L.T.Đ: Sau khi Biển và Chim Bói Cá được dịch giả Tây Hà chuyển sang Pháp ngữ (La Mer et le Matin-Pêcheur) trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFA, vào hôm 15 tháng 4 năm 2012, Bùi Ngọc Tấn đã có đôi lời tâm sự về tác phẩm của mình: “Tôi chỉ có thể tóm tắt lại như thế này, đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người.”
Sau đây là vài đoạn văn ngắn của tác phẩm thượng dẫn, tựa (“Quà Tết”) do chúng tôi tự đặt.
Trân Trọng
Điều đọc công văn, hầm hầm nét mặt:
- Công văn nhắc nhở đây. Bố biết rồi. Không phải nhắc. Giả vờ giỏi đến thế là cùng. Năm nào cũng có công văn cấm. Năm nào cũng biếu. Năm nào cũng nhận. Rồi lại có chỉ thị cấm. Tài thật. Giả vờ siêu hạng. Giả vờ mà như không giả vờ gì cả. Thế mới thánh.
Rồi đọc to một câu đinh, một câu chốt trong công văn: "Nghiêm cấm các đơn vị không được lấy tiền quỹ mua quà biếu cấp trên".
Và vừa như nói một mình vừa như nói với người vô hình nào đó đang đứng trước mặt:
- Bố không lấy tiền quỹ mua quà biếu. Mà bố cho thẳng tiền quỹ vào phong bì đem biếu. Bố đéo mua quà. Bố đéo vi phạm. Bố lấy tiền quỹ cho thẳng vào phong bì.
Điều kể Điều và phó tổng thứ nhất đã bao nhiêu lần đem phong bì đi biếu như thế nào: Cho phong bì vào bó hoa. Đến nhà các sếp là chỉ có tặng hoa. Thế thôi. Bà vợ ông chủ tịch đỡ bó hoa còn cười nói với hai người:
- Đội hình các bác đẹp quá. Hai bác bác nào cũng đẹp.
Điều cười:
- Dạ. Báo cáo thủ trưởng chúng tôi là đội hình mẫu đấy ạ. Chứ anh em thì cũng gầy còm, bình thường thôi.
Điều giải thích cho Toàn: Mồng một tháng năm, mồng hai tháng chín, tết tây tết ta, năm nào cũng biếu nên thân quen, tôi cứ bỗ bã như thế cho thân mật. Con béc giê trông thấy bọn tôi còn vẫy đuôi mừng cơ mà! Thân quen đến mức thấy phòng khách đông người là cùng chủ nhà đem thẳng hoa vào bếp. Chứ đứng chờ à? Có đến đêm. Đông lắm. Xếp hàng. Nói xếp hàng thì không đúng, nhưng mặc nhiên thống nhất với nhau thằng đến sau chờ thằng đến trước ra rồi mới vào. Cứ tản ở các ngã ba, ngã tư gần đấy. Chờ. Kín nền nhà bếp toàn hoa. Ông tính xem bao nhiêu bó. Bao nhiêu cái phong bì?
Lại văng tục:
- Địt mẹ. Mình đi biếu thành phố chẳng xơ múi gì. Thằng chánh văn phòng ủy ban đi biếu các bố nó ở Hà Nội vớ bẫm. Phong bì hai nghìn đô nó bớt mẹ nó năm trăm. Ba nghìn nó bớt hẳn một nghìn. Chả lẽ mang danh các kễnh lại điện xuống hỏi à? Mà các kễnh ông đâu nhận. Chỉ các kễnh bà thôi. Mỗi lần đi, đâu ít phong bì. Một năm bao lần đi. Mà nó làm thế mấy chục năm rồi. Cũng cài phong bì vào hoa. Cũng quen hết béc giê. Ông tính xem nó có bao nhiêu tiền? Thằng con giai nó mới mua cái Mercedes mới cứng. Cũng cáo lắm. Về hưu mới cho con mua xe, xây nhà. Mình chén nước cũng chẳng được. Với lại thời gian đâu mà uống nước. Mà uống làm đéo gì. Vào nhanh còn ra để thằng khác vào chứ.
