Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Trần Ngọc Ninh - Bản chất của Lịch Sử tính

    Lời kêu gọi dấn thân với siêu cường Tư Bản và CS – Trang sử bí mật về VN

    Chúng ta nhìn về tương lai.

    Bản chất của lịch-sử là nhân chủ. Con người tạo ra lịch-sử. Con người làm lịch-sử. Khởi thủy thì tính cách nhân-chủ của lịch-sử và tính cách lịch-sử của con người còn rất yếu, và mơ hồ như một sợi khói ban mai. Nhưng đó là một sự cất cánh, một đặc sự trong số vài cái đặc sự của vũ-trụ lúc nguyên thủy của thời gian đến nay, và đặc sự ấy là một sáng tạo của con người.

    Sau đó, rồi thì từ vạn niên kỷ này sang vạn niên kỷ khác, tính cách nhân chủ của lịch-sử đã tự khẳng định. Con người trở thành rõ ràng, minh bạch, là con người của lịch-sử, con người có lịch-sử tính. Cái chí của con người đã chỉ cái hướng của lịch-sử. Chỉ có một lịch-sử, là lịch-sử của con người. Lịch-sử của ý chí thắng vật-chất.

    Lịch-sử đa nguyên và đa dạng, là vì rằng, ở mỗi nơi, do cái cơ và cái duyên khác nhau, sự tranh đấu của ý chí để vượt lên trên cái vật-chất đã có những diễn tiến khác nhau. Người ta có thể bị tuyệt diệt trước khi vào văn-hóa ở nhiều nơi. Ở nơi khác, người ta có thể bị loại ra khỏi lịch-sử ở thời văn-hóa, hay ở những thời sau đó. Còn lại, thì tất cả những xã-hội người tồn tại cho đến ngày nay dầu là người Hôt-ten-tôt, người Pyc-mê hay người Nga, người Mỹ, đều đã có một lịch-sử dài ngang nhau, và đã đều thành công trong sự đấu tranh để sống còn với trời đất, cỏ cây. Nếu chẳng may ra mà, ở một vài nơi, có những sự điên rồ tập thể xẩy ra trong tương lai, làm cho người ta tự hủy diệt, thì những người có hy vọng tồn tại nhất để tiếp tục làm lịch-sử, sẽ là người Hôt-ten-tôt hay người Pyc-mê, chứ chắc chắn không phải là những người đang tưởng rằng mình đã lên tới đỉnh cao của nhân loại.

    Ta không nghĩ rằng chuyện không may này sẽ xẩy ra. Ta chỉ nói thế, để chúng ta cũng hiểu rằng, với một loài người có lịch-sử tính và đã vượt lên trên cái vật-chất-tính, cái súc-sinh-tính khá xa, thì bất cứ một người nào đương thời, bất cứ một dân-tộc nào đương thời, đều có quyền sống như người ta đang xây dựng để sống, tự do và tự nguyện.

    Sự tranh đấu vẫn có. Tranh đấu trong thiên nhiên để làm chủ vật-chất và năng lượng có trong thiên nhiên. Tranh đấu trong loài người để phá bỏ tất cả những lực lượng phản tiến hóa, phản lịch-sử, phản nhân loại; để thực hiện tự do, tự nguyện, tự quyết; để trong sự hiểu nhau, trọng nhau, giúp nhau, thương yêu nhau, cùng tiến lên dần với những mầu sắc và hương vị của trăm vạn loài sống trên mặt đất.

    Trong lâu dài, và với toàn thể nhân loại, chúng ta không có con đường nào khác. Là vì rằng, sức phá hoại mà con người đã đạt được ở một vài nước đã lên đến một độ kinh hoàng. Về phương diện tinh thần cũng như về phương diện vật-chất. Đối với các xã-hội cũng như với các cá nhân. Mà cuộc thi đua về khoa-học và kỹ-thuật để diệt và tận diệt vẫn tiếp diễn, càng ngày càng dữ. Một cuộc chiến tranh trực diện giữa các siêu cường quốc đã thành một điều không-thể-nào-nghĩ-đến-được.

    Sự mưu bá đồ vương, dĩ nhiên là vẫn còn, giữa các siêu cường. Chủ nghĩa đế quốc khó chết lắm. Nhưng các chiến tranh đế quốc, từ nay chỉ có thể là chiến-tranh ủy nhiệm, chiến-tranh tay sai; trong thực tế, thì mọi chiến-tranh cũng sẽ là nội chiến và lôi cuốn theo nhiều nội chiến khác. Và không có chiến-tranh ý-thức-hệ, vì ý-thức-hệ chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh Cứu cánh là đế quốc.

