Tác giả: Brahma Chellaney | The Japan Times ngày 10/12/2020
Biên dịch: Lưu Việt Hà | Hiệu đính: Vân Phạm
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã sai lầm về Trung Quốc gần như trong suốt sự nghiệp. Liệu đến cuối cùng ông có thể đúng đắn khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống? Chính sách của Biden sẽ giúp định hình cục diện an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm hành vi của Trung Quốc.
Không quá lời khi nói rằng, trong suốt những thập kỷ vừa qua, chính sách của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc phần lớn được định hình bởi một cường quốc – Mỹ. Từ Richard Nixon đến Barack Obama, nhiều đời tổng thống Mỹ đã giúp Trung Quốc trỗi dậy, trong đó có hội nhập vào các thể chế quốc tế – từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đến WTO. Các quốc gia khác cũng theo chân Mỹ trong việc dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với cường quốc cộng sản này.
Chính là vào nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã khởi đầu sự thay đổi mang tính căn bản trong chính sách của Mỹ.
Trong bài phát biểu quan trọng về Trung Quốc vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Nixon từng nói, ông sợ rằng mình đã tạo nên một “Frankenstein” khi mở cửa thế giới cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản thân Trump thừa nhận, Mỹ đã tạo ra một con quái vật”.
Giúp đỡ sự trỗi dậy của Trung Quốc là sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc nước Mỹ đóng góp một cách tích cực cho sự nổi lên của đối thủ đáng gờm nhất của mình sẽ được nhớ đến như hành vi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Tuy vậy, nước Mỹ được ngăn cách với Trung Quốc bởi đại dương rộng lớn – Thái Bình Dương – và không phải chịu những mối lo ngại về an ninh trực tiếp và mạnh mẽ như Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác. Cái giá phải trả về an ninh cho sai lầm của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc sẽ đặt lên vai châu Á.
Năm 2020 sẽ được ghi nhớ với cú sốc Covid-19 đến từ Trung Quốc, trong khi chế độ độc tài Bắc Kinh được cho là đang tìm cách hưởng lợi từ đại dịch. Do đó, thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc đã lên mức cao nhất lịch sử ở nhiều quốc gia, theo một khảo sát gần đây.
Biden nhậm chức vào thời điểm sự kháng cự của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc đang nổi lên rõ ràng. Nhiều nền kinh tế quan trọng đang cố gắng phân tách với Trung Quốc một cách có kiểm soát và có chọn lọc trên các lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, nếu Biden tỏ ra là một tổng thống yếu đuối, sức kháng cự sẽ giảm bớt, và quá trình phân tách sẽ chậm lại.
Liệu Biden có trở lại cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc dưới thời Obama? Chỉ vài tháng trước khi rời nhiệm sở, Obama phát biểu rằng “Chúng ta có nhiều thứ đáng phải lo sợ từ một Trung Quốc yếu đuối bị đe dọa, hơn là từ một Trung Quốc thành công và phát triển”.
Dưới thời Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi chủ nghĩa bành trướng hung hãn, vẽ lại bản đồ địa chính trị của Biển Đông mà không tốn viên đạn nào, hay phải chịu bất cứ thiệt hại nào trên trường quốc tế. Ông Tập đang tìm cách áp dụng mô hình này vào Biển Hoa Đông và dãy Himalayas, nơi Trung Quốc đang vướng vào cuộc đụng độ quân sự với Ấn Độ kể từ tháng 5, sau khi nước này xâm lấn biên giới Ấn Độ.
Tháng 7 vừa qua, Antony Blinken – người được Biden lựa chọn cho vị trí ngoại trưởng – phát biểu rằng, chính quyền Biden sẽ tìm cách giúp nước Mỹ gia tăng tính cạnh tranh, đặt trong tâm vào các giá trị, cũng như “tái kết nối và làm việc với Trung Quốc” từ vị thế của sức mạnh. Việc Mỹ tìm cách hợp tác với Trung Quốc sẽ đánh dấu sự cắt đứt đối với cách tiếp cận của chính quyền Trump, vốn coi nước Mỹ có xung đột sâu sắc về mặt ý thức hệ, thậm chí mang tính sống còn với chế độ độc tài Trung Quốc.
