KHI GIAO LƯU CÙNG CÁC BẠN TRẺ, tôi thường nói nếu lựa chọn 3 quốc gia ở bên ngoài để nghiên cứu, học hỏi, trao đổi, tiếp xúc... giúp thúc đẩy sự phát triển và mở mang tư duy chiến lược của cá nhân, thể chế và đất nước thì nên chọn Anh, Israel và Singapore. Tất nhiên, các bài học rút ra từ từng quốc gia sẽ không giống nhau và nếu được nghiên cứu, đúc kết kỹ lưỡng sẽ rất có ích. Khi điều kiện và thời gian cho phép tôi sẽ nói kỹ hơn về thiết chế và tư duy chiến lược của giới tinh hoa (elite) từng nước một trong ba nước này.
Quả thực, trên thế giới có rất nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, nhiều thiết chế, nhiều mô hình... rất đáng để nước đi sau như chúng ta tham khảo, học hỏi, nhưng khi chỉ được lựa chọn 3 nước thì phải cân nhắc rất kỹ khi chọn nước này, bỏ nước kia. Còn lựa chọn 3 nước của bạn là gì, tại sao bạn lại chọn như vậy?
Trước hết, nói về nước Anh (có thể nhiều người sẽ hỏi tại sao lại không phải là Mỹ?): Có rất nhiều bài viết so sánh sự khác biệt về hình thức thể chế, mức độ đa dạng văn hóa giữa Anh và Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, thiết chế và tư duy chiến lược của Mỹ và Anh là gần nhau nhất và cho dù nước Mỹ có đa dạng và thay đổi đến đâu, thì nền tảng Anglo-Saxon của nước Mỹ vẫn không mấy thay đổi và càng tiếp cận lên cao trên các nấc thang quyền lực của nước Mỹ thì điều này càng thể hiện rõ.
Thực chất, "cha đẻ" của nước Mỹ hiện đại là những người Thanh giáo (Purist), những tinh hoa trí thức của Anh... do bất mãn với sự hà khắc và cổ hủ của Nhà thờ Anh, nền chính trị phong kiến mục ruỗng, và không có đất dụng võ nên đã di cư sang Mỹ để tìm đất dụng võ, xây dựng Thế giới mới (New World) và trên rất nhiều khía cạnh họ đã thành công ở miền đất mới.
Sự trỗi dậy của nước Mỹ sau đó đã làm thức tỉnh và thúc đẩy hàng loạt các thay đổi chính trị, xã hội nước Anh trong thế kỷ XIX, đưa nước Anh trở thành cái nôi của Cách mạng công nghiệp trong thế kỷ XIX và mở rộng hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn cầu.
Điều thú vị là khi Anh trỗi dậy thì Mỹ cũng trỗi dậy, nhưng sự trỗi dậy của Mỹ nhanh hơn nên quan hệ giữa Anh và Mỹ trở thành quan hệ giữa một cường quốc trỗi dậy (emerging power) là Mỹ và một cường quốc đã được thiết lập (established power) là Anh.
Nhìn lại quan hệ giữa một cường quốc trỗi dậy và một cường quốc đã thiết lập trong quan hệ quốc tế trong hơn 500 năm qua, chúng ta dễ thấy hầu hết mối quan hệ này đều dẫn đến kết cục là chiến tranh nóng hoặc chiến tranh lạnh (như Mỹ - Xô từ 1947-1991) một mất một còn.
Trái lại, giữa Mỹ và Anh lại không có cuộc chiến tương tàn nào (không thể tính hai cuộc chiến Mỹ-Anh 1775-1783 và 1812 vì đây là các cuộc chiến tranh giành thuộc địa của Anh). Vì nhiều lý do, trong đó có việc sớm nhận thấy thiết chế của Mỹ ưu việt hơn, Mỹ có đủ quyết tâm và nguồn lực để thực hiện tham vọng và mục tiêu toàn cầu (trùng hợp hoàn toàn các mục tiêu của Anh nhưng Anh không thể làm do "lực bất tòng tâm"), nên nước Anh đã không chọn cách đối đầu mà tự nguyện liên minh nhiệt thành, đầy đủ và toàn diện với Mỹ với vị thế "đàn em".
