(Nguyễn Văn Sâm Cựu giáo sư ĐH Văn Khoa Sài Gòn)
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế
kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
(Vũ Hoàng Chương / Phương xa)
1.
Trời trưa nắng gắt, không trung phủ một màu sáng xanh đẹp mắt. Gió biển thổi liên hồi vô bãi vẫn chẳng bớt được khí oi bức của ngày Hè. Hóa buồn cẳng tới nằm ngửa trên cái ghế dài của một nhà hàng nào đó không cần hỏi chủ. Một vài người có trách nhiệm quản lý thản nhiên ngó chẳng nói gì. Có thể lệ ở đây là vậy, có thể họ ngại vấn đề khác biệt ngôn ngữ.
Vẫn lơ đãng ngóng mông lung
ra ngoài biển, đưa mắt lên đầu sóng trắng, Hóa nghĩ đến những ngày vượt biên biển
động xa xưa. Đói khát và mệt lả vì say sóng, đã có lúc chỉ muốn bò ra be lăn
mình xuống nước cho xong đời. Quá khứ đau thương hình như bắt rễ cứng trong tâm
khiến Hóa luôn luôn bị ám ảnh bi thiết khi nhìn sóng biển.
Những thanh niên thiếu nữ vui vẻ lặn hụp nô đùa với nước ngoài kia đáng lẽ là
hình ảnh đẹp Hóa lại nghĩ đến chuyến hải trình vượt chết của mình ngày xưa và
những thân người bất động dật dờ trên nước của những người vượt Địa Trung Hải gần
đây. Hóa lần đó chỉ mong cho tới bến, bến nào cũng được vì lòng nhân đạo của cả
thế giới đang rộng mở, còn những người vượt biển bây giờ tương lai được chấp nhận
vào một nước tạm dung thiệt mờ mịt biết bao!
Họ khác chủng tộc, khác tôn giáo và đã đến tâm trí Hóa bằng những hình ảnh ghê rợn của chuyện chặt đầu, nổ bom chỗ đông người và hành hạ phụ nữ… nhưng nay nhìn thảm cảnh họ lớp lớp lang thang trên đường dài cả ngàn cây số tìm đất mới lập thân sau khi tranh đấu với Thủy thần, Hóa thấy thương họ nhiều, khi so sánh với tình trạng của mình ngày trước. Cũng bao ngày dật dờ trên biển, cũng đói khát, như mình trước khi đến được trại tỵ nạn Tanjung Unggat của xứ Hồi giáo hiền hòa Indonesia. Hóa nhắm mắt lắc đầu để kéo tâm trí về với hiện tại. Quá khứ là quá khứ, không ích lợi gì để quá khứ nhảy vô xâm chiếm hiện tại làm xấu đi cuộc đời ta.
Những người đàn bà Chăm quần áo sắc màu, rực rỡ, đầu bịt khăn mỏng, che hết ót, phủ kín phân nửa tóc phía trước khiến khuôn mặt họ đượm chút gì đó huyền bí, lũ lượt qua lại trước du khách, mỗi người xách một thùng đồ nghề, cắp theo một cái ghế nhỏ cũng màu mè xanh đỏ, trao đổi nho nhỏ với nhau bằng tiếng của một dân tộc từng là đế chế to lớn bây giờ đã không còn quốc gia. Họ chia nhau xề vô cạnh những du khách, như đã được huấn luyện từ trước của một đạo quân, mau lẹ mời mọc nhưng không gây ồn ào hay nì nèo mè nheo. Họ cũng không cười giởn hay chưởi bới gây gổ như Hóa thường chứng kiến ở những người bán hàng rong trên các bãi biển quê hương sinh trưởng của anh. Hóa mỉm cưới với mình. Cũng hay, họ vẫn còn tiếng nói, vẫn còn dân tộc tính trong trang phục, trong cách hành xử. Tốt quá, đáng ca ngợi quá đi chớ!
Một người đàn bà tuổi đâu khoảng chừng mới quá bốn mươi, đặt thùng đồ nghề xuống kế bên anh, đưa tay xoa xoa cái ghế anh đương nằm, nói bằng thứ tiếng Anh ít ỏi, giọng Kampuchia:
‘Năm đô la. Massage một giờ!’
