Cuộc chạy đua chế tạo thuốc chủng ngừa Covid-19 sắp chấm dứt vì đã có ba con ngựa về đến đích, đang chờ ngày “nhận giải” (đưa ra thị trường). Ba công ty sản xuất là Pfizer – BioNTech, Moderna – NIH, và Astra Zeneca – Oxford. Công ty nào cũng được chính phủ nhiều quốc gia tài trợ để được cung cấp sản phẩm ngay khi được chuẩn thuận bởi cơ quan y tế địa phương.
Nhìn chung, cả ba sản phẩm chủng ngừa đều là kết quả của những cuộc hợp tác về khoa học và kỹ thuật. BioNTech tìm ra cách chế tạo nhưng là một công ty nhỏ, khó lòng phát triển thuốc chủng ngừa qua việc thực hiện một cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô cả mấy chục ngàn người cũng như không thể sản xuất nổi cả triệu liều thuốc chủng ngừa. BioNTech cần hợp tác với một công ty lớn như Pfizer tiếp sức (tiền bạc cũng như nhân lực, nhà máy sản xuất…) để có thể chạy đua. Moderna cũng là một công ty nhỏ, cần hệ thống nghiên cứu và phát triển của chính phủ Hoa Kỳ (qua the National Institute of Allergy and Infectious Diseases) để chạy đua. Astra Zeneca là một công ty dược phẩm lớn nhất nhì thế giới thì hợp tác các chuyên viên từ đại học Oxford, nơi tìm ra thuốc chủng ngừa.
Tính đến hôm nay, ngày 3 tháng Mười Hai, năm 2020, Moderna và Pfizer đã nộp đơn xin FDA chứng thực mức an toàn và hiệu quả của sản phẩm do công ty họ chế tạo, cả hai công ty này đều công bố rằng mức hiệu quả của thuốc chủng ngừa khoảng 90 -95% trong khi sản phẩm chủng ngừa của Astra Zeneca đã được chứng thực bởi chính phủ Anh và bắt đầu được sử dụng tại Anh vào tuần lễ này. Theo bản công bố của Astra Zeneca, thuốc chủng ngừa hiệu quả khoảng 70% nhưng mức hiệu quả có thể sẽ lên đến 100% sau khi tổng kết các chi tiết sau cùng; chưa có tin tức gì về việc Astra Zeneca xin FDA chứng thực tại Hoa Kỳ.
Ngày 10 tháng Mười Hai sẽ có cuộc họp báo của FDA với hội đồng giám định Y Khoa công bố các chi tiết liên quan đến hai sản phẩm chủng ngừa của Pfizer và Moderna, cũng như quyết định của họ.
Ở giai đoạn này, khi công khai họp báo với hội đồng giám định Y Khoa, thông thường là FDA sẽ chứng thực sản phẩm ấy.
FDA sẽ chứng thực các sản phẩm liên quan đến chủng ngừa hoặc chữa trị Covid-19 dưới điều luật “sử dụng trong tình trạng khẩn cấp” (emergency temporary approval) để cư dân có thuốc men để dùng. Qua điều kiện chứng thực cấp bách kể trên, FDA không đòi hỏi nhiều dữ kiện như các tiêu chuẩn thông thường.
Một số chuyên viên y tế lo âu về việc chứng thực [cấp bách] các loại thuốc chủng ngừa được sử dụng bởi cả trăm triệu người trong khi chưa thu góp đầy đủ dữ kiện lâu dài (long-term follow up) nhưng với số người nhiễm bệnh lên đến cả triệu người và số người tử vong mỗi ngày một nhiều nên mối lo âu này bị bỏ qua nhanh chóng.
Cơ quan CDC dự báo rằng Pfizer và Moderna sẽ cung cấp khoảng 40 triệu liều thuốc chủng ngừa, đủ sử dụng cho 20 triệu người Hoa Kỳ tính đến cuối năm nay. Mỗi thuốc chủng ngừa đều được dùng hai lần, sản phẩm của Pfizer dùng cách nhau 3 tuần trong khi sản phẩm của Moderna dùng cách nhau 4 tuần.
Việc phân phối, dự trữ thuốc chủng ngừa của cả hai công ty kể trên là một mối quan tâm khác. Sản phẩm của Moderna cần được dự trữ ở -20 độ bách phân và có thể giữ trong tủ lạnh khoảng 30 ngày trong khi sản phẩm của Pfizer cần tủ đông lạnh -70 độ bách phân và chỉ giữ được trong tủ lạnh khoảng 5 ngày.
Thuốc chủng ngừa hoạt động như thế nào?
