(Hydropower vs Heritage: Will Laos Lose Luang Prabang?)
Tom Fawthrop – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – December 23, 2020
Thành phố Luang Prabang ở Lào. [Ảnh: Journey Era]
Dự án đập Mekong khác đe dọa cố đô hoàng gia đinh mất tình trạng Di sản Thế giới UNESCO.
Kế hoạch đầy rủi ro của chánh phủ Lào để xây một đập khổng lồ trên sông Mekong, gần một cách nguy hiểm với khu Di sản Thế giới UNESCO nổi tiếng ở Luang Prabang, cho thấy việc xem thường trách nhiệm pháp lý của họ để bảo vệ khu nổi tiếng, theo các chuyên viên bảo tồn.
Minja Yang, nguyên phó giám đốc của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO, nói với The Diplomat, “Tôi không thể hiểu vì sao chánh phủ không suy nghĩ 1 giây để cỗ vũ một đập như thế, nó sẽ biến khu Di sản Thế giới thành một cái hồ hay hồ chứa. Ảnh hưởng sẽ tàn khốc.”
Năm 2019, nhà phát triển đập CH Karnchang của Thái đã hoàn tất một nhà máy thủy điện khổng lồ - đập Xayaburi - ở hạ lưu của cố đô hoàng gia Luang Prabang. Nếu dự án đập ở thượng lưu được tiến hành, nó sẽ loại trừ dòng chảy tự nhiên của Mekong và Nam Khan, nằm bên sườn của thành phố di sản tiêu biểu.
Điều nầy được xác nhận trong một diễn đàn tham vấn do Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) tổ chức trong tháng 2 năm 2020.
Chuyên viên di sản kỳ cựu Minja Yang, trong năm 1991 là trưởng phái bộ UNESCO để bảo vệ Angkor Wat của Cambodia và cựu giám đốc UNESCO ở New Delhi giải thích, ”UNESCO ký thỏa thuận 1995 với chánh phủ Lào dựa trên sự liên hệ độc đáo giữa thiên nhiên, văn hóa, và lịch sử dọc theo hợp lưu của Mekong và Nam Khan. Nếu khu nầy trở thành một thị trấn “ven hồ” không cón là một thị trấn ven sông, tính xác thật và sự toàn vẹn của nó sẽ bị mất vĩnh viễn.”
CH Karnchang của Thái Lan đã cỗ vũ đập Luang Prabang dựa trên căn bản của một nghiên cứu khả thi do hãng cố vấn thủy điện Pöyry Energy soạn, cũng là công ty đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đập Xayaburi trong năm 2001.
Pöyry chối leo lẽo bất cứ viễn ảnh của ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thành phố di sản của thế giới chỉ cách có 25 km về phía thượng lưu, nhưng không có bất cứ đánh giá ảnh hưởng di sản (heritage impact assessment (HIA)) nào trong nghiên cứu khả thi được đệ trình như một phần của tiến trình tham vấn của MRC.
Điều ngạc nhiên là với tất cả tài nguyên và trách nhiệm trong việc bảo vệ sông, MRC chưa bao giờ tham vấn với bất cứ chuyên viên di sản hay liên lạc với UNESCO.
Thật vậy, dự án đập Xayaburi đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho bờ sông, ảnh hưởng vùng ven sông ở Luang Prabang. Chuyên viên về Mekong của Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)) Marc Goichot báo cáo, “Sạt lở bờ sông Mekong và Nam Khan, và lũ lụt gia tăng, kết hợp với nước dội (backwater) của đập Xayaburi gây nguy hiểm cho khung cảnh thiên nhiên và kho tàng văn hóa của di sản thế giới.” Một đập thứ nhì kiểu Xayaburi của cùng công ty Thái có lẽ sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng.
Một tòa nhà truyền thống được UNESCO bảo tồn và bảo vệ tốt. [Ảnh: Tom Fawthrop]
Điều gì xảy ra cho niềm hãnh diện của chánh phủ Lào trong di sản thế giới?
Các bộ trong chánh phủ Lào đã từng hãnh diện với tình trạng di sản thế giới của Luang Prabang. Sau nhiều thập niên đau khổ của một quốc gia không có bờ biển được biết như “quốc gia ăn bom nhiều nhất trên trái đất,” việc UNESCO công nhận “giá trị hoàn toàn xuất sắc” của Luang Prabang làm cho họ ăn mừng. Nó được xem như một biểu tượng của cá tính và sự phục hưng giúp đẩy mạnh du lịch và phát triển khả chấp.