Hóa hiểu chị ta muốn gì. Nghề đấm bóp cho du khách trên bãi biển Sihanoukville do người Chăm dẫn đầu. Hóa tò mò cố tình tìm một người địa phương làm nghề nầy nhưng không thấy. Cũng như nghề nail ở Mỹ, tìm một người thợ nail Mỹ chẳng khác nào mò kim đáy biển.
Chưa thấy hứng khởi trong việc cho một người khác phái đấm bóp mình nơi bãi biển lộ thiên, Hóa lễ phép lắc đầu. Người đàn bà hơi thất vọng, nhưng cũng mỉm cười nhấc thùng đồ nghề lên, bước qua khu bên cạnh. Hóa hơi ngạc nhiên khi thấy mình không không nhận được cái nhìn dè bĩu, khinh thường, sẵn sàng gây chiến như thường thấy nơi những bãi biển thân thương quê hương sanh đẻ của anh.
Thoải mái trong sự tương giao ngắn ngủi đó. Hóa nghĩ rằng mình sẽ trở lại du lịch nước nầy trong tương lai. Họ không thể nói chuyện nhiều với du khách nhưng thân thiện trong một sự chịu đựng lễ phép đáng thương. Những người đàn bà Chăm có, Kampuchia có, đầu đội một cái tràn lớn trên đặt thiệt nhiều những con tôm xú bự xộn, hấp dẫn, đỏ au, rảo qua lại trước mặt du khách như một đoàn diễn viên trong một buổi trình diễn nào đó.
Thấy khách lạ lẫm ngó theo những tràng tôm ngon lành, người hướng dẫn địa phương của đoàn nói với Hóa bằng vẻ tự hào:
“Họ buôn bán nhưng không nói thách và làm giá trên trời đâu, ông có thể mua mà không sợ bị chém chặt. Có điều là nếu mình ra chợ mua về thì có thể ngon hơn vì chắc chắn tôm sẽ tươi hơn”.
“Chúng ta đông người có thể làm vậy, nhưng khách Tây thì chắc họ mua thoải mái?”, một người trong đoàn tò mò hỏi.
“Vâng! Họ ăn hoài, có vẻ thích lắm. Trưa hơn chút nữa họ ra tắm biển nhiều hơn. Ăn trong nhà hàng mắc hơn gấp đôi nên họ thích mua từ mấy người nầy”. Người hướng dẫn đoàn đáp sành sõi.
Người đàn bà mời Hóa phút trước
bây giờ đã có một ông khách Tây đồng ý để đấm bóp. Chị đặt cái ghế xuống đất, sửa
soạn chỗ ngồi bên cạnh, đối diện với khách hàng. Hóa quan sát công việc làm của
chị ta qua gương mặt khắc khổ, đen đúa nhưng tỏ ra chăm chú và có trách nhiệm.
Hóa tưởng tượng đến chuyện một người chạy đua đã quá tuổi, biết rằng mình sẽ về
chót trong cuộc thi nhưng vẫn cầm ngọn cờ đến cùng để chứng tỏ sự quyết tâm cố
gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từ ý tưởng đó Hóa ngộ ra nhờ đâu dân tộc nầy đã có một
thời rạng danh trên hoàn vũ và đã để lại những công trình làm sững sờ mấy dân tộc
đến sau. Giờ đây tuy mất danh hiệu một quốc gia nhưng họ vẫn không mất dân tộc
tính dầu cho phải sống rãi rác trên nhiều nước, ở đâu cũng bị liệt vào dân thiểu
số gần như bị chánh quyền bỏ quên…
2.
Người con gái Chăm trẻ mời Hóa như người đàn bà hôm qua đã mời. Xiêu lòng trước đôi mắt to lay láy của cô ta, Hóa nhận lời. Hai người trao đổi bằng tiếng Anh.
“Xin lỗi, tôi phải kêu cô là gì?”
“Xin ông cứ gọi tôi là Chanta Oungma”.
“Chào cô Chanta, cô làm công việc nầy lâu chưa?”
“Tôi bỏ học và bắt đầu việc nầy
đã ba năm nay từ khi cha tôi bị bịnh tim nặng”.
