Nhóm nhân quyền ra sách 'biện pháp trừng phạt Magnitsky' do Phạm Đoan Trang thực hiện
Gia đình của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức bày tỏ lo lắng về việc ông đang tiến hành tuyệt thực trong tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế hồi 2009, sau khi bị kết tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Cập nhật trên Facebook, em trai ông, Trần Huỳnh Duy Tân, cho biết: "Vào ngày 30/11/2020 gia đình đã có buổi thăm gặp anh Thức, anh cho biết đã tuyệt thực được 7 ngày, anh bị giảm 3.5 kg và tụt huyết áp, anh đang trong tình trạng rất mệt mỏi."
Theo lời gia đình, ông Thức gửi lời nhắn: "Tôi xin lỗi vì đã không đi được đến thành công với các bạn, hãy tiếp tục con đường khai sáng cho dân tộc và cho nhân loại, các cuộc đấu tranh cần hướng đến thượng tôn Quyền Con Người, hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau. Cảm ơn mọi người, tôi sẽ luôn nhớ theo các bạn."
Gia đình ông Thức nói hôm 30/11, khi thăm ông ở trại giam ở tỉnh Nghệ An, ông Thức nói ông tuyệt thực để "phản đối Tòa án nhân dân tối cao không tôn trọng pháp luật, không trả lời đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại mà anh đã gửi ngày 7/7/2018 và đơn đề nghị phúc đáp ngày 19/8/2020".
"Anh Thức tuyên bố sẽ tuyệt thực cho đến chết nếu không nhận được trả lời của Tòa án nhân dân tối cao," gia đình ông Thức viết trên Facebook của họ.
Đây không phải lần đầu tiên ông Thức tuyệt thực trong tù.
Tháng Năm năm 2016, tin nói ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực nhiều ngày trong lúc thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho ông hiện có gần 18.000 người ký.
Một nguồn giấu tên, từng tham gia giúp vận động chữ ký ủng hộ ông Thức năm 2016, giờ đây bày tỏ lo ngại về tình trạng của ông.
Nguồn này nói với BBC: "Năm 2016, người dân rất quan tâm tình hình anh Thức. Nhưng tình hình đã thay đổi nhiều, bạn bè đấu tranh của anh khi đó, giờ có người đã sống ở nước ngoài, người làm việc khác."
"Giờ lại xảy ra đại dịch Covid-19, người dân có những lo toan khác. Tôi lo ngại anh Thức không được cập nhật diễn tiến bên ngoài do bị giam, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của anh."
Sinh năm 1966, ông Trần Huỳnh Duy Thức từng là một doanh nhân thành đạt ở Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông.
Ông ra tòa lần đầu hôm 20/01/2010, cùng các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long.
Họ bị buộc tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Ông nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi các bị cáo trong cùng vụ án với ông bị tuyên án từ năm đến bảy năm tù.
Nhóm nhân quyền ra sách 'biện pháp trừng phạt Magnitsky' do Phạm Đoan Trang thực hiện
3/12/2020
Một tổ chức nhân quyền hôm 2/12 công bố cuốn sách Hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky, mà họ nói do bà Phạm Đoan Trang đóng vai trò biên tập, trước khi bà bị tạm giam tại Việt Nam.
Safeguard Defenders tuyên bố họ phát hành hướng dẫn này với tên của Phạm Đoan Trang "không chỉ vì sự hỗ trợ và hợp tác của cô trong quá trình sản xuất mà còn là sự cống hiến cho tinh thần dũng cảm và nguồn cảm hứng của cô với tư cách là một nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam".
Vào tháng 10, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án với bà Phạm Đoan Trang để điều tra cáo buộc có hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Trang bị di lý về Hà Nội để phục vụ điều tra, theo phía công an.
Cuốn sách về Luật Magnitsky và khả năng áp dụng với Việt Nam, do Đoan Trang dịch và biên tập.
Lời giới thiệu sách, ghi là của bà Đoan Trang viết ngày 3/10, nói bà mong rằng "cẩm nang hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky sẽ trở thành một công cụ tốt mà mỗi người dân Việt Nam, nhất là hàng triệu nạn nhân của bất công, tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đều có thể sử dụng để trừng trị kẻ có tội".
Luật sư Nga, ông Sergei Magnitsky làm kiểm toán cho một công ty luật, đã bị bắt năm 2008 và chết trong khi bị giam giữ năm 2009 ở tuổi 37.
Cái chết của ông gây ra bất đồng ngoại giao giữa Nga và Hoa Kỳ về các vụ bạo hành trong nhà tù và cách thức nước Nga chống tham nhũng.
Hồi năm 2012, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky, theo đó đưa các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vào danh sách đen.
Cuốn sách của Phạm Đoan Trang cho biết thêm Luật Magnitsky của Mỹ có tên đầy đủ là "Global Magnitsky Human Rights Accountability Act" (Luật Quy Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu), được ký thông qua ngày 23/12/2016.
Ngoài ra còn có thêm Sắc lệnh Hành pháp 13818, gọi tắt là EO 13810, được ban hành vào ngày 20/12/2017.
Vào tháng Bảy, báo Công an Nhân dân ở Hà Nội đăng bài phê phán nhóm Nhà xuất bản Tự Do của bà Đoan Trang và dự án viết về Luật Magnitsky.
Bài này lên án: "Các hoạt động của số đối tượng kêu gọi áp dụng chế tài của luật Magnitsky với mục tiêu, ý đồ "áp đặt" lên Việt Nam với các chế tài bất hợp lý cần phải bị lên án."
Hôm 30/9, trả lời BBC, bà Đoan Trang nói: "Suy cho cùng, chỉ còn Mỹ là quốc gia tích cực nhất trong việc sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt tội phạm vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở nước ngoài."
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55172802
Không có nhận xét nào