Phát biểu khai mạc hội nghị trung ương 13, ngày 5/10/2020, gọi là Hội nghị «Dự thảo báo cáo chính trị», ông Trọng nói:
... «Trước diễn biến phức tạp khó dự báo của năm 2020, cần cập nhật, phân tích, đánh giá lại tình hình, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp hơn với thực tế… Dự báo tình hưống để định ra sách lược đối phó thích hợp.
Ý của vị Tổng bí thư đảng là Trung ương nhận diện những thay đổi để có tư duy phù hợp. Bài viết có tâm nguyện trao đổi với 200 ủy viên trung ương theo tinh thần đó.
1. Thế giới đã thay đổi
- TQ đã bộc lộ bản chất, chiếc mặt nạ đạo đức giả đã bị gạt bỏ. Dã tâm bá chủ toàn cầu đã thất bại. Trung Quốc không đến gần thế giới khi vượt khỏi đói nghèo, Phát triển chỉ để TQ thực hiện khát vọng nung nấu ngàn năm. Chiến lược đánh chặn của các nước lớn, đứng đầu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Canada đã buộc TQ phải thay đổi chiến lược từ chiếm đoạt thị trường toàn cầu sang chiến lược Tuần hoàn kép, lấy tuần hoàn nội địa làm chủ yếu. Với khoảng 700 triệu người TQ có thu nhập dưới 2 đô la/ngày, chiến lược dựa vào tiêu thụ nội địa của Tập Cận Bình không hứa hẹn điều gì.
- TQ không thể dẫn dắt thế giới kể cả khi chiếm vị trí số một kinh tế thế giới thay chân Mỹ, vì TQ không phải là quốc gia dân chủ, không có hệ thống chính trị đa đảng, hệ thống chính trị kết cấu trên nền một hệ thống giá trị đối kháng với hệ thống giá trị phổ quát của thế giới dân chủ toàn cầu. Đó là yếu tố tạo nên sự cô lập của TQ.
- Thông qua các phát hiện của Mỹ, các chính sách chống thâm nhập của ĐCSTQ vào mọi lĩnh vực, từ kinh tế tài chính, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, bí mật quân sự, ý thức hệ tư tưởng tới bộ máy quản trị hành chính, hệ thống đảng phái chính trị v.v... đang có xu hướng trở thành chính sách chung chống Cộng sản trên quy mô toàn cầu, bắt đầu từ các quốc gia lớn, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và liên minh châu Âu, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ... đe dọa cô lập thế giới các quốc gia cộng sản.
- Sự nhất quán trong các chính sách chống lại thủ đoạn bành trướng, chiếm đoạt Biển Đông một cách phi pháp của TQ, bao gồm Tứ giác Kim cương, gồm Mỹ Nhật, Úc và Ấn Độ, cùng các quốc gia lớn thuộc khối NATO, như Anh Pháp Đức, Canada, kể cả New Zealand... đang hình thành liên minh quốc tế công khai bao vây, ngăn chặn và cô lập TQ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times Now (Ấn Độ) hôm thứ Ba (27/10), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rõ, các xung đột toàn cầu hiện nay là biểu hiện của cuộc chiến giữa tự do và độc tài. Không chỉ Ấn Độ mà cả thế giới hiện đều đang ở tuyến đầu chống lại tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Việt Nam là một trong số 5 quốc gia cộng sản, sớm hay muộn cũng trở thành đối tượng của cuộc chiến đó.
- Toàn cầu hóa đã bộc lộ mâu thuẫn. Năng suất lao động đem lại thu nhập từ việc tự động và robot hóa chưa đủ để cân bằng thu nhập do việc làm mất đi. Xung đột nảy sinh từ mâu thuẫn giữa phương thức sản xuất truyền thống và phương thức mới làm phát sinh các khủng hoảng xã hội, và xung đột giữa các quốc gia. Xung đột giữa TQ với hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới sẽ không dừng lại. Nông thôn của thế giới hình thành tại khu vực thứ hai của thế giới, TQ và Đông Nam Á, trở thành công xưởng, thay thế và chiếm đoạt việc làm của các quốc gia công nghiệp. Xung đột này sẽ ngày càng gay gắt dẫn đến các chính sách bảo hộ khắc nghiệt hơn, sẽ nhanh chóng không còn là «lộc trời» cho không với các nước sống nhờ vào gia công và xuất khẩu. VN cùng với các quốc gia thế giới thứ hai sẽ kết thúc vận may của mình trong khoảng 10 năm nữa, để hoặc nhường chỗ cho khu thu nhập thấp hơn là châu Phi, hoặc quay trở lại cuộc sống nghèo đói, nhằm duy trì giá lao động có tính cạnh tranh. Trong khoảng 10-15 năm nữa, nếu cách mạng robot hóa chưa đủ hoàn thành thì châu Phi sẽ thay thế châu Á làm công xưởng. Lao động đã dần biến mất tại các quốc gia công nghiệp, sẽ biến mất dần tại VN bắt đầu từ năm 2030-2035. Chỉ sống bằng gia công thuê và xuất khẩu hộ các doanh nghiệp nước ngoài, VN không tránh được sụp đổ.
