Ngày thứ 12, 19-2 , Tướng Thiệu bay ra Quảng Trị giải quyết
Tiểu đoàn 39 BĐQ mở đường máu rút lui
*( Trích sách “Gải Mả Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam của Bùi Anh Trinh )
Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng tư lệnh quân đội VNCH, bay ra Quảng Trị. Tại Bộ chỉ huy hành quân ở Đông Hà, Tướng Hoàng Xuân Lãm thuyết trình về tình trạng nguy hiểm của Tiểu đoàn 39 BĐQ tại Ranger North cũng như tình trạng trì trệ của cánh quân Dù và Thiết Kỵ đang tiến về Tchepone do không được trực thăng yểm trợ, các phi công Mỹ từ chối bay vào vùng Bắc sông Tchepone.
Sau khi đã rõ tình hình, Tướng Thiệu nói với Tướng Lãm hãy thong thả, trong tình hình hiện tại có lẽ nên triển khai về hướng Tây Nam để dùng đường đất 914 đi tắt đến binh trạm 611 của CSVN ở phía Nam Tchepone ( Nguyễn Duy Hinh, Lam Son 719, trang 79).
*Chú giải :
Trước đó 3 ngày Tướng Abrams và Tướng Cao Văn Viên đã quyết định sử dụng Sư đoàn 1 Bộ binh để quét sạch các ổ phòng không trên dãy núi đá vôi phía Nam sông Tchepone. Hai tướng dự trù trong 5 ngày thì xong.
Tuy nhiên chuyện dọn sạch dãy núi đá dài 15 cây số trong vòng 5 ngày là chuyện không tưởng ….(!!). Bằng chứng là mùa hè năm 1972 một tiểu đoàn quân CSVN chiếm hai quả núi đất Tàu Ô và Chơn Thành trên Quốc lộ 13. Mà Sư đoàn 21 Bộ binh VNCH, và Trung đoàn 15 Bộ binh VNCH cùng với 1 tiểu đoàn dù thay phiên nhau đánh trong 1 tháng 3 ngày mới chiếm xong 2 quả núi đất. Còn đằng này một dãy núi đá 15 cây số mà dự trù chiếm trong 5 ngày thì chỉ là hoang tưởng.
Quyết định né tránh dãy núi đá, dùng đường 914 để đến Tchepone của Tướng Thiệu là một sáng kiến rất tài tình. Đường 914 chạy dài trên địa thế trống trải tại khu vực phía Nam sông Tchepone, tức là phía Nam dãy núi đá. Một khi quân VNCH khống chế khu vực Nam núi đá thì quân CSVN trên dãy núi đá sẽ bị triệt đường tiếp tế luơng thực và đạn dược.
Trong khi đó nếu quân VNCH không di chuyển theo lộ trình Quốc lộ 9 thì toàn bộ lực lượng phòng không dày đặc trên núi đá sẽ bị vô hiệu hóa. Quân CSVN không còn lý do gì để tốn quân, tốn súng đạn cho một nơi vô ích.
Sau này trong quyển sách Vũng Lầy Của Tòa Bạch Ốc, tác giả Nguyễn Kỳ Phong đã trích dẫn tài liệu của Tướng Nguyễn Duy Hinh và ghi lại :
“Ba ngày sau, ngày 19, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Lãm tiến quân chậm lại và bỏ nhiều thì giờ hơn lục soát các kho chứa quân trang quân dụng ở hướng Tây Nam Bản Đông. Chính sự đình trệ này đã giúp cho đối phương có thêm thì giờ củng cố nhân lực và tập trung hỏa lực để tấn công” ( Trang 442. Chú thích 569 cho biết đoạn này trích dẫn từ trang 74 và trang 79 trong tài liệu của Tướng Nguyễn Duy Hinh ).
