Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 23 tháng 12 năm 2020

    Covid-19 : TT Mỹ Trump bác dự luật hỗ trợ tài chính 900 tỷ đô la

    Covid-19: Tổng thống Donald Trump bác bỏ kế hoạch hỗ trợ 900 tỉ đô la được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ thông qua ngày 21/12/2020. AFP - MANDEL NGAN

    Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 22/12/2020 bác dự luật về kế hoạch hỗ trợ trị giá 900 tỉ đô la mà Quốc Hội lưỡng viện đã thông qua ngày 21/12. Nguyên thủ Mỹ gọi gói hỗ trợ Covid vừa được thông qua là “một điều xấu hổ” và ông đòi tăng tiền hỗ trợ cho người dân.

    Từ Houston, thông tín viên RFI Thomas Harms cho biết :

    “Đó là một điều bất ngờ cho Giáng Sinh mà người Mỹ không mong đợi … Kế hoạch hỗ trợ mới đã được cả Hạ Viện và Thượng Viện thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo. Chỉ có 7 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống. Kế hoạch hỗ trợ này sẽ cho phép rất nhiều hộ gia đình nhận tấm séc trị giá 600 đô la ngay từ tuần tới, như bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã hứa hôm thứ Hai (21/12). Thế nhưng tấm séc này sẽ không đến tay họ.

    Tổng thống Donald Trump đề nghị sửa đổi dự luật, không tính gộp vào đó những khoản chi cho ngân sách chính phủ mà ông liệt kê ra và cho là vô ích. Donald Trump muốn những người được hưởng trợ cấp nhận được 2.000 đô la chứ không phải 600 đô la. Theo đạo luật mà tổng thống không chấp thuận, Mỹ dự chi 900 tỷ đô la để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn và 1.400 tỷ đô la cho hoạt động của chính quyền.

    Việc đạo luật tài chính này không được thông qua có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì trong dự luật, kế hoạch hỗ trợ kết hợp với ngân sách của chính phủ, nên nếu không có chữ ký phê chuẩn của tổng thống, chính quyền Hoa Kỳ có nguy cơ phải đóng cửa vào thứ Hai 28/12.”

    Theo AFP, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đáp trả trên Twitter là ngay trong tuần tới phe Dân Chủ sẵn sàng nhất trí tuyệt đối về khoản tiền hỗ trợ 2000 đô la/người như tổng thống Donald Trump mong muốn. Còn thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Lindsey Graham, cũng trên Twitter, nhận định cho dù chưa hoàn hảo nhưng kế hoạch cứu trợ khẩn cấp lần này phải được triển khai càng sớm càng tốt.

    Trong khi đó, tổng thống đắc cử Joe Biden hôm qua đánh giá gói cứu trợ 900 tỷ đô la mà lưỡng viện thông qua là “bước đầu tiên” nhưng chưa đủ, vì thế sang năm 2021 ông sẽ đề nghị Quốc Hội thông qua một kế hoạch mới để hỗ trợ kinh tế.

    Ủy ban Tư pháp Georgia bỏ phiếu về Báo cáo Gian lận Bầu cử: Đủ bằng chứng hủy ‘chiến thắng’ của Biden

    Các đảng viên Cộng hòa tiểu bang Georgia trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện tối hôm thứ Hai (21/12 theo giờ Mỹ) đã bỏ phiếu về một báo cáo của thượng viện về các hành vi lạm dụng, gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử. Ủy ban Georgia xác nhận đã có đủ bằng chứng để hủy xác nhận chiến thắng cho Joe Biden tại tiểu bang này.

    Steve Bannon – cựu trưởng chiến lược gia Nhà Trắng – trên chương trình The War Room hôm thứ Ba đã thảo luận về bước tiến lớn này. Ông Steve Bannon cho biết:

    “Đêm qua tại Georgia, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã bỏ phiếu về một báo cáo. Báo cáo này cho thấy có quá nhiều bất thường về bầu cử, và quá nhiều bằng chứng đến mức họ đã yêu cầu quốc hội tiểu bang Georgia nên ngay lập tức lên lịch cho một phiên họp đặc biệt. Họ nên thảo luận về điều này. Khuyến nghị của Ủy ban là có đủ bằng chứng để hủy xác nhận [chiến thắng cho Joe Biden]!

    Cấm nhập khẩu than Úc khiến nhiều thành phố Trung Quốc bị cắt điện luân phiên

    Lệnh cấm nhập khẩu than Úc của Bắc Kinh đang gây tác dụng ngược, bởi hàng chục thành phố ở Trung Quốc buộc cư dân và văn phòng công sở phải chịu cảnh mất điện luân phiên.

    Theo Dailymail, tình hình tồi tệ đến mức đèn đường công cộng bị tắt ở thành phố Nghĩa Ô, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc do các nhà máy điện hoạt động không đủ công suất do thiếu than.