- Tính độc lập hay độ bền vững của nền kinh tế phụ thuộc năng lực làm chủ công nghệ. Làm chủ công nghệ với một quốc gia yếu kém như VN, phụ thuộc chủ yếu vào nhận chuyển giao từ nước ngoài. Chuyển giao công nghệ dựa căn bản trên sự tương đồng và gắn kết của hệ thống giá trị. Hệ thống giá trị phản ảnh thể chế chính trị. Nói tóm lại, muốn có chuyển giao công nghệ phải có đồng nhất về thể chế chính trị. Với một thể chế độc đảng cộng sản, thuộc khối 5 quốc gia cộng sản không có gì chung với thế giới, VN không thể trông đợi các cuộc chuyển giao công nghệ thực thụ và hiệu quả, chưa kể công nghệ cao cấp chỉ được chuyển giao giữa các quốc gia đồng minh, đặc biệt các công nghệ quốc phòng còn cần một hiệp định an ninh chung. Không có hoặc không làm chủ công nghệ, một quốc gia vĩnh viễn chỉ làm thuê, vĩnh viễn lạc hậu và phụ thuộc. Không có sự chia sẻ về hệ thống giá trị và tương đồng về thể chế chính trị, VN không có bạn, sẽ cô độc như TQ.
- VN có ước vọng trở thành quốc gia giữ vai trò dẫn dắt ASEAN, nhưng VN cùng với Lào lạc lõng và ngô nghê trong tương tác với các cơ chế lập pháp và hành pháp theo thể chế dân chủ đa nguyên của 8 quốc gia còn lại. Không có cơ chế kiểm soát dân chủ trong quy trình ra quyết định, thì không thể là người hướng đạo.
2- Không có chủ nghĩa Cộng sản
- Ngược lại quan điểm của C.Marx, Cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 đã chứng minh xã hội không có tính giai cấp. Xã hội không phân chia thành các giai cấp đối kháng. Lợi ích của người lao động gắn kết hữu cơ với chủ doanh nghiệp trong quan hệ sản xuất. Xã hội là một tổng thể thống nhất và cân bằng lợi ích. Không có doanh nghiệp, không có nhà đầu tư sẽ không có sản xuất, không có việc làm, không có tăng trưởng, không có tái phân phối phúc lợi. Lợi ích không cân bằng sẽ kìm hãm tăng trưởng, kìm hãm lợi ích tổng thể và của từng thành phần. Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, nhân tố tạo ra động lực thay đổi xã hội là chất xám, lao động trí tuệ. Mỗi cá nhân có khả năng lao động độc lập. Vai trò cá thể là hình thức chủ đạo trong lực lượng sản xuất. Giới trí thức, các tập đoàn công nghệ lớn, chủ thể của các sản phẩm trí tuệ sẽ là những lực lượng quyết định chính sách. Quan hệ sản xuất đã thay đổi về chất. Lực lượng sản xuất là trí óc. Chủ sở hữu của lực lượng sản xuất là tầng lớp trí thức. Hình thái Tri thức chủ nghĩa ra đời. Tuy vậy, bản chất của xã hội không thay đổi. Bất kể hình thái nào, động lực của phát triển, mục đích cuối cùng của phát triển vẫn là lợi nhuận. Từ nguyên thủy, loài người luôn bị thúc đẩy bởi cuộc truy tìm lợi nhuận hiểu theo nghĩa làm ít hưởng nhiều. Đó là bản chất của tiến hóa. Khi định nghĩa chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa lợi nhuận, thì chủ nghĩa tư bản tồn tại từ nguyên thủy và không bao giờ biến mất. Nhân loại chỉ có một hình thái duy nhất là chủ nghĩa lợi nhuận. Tuy nhiên, nhà nước trong giai đoạn kinh tế tri thức sẽ là nhà nước của liên minh các đại công nghệ, hoặc ít nhất là đại biểu của đại công nghệ. Cần cập nhật nhận thức này để có một tư duy phù hợp.