    Chừng nào mà các nước nhỏ bắt đầu ý thức được chân lý này của thời đại, thì sự xui nguyên dục bị của các đế-quốc sẽ khó có kết quả hơn. Đây là cái hi vọng thứ nhất để bẻ gẫy sự thao túng của các thế lực đế-quốc phản lịch-sử, phản nhân loại. Tất cả các nước nhỏ trên thế giới, hãy ý thức được vai trò lớn lao của mình, và hợp quần lại!

    Tại các siêu cường, cuộc thi đua võ khí sẽ làm cho đời sống của con người ngày càng suy giảm, càng khó khăn. Mà đời sống tinh thần cũng héo cạn dần, vì sự kiểm soát và điều-kiện hóa tư-tưởng bởi nhà nước càng ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc. Các giai cấp nghèo có thể bị bịt miệng và đàn áp dễ dàng. Nhưng các giai cấp trung lưu, mà số lượng và phẩm chất đã khá quan trọng, sẽ phát biểu sự bất mãn lớn tiếng.

    Đây là cái hi vọng thứ hai của lịch-sử. Trên khắp thế-giới, và đặc biệt là ở trong các nước mạnh nhất ngày nay, một giai cấp trung lưu đã thành, và hiện tại là giai cấp tiến bộ nhất, có ý thức cách-mạng lớn nhất. Phần lớn, họ là các nhà tư-tưởng, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, khoa-học gia, kỹ thuật gia, thầy giáo, học trò…nói tóm lại là người trí thức, và họ chính là những người trực tiếp điều khiển sự sinh hoạt trong nước. Khi những người này đã ý thức rõ cái trách nhiệm lịch-sử của thành phần trung lưu trong xã-hội, thì một cuộc cách-mạng lớn có thể xẩy ra, mà khí thế sẽ vượt xa cuộc Cách-mạng Pháp và cuộc cách-mạng Nga cộng lại. Vì nó sẽ là Cuộc Cách-mạng Của Con Người Lịch-sử, và đi sau vết bánh xe của nó, không phải là những chiến tranh của Napoleon hay những chiến tranh quốc-cộng vô tận, mà là một nền hòa bình lâu dài.

    Hỡi tất cả các nhà trí thức của thế giới, hãy đoàn kết lại và hành động!

    Nền khoa-học và kỹ-thuật mới, bước  sang địa hạt nguyên tử năng và thám hiểm không gian, có những nhu cầu mà trước đây người ta không biết tới. Nay thì ai cũng hiểu rằng làm chủ các nguồn năng lượng nằm trong cái cơ-cấu của vật-chất, sẽ đem lại cho các xã-hội người một sự phú cường tương đối lâu dài, và sự thành công trong lãnh vực không gian cũng sẽ có những thành quả lớn lao về kinh tế, chính-trị. Nhưng không phải bất cứ nước nào cũng có thể thực hiện được sự nghiệp kinh doanh này, và các nhà đại tư bản quốc-tế, dẫu có hùn hợp, cũng chưa chắc có đủ khả năng để phiêu lưu trong những công cuộc khảo cứu cần thiết. Vả chăng, những nhu cầu quốc-phòng liên hệ đến hạch tâm, nguyên tử, hỏa tiễn, phi thuyền, và các kỹ thuật phụ thuộc, cũng không cho phép sự phổ biến các hiểu biết về sự phổ biến các hiểu biết về sự chế tạo và sử dụng các năng lượng và cơ khí mới này ra ngoài cái nhóm đặc quyền gọi là siêu cường.

    Nhưng, ngay cả với các siêu cường, sự lao mình vào những dự án kế hoạch đại qui mô này cũng còn là một sự liều lĩnh bắt buộc. Mỗi sự thất bại đều phải trả một giá rất đắt, bằng tài sản cũng như bằng uy tín quốc-gia. Trong ít năm nữa, sự phá sản sẽ hiện ra ở đầu đường, và ngay trong hiện tại, cũng đã có những dấu hiệu đe dọa một sự suy sụp dẫn đến khủng hoảng. Trong khi đó thì vẫn phải đối phó với những tình thế rối loạn hay bùng nổ, ở cả trong lẫn ngoài nước…Mà tất cả đều biết rằng sự phát triển kinh tế không phải là vô biên.

