Tại một nhà máy của tập đoàn Vingroup, ngoại ô Hà Nội, Việt Nam, ngày 03/08/2020. REUTERS - KHAM
Nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cũng nhờ đại dịch toàn cầu Covid-19, mà Việt Nam có vẻ như đang tiến nhanh hơn trên con đường trở thành “công xưởng của thế giới”, cụm từ cho tới nay vẫn được dành cho Trung Quốc. Do coi như đã thành công trong việc khống chế dịch virus corona, Việt Nam nay càng được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty muốn tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.
Trong bài báo đăng ngày 09/12/2020, trang mạng Financial Review của Úc ghi nhận là xu hướng di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu từ vài năm qua, khi giá nhân công ở nước láng giềng phương bắc bắt đầu tăng cao. Tờ báo trích lời nhà phân tích Rob Subbaraman, thuộc tập đoàn tài chính Nomura của Nhật, nhận định là tiến trình này đã tăng tốc sau khi tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế thế giới trong suốt năm nay càng khiến cho các công ty đa quốc gia thấy cần phải đa dạng hóa dây chuyền sản xuất. Nhà phân tích Rob Subbaraman nhấn mạnh: “ Đây là một chuyển đổi về cấu trúc mà chúng tôi dự báo là sẽ tiếp diễn. Trong những năm tới, sẽ có một dòng vốn đầu tư lớn hơn chuyển từ bắc Á xuống nam Á”.
Theo ghi nhận của ông Subbaraman, tại vùng bắc Á ( bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan lẫn Trung Quốc ), dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng tăng và khi các nước này trở nên giàu hơn, thì mức lương cũng tăng theo, cho nên các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn.
Nhà phân tích của Nomura đưa ra các nhận định như trên vào lúc chính phủ Việt Nam vừa thông báo là công ty Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Apple hay Sony, xác nhận đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ đôla để xây dựng một cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Nam Định Vũ, gần Hải Phòng.
Kế hoạch mở rộng hoạt động của Pegatron tại Việt Nam (bao gồm cả việc chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển từ Trung Quốc sang Việt Nam) được công bố vào lúc có tin là Foxconn, một tập đoàn lớn khác của Đài Loan, cũng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng tin Reuters vào tháng trước loan tin là Foxconn sẽ mở rộng nhà máy của tập đoàn này ở tỉnh Bắc Giang để xây dựng các dây chuyền lắp ráp mới.
Theo Financial Review, một số nước khác ở Đông Nam Á, như Indonesia, cũng đang tìm cách thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia đang muốn dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng chiến lược của Việt Nam có vẻ thành công hơn cả, qua trường hợp của Apple.
Trả lời RFI qua điện thoại từ Sài Gòn ngày 14/12/2020, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định về lợi thế của Việt Nam:
“Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài từ năm 2018 đến nay, các chuyên gia trên thế giới đều đánh giá rằng quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất chính là Việt Nam, vì khi các công ty ở Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế rất nặng, rất nhiều lãnh đạo các công ty đó muốn né tránh chính sách thuế nặng của chính phủ Mỹ, bằng cách chuyển những hoạt động của họ sang các nước khác, trong đó Việt Nam, mà họ xem là một điểm đến rất tốt.
Cũng vì lý do đó, không chỉ có các công ty của Mỹ, Nhật, hay của quốc gia khác, mà ngay cả các công ty của Trung Quốc cũng có ý định chuyển sang hoạt động ở Việt Nam để tránh chính sách áp thuế nặng nề của chính phủ Donald Trump.
Có thể nói là trong thời gian đó thì đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng khá là nhanh và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng rất nhanh. Cũng có những trường hợp mà Việt Nam bị chính phủ Mỹ tố cáo là đã để cho các công ty Trung Quốc lợi dụng để tránh né chính sách áp thuế của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, phải nói là kinh tế Việt Nam trong thời gian đó cũng có một sức đẩy tốt, xuất khẩu tăng, cũng như là những điều kiện về hạ tầng, những chính sách phát triển nguồn nhân lực cũng được chính phủ Việt Nam lưu tâm để đẩy mạnh. Tôi cho đó là những yếu tố rất tích cực đối với Việt Nam trong việc tranh thủ lợi thế trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Chiến tranh này chắc chắn sẽ còn kéo dài, ngay cả khi mà chính quyền Donald Trump mãn nhiệm và chính quyền Joe Biden tiếp nối. Cuộc chiến thương mại này có thể sẽ là dưới một hình thức nào khác, tuy nhiên nó sẽ không chấm dứt được. Do đó, xu hướng của các nhà máy của các quốc gia phương Tây hoạt động tại Trung Quốc sẽ vẫn là chuyển sang các nước khác, mà trong đó Việt Nam được họ cho là điểm đến ưu tiên.”
