Header Ads

  • Breaking News

    Các tổ chức Nhà nước nên làm gương trong công khai nguồn đóng góp cho từ thiện


    Hình minh hoạ. Người dân nhận hàng cứu trợ sau lũ tại Quảng Bình hôm 26/10/2020

    Reuters

    Bộ Tài chính Việt Nam vừa công bố dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    Dự thảo này đưa ra 2 phương án cho các quy định về việc "cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện” như sau:

    Phương án 1:

    Khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định.

    Ngoài ra, cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

    Sau khi kết thúc hoạt động từ thiện, các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.

    Phương án 2:

    Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Nên có quy định chặt chẽ hơn với các tổ chức Nhà nước

    Ông Lê (đã đổi tên vì lý do an toàn), người tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản lý công tại Nhật Bản nêu quan điểm rằng dự thảo này nên chú trọng điều chỉnh để giám sát chặt chẽ hơn hoạt động, minh bạch chi tiêu của các tổ chức nhà nước. Ông Lê trả lời RFA qua email như sau:

    “Cần xác định rõ là việc minh bạch trong hoạt động cứu trợ hay từ thiện là chuyện rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là các hoạt động mang tính chất xã hội dân sự nên để tự xã hội điều chỉnh.

    Việc nâng lên thành văn bản quy phạm pháp luật như là nghị định thể hiện sự “ôm đồm” quá nhiều trong việc quản lý xã hội. Dự thảo Nghị định cũng không có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, như vậy khi áp dụng trên thực tế hiệu lực của nghị định sẽ chỉ mang tính minh họa.

    Nghị định nên hướng tới điều chỉnh chặt chẽ hơn tới các hoạt động hay vận hành của các tổ chức Nhà nước như Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) hay hội Phụ nữ. Đặc biệt các khoản thu chi, tiếp nhận của các tổ chức này đối với các khoản tài trợ. Nên bổ sung chế tài xử phạt đối những người có trách nhiệm trong các tổ chức này nếu có hành vi làm thất thoát tài sản. Bởi vì đây là các tổ chức đại diện cho quyền lực nhà nước nên các tổ chức này cần phải đảm bảo sự minh bạch.

    Còn các quỹ hay tổ chức tư nhân, việc công khai minh bạch đặc biệt trong các hoạt động tự thiện thì đã nằm sẵn trong điều lệ hoạt động của họ rồi. Việc quy định thêm sẽ không cần thiết.”

    Hình minh hoạ. Người dân xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ sau lũ ở Quảng Bình hôm 26/10/2020

    Về phương án 2 của dự thảo Nghị định này đề xuất: Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan:

    “Đây là một quy định hợp lý khi khuyến khích các cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động trợ giúp. Tuy nhiên cần phải bỏ phần “phải tuân theo quy định của pháp luật” vì vô hình chung sẽ làm họ bị vướng mắc khi không biết phải theo quy định pháp luật nào.

    Nên thay quy định việc cá nhân tổ chức phải liên lạc báo cáo với chính quyền địa phương về kế hoạch hỗ trợ bằng quy định là các chính quyền địa phương phải chủ động hỗ trợ, điều phối kế hoạch của các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện khi được các tổ chức cá nhân này yêu cầu.

    Có như vậy thì mới giảm thiểu được các quy trình thủ tục không đáng có trong các hoạt động từ thiện. Từ đó tăng tính hiệu quả và chủ động trong việc đối phó với các thiên tai, bão lũ.”

    Bà Thương, hiện đang ở Hà Nội, người thường tổ chức các đợt từ thiện tặng quà, chăn ấm cho trẻ em, đồng bào vùng núi cho rằng phương án 2 của dự thảo này chỉ nên áp dụng cho các tổ chức nhà nước, mà bà cho rằng không hề minh bạch từ trước đến nay:

    “Qua chuyện cô ca sĩ Thủy Tiên thì rõ ràng là người dân tin vào những người có uy tín, minh bạch hơn là nhà nước. Những năm trước thì người dân chỉ đổ tiền vào các tổ chức như Chi hội Phụ nữ hoặc là MTTQ. Rõ ràng là vì các cơ quan đoàn thể đó họ không minh bạch. Chính họ mới là những đơn vị cần phải phải áp dụng các cơ chế này vào chứ không phải là áp dụng cho toàn dân.

    Chính trong hệ thống nhà nước khi có chương trình gì thì họ lại đến nhà dân để thu tiền. Trong khi đó không ai biết được những khoản tiền đó đi về đâu. Với các tổ chức, nghiệp đoàn công nhân… thì cái nghị định này không có gì là sai trái cả. Bởi vì nó cần phải có để kiểm soát được sự tham nhũng.”