    Lời kêu gọi thứ ba và cuối cùng này, hướng về các siêu-cường.

    Các kho võ khí nhiệt-hạch của các siêu-cường hiện nay đã đủ để tiêu diệt tất cả sự sống trên mặt đất và trong khí quyển ba mươi lần, mỗi lần là vĩnh viễn, trừ khi có một đặc sự vật lý không lượng trước được, lại tạo ra một sự sống mới, bất chấp cái phóng-xạ-quyển được cuộc chiến tranh cuối cùng giữa loài người gieo rắc.

    Trong một thời gian nữa, các quí ngài còn phải lăn mình vào trong những nghiên-cứu và thử thách, ngỏ hầu giữ được cái uy quyền và uy tín hiện tại để tự vệ, để khống chế và để thống trị.

    Chuyện đó có thể còn kéo dài bao lâu nữa? Với bao nhiêu hi sinh nữa mà nhân dân của chính quí quốc phải chịu? Với bao nhiêu đau khổ mà toàn thể loài người còn phải mang nặng thêm?

    Ai cũng biết rằng, trong những nghiên cứu và thử thách này, chứa đựng vô vàn những khám phá và phát minh mới, cái nhỏ nhất nếu đem ra áp dụng trong kỹ-thuật phục vụ đời sống, cũng có khả năng làm đảo lộn cái cán cân kinh tế hiện tại. Nhưng, khi mà còn đang phải dồn tất cả sức lực của mình vào việc chế tạo những vũ khí mới để chinh phục không gian, để lập những căn cứ ngoài tầm phá hoại, thì các quí ngài đã cho khai thác được bao nhiêu những phát minh tân kỳ này cho thiên hạ xài? Hoặc giả là đã có những kế hoạch để tung tất cả những cái hứa hẹn đó ra làm giầu ngay sau khi cuộc chiến tranh tối hậu chấm dứt?

    Thưa các siêu-đại-cường-quốc: lịch-sử của nhân-loại là lịch-sử của sự thoát xác trong đau khổ của loài người, do một ý chí cương cường hướng dẫn. Nay các lịch-sử đó nằm trong tay các quý ngài, nếu không phải là tất cả, thì cũng là một phần rất lớn. Các ngài có thể ấn một cái nút là nó hết, trong năm giây đồng hồ sau. Hết loài người là hết lịch-sử. Vũ trụ của vật-chất và năng lượng tất nhiên là vẫn còn và không sứt mẻ gì cả. Nhưng, Lịch-sử thì hết. Chắc rằng chính các quí ngài cũng không muốn như thế. Dầu là để tự vệ. Chính là để tự bảo vệ.

    Chỉ có một con đường để ra thoát, là sự tự do, tự nguyện tiến đến sự cộng tác rộng rãi và lâu bền của toàn thể loài người như hiện hữu, coi tất cả mọi người như quốc-dân của một liên bang.

    Các nước nhỏ, sau khi ý thức được sức mạnh của hợp quần để chống đế quốc, có thể đồng ý lập thành một liên-bang rải ra ở khắp năm châu bốn biển. Nhưng việc này nói ra thì dễ, mà thực hiện thì khó. Vì, phần nhiều, nước càng nhỏ bao nhiêu thì tự ái càng lớn bấy nhiêu, và sự nghi kỵ lẫn nhau cũng rất lớn. Cho nên, trừ khi đã sống chung với nhau, và có sự trao đổi với nhau thắm thiết và bền chặt từ lâu, còn thì rất khó mà thực hiện được.

    Với các nước lớn và nhất là các siêu-cường quốc thì khác. Một siêu-cường không cần phải có tự ái với nước nhỏ và có thể thẳng thắn tuyên bố ý muốn hợp tác bình đẳng với mọi nước khác để mưu đồ sự phát triển chung trong hòa bình.

    Tôi không đề nghị những liên minh quân-sự hay những tổ chức liên phòng trá hình, kiểu COMECON, ECAFE hiện nay.

