Nước Mỹ đang phải đối diện với những thử thách nghiêm trọng, kể từ khi người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào chiếm toà nhà quốc hội ở Thủ đô Washington chiều ngày 6/1 vừa qua.
Trong bốn tiếng đồng hồ bị chiếm đóng, các dân cử có lúc đã phải nằm xuống ghế, chui xuống bàn để tránh bị thương do bạo loạn, trước khi được sơ tán đến một nơi an toàn.
Vụ bạo loạn hôm 6/1 làm cho 5 người chết trong đó có một cảnh sát, mấy chục người bị thương gồm hơn chục nhân viên an ninh tại quốc hội.
Lịch sử đã lập lại, sau hơn hai trăm năm. Năm 1814 quân lính Anh tấn công và đốt phá nhiều nơi kể cả toà nhà quốc hội đang được xây dựng. Đó là lúc có cuộc chiến tranh mang tên“1812 War”.
Cuộc tấn công vào trụ sở quốc hội lần này là từ hàng nghìn dân không đồng ý với kết quả bầu cử 3/11.
Trong những ngày qua giới chức an ninh Hoa Kỳ đã cảnh báo dân chúng là từ nay cho đến ngày tuyên thệ nhận chức 20/1 sẽ có những cuộc xuống đường vũ trang ở Thủ đô Washington và tại thủ phủ các tiểu bang.
Sự việc gây bạo loạn tại cơ quan lập pháp liên bang của Hoa Kỳ là vi phạm pháp luật trầm trọng mà các giới chức an ninh, trong họp báo chiều thứ Ba 12/1 đã nhấn mạnh rằng những kẻ tham gia bạo loạn sẽ bị trừng phạt theo pháp luật. Tội nhẹ nhất là xâm phạm khu vực cấm vào cho đến tội phá hoại, đánh cắp tài sản nhà nước hay tội nặng liên quan đến giết người.
Tổng thống Trump bị qui trách nhiệm đã kích động người biểu tình nổi loạn hôm 6/1.
Ngày 13/1, trong tình trạng anh ninh nghiêm ngặt với những toánvệ binh quốc gia canh giữ nhiều nơi trong trụ sở quốc hội, một sự kiện chưa từng có kể từ Cuộc Nội chiến, sau nhiều giờ thảo luận, Tổng thống Trump đã bị HạViện bỏ phiếu đàn hặc thêm một lần nữa.
Một tổng thống bị đàn hặc đến hai lần là chưa bao giờ có trong lịch sử nước Mỹ.
Tình hình chính trị nước Mỹ đang rất căng thẳng. Thượng Viện chưa biết sẽ có kết tội Tổng thống Trump trong những ngày sắp tới hay không, vì chỉ còn một tuần nữa là chấm dứt nhiệm kỳ của ông.
Tuy có 10 dân biểu Cộng hoà cùng với tất cả dân biểu Dân chủ bỏ phiếu chấp thuận đàn hặc, 232 thuận – 197 chống, nhưng lên Thượng Viện cần có 2 phần 3 trong số 100 nghị sĩ đồng ý thì ông Trump mới bị kết tội, bị mất chức và vào tù.
Hiện tại mỗi đảng có 50 nghị sĩ nên thật khó để kết tội Tổng thống Trump. Trừ trường hợp có ít nhất 17 nghị sĩ Cộng hoà quyết định không còn ủng hộ Trump.
Có thể Tổng thống Trump sẽ từ chức vào phút chót. Phó Tổng thống Mike Pence lên thay và nhanh chóng ân xá cho ông Trump.
Như Tổng thống Gerald Ford đã làm cho Tổng thống Richard Nixon, người đã bị đàn hặc trong vụ Watergate và từ chức.
Nhưng nào ai biết được những suy nghĩ, tính toán và việc làm của ông Trump trong vài ngày còn lại ở vị trí lãnh đạo.
Chính vì thế mà quốc hội đang tìm cách truất phế quyền lực và kiểm soát các hành động của Tổng thống Trump.
Lãnh đạo các binh chủng của quân đội cũng đã ra một tuyên bố chung là quân đội chỉ có nhiệm vụ trung thành và bảo vệ Hiến pháp.
Từ trước đến nay bản tính của Trump là không bao giờ muốn làm người thua cuộc. Ông đã thua và không chấp nhận, nhưng chính trường không phải là thương trường ông từng trải qua sự nghiệp thương mại.
Tôi đã quan sát nhiều sự kiện liên quan đến bầu cử, các lần đếm phiếu, các vụ kiện tụng bầu cử và những lần bãi nhiệm dân cử.
Cử tri Quận Cam, nơi có đông người Việt, chắc nhiều người còn nhớ vụ Dân biểu Cộng hoà Bob Dornan kiện đòi đếm phiếu lại khi cho là có nhiều phiếu bất hợp pháp từ di dân chưa thành công dân khiến ông thua ứng viên Dân chủ Loretta Sanchez năm1996. Thua ở toà tiểu bang, ông Dornan đã kiện lên đến cả quốc hội và nhiều đồng viện cùng đảng cũng đã không đồng ý với ông.
Sự kiện bầu cử bãi chức Nghị viên MadisonNguyễn năm 2009 không thành công nhiều người Việt ở San Jose chưa quên.