Rồi như sực nhớ ra một chuyện, Điều cười lớn:
- Hôm nọ đang ngồi uống bia ở cái quán gần nhà sếp tổng với Quân rỗ, thấy thằng cha Nguyên thuyền trưởng tàu 19 mới về, phóng xe máy đèo một túi to đi qua rồi quành vào nhà sếp. Thế là chờ lúc cha Nguyên vừa xuống, mình ập vào luôn. Sếp ông vội đút cái phong bì cầm trên tay vào túi quần, sếp bà đang giở các thứ trong gói ra xa lông. Thấy mình đến, Hoàng Quốc Thắng bảo vợ: Kiếm cái túi san cho chú Điều tí quà. Thế là trấn được của sếp. Sướng!
Toàn bật cười:
- Được những gì?
- Mấy thứ vớ vẩn thôi. Chai Remy, gói bánh, hộp sâm, cây ba số. Mình định bảo: Em không nhận những thứ này. Chỉ xin sếp một tờ trong cái phong bì ở túi quần sếp thôi ạ.
Rồi tiếp sau một lúc:
- Lão ấy cũng ngán tôi lắm. Định thay mấy lần nhưng không tìm được người. Với lại cái chức chánh văn phòng này chẳng đứa nào thiết. Lại đầu sai, bổng lộc chẳng đến lần…
- Họ ăn kinh lắm. Từ dưới lên trên. Từ trên xuống dưới. Không ai không ăn. Thằng con tôi chơi với con ông chủ tịch quận, hai đứa cùng học lớp 6 với nhau. Thằng con ông chủ tịch mở tủ lục đồ chơi. Thế nào một hộp rơi xuống đất. Toàn nhẫn vàng lăn ra khắp nhà. Hai đứa chui cả vào gầm giường nhặt. Tôi nghĩ đấy chỉ là chỗ lẻ thôi, mới để sơ sài thế chứ...
Toàn đứng lên, cất giọng đanh thép, mắt nhìn về phía xa:
- Chúng ta phải đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ, xây dựng con người mới. Chống mọi biểu hiện tiêu cực, bè phái, tham nhũng, lời nói không đi đôi với việc làm. Cái sợ nhất là chúng ta nói mà không làm. Phải rèn luyện, tu dưỡng vươn lên ngang tầm thời đại. Nhiều vấn đề mới lắm các đồng chí ạ. Như tin học...
Bà Phương cười trước tiên:
- Đúng. Đúng. Công nhận ông này nhớ thật đấy.
Toàn nghiêm mặt:
- Ngày nào cũng nghe trên tivi. Ngày nào cũng đọc trên báo. Không muốn nhớ cũng phải nhớ.
Vân đã định không tham gia vào đề tài muôn thuở ấy nữa, cũng phải phì cười:
- Em nói các bác nghe. Chuyện thật một trăm phần trăm. Một hôm em đi làm về muộn, về nhà đã bảy giờ hơn, đúng chương trình thời sự. Dắt xe đến cửa thấy vợ em đang đứng giữa nhà vái lia vái lịa. Nhà em vốn chăm chỉ hương khói. Người ta thắp hương ngày rằm mồng một. Còn nhà em sáng nào cũng thắp hương. Em nghĩ bụng quái lạ. Sao hôm nay cô ấy lại thắp hương cả buổi tối nhỉ. Có giỗ chạp gì đâu. Mà lại quay lưng về bàn thờ, vái đi đâu ấy. Đến lúc bước vào mới biết thì ra cô ấy đang vái cái tivi. Trên tivi một ông đang nói về nâng cao đạo đức cách mạng. Ông kễnh ấy nhà em biết quá rõ. Khi còn hàn vi, sáng nào cũng một chảo cơm rang. Bây giờ không biết bao nhiêu biệt thự.
Ba người cười ầm. Vân trừng mắt:
- Mà nhà em đứng rất nghiêm, thẳng người, vái rất cung kính.
Toàn bảo:
- Chắc là bà ấy vái thần tài. Mong thần tài phù hộ để lộc chảy vào nhà mình…
(Bùi Ngọc Tấn. Biển & Chim Bói Cá. Nhã Nam: Hà Nội, 2010)
Không có nhận xét nào