Công an Cần Thơ tạm giam Trương Châu Hữu Danh vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 17/12 lên tiếng phản bác thông tin chỉ trích Việt Nam của tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
Tổ chức có trụ sở New York, Mỹ, trước đó liệt Việt Nam vào danh sách một trong các nước “kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt nhất” trên thế giới.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả viết trên trang web của tổ chức này rằng cùng với Trung Quốc, Iran và Ảrập Xêút, Việt Nam là một trong các quốc gia “đặc biệt thành thạo” trong việc “tống giam và sách nhiễu các ký giả và gia đình họ” cũng như “tham gia vào việc kiểm duyệt Internet và mạng xã hội”.
Đáp lại cáo buộc này, bà Hằng tuyên bố “hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đưa ra về tình hình Việt Nam”, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Hà Nội “luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí” như “được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan”.
“Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Theo CPJ, hiện có ít nhất “15 nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam”. Trong danh sách này có tên các ký giả tự do như bà Phạm Đoan Trang cũng như hai người từng viết blog cho Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ là ông Lê Anh Hùng và Phạm Chí Dũng.
Trong cuộc họp báo hôm 17/12, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam không nhắc tới Phóng viên không Biên giới (RSF), tổ chức mới công bố thống kê, trong đó nói rằng 61% nhà báo bị cầm tù trên thế giới đang bị giam tại 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cùng ngày bà Hằng lên tiếng phản bác thông tin từ Ủy ban Bảo vệ Ký giả của Mỹ, chính quyền Việt Nam bắt giữ ông Trương Châu Hữu Danh, cựu nhà báo từng thực hiện nhiều video và bài viết về các trạm thu phí BOT, vốn gây tranh cãi ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Theo báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, ông Danh bị tạm giam “để điều tra về hành vi ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’, được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung năm 2017”.
Trên trang Facebook cá nhân với gần 170 nghìn người theo dõi (follow), một người tên Minh Trung viết: “Chia buồn với anh. Sống ở cái xó này thì chống tiêu cực cũng phải là chống tiêu cực theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chứ không phải cứ thấy tiêu cực là chống được”.
5 ngày trước khi bị bắt, Facebooker từng công tác tại nhiều tờ báo trong nước dẫn lại một bài viết của tờ Nhà đầu tư, trong đó trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói rằng tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, kèm theo bình luận: “Bọn khuyết tật đông quá”.
https://www.voatiengviet.com
Công an Cần Thơ tạm giam Trương Châu Hữu Danh vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’
17/12/2020
VOA Tiếng Việt
Công an thành phố Cần Thơ hôm 17/12 bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh, một facebooker được nhiều người biết tiếng, với cáo buộc ông này “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo tin của Công An Nhân Dân, Tuổi Trẻ và VNExpress, bên cạnh việc bắt tạm giam 3 tháng, công an cũng đã khám xét nơi ở của bị can Trương Châu Hữu Danh ở Long An và thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Tin cho hay nơi cư trú của ông Danh là một căn nhà được vợ chồng ông thuê trong vài năm nay.
Theo tìm hiểu của VOA, ông Danh từng làm việc cho các cơ quan báo chí gồm báo Long An, Lao Động, Nông Thôn Ngày Nay, Làng Mới trong các giai đoạn khác nhau.
Trong vài năm gần đây, ông Danh nổi tiếng trên Facebook với nhiều bài viết và các cuộc tường thuật trực tiếp để phản đối nhiều trạm thu phí BOT ở một số tỉnh, thành phố, cũng như để “chống tiêu cực”, theo như cách gọi của chính ông Danh.
Tuy nhiên, từ phía nhà chức trách Việt Nam, họ coi một số việc trong số những hoạt động đó của ông là vi phạm pháp luật.
Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, giới những người ủng hộ chính quyền Việt Nam cáo buộc rằng ông Trương Châu Hữu Danh có mối quan hệ thân thiết với những người mà họ gọi là “bất mãn”, như các ông, bà Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Lân Thắng, Huỳnh Bửu Long, v.v…
Phản ứng về tin Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị công an tạm giam với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do, dân chủ”, từ Đài Loan, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Trường Sơn viết trên trang cá nhân: “Điều 331 của bộ luật hình sự năm 2015 vừa một lần nữa được sử dụng để bịt miệng những người nói lên suy nghĩ của mình. Lần này nạn nhân là nhà báo Trương Châu Hữu Danh”.
“Với điều luật phản động, phản lý lẽ, và phản hiến pháp này thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân”, ông Sơn bình luận.
Một nhà hoạt động khác hiện cũng đang cư trú ở Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, đưa ra ý kiến: “Điều luật này vốn dĩ lâu nay được dùng để bịt miệng những ai nói trái ý chính quyền. Ngôn ngữ và logic của điều luật tạo ra khả năng diễn giải vô biên cho chính quyền … Điều luật này phải bị bãi bỏ, hoặc ít nhất là phải bị đình chỉ thi hành trên thực tế”.
Việt Nam đến nay bắt bớ, bỏ tù nhiều người bằng điều luật kể trên, trong đó có các ông, bà Nguyễn Thị Huệ, Đoàn Khánh Vinh Quang, Quách Duy, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, v.v…
Không có nhận xét nào