Tuy nhiên so lại với trang 74 của Tướng Hinh thì quyết định tiến chậm lại để chờ 5 ngày khống chế núi đá phía Nam sông Tchepone là của Tướng Cao Văn Viên và tướng Abrams. Còn trong trang 79 Tướng Thiệu chỉ “nói với” Tướng Lãm là đừng có nôn nóng lắm : “President Thieu told him to take his time” and, under the present circumstances, perhaps it would be better to expand search activities toward the southwest to cut off Route 914 which led into Base Area 611”.
Không hiểu vì đâu mà Nguyễn Kỳ Phong lại ráp trích dẫn trong trang 74 và trang 79 thành một rồi quy cho Tướng Thiệu đã làm hỏng cuộc hành quân bởi vì lệnh tiến chậm lại của ông đã khiến cho CSVN đã kịp bố trí đối phó. Nhưng sự thật rõ ràng là Tướng Thiệu không có ra lệnh như vậy.
Hơn nữa, trước đó chính Nguyễn Kỳ Phong đã cho biết là quân CSVN đã bố trí lực lượng trước khi cuộc hành quân bắt đầu ít nhất là 1 tuần lễ. Ngoài ra sự kiện phát hiện ra đường ống dẫn dầu trong ngày 18-2 đã chứng minh quân CSVN đã bố trí trận địa ít nhất là 1 tháng. Do đó chuyện chậm lại 5 ngày không có nghĩa là ngày 16-2 quân CSVN chưa kịp bố trí trận địa; mà họ đã bố trí xong từ lâu, chỉ chờ quân VNCH lọt vào trận địa họ mới tấn công.
Sở dĩ Tướng Thiệu phải bay ra Quảng Trị bởi vì những tin xấu về việc Tiểu đoàn 39 BĐQ và căn cứ 31 của Lữ đoàn 3 Dù không được tản thương và tiếp tế. Trong khi đó có sự trục trặc về chỉ huy giữa tướng Hoàng Xuân Lãm và Tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Sư đoàn Dù VNCH, mà tướng Cao Văn Viên không giải quyết được.
Trước tình hình đó Tướng Thiệu phải có mặt tại Quảng Trị để củng cố tinh thần cho Tướng Lãm và các đơn vị đang hành quân, ngoài ra cũng để đánh bạt dư luận không hay về những trở ngại lớn của các cánh quân mà trở ngại lớn nhất là không được máy bay Mỹ tiếp tế và tản thương. Người lính ngoài mặt trận sẽ không thể nào an tâm chiến đấu nếu không được tiếp tế đầy đủ
Năm 1985, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho biết nguyên nhân chính của cuộc hành quân bị trở ngại :
“Ba ngày sau khi mở cuộc hành quân, Mỹ đã tổn thất nhiều phi công trực thăng, và nếu không có không lực và hỏa lực yểm trợ thì họ không chịu tiếp tục cất cánh để di tản thương binh kịp thời và trọn vẹn! ( Nguyễn Tiến Hưng, Bí Mật Dinh Độc Lập, trang 76 )
Sau này có nhiều “bình luận gia quân sự dỏm” cho rằng Tướng Thiệu ra Quảng Trị là đã giành lấy nhiệm vụ của Đại tướng Cao Văn Viên trong khi nhiệm vụ của ông là Tổng thống. Luận điệu này là vô căn cứ và thuần tưởng tượng chứ không đúng với thực tế.
Đây là một cuộc hành quân do Tổng thống Nixon đích thân ra lệnh soạn thảo kế hoạch hành quân cũng như đích thân ra lệnh xuất phát hành quân. Tướng Viên phải dưới quyền chỉ huy của Tướng Abrams, Viên đã làm hết sức và cuối cùng phải nhờ tới Tổng thống Thiệu bởi vì ngay chính Abrams cũng không giải quyết được vấn đề các phi công Mỹ từ chối cất cánh.