Không có chủ nghĩa cộng sản, vì ở xã hội cộng sản không còn sản xuất hàng hóa, không còn lợi nhuận, không còn tăng trưởng. Xã hội loài người dừng tiến hóa. Thế giới ngừng chuyển động và loài người kết thúc. Điều này trái với nguyên lý «vô thủy vô chung» của vạn vật.
Không có thời kỳ quá độ XHCN, vì từ cách mạng kỹ thuật lần thứ tư, trí tuệ là hạt nhân của động lực phát triển, Sản xuất không cần tới nhà xưởng và thiết bị, không cần tới lao động sức người, không thể quốc hữu hóa chất xám, một thứ tài sản vô hình. Vì vậy không thể bằng cách quốc hữu hóa để xóa bỏ các doanh nghiệp tư nhân. Giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, theo định nghĩa là nền công nghiệp phát triển cộng với
sở hữu toàn dân là không thể thực hiện vào giữa thế kỷ. Tiến hóa của xã hội loài người là quá trình song song với sự hoàn thiện của cá thể con người. Vai trò cá nhân tăng dần và ngày càng trở nên quyết định trên trục tiến hóa, từ trông chờ may rủi thời nguyên thủy tới làm chủ và điều khiển tất cả. Tự do cá thể và sở hữu tư nhân là động lực của phát triển, là mục đích của tiến hóa. không một ý chí nhân tạo nào tiêu diệt được.
3. Nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ phá hủy bền vững là khác biệt thể chế
- Điều kiện để duy trì ổn định chính trị và ổn định xã hội là tăng trưởng kinh tế. Ổn định hay sự bền vững của tăng trưởng của nền kinh tế VN phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài (FDI) phụ thuộc vào sự gắn kết hữu cơ của nền kinh tế với kinh tế thế giới. Sự gắn kết hữu cơ phụ thuộc vào sự tương đồng, hòa hợp giữa luật pháp, các cơ chế chính sách quốc gia với luật pháp và các cơ chế chính sách của các quốc gia khác, cơ chế chính sách của VN do thể chế chính trị VN quyết định. Thể chế nào, cơ chế đó. Tổng bí thư Trọng từng nói: «Hiến pháp là thể chế hóa cương lĩnh đảng».
Nguyên nhân các xung đột dẫn đến đổ vỡ của các hiệp định kinh tế, tiềm ẩn sự bất ổn của nền kinh tế, chính là sự khác biệt về chất giữa luật pháp VN và Luật pháp các nước. Sự khác biệt về chất của luật pháp bắt nguồn từ sự khác biệt thể chế chính trị. Triệt tiêu tận gốc các nguy cơ đổ vỡ của các hiệp định là triệt tiêu các khác biệt thể chế. Thể chế độc đảng cộng sản chỉ chia sẻ được với 5 quốc gia khác trên thế giới, là những quốc gia không có mặt trong các hiệp định thương mại với VN.
- Trung tâm của mâu thuẫn thế giới hiện nay là sự lũng đoạn của nền kinh tế «giả thị trường» của TQ. Bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay là sự biến dạng các quy tắc thị trường, vô hiệu hóa cơ chế bàn tay vô hình của thị trường bằng sự luồn lách, bóp méo, lợi dụng các kẽ hở thị trường trục lợi thông qua các mánh lới chính trị. Nguyên nhân chính là sự lũng đoạn chính sách do cơ chế độc đảng. Chính sách là sản phẩm của ý chí không bị kiểm soát. TQ đang bị thế giới tẩy chay, bao vây và cô lập, có khả năng bị loại ra khỏi WTO.
-Kinh tế VN có bản chất là sự sao chép khuôn mẫu TQ, biến thái từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với nền tảng là hệ thống các doanh nghiệp nhà nước được thống nhất quản lý một cách chính trị hóa thông qua hệ thống nhân sự bắt buộc phải là đảng viên, được chỉ định theo các tiêu chuẩn chính trị, các giải pháp kinh doanh bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh chính trị căn cứ trên các mục tiêu đề ra từ nghị quyết của đảng, sớm hay muộn cũng bộc lộ những xung đột với Thế giới.
-Tất cả mọi FTA đều bao gồm các yêu cầu sự thống nhất về hệ thống giá trị phổ cập toàn cầu, sự đồng nhất của pháp luật với hệ thống pháp luật phổ quát quốc tế. Sự khác biệt thể chế của VN tạo ra những khác biệt với các tiêu chuẩn quốc tế là nguy cơ tiềm ẩn sự bất ổn của hiệp định, ảnh hưởng tới tính bền vững của nền kinh tế.