    Tôi đề nghị một công thức cộng tác khác, mà siêu cường quốc phải thảo luận với những nước nhỏ hơn để tìm ra. Trong tinh thần, thì cũng đại khái như những thỏa ước đã thành lập những nước trong thời văn hiến xưa, những thỏa ước đã dẫn dắt đến sự phát triển huy hoàng của nông nghiệp. Tất nhiên rằng, ở thời đại này thì phải có những thay đổi cần thiết. Hơn nữa, sự bất-đồng-đều giữa siêu-cường và các nước nhỏ là một thực tế, nhưng sự bất bình đẳng là một điều không thể chấp nhận được trên nguyên tắc. Và vì thế, sự hợp tác sẽ phải được thực hiện một cách tiệm thứ, từng đợt trong sự tương trợ, tương trọng và tương thứ, cho tới khi có sự thỏa thuận hai-bên để mở rộng liên-bang.

    Tương lai của nhân loại là ở trong tự do, hòa bình, cộng tác và đồng tiến. Bất cứ là, do cái cơ duyên cũ trong lịch-sử chúng ta nay là nước nhỏ hay nước lớn, theo chế độ này hay chế độ khác, ta hãy bắt đầu nói rõ cho tất cả loài người hay biết cái ý muốn thành thực của ta, là tự do, hòa bình, để cùng nhau đi vào một giai đoạn mới của nền văn-minh nhân loại trong đó con người sẽ tự thực hiện bằng sự cộng tác xây dựng.

    Đó là con đường lâu dài. Và vì con đường ấy, có thể là sẽ có sự hiện diện của toàn thể nhân loại, nên nó có thể là con đường vĩnh cửu.

    Có lẽ rằng ta chưa vào ngay được con đường ấy từ ngày mai. Và cũng có thể rằng bước chân vào con đường ấy rồi, lại có những sự kiện xẩy ra, làm cho có những đoàn thể muốn tách rời để đi theo những con đường riêng. Trong lịch-sử, những chuyện ấy đã có, và cũng sẽ có. Bởi vậy, nên những lời kêu gọi sự hợp quần của các nước nhỏ và sự đoàn kết của các người trí thức trên khắp thế giới vẫn cần thiết. Những sức mạnh này sẽ là những áp lực cần thiết để dẫn dắt các nước từ bỏ những mộng bá vương, những cưỡng bách ý thức hệ và những sự tranh đua phí phạm, mà nắm tay nhau bước  lên con đường của sự tiến bộ toàn diện.

    Từ đó, và trong vĩnh cửu, cái ý thức thực của lịch-sử sẽ được thực hiện trong loài người.

    *************************************************************

    Nay ta trở về với nước Việt-Nam nhỏ bé và đau khổ của ta.

    Ta đã đi một vòng rất rộng, trên bốn chiều của vũ-trụ sống là lịch-sử, vật-chất, tri thức và tinh thần. Ngày xưa thế giới chỉ là bộ lạc của mình. Nhưng ngày nay, ta sống trong cả thế-giới của loài người. Không có một giao động nào trong loài người mà không làm giao động cả cuộc đời của ta. Và không có một sự giao động gì trong ta mà không làm rung chuyển cả thế-giới. Bởi vậy, nên phải đi một vòng lớn và đặt vấn-đề then chốt của nhân loại, là sử-quan.

    Trở về với nước Việt-Nam, sử-quan cũng vẫn là ngọn đuốc soi sáng quá khứ, ngọn đèn chỉ đạo tương lai.

    Thế giới ngày nay có hai siêu-cường kình địch với nhau, và cả hai đều có ý đồ và hành động đế-quốc trong những chiến lược và kế hoạch toàn cầu của họ. Trong thực tế thì cả hai đều có khả năng tiêu diệt và tận diệt địch thủ trong vài giây đồng hồ, và chỉ có Liên Sô tiêu diệt được Hoa-Kỳ, chỉ có Hoa-Kỳ tiêu diệt được Liên Sô.

    Tất cả thế-giới còn lại sống trong sự sợ sệt và bất lực trước những đe dọa của một cuộc đụng độ trực diện giữa Hoa-Kỳ và Liên Sô. Và chính Hoa-Kỳ với Liên Sô cũng sợ: hai siêu-cường này sợ nhau và đồng thời sợ rằng chính họ không kiểm soát được nổi những tình thế bùng nổ do chính họ tạo ra.