Thuốc chủng ngừa của AstraZeneca-Oxford dùng tế bào siêu vi khuẩn không độc hại để chuyển di tính tạo chất đạm [của gai trên siêu vi khuẩn, spike protein on Covid-10 surface] Covid-19. Các tế bào này tạo ra các phó bản của spike protein trong con người. Cơ thể tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa Covid-19.
Thuốc chủng ngừa của Pfizer và Moderna là loại chủng ngừa mới, sử dụng kỹ thuật [chế tạo] messenger RNA. (Khác với các kỹ thuật chế tạo thuốc chủng ngừa truyền thống như dùng siêu vi khuẩn đã chết, siêu vi khuẩn [đã bị] vô hiệu hóa, hoặc chất đạm chế tạo từ phòng thí nghiệm laboratory-generated protein) như sản phẩm của Astra Zeneca.) Cả hai sản phẩm này đều dùng một mảnh (snipet) của chuỗi di tính của Covid-19 để sai khiến tế bào chế tạo spike protein [của Covid-19]; cơ thể nhận diện spike protein và tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa siêu vi khuẩn này.
Cũng cần nhắc lại rằng spike protein [của Covid-19] là yếu tố cần thiết để siêu vi khuẩn này có thể xâm nhập, tăng trưởng và gây bệnh trong cơ thể con người. Huỷ hoại được spike protein là ta có thể phòng ngừa các chứng bệnh gây ra bởi Covid-19.
Trên lý thuyết, Hoa Kỳ hứa hẹn rằng chính phủ sẽ mua thuốc chủng ngừa và cư dân không phải trả tiền để chủng ngừa. Thực ra, cư dân Hoa Kỳ đã đóng góp 2.5 tỷ mỹ kim vào việc phát triển sản phẩm này, tính ra, ta tiêu xài khoảng 24.80 mỹ kim cho mỗi liều thuốc. Theo phát ngôn viên của Moderna, công ty sẽ bán thuốc chủng ngừa cho các quốc gia khác với giá 32 – 37 mỹ kim/liều.
Pfizer không nhận tài trợ của Huê Kỳ để phát triển hoặc chế tạo thuốc chủng ngừa nhưng chính phủ đã hứa đóng góp khoảng 1.95 tỷ mỹ kim để mua 100 triệu liều thuốc, tính ra, cỡ 19.50 mỹ kim / liều.
Như thế, thuốc chủng ngừa được chế tạo với tiền thuế của cư dân, trả tiền trước hay sau chi cũng là mua, không phải là “quà tặng” hay “free”!
Theo CDC, được chủng ngừa đầu tiên là những người trong nhóm “first responder” như bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cứu thương, kế đến là “essential worker” như cảnh sát, thày cô giáo, nhân công tại hãng xưởng thực phẩm và những người dễ nhiễm bệnh như các cụ cao niên sinh sống chung trong nhà dưỡng lão. Sau đó là những người cao tuổi, 65 +, hoặc những người có bệnh mãn tính, dễ nhiễm bệnh, và các nhóm khác. Việc chủng ngừa tại Hoa Kỳ có thể hoàn tất vào mùa xuân năm 2021.
Nếu đã bị nhiễm trùng Covid-19, có cần chủng ngừa nữa không? Đây là câu hỏi chưa được trả lời chính xác vì khoa học vẫn đang tìm hiểu mức độ miễn nhiễm sau khi bị bệnh hoặc sau khi chủng ngừa.
Ta có sự lựa chọn nào không nếu nhiều loại thuốc chủng ngừa được chứng thực? Hiện nay, số “cung” ít hơn lượng “cầu” rất xa nên việc lựa chọn sẽ không xảy ra. Khi các loại thuốc chủng ngừa khác ra đời và lượng thuốc chủng ngừa tràn ngập thị trường, lúc ấy (năm 2022?) ta có thể lựa chọn.
Dựa trên dữ kiện thu góp từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng, FDA có thể chứng thực và cho phép sử dụng loại thuốc chủng ngừa ấy theo một số tiêu chuẩn định sẵn như tuổi tác, có bệnh mãn tính hay không… Tạm hiểu là FDA sẽ giới hạn việc sử dụng dựa trên tiêu chuẩn thử nghiệm. Và sự lựa chọn thuôc chủng ngừa do đó cũng theo các tiêu chuẩn này.
Thuốc chủng ngừa được sử dụng theo ý muốn, những người “chống đối” (antivax) có thể chọn việc không chủng ngừa và chủ hãng xưởng không thể bắt ép nhân viên ngoài việc “khuyến khích”.
Dù có dùng thuốc chủng ngừa hay không, việc giãn cách và dùng mặt nạ cũng vẫn là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, nhất là chứng bệnh do nhiễm trùng Covid-19
https://www.tvvn.org/thuoc-chung-ngua-covid-19-cap-nhat-lltran/
Không có nhận xét nào