Việc bãi chức thành công Thống đốc California Gray Davis, người đảng Dân chủ, năm 2003 là sự kiện lịch sử chỉ xảy ra một lần trước đó vào năm 1921 ở tiểu bang North Dakota.
Hiện nay tại California cũng đang có vận động xin chữ ký để bãi nhiệm Thống đốc Gavin Newsom và đã có trên nửa triệu cử tri ký tên. Nếu đến ngày 17/3 có đủ 1 triệu 500 nghìn người ký tên đòi bãi nhiệm thì sẽ có bầu cử đặc biệt để cử tri California quyết định.
Những ngày này tôi lo sẽ có xáo trộn hay bạo động, nhưng tôi tin vào đất nước này với nền tảng dân chủ pháp trị, qua những dẫn chứng về qui trình thực thi dân chủ nêu trên.
Năm 1984 tôi đang dạy học ở Togo, châu Phi. Chiều ngày bầu cử tổng thống Mỹ, tôi cùng mấy bạn đến Phòng Thông tin Hoa Kỳ ở Thủ đô Lomé xem hình ảnh sinh hoạt bầu cử, coi chiếu lại các buổi tranh luận giữa hai ứng cử viên Ronald Reagan và Walter Mondale.
Đêm về chúng tôi tụ họp tại chung cư của đôi vợ chồng bạn uống bia, theo dõi kết quả bầu cử qua làn sóng ngắn VOA, BBC và Đài Phát thanh Quân đội.
Quá nửa đêm thì nghe tin kết quả Reagan-Bush tái đắc cử với chiến thắng đất lở (landslide victory), mấy bạn bực mình dậm chân, đập bàn la ó bất mãn.
Lúc sau có tiếng gõ cửa. Nghe ồn ào giữa đêm khuya nên hàng xóm gọi cảnh sát. Hai cảnh sát viên hỏi chúng tôi có chuyện gì vậy, một anh bạn trả lời vì thất vọng và bực tức với tin Ronald Reagan thắng cử. Cảnh sát tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: Tổng thống Reagan tái đắc cử sao anh không vui mừng mà lại tức giận, tại sao thế? Anh bạn đáp: “C’est Amerique.” – Đó là nước Mỹ.
Thời sinh viên, trong một lần đứng trước Sproul Plaza của Đại học Berkeley nghe sinh viên phát biểu chống chính sách Mỹ tại Iran, gặp một du sinh từ Trung Quốc và nghe bạn này than thở nếu cứ biểu tình thường xuyên như thế này thì nước Mỹ loạn mất. Tôi nói, không loạn đâu vì sinh viên ở đây luôn luôn chống chính quyền, dù Cộng hoà hay Dân chủ.
Nước Mỹ có một nền dân chủ mà nhiều người dân trên thế giới đang trông vào mà nhiều khi không hiểu được.
Sau chiến thắng bất ngờ trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, với Donald Trump hơn phiếu cử tri đoàn (306 – 232), nhưng thua Clinton phiếu phổ thông (66 triệu – 63 triệu) nên nhiều người không chấp nhận Trump là tổng thống qua khẩu hiệu thấy trong các cuộc biểu tình phản đối: “He’s not my President.”
Hơn 60 dân cử Đảng Dân chủ đã tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, trong đó có 13 dân biểu từ California.
Đầu năm 2017 tôi đã viết trong một bài bình luận: “Tôi ủng hộ những tiếng nói phản đối Tổng thống Trump về những chính sách sắp có dưới sự lãnh đạo của ông, nhưng những người cho rằng ông không phải là một tổng thống hợp pháp tức là họ không công nhận các định chế công quyền của đất nước này…”
Vào ngày nhậm chức, tôi viết: “Tôi đã không ủng hộ ứng viên Donald Trump… Nhưng kể từ hôm nay, Tổng thống Donald Trump là tổng thống của tôi, của mọi công dân Hoa Kỳ.”
Một nhiệm kỳ đã qua và Tổng thống Donald Trump không còn được người dân tín nhiệm trong bầu cử 3/11/2020.
Hai đảng Cộng hoà và Dân chủ luôn đứng ở vị trí đối lập nhau, nên việc giành quyền lãnh đạo đất nước luôn xảy ra, nhưng phải làm trong tinh thần tôn trọng Hiến pháp.
Từ 12 giờ trưa ngày 20/1/2021 Joe Biden sẽ là tổng thống của tôi vì tôi tin vào Hiến pháp và các định chế dân chủ của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ rồi sẽ vượt qua những thử thách và tiếp tục là nơi đáng sống. Nơi nhân quyền được tôn trọng.
© 2021 Buivanphu
https://vietluan.com.au/42672/toi-lo-nhung-tin-nuoc-my-se-vuot-qua
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Author Details
Báo Quốc Dân ra đời như một trong những nỗ lực cụ thể của sự kết hợp chung của tiếng nói Quốc dân Việt. Báo Quốc Dân xuất phát từ những tấm lòng yêu thương đất nước chân thành, cùng những ý chí muốn hiến dâng tâm tư, trí tuệ và thân xác cho khát vọng của TOÀN THỂ QUỐC DÂN VIỆT.
Không có nhận xét nào