    Thế-giới còn lại chia thành ba khối. Một là Tây Âu với Nhật Bản, gồm những nước kỹ-nghệ đã phát triển nhưng không đủ tài lực để tiến lên bực trên. Các nước này không theo Liên Sô, nhưng vì họ phụ thuộc Mỹ nên họ chống Mỹ. Những chia rẽ nội bộ của khối này là do mức độ và cách thức chống Mỹ sinh ra.

    Khối thứ hai là Trung-Quốc. Sức mạnh của khối này là ở cái dân số khổng lồ của khối. Nhưng sức mạnh ấy trước còn ngủ, và chỉ mới thức tỉnh từ lúc dân-tộc sống lại với sự thành công của Mao Trạch Đông. Đó là cái mâu thuẫn nguyên sơ của Trung-Quốc: chủ-nghĩa dân-tộc ở đây đã thắng bằng con đường cộng-sản, và cộng-sản thì có nghĩa là lệ thuộc vào Liên-Sô. Cũng như tất cả các nước khác, đã và sẽ tự nạp mình vào vòng chi phối của Liên-Sô, một cái khuôn mẫu cho sự tổ chức nước sẽ được đặt ra, trong đó Liên-Sô lồng người của mình vào ở tất cả mọi lớp. Và vì lý do đó, sau mấy năm thuận hòa với nhau, Trung-Quốc và Liên-Sô bắt đầu có những mối bất bình. Cuộc Đại Cách-mạng Văn-hóa, trước hết là sự tẩy trừ những phần tử thân Liên-Sô ra khỏi chính quyền Trung-Quốc. Nhưng, sự đoạn tuyệt dứt khoát với Liên-Sô vẫn chưa quyết định vì chiến tranh Việt-Nam lúc đó chưa chấm dứt, và Trung-Quốc không muốn từ bỏ vai trò của mình: vận mệnh Trung-Quốc tùy thuộc rất nhiều vào giải pháp Việt-Nam.

    Cái khối thứ ba còn lại của thế-giới là một mớ rời rạc không có hiện tại kinh tế và không có ý thức lịch-sử. Các nước này mới được trả lại quyền chính-trị, và rất nhiều đã bước từ chế độ bộ lạc lên chế độ quốc-gia trong một đêm. Bởi vậy nên, nếu không giữ một sự độc tài rất lạc hậu thì chiến tranh bộ lạc tất sẽ xẩy ra. Thế nhưng, cái số đông của những quốc-gia này là một yếu tố quan trọng trên trường chính-trị quốc-tế. Những thổ sản tại đây lại rất phong phú và rất trọng yếu. Bởi vậy nên các siêu-cường mở những cuộc thi đua ve vãn, mua chuộc và xu nịnh từng nước nhỏ của khối thứ ba này. Để lợi dụng chứ không có để làm gì khác.

    Nước Việt-Nam xuất thân từ khối thứ ba này. Tuy có một nền văn-hóa cao và thực sự đã bước  sang giai đoạn văn hiến từ bốn ngàn năm về trước, nhưng một lịch-sử đầy đau thương làm cho Việt-Nam còn ở một tình trạng vật-chất và trí-thức không lấy gì làm cao lắm.

    Nhưng cái khổ là Việt-Nam lại có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, vừa là một cái pháo đài lý tưởng để cai quản hai Đại Dương, vừa là cái trung tâm địa lý của mười ngàn cái đảo rải rác ở miền Đông Nam. Trong thờ đại của chiến lược toàn cầu, cái mảnh đất ở góc bể này được nhận định là một tiền đồn lý tưởng mà các siêu-cường tranh nhau dành giật.

    Chúng ta đã nói rằng, không bao giờ, trước khi tận thế, mà lại có một cuộc chiến tranh trực diện giữa hai siêu-cường Hoa-Kỳ và Liên-Sô. Vì vậy chiến-tranh Việt-Nam đã phải là, và chỉ có thể là chiến-tranh tay sai. Bất cứ bên nào được, thì cũng chỉ là sự lệ thuộc của Việt-Nam vào một siêu-cường, không Nga thì Mỹ, không Mỹ thì Nga.