Có thể so sánh có phần khập khiễng, nhưng thực tế nước Anh được ví như "bộ não" của nước Mỹ, là nơi khởi phát các ý tưởng và kế hoạch tầm vóc toàn cầu; còn Mỹ là nước phát triển thêm, biến các ý tưởng đó thành "của mình" và là người thực hiện.
Có rất nhiều dẫn chứng về các ý tưởng và kế hoạch lớn xuất phát từ Anh trong thế kỷ XX như Chính sách mở cửa (Open Door Policy của Mỹ đầu thế kỷ XX). Đặc biệt là việc thiết lập hệ thống Bretton Woods với việc đặt ra các quy tắc, luật chơi toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với sự ra đời của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) mà sau này trở thành một bộ phận của Ngân hàng thế giới (WB).
Kinh tế gia người Anh Jonh Keynes, một trong các kinh tế gia có ảnh hưởng nhất mọi thời đại và có học thuyết kinh tế riêng mang tên mình, là kiến trúc sư chính của hệ thống này. Điều đáng chú ý là quyết định "đau đớn" nhất nhưng cũng vĩ đại nhất trong sư nghiệp của Keynes, một công dân Anh Quốc, là thiết kế hệ thống Bretton Woods với chế độ bản vị vàng và đưa đồng USD của nước Mỹ ở vị trí đồng tiền thanh toán quốc tế thay thế cho đồng Bảng Anh UK£ vốn đã tồn tại từ cả thế kỷ trước đó.
Thậm chí cha đẻ của Chiến tranh lạnh cũng lại là một người Anh rất nổi tiếng khác, Thủ tướng Winston Churchill, với bài diễn văn "để đời" tại Trường Westminster College ở Fulton (Bang Misouri) ngày 5/2/1946 về việc tăng cường thiết chế Liên hợp quốc, thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ-Anh, và câu nói nổi tiếng nhất là dựng lên "BỨC MÀN SẮT" (Iron Curtain) để bao vây Liên Xô và đồng minh.
Với bài diễn văn này, trên thực tế Churchill đã đi trước gần một năm rưỡi so với George Kennan - Cha đẻ của Học thuyết Kiềm chế (Containment Strategy) với bài báo gây chấn động THE SOURCES OF SOVIET CONDUCT đăng trên FOREIGN AFFAIRS số tháng 7/1947.
Gần đây nhất, Diễn đàn SHANGRI-LA do Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (IISS) của Anh phối hợp với Chính phủ Singapore tổ chức rất thành công và SHANGRI-LA DIALOGUE hiện là một trong các diễn đàn quan trọng nhất bàn thảo các vấn đề an ninh Đông Á, là nơi quần tụ giới chính trị, quan chức an ninh-quốc phòng, học giả các nước Mỹ, Châu Âu và Đông Á.
Có thể thấy, người Anh đã có tư duy vượt thời gian, nghĩ trước các nước khác ba, bốn bước, thấy được các nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh toàn cầu từ các bất ổn ở Đông Á, đồng thời cũng thấy được các cơ hội từ việc nước Anh đi tiên phong, xử lý các thách thức này.
Như vậy, nếu chỉ nhìn thấy Anh đi xuống, rút khỏi các cam kết toàn cầu (như giảm cam kết, rút sự có mặt quân sự ở phía Đông Suez kéo dài qua Nam Á tới Đông Nam Á từ sau những năm 1970) rồi tập trung vào Châu Âu là mới chỉ thấy mặt nổi của vấn đề. Việc thực hiện "giấc mơ" Anh bằng "bàn tay" Mỹ mới thể hiện bản chất thực dụng, tư duy chiến lược và tầm nhìn toàn cầu của người Anh.
Như vậy người Anh đâu chỉ có "phớt Ăng-lê"!
ttps://www.facebook.com/tuan.hoang.1428/posts/3911250092231979
Không có nhận xét nào