    Gây khó khăn, cản trở cho người làm từ thiện

    Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua những cá nhân được nhiều người dân tin tưởng gửi tiền cứu trợ cho đồng bào thời gian qua như cô ca sĩ Thủy Tiên phải báo cáo với nhà nước khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.

    Ông Nguyễn Dũng Quân, một người dành gần 2 tháng trời, từ đầu tháng 10, chạy xe tải xuyên các tỉnh miền Trung từ Nghệ An vào tới Đà Nẵng để cứu trợ bà con cho rằng dự thảo này nếu được thông qua sẽ gây ra nhiều khó khăn, cản trở cho những người có lòng làm thiện nguyện.

    Lũ lụt miền Trung năm 2020 được đánh giá là cơn lũ lịch sử vì các đợt bão, lũ kéo dài liên tiếp từ ngày 6/10 cho đến giữa tháng 11, khiến nhiều nơi bị ngập lụt sâu, chia cắt giao thông, nhiều khu dân cư bị cô lập giữa biển nước. Người dân phải lên mạng kêu cứu giữa đêm vì lũ chồng lũ, nước lên quá nhanh, không kịp sơ tán. Ông Quân nói phải chạy xe liên tục, xuyên đêm, vừa đi vừa kêu gọi quyên góp tiền để đến kịp nơi bị cô lập, phân phát đồ ăn, nước uống cho những người còn bị kẹt lại.

    Trong tình cảnh cấp bách như vậy, việc dự thảo yêu cầu phải thông báo cho chính quyền địa phương trước khi cứu trợ là không hợp lý.

    Thêm nữa, rất ít người có thể tiếp cận được với bà con vũng lũ đang bị cô lập, trong khi rất nhiều nơi cần được hỗ trợ gấp về lương thực, thì chuyện ghi chú lại chi tiết từng khoản nhỏ để báo cáo về sau là rất khó.

    Theo quan điểm của ông Quân, minh bạch các khoản quyên góp từ thiện là một điều cần phải làm. Tuy nhiên, nó cần phải phụ thuộc điều kiện thực tế trong quá trình thực hiện:

    “Về công khai thì rõ ràng khi mình làm việc thì mình phải công khai trên tất cả các bài viết. Nhưng mà khi tiền quyên góp của mình kêu gọi được những người thân bạn bè của mình mà đưa về cho địa phương để địa phương phân chia thì chuyện đó mình không được vui. Bởi mình phải qua mấy giai đoạn xét duyệt, đợi chờ.

    Đâu chỉ riêng cá nhân mình mà còn nhiều hội đoàn khác nữa, cứ đợi địa phương phân chia thì đến lúc nào mới đến được tay của người dân. Mình sợ rằng sẽ không kịp cho người dân để cứu đói.

    Nói chung đối với người làm từ thiện thì nó hơi bất cập và khó khăn cho người làm từ thiện.”

    Ở Việt Nam, cứ mỗi khi ở đâu gặp thiên tai thì nhiều nơi trên cả nước hướng về đó, quyên góp để giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn. Ông Quân nói trong đợt lũ vừa qua, ông chứng kiến hàng ngàn đoàn từ thiện cá nhân mang theo lương thực, nhu yếu phẩm, tiền bạc giúp đỡ khúc ruột miền Trung. Cho nên đừng để các nghị định, luật lệ cản bước những người có lòng:

    “Cũng qua cái trận lũ vừa rồi thì mới cảm nhận được người Việt Nam mình thực sự yêu thương nhau. Bọn tôi nhìn dòng xe đi về miền Trung mà chảy nước mắt luôn, thấy từng đoàn, từng đoạn nối đuôi nhau. Không chỉ riêng người Việt Nam mình ở đây mà còn có nhiều kiều bào con người làm ăn xa quê luôn hướng về Việt Nam.”

    Dự thảo Nghị định này cũng quy định về việc các cá nhân tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo "có trách nhiệm phản ánh đầy đủ thông tin về kết quả vận động, tiếp nhận, số tiền đã giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Kết thúc quá trình vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân báo cáo chính quyền địa phương nơi cư trú về kết quả hỗ trợ nếu được yêu cầu."

    Dự thảo không quy định rõ cá nhân, đơn vị, cơ quan hay tổ chức nào được quyền yêu cầu những cá nhân này phải báo cáo.

    https://www.rfa.org

    Không có nhận xét nào