-Chế độ cộng sản VN đang cùng với ĐCSTQ trở thành nguy cơ số 1 đối với an ninh toàn cầu, tác động tới chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế của hầu hết các quốc gia phát triển. Danh nghĩa Cộng hòa XHCN cùng với chế độ độc đảng cộng sản của VN chứa đựng nguy cơ trở thành đối tượng của các cuộc chiến chính trị. VN được xếp vào hàng ngũ 5 quốc gia nguy cơ gây bất ổn thế giới, đứng đầu là TQ, Triều Tiên, Cu Ba, VN, Lào… Bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào trên thế giới đều có thể tác động tới ổn định chính trị tại VN. Nguyên nhân là sự khác biệt thể chế với toàn bộ phần còn lại của thế giới.
4- Đảng có chống tham nhũng không
Cuộc chiến chống tham nhũng được phát động chính thức từ đại hội VII, năm 1991, nhưng sau 30 năm, tham nhũng vẫn là khối u nhức nhối. Không thiếu công sức trí tuệ của những bộ óc siêu việt. Không thiếu quyết tâm của toàn hệ thống, nhưng tham nhũng đeo đẳng, sống dai như một tế bào gắn kết hữu cơ với thể chế. Nó không thể bị tiêu diệt hoặc chỉ chết cùng một lúc với chế độ. Tại sao?
Chỉ có những người có quyền mới tham nhũng. Chỉ có tài sản công, tài sản XHCN, tài sản thuộc nhà nước thống nhất quản lý mới là tài sản bị tham nhũng.
Như vậy có hai việc phải làm. Một là kiểm soát quyền lực, hai là hủy hoặc giới hạn tối thiểu tài sản công.
Quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bằng quyền lực tương xứng «le pouvoir arrête le pouvoir» Montesquieu nói như vậy từ năm 1748. Nếu ba thứ quyền của bộ máy nhà nước là Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp, chỉ là 3 bộ phận được phân công và chịu sự kiểm soát của đảng, thì có một quyền lực thứ tư là quyền lực Đảng, đứng trên ba quyền lực nhà nước, và không chịu sự kiểm soát của bất cứ quyền lực nào. Quyền lực không được kiểm soát là quyền lực tham nhũng. Nguyên nhân của tham nhũng có nguồn gốc từ cơ chế thoát ly kiểm soát của đảng.
Tất cả mọi trường hợp tham nhũng đều gắn liền với tài sản công cộng, tài sản nằm trong các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước, có tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Đó là sự lợi dụng quyền lực để chiếm dụng sở hữu đất đai, biến sở hữu nhà nước thành sở hữu cá nhân. Tài sản công hay tài sản XHCN thuộc sở hữu nhà nước, là thứ tài sản không có chủ sở hữu xác định. «Nhà nước là tất cả, nhưng chẳng là ai». Nguyên nhân biến các loại tài sản công thành mục tiêu tham nhũng chính là tài sản không có chủ sở hữu. Nếu tất cả đều có chủ thì không có tham nhũng. Mọi chuyện chuyển đổi sở hữu phải theo luật thị trường, thuận mua, vừa bán. Mọi chuyện cưỡng đoạt quyền sở hữu đều là tội phạm pháp luật.
30 năm chống tham nhũng, nhưng đảng vẫn kiểm soát quyền lực bằng «sống và làm việc theo gương Hồ Chủ Tịch», «Kinh tế nhà nước là lực lượng chủ lực, ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng», và «Đất đai vẫn thuộc nhà nước thống nhất quản lý».
Như vậy, thực chất đảng có chống tham nhũng không?
5 - Đại hội để làm gì?
5 năm một lần làm đại hội, mỗi lần đại hội đều «đổi mới», nhưng báo cáo chính trị là bản «cop» điện tử của các báo cáo trước, sửa từ ngữ, chọn chữ mới, thêm chữ mới vào bản có sẵn, người biên soạn chủ yếu thao tác «copier et coller» (chép và dán), nền tảng hầu như không thay đổi.
