Căn cứ KQ Biên Hòa tháng 11/1971 …
Một buối sáng trời bắt đầu chớm
lạnh, tôi, th/úy Tôn Thất Đoàn đang tại Phòng Hành Quân PĐ 231, cái PHQ mỗi đầu
ngày buổi sáng người vô kẻ ra ồn ào náo nhiệt, anh em phi hành đang chen chúc
nhau trước bảng phi lệnh xem số tàu và phi vụ cắt bay hôm nay xong ký tên vào sổ
phi lệnh rồi cùng rủ nhau ra tàu. Tôi còn ngồi đó một chân gát bên gốc bàn trực
để chờ Cư, một bạn học cũ và cũng là lính tàu bay học chung với nhau một trường
ở Mỹ nên đã từ tối hôm qua tôi đã xin phép Flight Leader cắt chúng tôi bay
chung trong phi vụ của ngày hôm nay.
Hôm nay chúng tôi sẽ bay cho Tiểu khu Phước Long, trưởng phi cơ là tôi và
copilot là Lê Viết Cư, là bạn học cùng tôi từ Đệ Thất cho đến Đệ Tứ trường
Trung học công lập Nguyễn Tri Phương, Huế. Lên Đệ Tam thì tôi chuyển qua Quốc Học,
và sau đó vì tình hình ở Huế xáo trộn do biến cố Phật giáo năm 1963 nên tôi
chuyển vào Sài Gòn học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định. Khi sang Mỹ thì Cư học bay cùng một
thời gian với tôi nhưng lại không gặp được nhau cho đến ngày về PĐ 231 thì kể
cũng là chuyện lạ. Và tuy thời gian học ở trường bay nhưng lúc đó tôi đã là Thiếu
úy còn Cư vẫn còn SVSQ do đó khi về nước phải học bổ túc quân sự nên về PĐ231
sau tôi. Gần 10 năm cách biệt giờ được gặp lại nhau cùng đơn vị và cùng chung chí
hướng thì thích thú vô cùng. Sáng hôm nay chúng tôi chung một con tàu và đây
cũng là phi vụ đầu tiên của Cư, cơ phi là tr/sĩ Hớn, gunner hạ sĩ nhất Kiệm, đặc
biệt là hai bạn này một thì hơi to con có 1, 2 cái răng bọc vàng sáng chóe, một
thì thật nhỏ con như lính tò-te mà nghe anh em cơ phi thường kêu là th/sĩ Hớn !
Sau khi chúng tôi tôi gọi Đài cất cánh thì tôi để Cư bay cho đến Phước Long và
cũng để Cư đáp tại bải đáp của Tiểu khu. Trong lúc chờ đợi, phi hành đoàn chúng
tôi cùng đi ăn sáng uống cafe, Cư mời tôi 1 điếu Con mèo đen, tôi không hút thuốc
nhưng cũng cầm lấy phì phèo nhắm nháp với ly cafe cũng ra vẽ lắm. Điểm tâm xong
chúng tôi về lại tàu nằm chờ đợi cho đến một lúc sau thì một sĩ quan liên lạc
ra cho biết phi hành đoàn chuẩn bị đi bốc toán viễn thám. Lúc đó tôi tuy là trưởng
phi cơ nhưng kinh nghiệm chưa nhiều ,mới bay HQ chưa được 1 năm nên ai chỉ đâu
đánh đó không thắc mắc, không đòi hỏi vì phi vụ bốc viễn thám phải có gunships
cover thì mới đúng dù cho chiến trường lúc đó chưa có chi gọi là sôi động. Hơn
nữa vị đại úy viễn thám theo tàu cũng không nói nhiều, chỉ cho biết tọa độ còn
họ sẽ liên lạc nhận mặt toán của họ để bốc về mà thôi.