Trong một bài viết cùng đứng tên trên tờ Foreign Affairs, Jake Sullivan – người được Biden lựa chọn cho vị trí Cố vấn An ninh quốc gia ủng hộ mô hình “chung sống có quản lý” với Trung Quốc, cho rằng quốc gia này là “kẻ thù đáng gờm nhưng cũng là “đối tác quan trọng của Mỹ”. Do đó, theo bài báo, không thể biện hộ cho chính sách ngăn chặn.
Chủ trương “chung sống có quản lý” với Trung Quốc mà bài báo này cổ vũ không khác gì với chủ trương “vừa hợp tác vừa cạnh tranh” mà một số người Trung Quốc đang thúc đẩy. Cả hai khái niệm đều hàm ý một thỏa thuận theo kiểu G2.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn: chính sách “chung sống có quản lý” của Mỹ sẽ chỉ khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh hơn, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Trung Quốc là quốc gia chuyên chế lớn nhất, mạnh nhất và tồn tại lâu nhất trên thế giới. Đất nước này đang ngày càng hướng đến sự độc tôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 2000, Biden, khi đó là lãnh đạo phe Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ủng hộ việc thiết lập Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc dựa trên lập luận rằng, điều này sẽ đem lại “lợi ích về kinh tế cho Mỹ”, “cải cách chính trị ở Trung Quốc” và “tác động đến an ninh quốc gia của chúng ta” một cách tích cực. Hơn 10 năm sau, trong một bài bình luận vào năm 2011, Biden tuyên bố: “Tôi vẫn tin rằng một nước Trung Quốc thành công có thể khiến nước Mỹ thêm phồn vinh, chứ không phải kém đi”.
Ngay năm ngoái, Biden làm nhiều người choáng váng khi ông thể hiện sự ngây thơ chiến lược liên tục với tuyên bố: “Trung Quốc sẽ lấy mất bữa ăn của chúng ta ư? Thôi nào, các bạn. Ý tôi là, các bạn biết đấy, họ không phải người xấu. Nhưng đoán xem? Họ không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng ta”. Hiệu ứng ngược sau đó đã buộc Biden phải thay đổi quan điểm và thừa nhận Trung Quốc là mối đe dọa.
Sau khi Biden thắng cử, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói rằng, trong cuộc điện đàm chúc mừng Biden, ông nhận được sự đảm bảo rằng sự đảm bảo an ninh của Mỹ áp dụng đối với cả quần đảo tranh chấp Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý. Tuy nhiên, trong một hành vi rõ ràng là có sự tôn trọng Trung Quốc, tuyên bố đưa ra từ văn phòng của Biden không đề cập đến sự đảm bảo này.
Một dấu hiệu đáng lo ngại khác, Steve Ricchetti, người mà 21 năm trước dẫn đầu nỗ lực đưa Trung Quốc gia nhập WTO (điều đã quay trở lại tác động tiêu cực đối với Mỹ), được Biden bổ nhiệm làm Cố vấn Tổng thống, hay theo lời của một tờ báo Mỹ, “được lựa chọn cho vai trò nhà thông thái của Cánh Tây Nhà Trắng”.
Trong một cuộc phỏng vấn trong tháng này, Biden gây bất ngờ khi tuyên bố rằng, nước Mỹ đang không có lợi thế nào trước Trung Quốc. Trong khi hứa hẹn rằng sẽ không ngay lập tức gỡ bỏ thuế quan mà Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, Biden nói rằng, ông dự định làm hòa với đồng minh và hiện thực hóa chính sách công nghiệp bền vững cho nước Mỹ, trước khi hoàn thiện chiến lược với Trung Quốc. Sự chậm trễ này có thể làm dịu đi áp lực lên Bắc Kinh.
