Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Nam - Luật Biểu tình: ‘đề bài’ phải giải của Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026

    Liệu các đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ trả được món nợ quyền dân: Luật Biểu tình?

    Không ai có thể chối cãi rằng, quyền biểu tình là quyền hiến định quan trọng của nhân dân và Hiến pháp luôn luôn có hiệu lực trực tiếp. Việc chưa có Luật Biểu tình, không có nghĩa là người dân không được phép biểu tình, mà theo tinh thần của nhà nước pháp quyền, việc chưa có Luật Biểu tình phải được hiểu là quyền biểu tình của người dân chưa bị hạn chế bởi bất cứ quy định pháp luật nào.

    Như vậy, tư duy lo ngại có Luật Biểu tình sẽ đồng nghĩa với việc có một kênh hợp pháp cho nhân dân chống phá Nhà nước, là một tư duy ‘cũ kỹ’, hoàn toàn sai lầm và cần loại bỏ.

    Cần phải hiểu, có Luật Biểu tình nghĩa là có một kênh quan trọng để nhân dân thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ pháp luật, và cũng là một kênh quan trọng để Nhà nước thực hiện việc quản lý của mình.

    Thứ nhất, có luật về biểu tình, nghĩa là Nhà nước có thêm một công cụ để ngăn chặn, phòng chống được việc lợi dụng tụ tập đông người để gây mất ổn định trật tự, an ninh xã hội, kích động, lôi kéo chống phá chính quyền.

    Thứ hai, có luật về biểu tình có nghĩa là người dân có thêm một công cụ để thực hiện quyền của mình.

    Thứ ba, có luật về biểu tình có nghĩa là nhân dân và Nhà nước, đã trở thành những đối tác tin cậy để cùng nhau xây dựng nhà nước pháp quyền.

    Thứ tư, luật về biểu tình chính là một biểu hiện của cung cách ứng xử văn minh và sòng phẳng giữa cả hai bên Nhà nước và dân chúng. Ngoài ra, việc ủng hộ quyền biểu tình của người dân cũng thể hiện sự tự tin, bản lĩnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới.

    Tưởng cũng nên nhắc lại để tránh chuyện có ai đó độc mồm xấu miệng sẽ xỉa xói rằng Đảng sợ biểu tình, vì Đảng cũng từng sử dụng quyền dân chủ này để phục vụ mục đích cao cả là thống nhất đất nước. Giờ Đảng sợ chính thế lực ngay trong nội bộ của mình lợi dụng quyền biểu tình để ‘lật đổ’ chiếc ghế quyền lực nào đó…

    Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, biểu tình là một công cụ hữu hiệu mà Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó còn mang tên Đảng Cộng sản Đông Dương) sử dụng để vận động đấu tranh chống chính quyền thực dân, phong kiến.

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cuộc biểu tình tại miền Nam Việt Nam được giơ cao biểu ngữ là chống chế độ bù nhìn của Mỹ, chống chiến tranh của nhiều tầng lớp nhân dân đã nổ ra, góp phần tạo làn sóng truyền thông mạnh mẽ đến độ dấy lên phong trào phản chiến lan rộng, thay đổi nhận thức của xã hội và của quốc tế về cuộc chiến tranh liên quan đến người Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

    Sử sách của chính quyền miền Bắc xã hội chủ nghĩa nói rằng những cuộc biểu tình ở thời điểm đó, chính là những xúc tác quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

    Như vậy, biểu tình không phải là khái niệm xa lạ, mới mẻ ở miền Bắc Việt Nam mà với đặc thù lịch sử ở Việt Nam, biểu tình phải được hiểu là ủng hộ và yêu nước.

    Tuy nhiên sau tháng 4-1975, khi chiến tranh hai miền Bắc – Nam chấm dứt, người ta lại sợ biểu tình, mà thay vào đó bằng tên gọi ‘mít – tinh’ với hình thức cũng xuống đường, nhưng luôn là ‘ủng hộ – ủng hộ – và ủng hộ’.

    Thời hậu chiến, không rõ vì sao lại xuất hiện sự yếm thế với tâm lý e ngại bất ổn, biểu tình luôn được hiểu là tụ tập đông người, là gây rối trật tự công cộng, là chống đối.

    Thế nhưng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, thì việc không có luật lại vẫn không được hiểu theo cách hiểu chung của thế giới là quyền đó không bị giới hạn, mà lại ‘kiên định’ cách hiểu rằng người dân chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình trên thực tế.

    Tình trạng này đã dẫn đến là những người không hiểu biết pháp luật thì nghi ngại, người hiểu biết pháp luật thì dù hiểu là mình có quyền biểu tình theo Hiến pháp, nhưng lại e dè khi nghĩ rằng mình hiểu đúng, nhưng chắc gì chính quyền đã hiểu như mình (!?).

    Tâm lý này tạo ra một vòng luẩn quẩn trong cách thực hiện quyền biểu tình của người dân. Chính quyền thì trì hoãn, còn nhân dân thì e dè và khi bức xúc, không có cách nào khác là biểu tình tự phát.

    Dĩ nhiên trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13 mà bàn chuyện luật về biểu tình, dễ bị chính trị hóa một quyền dân sự.

    Tạm hy vọng rằng ở nhiệm kỳ mới 2021 – 2026 của Quốc hội, các ông bà là đại biểu của người dân sẽ cùng chung tay giúp trả món nợ quyền dân này, với không chỉ là luật về biểu tình, mà còn có luật về quyền lập hội, luật về tư nhân được tự do làm báo…

    https://vietnamthoibao.org

    Không có nhận xét nào