Tự sáng giờ nằm chờ cả người hơi quải cho đến khi tàu lấy đủ RPM tôi liền ghì lấy
cần lái đẩy mạnh múc một cái thật gắt để lấy tinh thần cất cánh trực chỉ LZ ,
Cư quày đầu ra cửa quan sát, trong nón bay tôi không ngừng nhắc nhỡ CP, XT cẩn
thận. Viên Đại úy ngồi đằng sau cùng một hạ sĩ quan truyền tin không ngừng bận
bịu liên lạc quân bạn ở điểm đến, họ thấp thỏm cả 10 phút bay, cho đến khi chuẫn
bị vào LZ thì anh ta lại chồm người cho tôi biết mục tiêu rất hot vì viễn thám
đang bị địch phát hiện và bám sát không quá mươi thước. Lúc này tôi quay đầu ra
sau kêu anh em thử súng, được lệnh anh em liền khạt không ngừng, tiếng M-60
đàng sau hai bên nghe thật giòn, tiếng súng đã làm tăng cái không khí cả tàu
đang căng thẳng hòa lẫn tiếng rè -rè chát cả tai của máy truyền tin lại làm thần
kinh anh em căng thẳng thêm. Tôi nhìn thấy thần chết đang phục đâu đây nên cứ nhìn
Cư, còn copil Cư thì đầu muốn ló cả ra cửa sổ đảo vòng khắp vùng. Rừng cây cao
vòi vọi chằn chịt không tìm thấy một chỗ trống trên LZ mà viên sĩ quan viễn
thám không ngừng chỉ trỏ quá là chật hẹp bao phủ toàn là cây cổ thụ nên không
thể làm normal landing được. Sau khi xác định được phe ta tôi la lên trong nón
bay kêu clear bải đáp thật kỷ để tôi hover từ trên ngọn cây rồi sau đó sẽ làm
vertical landing xuống bốc. Tiếng gào trong máy PRC-25 đàng sau kêu quân bạn quẹo
phải trái ra một bãi trống nhưng khi tầm mắt của tôi vừa ngang ngọn cây cách mặt
đất khoảng 10, 15 ft thì BÙM 1 tiếng nổ chát chúa vang lên, cả tàu chóa lửa
khói bay mù mịt, phản ứng tự nhiên tôi giữ cho con tàu rớt tự do không bị lật,
tôi nghĩ đạn không trúng main rotor và cả tail rotor nữa thật quá may mắn.
Nhưng khi định hồn thì cả tàu mịt mù khói chẳng còn thấy gì,và khi tàu đã bắt đầu
cháy vậy mà tôi còn lo tắt Main Fuel Cotrol Off vì sợ máy bay cháy, sau nầy
nghĩ lại thật buồn cười. Tôi không biết mình có bị gì không nhưng quay mặt nhìn
về phía trái thì hởi ơi, Cư cũng đang nhìn tôi, không nói một lời với khuôn mặt
đầy máu. Khuôn mặt đó cứ ám ảnh tôi cho đến bây giờ, phải chi mình đừng yêu cầu
Cư bay chung với tôi phi vụ này. Đây là phi vụ hành quân đầu tiên và cũng là
phi vụ cuối cùng của Cư. Và khi thấy Cư ngồi bất động tôi mới tự tung cửa thoát
ra khỏi tàu chạy qua phía trái với sự giúp đở của gunner Kiệm và toán viễn thám
ở LZ kéo Cư vào hướng 9 giờ một trảng trống núp sau một gò đất và không nhớ cơ
phi Hớn có mệnh hệ gì không ? Lúc nầy quân bạn không ngừng khạt đạn tự bảo vệ
vùng, tiếng AK của Vịt cũng chẳng vừa cứ nghe rít ngang trên đầu. Tôi vội mở
Survival Radio gào thét MayDay…MayDay…cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ hy vọng ai nấy
quanh vùng đều nghe. Tọa độ rớt máy bay liền được quân bạn xác định và chỉ khoảng
30 phút sau thì tôi nghe thấy tiếng rockets của Cobra gunships không ngừng rãi
quanh cover cho chúng tôi, cả 2 chiếc F-5 cũng đang thay nhau oanh tạc dưới sự
hướng dẫn của toán viễn thám và của tiểu khu Phước Long, toàn là máy bay của Mỹ
đang ráo riết giập cả khu rừng, tôi tự mừng thầm trong bụng, của ai cũng được
miễn là có người biết mình đang bị nạn và đang chờ rescue ở đây là được rồi.
May mắn phi hành đoàn chỉ có Cư bị thương nặng, Hớn thì bị nhẹ nhưng sau này cả
hai đều giải ngũ. Gunner Kiệm thì hoàn toàn vô sự, riêng tôi bị một mãnh nhỏ
ghim vào gót chân trái. Vị Đại Úy viễn thám đã hy sinh vì viên đạB-40 bắn từ hướng
11 giờ nổ tung ngay ở giữa phi cơ trổ ra hướng 4 giờ, lúc ấy ông đang như bao
che cả người tôi để chỉ bãi đáp đến cả một bông mai của ông đã văng đi ghim vào
vai trái tôi mà tôi chẳng phát hiện cho đến khi được rescue về phi đoàn thì Sĩ
Quan trực mới thấy mà gỡ xuống!
