước khi rời chức vụ, ngoại trưởng Mike Pompeo đã công bố một loạt biện pháp làm phức tạp thêm cho chính quyền mới.

    Trước hết, việc cho phe nổi dậy Houthi ở Yemen vào danh sách khủng bố đã củng cố sự ủng hộ của Washington đối với Ả Rập Xê Út, trong khi Biden luôn ngờ vực thái tử Mohammed Ben Salman. Khi cho Cuba vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố trở lại, ông Pompeo muốn ngăn cản việc nối lại đối thoại với La Habana. Vị ngoại trưởng của ông Trump còn tố cáo Iran là « căn cứ mới » của tổ chức khủng bố Al Qaida và loan báo một loạt các trừng phạt cuối cùng.

    Tuy không phải là không thể đảo ngược, nhưng việc vô hiệu hóa các quyết định này tốn rất nhiều công sức và thời gian, trong khi bộn bề công việc trước mắt.

    Đầu tiên là hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New Start với Nga sẽ hết hạn vào ngày 05/02, rồi đến việc Iran lại làm giàu uranium. Nếu tái lập đàm phán với Teheran, sẽ ảnh hưởng đến trục Israel và các quốc gia Sunni vùng Vịnh đã được chính quyền Donald Trump thiết lập. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel khiến ê-kíp mới bị mất đi một đòn bẩy trong hồ sơ Israel-Palestine.

    Tại châu Á là hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên, và nhất là chính sách với Trung Quốc, sau bốn năm căng thẳng cộng thêm chủ nghĩa tân dân tộc của Bắc Kinh. Mike Pompeo đã gỡ bỏ những giới hạn tự đặt ra với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc luôn lăm le xâm lược.

    Riêng về Trung Quốc, đây là điều hiếm hoi mà cả hai đảng đều ủng hộ chính sách của tổng thống mãn nhiệm. Trong hồ sơ này, Joe Biden có thể dựa vào các chuyên gia thời Obama. Bà Laura Rosenberger phụ trách về Trung Quốc ở Hội đồng An ninh Quốc gia từng nhiều lần đả kích Bắc Kinh đàn áp các nhà báo công dân và « ngoại giao khẩu trang ».

    Ông Kurt Campbell được bổ nhiệm làm điều phối viên Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Ủy ban này càng không phải là tin vui cho Trung Quốc. Không chỉ ông Campbell từng xây dựng chủ trương « xoay trục » sang châu Á, mà riêng việc đặt ra chức vụ mới này cho thấy ông Joe Biden coi trọng khái niệm bị Bắc Kinh cho là nhằm bao vây Trung Quốc. Thế nên Tân Hoa Xã đã quá vội vã khi viết « Thế là xong, Mike Pompeo ! Sau khi ông ra đi, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn ».

    Biden lên làm tổng thống cũng chưa hẳn là tin vui cho châu Âu, theo chuyên gia Antoine Denry trên mục Ý kiến của Les Echos. Nhờ chính sách ngoại giao và quốc phòng cùng với đe dọa áp thuế của ông Donald Trump mà châu Âu bỗng giựt mình thức giấc. Trump đã nhắc nhở rằng thế giới hiện nay dựa trên tương quan sức mạnh, thay vì Nhà nước pháp quyền và toàn cầu hóa mà châu Âu đã quá tin tưởng.

    Dù ai có nói gì đi nữa về tính cách không giống bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào, Donald Trump là người đầu tiên nói thẳng ra hầu hết những gì mà người Mỹ chỉ nghĩ thầm. Hoa Kỳ muốn vẫn là bạn tốt của châu Âu, nhưng tình bạn này không thể làm Mỹ thiệt hại quá nhiều lợi ích, và Washington phải đóng vai trò chủ động. Giờ đây với Biden, chủ trương quốc phòng chung châu Âu sẽ bị rơi vào quên lãng. Nụ cười của Biden sẽ thay thế cho sự cuồng nộ của Trump, có thể hiệu quả hơn để áp đặt chính sách Mỹ, và các Big Tech sẽ tiếp tục lấn lướt châu Âu.

    Bài xã luận của Les Echos mang tựa đề « Joe Biden, hy vọng và thực tế » cảnh giác sự nguy hiểm của xu hướng lãng mạn lúc Barack Obama được bầu lên cách đây 12 năm. Chính là tổng thống Dân Chủ Bill Clinton chứ không phải phe Cộng Hòa đã từ chối phê chuẩn hiệp ước Kyoto về khí hậu, và phản đối việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Chính là Obama đã trở mặt vào giờ chót, không muốn cùng với Pháp và các đồng minh can thiệp vào Syria.

    Trên một số phương diện, thậm chí còn phải nuối tiếc tổng thống Donald Trump, người đã tấn công vào các đại tập đoàn GAFA. Một lý do nữa để không quá hy vọng vào Joe Biden : nước Mỹ năm 2021 không giống như những năm 2000. Thế nên châu Âu phải biết đoàn kết để có thể thuyết phục được chính quyền mới hợp tác trong những hồ sơ lớn như Trung Quốc.