Vào năm 2005, Lào đi vào một con đường hoàn toàn khác. Với sự hỗ trợ quốc tế từ Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank (ADB)), Ngân hàng Thế giới (World Bank (WB)), và các cơ quan viện trợ của Tây phương, Lào tìm cách để trở thành cái gọi là “bình điện của Á Châu,”, ấm ủ các kế hoạch để xây đập trên hầu hết các sông chánh để sản xuất điện.
Khu di sản được quốc tế bảo vệ ở Luang Prabang chưa bao giờ được Bộ Năng lượng xem là một vùng ngoại lệ trong các thiết kế thủy điện tràn lan của họ.
Trong số của chuỗi 9 đập được dự trù trên hạ lưu Mekong, 2 đã được hoàn tất: Xayaburi do Thái xây và Don Sahong do Malaysia xây, gần biên giời Cambodia. Cơn sốt đập rất hiểm độc và Lào có vẻ sẵn sàng để hy sinh khu văn hóa biểu tượng và kho tàng du lịch chánh yếu cho một đập khác.
Chùa Phật Wat Pa Phai trong cố đô Luang Prabang. Năm trăm năm trước, thị trấn là trung tâm Phật giáo của khu vực. [Ảnh: Basile Morin]
UNESCO có thể làm gì?
Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO ở Paris có ý định bảo đảm việc bảo vệ và bảo trì tốt các khu di sản được công nhận trên khắp thế giới. Nhưng nó phản ứng rất chậm để ngăn cản sự đụng độ giữa thủy điện và di sản ở Mekong.
Khi trung tâm được cảnh báo về sự nguy hiểm, Tiến sĩ Mechtild Rossler, giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, biên thư cho chánh phủ Lào và thúc đẩy việc đánh giá ảnh hưởng di sản (HIA) trong tháng 4 năm 2020.
Để trả lời các câu hỏi của The Diplomat, bà nhấn mạnh rằng HIA “phải được dựa trên một phân tích nguy cơ vững chắc.” Rossler cũng nhắc với chánh phủ Lào rằng đập không phù hợp với tình trạng di sản thế giới nếu dự án nằm trong ranh giới của khu di sản.
Ám ảnh của đập khổng lồ có công suất 1.400 MW sắp bắt đầu xây cất đặt Lào vào chương trình nghị sự nguy cơ của phiên họp thường niên thứ 44th của Ủy ban Di sản Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Tiếc thay, phiên họp trong tháng 7 của Ủy ban bị trì hoãn vì Covid-19, và vẫn chưa rõ nếu nó sẽ được tổ chức.
Mặc dù có những lo ngại sâu xa của Trung tâm Di sản Thế giới và một đợt emails về việc thực hiện HIA (phải được thực hiện nhiều năm trước), Bộ Năng lượng Lào vẫn hoàn tất hầu hết đường dẫn đến vị trí đập.
Ý định của UNESCO và Trung tâm Di sản Thế giới để thúc giục Lào tôn trọng các trách nhiệm pháp lý để bảo vệ khu di sản quý báu được xem là quá nhhu mì, quá ngoại giao, và không đủ để thuyết phục Bộ Chánh trị của Đảng Cộng sản cứu xét ngiêm chỉnh việc đình chỉ dự án đập.
Tuy nhiên, có một lộ đồ cho Trung tâm Di sản Thế giới để tạo thêm áp lực. Một viên chức của UNESCO giải thích: “Nó bắt đầu bằng việc gởi Phái bộ Theo dõi Phản ứng. Nếu vấn đề vẫn kéo dài, nó có thể leo thang để bao gồm khu nầy vào Danh sách Di sản Thế giới gặp Nguy hiểm,” vào 53 khu di sản gặp nguy hiểm hiện có và đáng xấu hổ.
Cảnh trí sông Mekong. [Ảnh: Tom Fawthrop]
Làn sóng chống đối đập trên Mekong?
Động lực của nhóm bảo tồn Chiang Khong, được hỗ trợ bởi một hệ thống NGOs Thái, đã vận động trong 2 thập niên để chống lại việc xây đập điên cuồng khiến cho sông Mekong hùng vĩ phải chật vật để sống còn sinh thái.