    Tại thành phố Ôn Châu, chính quyền địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp không được sưởi ấm văn phòng của họ trừ khi nhiệt độ gần đóng băng.

    Ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, tràn ngập thông tin trên mạng xã hội Weibo về việc nhiều người lao động ở Trường Sa phải leo thang bộ hàng chục tầng sau khi thang máy ở đây ngừng hoạt động vì bị cắt điện.

    “Tôi chưa bao giờ khốn khổ đến thế để đến văn phòng”, một người lao động ở Trường Sa nói với tờ Financial Times. Người này đã bị mắc kẹt trong thang máy gần 40 phút vào tuần trước vì mất điện.

    Băng Greenland mất dần khối lượng qua từng năm

    Theo phân tích dữ liệu vệ tinh của các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio, lượng tuyết rơi hàng năm không còn có thể bù đắp cho lượng băng tan chảy vào đại dương từ các sông băng của Greenland. Họ cho rằng lượng băng mất đi lớn đến mức nó đã kích hoạt một vòng tự lặp lại không thể đảo ngược. Đây là tin xấu cho các thành phố ven biển; việc mất đi toàn bộ mảng băng ở đây sẽ làm mực nước biển dâng cao hơn 7 mét.

    Băng của Greenland thường giúp giữ một sự cân bằng tương đối. Mỗi năm lớp băng này mất một lượng băng vào mùa hè – cả do băng và tuyết tan trên bề mặt cũng như các khối băng trôi ra biển – tương đương với lượng tuyết mới vào mùa đông. Nhưng sau năm 2000, tảng băng bắt đầu mất dần khối lượng. Những thay đổi trong khu vực phản ánh quá trình và tác động của biến đổi khí hậu; suy giảm băng Greenland là điềm báo trước của những điều sắp đến.

    Vấn nạn tạp chí học thuật giả mạo

    Hầu hết các học giả đang cố gắng tìm ra những khám phá quan trọng. Trong khi đó, một số tác giả lại tìm cách ngụy tạo những bản lý lịch khoa học còn mỏng của mình bằng cách xuất bản các nghiên cứu thiếu sáng tạo, lặp lại, hoặc giả mạo. Điều này chủ yếu xuất hiện trong các tạp chí “săn mồi”, sử dụng mô hình “truy cập mở” — tính phí cho tác giả, thay vì cho độc giả — nhằm xuất bản bất cứ thứ gì để kiếm tiền.

    Cabells, một công ty chuyên lưu giữ danh sách đen các tạp chí như vậy bằng tiếng Anh, ước tính có khoảng 1.000 tạp chí dạng này tồn tại hồi năm 2010. Ngày nay có ít nhất đến 13.000. Cabells sử dụng các tiêu chí như thiếu các số xuất bản trước để phát hiện gian lận. Kế đó là nhiều lỗi chính tả hoặc cho phép xuất bản nhanh. Theo Bo-Christer Björk thuộc Trường Kinh tế Hanken của Helsinki, tạp chí săn mồi trung bình xuất bản ít hơn một nửa số bài so với tạp chí uy tín. Và 60% bài báo trong các tạp chí như vậy không được trích dẫn trong tương lai, so với 10% của các bài trên những tạp chí đáng tin cậy. Song nó đồng nghĩa một con số đáng ngờ 250.000 bài vẫn được trích dẫn mỗi năm.

    Nhìn lại tác động lớn của Dự án Bản đồ Gene Người


    Vào ngày 26 tháng 6 năm 2000, Dự án Bản đồ Gene Người và đối tác tư nhân của nó, một công ty có tên Celera Genomics, đã đồng thời xuất bản một “bản thảo chưa hoàn thiện” về bộ gene. Thông báo này chỉ là một sự khởi đầu. Ngành nghiên cứu gene giờ đây đã ăn sâu trong ngành sinh học đến mức khó có thể nhớ lại mọi thứ trước đây trông như thế nào. Những trình tự đầu tiên trong gene người vốn cần hàng tỷ đô la mới có được. Ngày nay, với sự ra đời của công nghệ mới, một chuỗi đầy đủ có giá chỉ khoảng 200 đô la, và các phiên bản ít chi tiết còn rẻ hơn nữa.

    Ví dụ, các nhà nghiên cứu cần kiểm tra một giả thuyết có thể đến các ngân hàng sinh học chứa thông tin chi tiết của hàng chục hoặc hàng trăm nghìn người — hồ sơ y tế, giáo dục, việc làm và quan trọng là dữ liệu về bộ gene của họ. Các công ty tư nhân cũng sẽ trình tự hóa các bộ gene theo các tiêu chuẩn khác nhau, với mức giá phù hợp. Có thể đã có hơn 1 triệu bộ gene người được giải mã.