Người bạn cùng đi trong đoàn nằm ghế bên cạnh nói chỏ sang bằng tiếng Việt:
“Nàng ca bài con cá cố hữu của các kiều nữ. Nhưng anh không có cửa đâu . Đừng bẻ
kèo với bà nhà mà mang họa”. Ngừng một lúc lấy hơi, anh tiếp theo: “Coi chừng
cái khăn trùm mặt đội đầu, đó là thứ bùa mê thuốc lú”.
Người con gái Chăm sửa lại thế ngồi, hình như miệng mỉm cười nhè nhẹ.
Hóa hơi bất nhẫn, ứng khẩu ngâm gián tiếp trả lời người đối thoại:
Sẽ phá hết những thành trì cách biệt,
Ta phiêu lưu,
Trong sóng mắt mỹ nhân.
Mắt cướp hết tinh thần,
Còn hồn với phách, vẫn chịu chìm trong hoan lạc… (NVS)
“Thôi đi ông đừng mơ tưởng mông lung. Họ những người bùa mê tràn một bụng”.
“Đem về Mỹ nếu tôi không bị sanh nhằm thế kỷ…”
Người bạn xong phần đấm bóp đứng
dậy trả tiền, bước đi còn đưa ra nụ cười hóm hỉnh:
“Đừng lãng mạn mà bị bỏ đói nha ông. Đi phượt trên Sapa sờ màn hình lồi còn hơn
màn hình phẳng nầy, chỉ có ngó thôi!”
Người con gái Chăm lại đổi thế ngồi để sang bóp nắn chân kia của Hóa.
Đáng lẽ anh ta nên kềm chế những lời nói đó, không cho bay ra dầu cô gái Chăm kia có hiểu hay không. Nói như vậy là cái tâm còn trọng thị, còn khinh khi mà không dựa trên thực tế. Hóa theo dõi cử chỉ và ánh mắt của cô ta coi xem phản ứng có gì khác vì nghe nói ở tụ điểm du lịch phía Đông người dân để sinh tồn thường học thêm tiếng Việt. Vẫn như thường, hai bàn tay thoăn thoắt chà mạnh bắp chuối của Hóa vốn cứng đơ sau mấy ngày đi bộ nhiều, trèo lên dốc cao ở mấy tụ điểm tham quan. Ôi đôi tay ngọc ngà những nàng cung nữ của Chế Mân, ôi đôi mắt rớt tim người đời của nàng Mỵ Ê đáng kính, ôi dáng nữ thanh tao của những nữ binh Chế Bồng Nga oai dũng! Nàng ngồi đó thản nhiên, chăm chú vô công việc khiến Hóa nghĩ đến một số tiền hơi nhiều hơn bình thường để ‘boa’ cho người làm dịch vụ. Mây trời lãng đãng trên đầu, sóng biển rì rào ru Hóa vô giấc ngủ chập chờn, mộng mị.
Cha tôi là thương binh trong cuộc chiến thời kỳ cách mạng của ông Pol Pot. Cha nói với mẹ là đi theo cách mạng để giải thoát cảnh nghèo cho mình và tạo công bình cho người khác. Nhưng rốt cuộc cha mất một cánh tay mà dân tộc tôi nghèo vẫn nghèo. Không ai có một quyết định nào về trường hợp của cha. Chúng tôi không có tiếng nói ở đâu hết, tuy không bị ăn hiếp rõ ràng nhưng bị bỏ quên từ trên thượng từng chánh trị cho tới lớp dưới cùng của hành chánh địa phương.
Cha bị thương tật nên không hành nghề đánh cá như những người đồng bào tôi sanh sống dọc trên bờ vịnh Thái Lan của đất nước nầy. Cha đi làm rẫy… Lặn lội trong sình lầy, dầm mình trong vùng nước ngập dơ dáy để kiếm thứ gì đó về cho chúng tôi bốn đứa con còn quá nhỏ của cha. Rồi cha bị bịnh lạ: Mũi chảy máu, đau nhức nhè nhẹ nhột nhột, nhưng nghẹt mũi thường xuyên, nhảy mũi tối tăm mặt mày cả tháng chịu không nỗi, tới bịnh viện bác sĩ cho thuốc qua loa. Cuối cùng đau quá cha ở lì trong bịnh viện, lúc nầy người ta mới xét kỷ, lấy được từ sâu trong hóc mũi là một con đỉa dài hơn ngón tay.