Nay, làn sóng dường như đang đổi chiều. Phong trào vừa được tăng cường với sự thành lập của Hội đồng Nhân dân Mekong (Mekong People’s Council) để đại diện cho quyền lợi của các cộng đồng trong 8 tỉnh ven Mekong. Hội đồng mới thành lập nhằm mục đích gia tăng ảnh hưởng của người địa phương và giúp cho xã hội dân sự có tiếng nói trong việc lấy quyết định về các dự án phát triển trong lưu vực Mekong.
Dự án đập mới nhất của Lào, đập Sanakham nằm gần biên giới Thái Lan, đã khiến cho Somkiat Prajamwong, Tổng Thư ký của Văn phòng Quốc gia Thủy lợi Thái Lan, sử dụng Điều 7 của Thỏa ước Mekong để ngừng dự án.
Trong lịch sử 25 năm của MRC, đây là lần đầu tiên Điều 7 được cứu xét như một biện pháp để chống lại việc xuất hiện không ngừng của đập mới ở Lào. Somkiat cũng lưu ý rằng Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết nước nầy đã có nhiều điện dự trữ và không cần mua thêm từ Lào.
Vận động chống lại các ảnh hưởng tai hại và thiệt hại của đập Xayaburi do Thái xây đối với dòng chảy của sông, thủy sản, và nông nghiệp đã chồng chất áp lực lên chánh phủ Thái để không mua điện từ đập Luang Prabang và các dự án khác trong tương lai.
Lãnh tụ địa phương Niwat Rokaew đã cầm đầu việc vận động chống lại việc xây đập Mekong. Ông là đồng sáng lập viên của Hội đồng Nhân dân Mekong vừa thành lập. [Ảnh: Tom Fawthrop]
Thủy điện hay di sản
Nhưng ngay trong trường hợp Bộ Năng lượng Thái quyết định ký một thỏa thuận trong năm 2021, UNESCO đã đạt được một số chiến thằng trong việc ngăn chận các dự án hạ tầng cơ sở rắc rối, và có thể tránh cho chánh phủ Lào đi theo con đường hiện nay.
Trong tháng 9, Rossler có một phiên họp trên Zoom với các phái đoàn UNESCO của Lào, Việt Nam và Thái Lan để bày tỏ lo ngại sâu xa và tìm cách làm rõ các kế hoạch xây đập trong tương lai của các quốc gia nầy.
Nếu chánh phủ Lào không đáp ứng với các đề nghị và cảnh báo của Trung tâm Di sản Thế giới và từ chối việc trì hoãn đập, thì biện pháp cuối cùng của UNESCO là hủy bỏ tình trạng di sản của Luang Prabang. Điều nầy chỉ xảy ra 2 lần trước đây.
Mặc dù mỗi khu Di sản Thế giới do quốc gia sở hữu, việc cai quản dựa trên quy định quốc tế để bảo vệ các kho tàng văn hóa nầy cho tất cả nhân loại, và không theo ý muốn của chánh quyền quốc gia. Các chuyên viên di sản chùn lại trong sợ hãi với viễn ảnh mất Luang Prabang.
Liệu lãnh đạo Lào đã thấu hiểu hoàn toàn hậu quả của việc mất tình trạng Di sản Thế giới quý giá, đặc biệt do việc xem thường quy định bảo tồn quốc tế? Không chỉ là một cái tát mạnh mẽ đối với niềm hãnh diện của quốc gia; nó cũng nhận sự tức giận của những người bảo tồn trên khắp thế giới.
Minja Yang nhìn thấy một sự lựa chọn quả quyết cho Lào và thế giới. “Nếu chúng ta mất Luang Prabang,” bà cảnh báo, “chúng ta sẽ mất một khu rất độc đáo vì nhân loại. Một khi đã bị thiệt hại, nó sẽ không thể đảo ngược. Nó không thể xóa đi làm lại. Đập sẽ trở nên lỗi thời trong một vài thập niên hay ngắn hơn, trong khi hàng thế kỷ của lịch sử Luang Prabang, rất quan trọng cho các thế hệ tương lai của Lào và thế giới, sẽ bị thiệt hai hay mất đi vĩnh viễn.”
Không có nhận xét nào