    Còn về tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump ? Le Figaro trong bài « Những giờ phút tại vị cuối cùng của ông Trump » cho biết chương trình chính thức trong ngày cuối 20/01 vẫn theo một công thức y như những tuần lễ trước. « Tổng thống Trump làm việc từ sáng sớm cho đến tối mịt. Ông sẽ gọi nhiều cuộc điện thoại và có nhiều cuộc họp ». Không còn tài khoản Twitter mà trong suốt bốn năm qua ông sử dụng liên tục làm cả nước phải theo dõi, Donald Trump im lặng một cách bất thường.

    Từ sau chuyến đi Texas tuần trước, tổng thống không rời khỏi Nhà Trắng. Theo báo chí Mỹ, công việc chính của ông Trump là chuẩn bị ân xá hàng loạt. Trump cũng thu một thông điệp cuối cùng trong đó nhấn mạnh công trạng đã đoàn kết được thế giới chống Trung Quốc và không tiến hành một cuộc chiến tranh mới nào. Như đã loan báo trước, Donald Trump không tham dự lễ nhậm chức của Biden. Ông chưa bao giờ công nhận chiến thắng của đối thủ, và chỉ nói « chính quyền mới » chứ không nhắc đến tên Joe Biden.

    Hầu như không có một lễ tiễn đưa nào. Hôm thứ Hai 18/01, những chiếc xe tải của một công ty dọn nhà đã từ Nhà Trắng chạy về Florida, nơi có trang trại Mar-a-Lago của nhà tỉ phú. Hôm nay thứ Tư 20/01, sau khi từ biệt những người thân cận nhất tại căn cứ Không quân Andrews, Trump lên chiếc Air Force One dành cho tổng thống, mà đến trưa là ông không còn quyền sử dụng. Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng có thông điệp từ biệt, trong đó bà gọi bốn năm vừa qua là « vinh dự nhất trong cuộc đời ».

    Theo Les Echos, trước mặt Donald Trump là một tương lai đầy những dấu hỏi, trước hết là tiến trình truất phế. Trump đã chuyển nơi khai thuế từ New York về Florida, một bang không đánh thuế thu nhập. Vợ chồng con gái Ivanka của ông đã mua đất gần Miami để cất nhà.

    Ông sẽ sống bằng gì ? Đại dịch đã làm nguồn thu nhập chính của Trump Organization từ khách sạn và bất động sản giảm mạnh. Sau vụ tấn công điện Capitol PGA Championship không còn tổ chức thi đấu tại sân gôn của Donald Trump từ mùa tới. Trump cũng sẽ gặp một số rắc rối với cơ quan thuế và tư pháp.

    Vụ Capitol cũng làm Donald Trump khó có khả năng quay lại vào năm 2024. Tuy nhiên những nhân vật Cộng Hòa đang có tham vọng vẫn phải dè chừng. Vào đầu năm nay, ngay cả sau xì-căng-đan trên, hơn 80% cử tri Cộng Hòa vẫn ủng hộ Donald Trump, nên dù không là ứng cử viên, tiếng nói của ông vẫn rất có trọng lượng trong mùa bầu cử tổng thống tới.

    Libération cho rằng với sự ra đi của nhà tỉ phú, một số cơ quan truyền thông sẽ phải tiếc nuối. Không chỉ những kênh cánh hữu cực đoan như Fox News hay One America News (OAN) có số lượng khán giả tăng vọt nhờ ông Trump, mà cả những tờ báo chống Trump cũng thu được món lợi khổng lồ. Chẳng hạn New York Times ngay từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống năm 2017 đã biệt phái bốn phóng viên sừng sỏ túc trực để đưa toàn những tin xấu về Nhà Trắng, số người đặt báo mạng từ 1,5 triệu nhảy vọt lên 5 triệu. Tờ báo thiên tả Mỹ đặt mục tiêu đến 2025 có 10 triệu độc giả trung thành, tuy nhiên có vẻ khó đạt nổi vì Joe Biden nhạt nhòa so với người tiền nhiệm.

    Tác giả Benjamin Haddad đặt câu hỏi, liệu Biden có thể chữa lành những vết thương của nước Mỹ ? Sâu sắc hơn và vượt lên trên tính cách của Donald Trump, cuộc khủng hoảng ngày 06/01 bộc lộ rõ những rạn vỡ, người Mỹ không còn có thể đối thoại với nhau, phe này từ chối tính chính danh của phe kia.

    Trong bài xã luận, Le Figaro kể ra những thách thức ở quốc nội của tổng thống thứ 46 mà tờ báo gọi là công việc của Hercule : đại dịch Covid đang gây ra 4.000 trường hợp tử vong một ngày, nền kinh tế đang chờ đợi các biện pháp thúc đẩy, bất bình đẳng xã hội, kỳ thị chủng tộc…. Bao trùm lên những hồ sơ này là cái bóng của Donald Trump. Sau địa ốc và truyền hình thực tế, ông Trump thành công trong chính trị khi bất ngờ đắc cử tổng thống, và còn thu được đến 74 triệu phiếu bầu trong kỳ vừa qua. Trump từ chối mọi động thái phất cờ trắng. Một cuộc chiến mới bắt đầu, liệu Hercule Biden có đấu nổi với Rambo Trump hay không ?

    http://thuymyrfi.blogspot.com/2021/01/hercule-biden-co-au-noi-voi-mot-rambo.html#more

    Không có nhận xét nào