Bây giờ cha lại bị tim, đi phải có người dìu đỡ và nói không rõ lời.
Một người tour guide Kampuchia nãy giờ ngóng mỏ nghe, cao hứng xía miệng vô bằng tiếng Việt:
“Ma bắt”.
Cái cười vui dòn tan của cô
gái làm Hóa tỉnh giấc lơ mơ của buổi trưa có gió mát hiu hiu hòa với giọng nói
êm dịu bên tai. Chi tiết về cha cô ta lờ mờ trong trí giữa thực và mộng. Thấy không
còn hứng thú để được phục vụ nữa Hóa dúi cho cô ta tấm giấy hai mươi đô rồi chạy
ùa xuống biển tắm mát.
3.
Đoàn lữ hành lên xe gần hết, xe sắp sửa rời bánh mà nhiều người trong đoàn không vui. Anh chàng ba hoa hôm qua làm mất xấp tiền hai ngàn đô, lúc thì nghi rằng mình làm rớt trên xe khiến cho cả đoàn như thấy mình là tội phạm, lúc thì nói mơ hồ rằng chắc mình mất trong phòng ngủ… Hai người ở chung phòng coi bộ hơi giận, im lặng lầm lì. Anh chàng cũng chẳng vừa gì cứ xác minh rằng trước khi mình về phòng chiều qua kiểm lại tiền vẫn còn…
Bỗng hai mẹ con cô gái người Chăm chạy mau tới trước đầu xe của đoàn, Chanta nói chuyện bằng tiếng Miên với người tour guide rồi nói lớn bằng tiếng Việt đại ý để xác định lại người mất tiền và số tiền.
Chanta nói với tôi bằng thứ tiếng Việt rất sõi, rõ ràng:
‘Nhờ cái tờ giấy quảng cáo tour bọc ngoài gói tiền nên em tới đây. Số tiền nầy bằng tiền hai mẹ con em để dành trong cả năm.’
Tôi nheo mắt tỏ ý khen ngợi cô ta. Chanta nắm tay tôi giật giật, hóm hỉnh:
“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ…”
Tôi mắc cở vì lời nhận xét của người đồng hành hôm qua và hơi bối rối về mấy câu thơ con cóc hứng chí của mình đọc lên khi tưởng nàng không hiểu. Té ra cô ta nghe hết, hiểu hết mà đã làm bộ như không.
Có người con gái trẻ hơn chạy tới, nói gì đó một tràng, Chanta móc tiền đưa, phân bua với tôi: “Tiền gom lại để trả cho bịnh viện, cha tôi trở bịnh mệt hơn”.
Tôi ngó thẳng vô đôi mắt đẹp:
“Mắt đẹp mà lòng cũng đẹp”.
“Người
Chăm chúng tôi mất quốc gia nhưng không để mất lòng tự trọng, càng không thể để
thất bại trong tư cách làm người”.
Từ giả có những bịn rịn đời người chưa dễ được. Xe lăn bánh, trong xe có tiếng xì xào, bàn tán, đánh giá, kẻ mừng hên người chê xui. Có tiếng thở dài cười gượng của người ngồi kế bên tôi!
Biển khổ đời mênh mông vô hạn, biết sống thì cái khổ sẽ ít hơn. Số tiền đó đối với gia đình nàng Chanta thì nhiều, Chanta biết giá trị của mình nên đã biến nó thành nhỏ, quá nhỏ nữa là đằng khác.
“Chúng ta chưa mất quốc gia, nhưng từ
lâu một số đông đã mất lòng tự trọng”.
Uể oải, bần thần… Hóa tự hỏi chẳng biết ở vào trường hợp Chanta mình có được
hành động đẹp như thế không. Và anh hình như không chắc chắn rằng nàng Chanta
có thật hay chỉ là tinh thần của một dân tộc đã mất nước hóa hiện ra cảnh báo
người của một dân tộc trên bước đường suy vi.
Nguyễn Văn Sâm
https://www.tvvn.org
Không có nhận xét nào