Sự hiện diên của Tổng thống Thiệu tại Quảng Trị mới có thể tác động đến Washington buộc Nixon phải giải quyết bởi vì tại Việt Nam Abrams đã bó tay.
-Đêm 19-2, quân CSVN tiếp tục tấn công Tiểu đoàn 39 BĐQ/ VNCH tại Ranger North trong khi liên tục pháo kích vào Ranger South. Phi cơ Hỏa Long rưới đạn và thả trái sáng suốt đêm để yểm trợ cho cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 39 BĐQ.
Ngày thứ 13, 20-2
-Từ 7 giờ 30 sáng đến 2 giờ 30 chiều, có 32 phi tuần oanh tạc yểm trợ cho Ranger South.
-Buổi trưa, phi cơ quan sát cho biết khoảng từ 400 đến 600 quân CSVN đang bao vây tấn công cứ điểm Ranger North.
-Lúc 5 giờ 10 chiều, Căn cứ Ranger North bị tràn ngập.
-Lúc 6 giờ 56 tối, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 nhận được tin các binh sĩ sống sót của Tiểu đoàn 39 BĐQ đang mở đường máu để di tản về Ranger South.
-Trong nổ lực cứu Ranger North, có 10 phi cơ của HK bị bắn rơi, trong đó có 6 trực thăng.
-Lực lượng Dù và Thiết kỵ chạm súng với quân CSVN cách A Lưới 2 cây số về hướng Bắc, phát hiện và bắn cháy 1 xe tăng T.34 của CSVN với súng đại bác 23 ly.
Ngày thứ 14, 21-2,
-Số lượng binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 39 BĐQ đến được Ranger South là 199 người, trong đó có 92 người bị thương ( Tổng số tham chiến ban đầu là 525 người ). Trong 4 ngày chiến đấu trước đó họ đã báo cáo giết 639 địch quân và tịch thu 423 AK.47, 15 B.40 và B.41, cùng với nhiều vũ khí tự động khác.
-Đêm 21-2, Ranger South bị pháo kích dữ dội, có cả đạn pháo nòng dài 130 ly. Đây là loại pháo do Liên Xô chế tạo.
-Số binh sĩ bị thương thuộc Tiểu đoàn 39 BĐQ tại Ranger Sound vẫn không di tản được do không có trực thăng tản thương.
*Chú giải : Cho tới ngày nay đại bác 130 ly vẫn được đánh giá là tuyệt hảo, tầm bắn xa tới 27 cây số và rất chính xác. Trong khi đó súng 175 ly của Mỹ bắn xa 32 cây số nhưng không chính xác và rất khó vận hành.
*[ Súng 175 ly được đặt trên một xe cơ giới chạy bằng bánh xích, mỗi khi tác xạ thì lực thối hậu rất lớn, thân xe có thể bị nhớm lên mặc dầu đã có ống thủy lực giảm chấn gắn giữa nòng súng và sàn xe. Cho nên sau mỗi lần bắn thì thân xe đã lệch đi một ít; và như vậy viên đạn kế tiếp cần phải điều chỉnh lại. Do đó pháo binh 175 ly chỉ tác xạ khu vực chứ không thể tác xạ tiếp cận khi hai bên ở thế cài răng lược.
Trận Khe Sanh năm 1968 đã cho thấy súng 175 ly của HK phải đưa vào phế thải ( Hồi ký của Tướng Westmoreland. Sau này quân đội Mỹ chính thức phế thải súng 175 ly vào năm 1979 ). Còn súng đại bác tối tân nhất của quân đội VNCH là súng 105 ly, chỉ bắn xa được 10 cây số cho nên không thể “đọ súng” với đại bác 130 ly của CSVN ].
*Diễn tiến hành quân trên đây được viết theo sách “Lam Son 719” của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh. Những chi tiết trong sách do Tướng Hinh căn cứ theo “nhật ký hành quân” của MACV còn lưu lại tại Ngũ Giác Đài.
Không có nhận xét nào