Người viết báo cáo chủ yếu quan tâm để không một lĩnh vực nào không được nhắc đến, ngụ ý nói rằng đảng lãnh đạo toàn diện. Hầu như tất cả, chữ có thể nhiều hơn, nhưng nội dung chẳng có gì mới. Báo cáo mỗi kỳ, số trang lại nhiều lên, và đọc cũng mệt hơn. Sẽ chẳng có ai nghe. Không ai đủ sức để có thể nghe được một giọng đọc không cảm xúc, gây buồn ngủ suốt mấy tiếng. Không ai muốn nghe vì mọi thứ đều nhạt thếch những điều «...khổ lắm nói mãi». Trong khi đáng lẽ báo cáo phải xốc dậy mọi sức mạnh, tạo hứng khởi mọi cảm xúc, thì nó trở thành một cái trò hình thức nhất, buồn tẻ nhất và tra tấn nhất. Ai cũng biết, ngay cả người viết báo cáo cũng biết, nhưng không ai dám làm khác. Chỉ viết những điều cần thảo luận, chỉ nói những điều cần nghe, mà chưa từng được nghe. Ai có thể viết như vậy và ai chấp nhận?
Dùng ông Phùng Hữu Phú, một ông già 73 tuổi, đã quá tuổi về hưu làm chủ biên, thì một là ông Trọng đã chủ trương không đổi mới, sợ đổi mới, hai là Hội đồng lý luận không còn người. Hay người trẻ không còn hiểu «nền tảng» nữa?
Có một điều không mới nhưng được nhắc đến như trung tâm của cái mới trong đại hội lần này là các mục tiêu:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việc đặt ra các mục tiêu cho tới năm 2045, ngụ ý đảng có tầm nhìn! Sáng suốt vào bậc «siêu» như Tổng bí thư Trọng mà «đến cuối thế kỷ này, không biết đã có CHXN hoàn thiện chưa», thì biết năng lực «nhìn» của đảng đến đâu.
Theo một định nghĩa trước đây, thì giai đoạn quá độ hoàn thành khi có nền công nghiệp hiện đại và xã hội có cuộc sống sung túc, như vậy ứng vào năm 2030 như mục tiêu đề ra. Nhưng báo cáo lại không nói gì về việc, tới năm 2030, liệu kinh tế cá thể, tức các doanh nghiệp ngoài nhà nước có còn tồn tại không. Nếu Quá độ XHCN đã xong thì bắt đầu một giai đoạn mới, Giai đoạn phát triển chủ nghĩa cộng sản. Nhà nước Cộng hoà XHCN VN đổi tên thành VN Cộng sản chủ nghĩa? Và khi thời kỳ quá độ hoàn thành, chắc chắn nền tảng của chủ nghĩa cộng sản phải đã sẵn sàng, nghĩa là chỉ còn kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Không biết cuộc chiến tiêu diệt kinh tế tư nhân bắt đầu khi nào, và bị tiêu diệt dưới hình thức nào? Có quốc hữu hóa không, có tịch biên, hay trưng thu, trưng mua không? Có cần phải cho ông Đỗ Mười sống lại để làm «cải tạo tư bản tư doanh» không? Sau khi bị «tịch» hết tài sản, thì những thành phần này sống bằng gì? Sau năm 2030, nghĩa là sau «Quá độ», thì nền kinh tế thuộc loại gì? Trở lại kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tự sản tự tiêu, không hàng hoá, không có xuất nhập khẩu? Nếu vậy, đến năm 2045, «trở thành nước phát triển, thu nhập cao» bằng cách nào? Trong ba cái mục tiêu đó chứa đựng hòn đá không tưởng, hai trăm cái đầu tinh hoa dân tộc thảo luận thế nào?
Báo cáo đề ra mục tiêu, nhưng khi bàn tới phương pháp thực hiện lại không hề nhắc tới nguy cơ phá sản. Đó là sự thất bại của mô hình TQ, khi chế độ cộng sản trở thành trung tâm gây bất ổn định toàn cầu, khi WTO phải thay luật đẩy TQ ra khỏi thị trường chung thế giới, và mọi mũi dùi sẽ tập trung tấn công vào các quốc gia cộng sản. Mọi sự gian lận, giả dối, mọi sự lắt léo sẽ bị bóc trần, mọi thủ đoạn chính trị sẽ bị vô hiệu, thì nền kinh tế «giả thị trường» của VN sẽ tất yếu sụp đổ.
Đại hội lần này vẫn chưa chịu từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, VN vẫn là 1 trong 5 quốc gia cộng sản còn lại trên mặt địa cầu, một trong 5 đối tượng đối diện với nguy cơ bị chuyển động của thế giới văn minh loại bỏ.
Những cái đáng bàn, đáng xem xét, suy ngẫm, lại không có trong nội dung bản báo cáo, thì Đại hội để làm gì?!
B.Q.V.
Nguồn : BVN
https://www.diendantheky.net
Không có nhận xét nào