Các kinh tế gia của tập đoàn tài chính Nomura ghi nhận là hiện nay các tập đoàn đa quốc gia nay còn tính đến những khác biệt về cách đối phó với đại dịch Covid-19. Châu Á nói chung được xem là đã kềm chế dịch bệnh tốt hơn là các quốc gia phương Tây. Theo nhà phân tích Subbaraman, như vậy châu Á sẽ là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại vào năm tới, một khi virus corona không còn hoành hành nữa. Ông dự báo châu Á sẽ thu hút phần lớn nhất trong các dòng vốn vào năm tới, vì các công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư. Trong bối cảnh này, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn hơn các nước khác, vì kể từ đầu mùa dịch cho đến nay, Việt Nam có chưa tới 1.400 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong.
Vấn đề đặt ra hiện nay đó là liệu các cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam có đủ khả năng để tiếp nhận các dòng vốn đầu tư mới của ngoại quốc hay không? Về điểm này, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định:
“ Thật ra việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam để phục vụ cho sự phát triển đầu tư nước ngoài đã được lưu ý nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, có thể nói là việc chuẩn bị đó chưa theo kịp nhu cầu gia tăng nhanh của đầu tư nước ngoài. Do đó, có trường hợp là một số công ty lớn của Mỹ như Apple đã phải có kế hoạch làm chậm tiến trình đầu tư tại Việt Nam, vì lý do thiếu nguồn nhân lực.
Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời gian sắp tới, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Thật ra, đó cũng không phải là hai yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chính môi trường đầu tư, chính sách thuế, cũng như là thái độ thân thiện, cởi mở của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài mới quan trọng hơn, đặc biệt là vấn đề cải cách hành chính để tránh tham nhũng, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hơn, để giúp nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh việc thực hiện dự án của họ ở Việt Nam. Đó là những yếu tố mà tôi cho là cũng quan trọng không kém so với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực chuyên môn.”
Thu hút nhiều đầu tư ngoại quốc dĩ nhiên là rất tốt, nhưng nhìn xa hơn về phát triển trong tương tương lai, Việt Nam không thể mãi mãi chỉ là một “công xưởng của thế giới”, chỉ là nơi để các tập đoàn quốc tế đặt cơ sở sản xuất, mà phải đưa nền kinh tế lên một trình độ cao hơn, tức là nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất, như ý kiến của chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn:
“Đó là một sự chọn lựa. Tôi nghĩ là Việt Nam nằm ở một vị trí địa chính trị rất quan trọng, là một nước ven Biển Đông, nơi tập trung một khối lượng giao thương rất lớn của thế giới. Trong mấy chục năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã theo đuổi một chính sách hội nhập kinh tế rất là sâu rộng đối với thế giới. Có thể nói Việt Nam hiện nay là một trong những nước ký thỏa ước thương mại song phuơng với rất nhiều quốc gia, cũng như thỏa ước đa phương với nhiều khối như Liên Âu, ASEAN, khối Đông Bắc Á. Cho nên, Việt Nam, với vị thế của mình và với chính sách mở cửa mạnh mẽ, chắc chắn sẽ trở thành nơi mà các nhà đầu tư chọn lựa.
Như vậy, cái gọi là “công xưởng của thế giới », cụm từ mà trước đây chúng ta hay gọi Trung Quốc, cũng là viễn cảnh của Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, điều đó sẽ đặt Việt Nam trước một sự chọn lựa, tức là ta không thể chỉ là một công xưởng, tức là nơi sản xuất, mà phải biết chọn lựa nên sản xuất cái gì, trong ngành nào cho phù hợp với sự phát triển trong tương lai của cả thế giới, chẳng hạn như là không gây ô nhiễm môi trường, hướng về công nghệ cao, tức là hướng về giá trị cao trong chuỗi cung ứng của toàn cầu. Đặc biệt là phải bảo đảm quyền lợi của người lao động, cũng như bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên của Việt Nam.
Tôi nghĩ đó là một sự chọn lựa, vì từ đây đến 5,10 năm nữa, Việt Nam sẽ là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới, do đó nước chủ nhà phải có một thái độ bình tĩnh, để chọn lựa được những dự án đầu tư nào, những nhà máy nào phù hợp với lợi ích phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.”
https://www.rfi.fr/vi
Không có nhận xét nào