    Chúng ta lại đã nói rằng cả Nga lẫn Mỹ đều sợ, và thế-giới cũng sợ. Nga và Mỹ sợ đụng đầu nhau. Thế-giới sợ nếu đánh lớn thì bị chết lây. Bởi vậy nên Mỹ leo thang và Nga cũng leo thang. Mỹ leo thang một bực, thì Nhật, Đức, và Pháp biểu tình chống Mỹ,, vì ba nước này gần Nga nhất. Và báo chí Cuba với Ba Lan cũng có ngay những bình luận trách Nga không giúp Bắc Việt nhiều hơn, là vì những nước này cũng sợ rằng mình bị hi sinh trước các nước khác nếu có thế chiến. Do đó, Nga cũng leo thang. Kết quả là cuộc chiến dằng dai và người Việt chết đều đều. Chiến-tranh Việt-Nam sẽ không bao giờ chấm dứt, cho đến người Việt-Nam cuối cùng đã tử trận. Nếu không có một sự kiện mới xẩy ra.

    Tới đây, ta mở một trang bí sử.

    Dưới thời Tổng-thống Nixon của Hoa-Kỳ, mà Liên-Sô rất ghét nhưng không hận bằng hận Mao Trạch Đông, Liên-Sô điện thoại qua đường dây đỏ với Hoa-Kỳ, là cùng đánh và cùng chia Trung-Quốc. Hoa-Kỳ từ chối và ra lệnh cho quân đội trên khắp thế-giới ở tình trạng báo động. Năm mươi phần trăm máy bay đeo bom hạch tâm được huy động và luôn luôn bay trên trời. Liên-Sô bãi binh. Việc này đã được kể lại bởi một viên chức cao cấp của ông Nixon. Liên-Sô không bình luận.

    Liền ngay sau khi chuyện xẩy ra, thì Hoa-Kỳ bắn tin cho Trung-Quốc, và Mao Trạch Đông mời ông Nixon qua Bắc Kinh. Sau một bữa tiệc 89 món của triều đình cộng-sản, hai vị quốc trưởng đã thảo luận với nhau. Dĩ nhiên rằng vấn-đề Việt-Nam và Thái Bình Dương được đặt ra. Mao Trạch Đông yêu cầu Hoa-Kỳ duy trì sự hiện diện ở Việt-Nam và tiếp tục giữ Hạm Đội Thứ Bẩy ở biển Trung-Hoa. Việc này đã không còn là một bí mật nữa.

    Việc bí mật, là sau đó Ủy Ban An Ninh của Hoa-Kỳ đã quyết định bỏ Việt-Nam và lập một kế hoạch dàn cảnh một sự thảm bại của Việt-Nam Cộng-hòa. Lý do là vì Hoa-Kỳ đã nắm được một điểm then chốt trong nội bộ của khối cộng-sản, giữa Liên-Sô và Trung-Quốc: Trung-Quốc đã loại trừ một phần lớn các tay sai và gián điệp mà Liên-Sô gài vào trong nước, nhưng trên thực tế thì đã bị Liên-Sô bao vây gần hết, trừ có mặt biển và giải đất con của Việt-Nam. Tất cả giang sơn của Trung-Quốc đã gần như nằm trọn trong cái miệng của con gấu Liên-Sô. Và Trung-Quốc đã sợ. Cái sợ của Mao Trạch Đông đã để lộ ra một điều mà người Mỹ từ trước đến nay vẫn hiểu lầm, là sự lệ thuộc hoàn toàn của Việt-Nam vào Liên-Sô . Người Mỹ đã lầm cái lầm của người Việt-Nam năm 1945, rằng ông Hồ Chí Minh tức Nguyễn Ái Quốc (?) là một người yêu nước, một người “quốc-gia”. Trong phần đầu, chúng ta đã nói rằng Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh cũng không phải là người ái quốc (yêu nước). Các học trò nối nghiệp của ông đã tuyên bố rõ ở Đại Hội lần thứ IV của Đảng Lao Động: “Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã-hội”. Tất cả các người cộng-sản Việt-Nam đều chỉ yêu có chủ-nghĩa xã-hội Sô-viết mà thôi, và cho đến khi Nixon gặp Mao thì người Mỹ không biết điều này.