Trở lại lúc chúng tôi đang nằm chờ đợi để được rescue trong lúc Crobra và F-5
sau hơn 1 tiếng quần thảo bao cả vùng thì lù đù xuất hiện hai chiếc Dust-off Mỹ,
chiếc số 1 đáp , Cư và Hớn cùng một số viễn thám bị thương lên trước được bốc
trước, tôi và Kiệm lên chiếc số 2. Lúc nầy bọn Vịt như đã banh thây dưới những
trận oanh kích liên tục nên không còn nghe thấy tiếng súng của chúng nữa. Trên
đường về Biên Hòa tôi được phi hành đoàn cho biết chiếc Dust-off 1 tãi thương
Cư và Hớn lại bị trúng đạn hydrolic-off phải emergency trên đồng trống gần Bình
Dương. Thế là trong một ngày Cư và Hớn bị rớt máy bay
hai lần và đều được trực thăng Mỹ đưa 2bạn an toàn về Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Đúng là chưa tới số nên còn sống đến ngày hôm nay. Xin cảm ơn Trời Phật.
Sau những trận đánh càng ngày càng ác liệt của cuộc chiến Vùng 3 Chiến Thuật
tôi bị thuyên chuyển ra Vùng địa đầu Phi đoàn 213 Song Chùy căn cứ KQ Đà Nẳng.
Giờ ngồi đây nghĩ lại Thiếu Úy Lê Viết Cư bạn tôi sao thật là xui xẻo, phi vụ
hành quân đầu tiên cũng là phi vụ cuối cùng trong Cuộc Đời Phi Công của bạn!
Phi vụ nầy tôi được Chiến thương bội tinh kèm thêm Anh dũng bội tinh nhưng chỉ
nhận được một còn cái Anh Dũng thì không biết đi đâu ? Đó hình như là tai nạn đầu
tiên của PĐ231 nhưng không biết anh em 231 có ai nghĩ tới đã từng có một phi
công mới cất cánh bay đã phải từ giã về lại với đời, ý tôi nói th/úy Cư chỉ bay
một lần rồi giải ngũ, và bạn ta chỉ ở phi đoàn có vài ngày chắc là rất ít người
biết. Không biết có anh em nào nào về 231 cùng lúc với Cư không ? Cách đây mấy
năm tôi có nhắc lại với Lôi Vân1 ( tức Trung Tá phi đoàn trưởng ) nhưng LV1
không nhớ, vì phi đoàn lúc đó mới thành lập.
Cư thân mến, mình không liên lạc được với Cư kể từ khi bị ra Đà Nẳng, sau đó ở
tù cộng sản 4 năm, mình kiếm bạn khắp nơi ở Facebook,Intergram , v.v.. nhưng
tìm không thấy, mình hy vọng là Cư đi được trước 30 Tháng Tư Đen, vì sau khi giải
ngũ, Cư làm cho Mỹ ở TSN. Hy vọng Cư hoặc anh em nào đọc được tin tức của Cư
thì cho tôi liên lạc, mong lắm thay.Trong lúc Cư điều trị tại TYVCH, thỉnh thoảng
về Sài Gòn Đoàn có ghé thăm, thấy Cư nằm trên giường bệnh quấn toàn băng trắng,
chân treo tòng teng thật là đau lòng lại thêm hối hận vì hôm đó mình đã yêu cầu
sắp cho Cư bay chung với mình!
Sau 1974 thì tôi không còn ở 231 nữa, mặc dù tất cả bạn bè ngày ngày cùng vào
sinh ra tử đều ở đó, suốt 4 năm 71-74 đầy ấp những kỷ niệm vui buồn có nhau, tất
cả đều ở Lôi Vân còn tôi đã ra Song Chùy 213 nhưng dù sao thì cũng cùng chiến đấu
dưới bầu trời khi đó vẫn còn xanh của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ra ngoài này
không bao lâu nên không nhiều kỷ niệm, sau gặp Nguyễn Mạnh Thạc cũng đổi ra đây,
2 anh em tuy khác phi đoàn nhưng cùng chung một buổi cơm tháng với nhau nên bớt
đi phần nào cô đơn.
Tháng 4/75 tan hàng phi vụ di tản cuối cùng, tôi bị rớt tàu một lần nữa, đám Vịt
xông đến bắt tôi ở tù hơn 4 năm …
https://www.tvvn.org/mot-ngay-mot-doi-ton-that-doan/
Không có nhận xét nào