Thực tế, ngay từ trước khi nhậm chức, Biden đã có những tín hiệu về ý định từ bỏ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền Trump – khái niệm được khai sinh bởi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ngay cả cụm từ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cũng vắng bóng trong các phát biểu của Biden khi tranh cử, trong khi cương lĩnh năm 2020 của Đảng Dân chủ quay trở lại thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương”.
Trung Quốc đặc biệt ưa thích thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương.” Thời gian gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc thúc giục đội ngũ của Biden sử dụng thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương” để thay thế “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Sau bầu cử, Biden bắt đầu đề cập đến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” khi điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng không đi kèm với “tự do và rộng mở.” Thay và đó, Biden đặt ra thuật ngữ mới: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an ninh và phồn vinh.” Tuy vậy, ông chưa chỉ ra sự khác biệt của khái niệm này. Sự chấm dứt của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” sẽ tạo nên mối lo ngại trong khu vực về tính khó dự đoán trong chính sách của Mỹ.
Tuyên bố của Biden trong tuần này khi đề cử tướng Lloyd J. Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng không liên quan gì đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay Trung Quốc, thách thức lớn nhất của Mỹ. Kinh nghiệm chống nổi dậy ở Trung Đông của tướng Austin không giúp ông nhiều trong việc đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Ông Tập có thể coi chiến thắng của Biden như một cơ hội, tuy nhiên sẽ là bất ngờ nếu “chung sống có quản lý” (tức “vừa hợp tác vừa cạnh tranh”) trở thành chính sách của Biden với Trung Quốc.
Cách tiếp cận này cản trở sự đồng thuận lưỡng đảng hiện nay về vấn đề Trung Quốc. Trên thực tế, “chung sống có quản lý” sẽ dẫn đến sự suy yếu không thể ngăn chặn của Mỹ.
Một nhân tố khác có thể cản trở Biden trong việc mềm mỏng với Trung Quốc: vụ bê bối kéo dài liên quan đến con trai ông, Hunter. Khi còn là Phó Tổng thống, Biden cho Hunter bay đến Bắc Kinh trên chiếc Air Force Two của mình. Trong vòng vài ngày, công ty của Hunter trở thành đối tác của công ty đầu tư đã huy động được hơn 1,5 tỷ USD và được ngân hàng Bank of China hậu thuẫn. Cá nhân Hunter kiếm được hàng triệu USD từ thỏa thuận. Phe Cộng hòa có thể lật lại vụ việc này để khiến Biden bối rối.
Từ lâu, Trung Quốc đã bị cáo buộc là lợi dụng lòng tham của các công ty Mỹ để làm lợi cho mình. Phố Wall có vẻ như đã trở thành đồng minh mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có đồng minh khác ở Washington – những người còn bị kẹt trong tư duy Chiến tranh Lạnh, cho rằng Nga mới là kẻ thù hàng đầu. Suy nghĩ này tồn tại trong cả đội ngũ an ninh quốc gia của Biden, đây là lý do khiến Giám đốc Tình báo quốc gia sắp mãn nhiệm John Ratcliffe thúc giục Biden thừa nhận rằng Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia mà chúng ta phải đối mặt.”
Một đối sách đáng tin cậy đối với sự bành trướng của Trung Quốc sẽ không có tính thuyết phục nếu không có sự lãnh đạo, tầm nhìn và sự quyết đoán của Mỹ. Đây là lý do Biden phải làm rõ chiến lược của mình đối với Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.
TS. Brahma Chellaney là một nhà địa chiến lược và được cho là nhà tư tưởng chiến lược hàng đầu của Ấn Độ, nổi tiếng với những nghiên cứu độc lập và vì “nói sự thật với quyền lực.” Ông là tác giả của chín cuốn sách, gần đây nhất là cuốn “Nước, Hòa bình và Chiến tranh”.
https://dskbd.org
Không có nhận xét nào