    Mao Trạch Đông lúc đó đã già. Tất cả cái sắc bén cương cường của tuổi trẻ cách mạng đã nhụt đi nhiều lắm sau những âm mưu lũng đoạn sự lãnh đạo Trung-Quốc bởi Liên-Sô, qua những đồng chí gần gũi Mao nhất là Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu. Trước khi thảo chúc thư theo truyền thống của những người lập quốc cộng-sản, Mao nhận thấy rằng phải giao phó, gửi gấm cái vận mệnh của nước vào dưới cái dù che chở của khoa-học và thế lực Mỹ quốc. Là vì ông đã thấy rõ cái dã tâm bá chủ và đế-quốc của Liên-Sô, của bọn theo chủ nghĩa xét lại. Mao Trạch Đông mời Nixon đi thăm Vạn Lý Trường Thành là một hành động có giá trị biểu tượng: Vạn Lý Trường Thành là một dẫy pháo đài lập ra trên xương máu của hàng vạn người dân Trung-Hoa, để ngăn chặn xâm lăng của các rợ miền Bắc. Trong tình thế hiện tại, rợ miền Bắc của Trung-Quốc là Liên-Sô.

    Ta cũng cần phải hiểu thêm rằng Mao Trạch Đông là một nhà cách-mạng thuần túy. Có thể ta bất đồng tư-tưởng với ông, nhưng ta phải nhận ông là con người cách-mạng điển hình, tự lập và độc lập, biết hành động đúng thời cơ và có chí cương cường bền vững. Nhưng ông không phải là người chính-trị, không biết những cái khôn khéo, trá ngụy của chính-trị. Mao Trạch Đông đã để lộ cái sợ của ông cho người Mỹ thấy.

    Sau đó là những gì chúng ta đã biết.

    Nước Mỹ bắt đầu đi vào trong một kế hoạch tuyệt diệu nhưng cũng vô cùng khủng khiếp, xứng đáng với một Khổng Minh của thời nguyên tử. Với các lý do lộ liễu là có phong trào phản chiến ồn ào ở Mỹ, với sự a dua ngớ ngẩn của một nhóm phản chiến Việt-Nam, Quốc Hội Hoa-Kỳ bắt đầu xuống thang viện trợ quân-sự, báo chí Hoa-Kỳ bắt đầu mở những chiến dịch qui mô chống chính quyền Việt-Nam, và Quân đội Hoa-Kỳ bắt đầu rút về nước.

    Xong rồi, Quân đội Nam Việt-Nam bị tước khí giới khéo léo bằng cách chuyển các kho vũ khí ra miền Trung và buộc chính quyền Việt-Nam Cộng-hòa ra lệnh rút lui khỏi cao nguyên Trung Phần một cách bất thần vô chiến lược, vô kỷ luật, vô chính-trị.

    Cuộc chiến thắng mùa xuân “oanh liệt, huy hoàng” của Bắc Việt bắt đầu từ đó. Một cuộc chiến thắng trong đó thực sự thì cả kẻ thắng lẫn kẻ thua đều ngơ ngác, vì một bên chỉ biết chạy và một bên chỉ biết theo mà không bên nào nhìn thấy bên nào cả. Dân chúng thì kinh hoàng, bồng bế, dày xéo nhau mà chạy, còn chính quyền thì hoảng hốt, không có lấy một cái lệnh cho Quân đội bảo vệ nhân dân…

    Tới một lúc nào đó, thì sự nghi ngờ rằng có một cái gì kỳ bí nằm ẩn bên trong đã phải đến, cả với bộ chỉ huy quân-đội Bắc Việt đang hang say trong sự toàn thắng vào chỗ không người. Liên-Sô cũng hoảng sợ và ra lệnh cho Bắc Việt ngưng tiến. Mấy tuần lễ hồi hộp. Một phái đoàn quân-sự đặc biệt liền được Hoa Thịnh Đốn cử đi quan sát. Phía cộng-sản lại yên tâm trở lại và chiếm nốt mấy tỉnh đã bị bỏ. Lần thứ hai, Liên-Sô lại ra lệnh ngưng lại. Hoa-Kỳ bắt buộc phải đánh ván bài chót: Hạ Viện bỏ phiếu cắt hết viện trợ quân-sự cho Việt-Nam Cộng-hòa và chỉ viện trợ nhân đạo. Bắc Việt liền chiếm cả Miền Nam. Kế hoạch hoàn toàn thành công.

    Ta đóng trang sử bí mật lại ở đây.

    GS BS TRẦN NGỌC NINH  – Nguyên Bộ trưởng Văn Hóa và Giáo Dục VNCH (trích quyển Làm Gì trang 293 – 304 xuất bản sau 24/3/1979 bởi LS Đinh Thạch Bích Chủ Nhiệm – VN Hải Ngoại San Diago – Thứ Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH) 

    https://vietluan.com.au

    Không có nhận xét nào