    Cân nặng của các chính trị gia có liên quan đến mức độ tham nhũng

    Tại thị trấn High Wycombe miền nam nước Anh, hàng năm nghị sĩ, thị trưởng và các ủy viên hội đồng được cân nặng công khai, để ngăn họ “tăng cân làm thiệt hại cho người đóng thuế”. Truyền thống hàng thế kỷ này phần lớn chỉ là trò đùa, nhưng người dân thị trấn có thể đã dựa vào điều gì đó. Một nghiên cứu gần đây về 15 quốc gia hậu Xô Viết đã sử dụng một thuật toán để phân tích ảnh của gần 300 bộ trưởng nội các và ước tính chỉ số khối cơ thể của họ, một thước đo mức độ béo phì.

    Tác giả nhận thấy rằng chỉ số BMI trung bình của nội các một quốc gia có mối tương quan cao với mức độ tham nhũng của quốc gia đó, dựa trên các chỉ số của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Các nước Baltic và Gruzia là những nước ít tham nhũng nhất và cũng tự hào về nội các thon gọn của mình. Turkmenistan và Uzbekistan, nằm trong số những nước tham nhũng nhất, có các chính trị gia nặng cân nhất. Các chính trị gia béo phì không kém trung thực hơn những người gầy. Nhưng sẽ tốt cho họ nếu giảm cân: các nghiên cứu cho thấy cử tri ít có khả năng bầu cho các ứng viên… đẫy đà.

    Các nhà nghiên cứu nam có xu hướng tự đề cao hơn nữ

    Một nghiên cứu gần đây trên BMJ, một tạp chí nghiên cứu y tế, cho thấy nam giới có nhiều khả năng tự đề cao bản thân hơn phụ nữ. Bằng cách kiểm tra ngôn ngữ của tiêu đề và phần tóm tắt của hơn 100.000 bài nghiên cứu lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã tách chúng làm hai nhóm: nhóm có cả tác giả chính và tác giả phụ là nữ, và nhóm mà trong đó một hoặc cả hai là nam giới. (Tác giả chính thường là một nhà nghiên cứu trẻ tiến hành công việc, trong khi tác giả phụ thường là một học giả lớn tuổi có nhiệm vụ hướng dẫn)

    Họ nhận thấy các bài báo có tác giả nam cả chính và phụ có xu hướng mô tả tác phẩm của họ tích cực hơn. “Mới” là một thuật ngữ tích cực phổ biến nhất, và những nghiên cứu có tác giả nam sử dụng từ này nhiều hơn 59,2% so với các bài của phụ nữ. Thuật ngữ “hứa hẹn” thậm chí còn tương phản hơn. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tự quảng cáo có thể giúp ích cho sự nghiệp, và dẫn đến số lượng trích dẫn tương lai nhiều hơn.

    Ấn Độ yêu cầu COC không gây tổn hại quyền lợi các nước ngoài Biển Đông

    Áp lực của Bắc Kinh với khối ASEAN trong đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu của New Delhi. Hôm qua, 21/12/2020, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với đồng nhiệm Việt Nam, thủ tướng Ấn Độ đã kêu gọi đàm phán COC phải hướng đến bảo đảm công bằng lợi ích của tất cả các bên.

    Báo chí Ấn Độ dẫn lời của thứ trưởng bộ Ngoại Giao Ấn Độ, bà Riva Ganguly Das, cho biết: ‘‘Thủ tướng (Ấn Độ) nhấn mạnh là Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông không được gây tổn hại đến quyền lợi của các quốc gia khác trong khu vực”. Theo quan chức ngoại giao Ấn Độ, lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam khẳng định một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, tự do, rộng mở và không loại trừ ai, dựa trên luật pháp là có lợi cho tất cả.

    Lãnh đạo Ấn – Việt cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt là Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Lập trường của hai bên được công bố trong “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân", ra mắt sau thượng đỉnh, văn kiện được coi là có ý nghĩa định hướng cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong những năm tới.

    Tuyên bố Việt - Ấn nhấn mạnh đến việc “không quân sự hóa” Biển Đông, cũng như tầm quan trọng của việc “kiềm chế” tránh để căng thẳng leo thang, khiến tình hình thêm phức tạp. Riêng về Bộ Quy Tắc COC, quan điểm của lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam là thống nhất. Hai bên cùng kêu gọi đàm phán COC cần hướng đến một bộ tắc “có thực chất và hiệu quả”, cụ thể là COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước UNCLOS, không xâm hại đến quyền lợi của các quốc gia không tham gia đàm phán.

    Tỷ phú ủng hộ dân chủ HK Jimmy Lai được tại ngoại

    Tòa Thượng thẩm Hong Kong đã cho phép ông trùm truyền thông thiên dân chủ Jimmy Lai được tại ngoại hầu tra.

    Ông là nhân vật nổi tiếng nhất bị cáo buộc theo Luật An ninh mới gây tranh cãi.

    Ông Lai, 73 tuổi, bị bắt giữ hồi đầu tháng, nhưng nay sẽ được chuyển sang chế độ quản chế tại gia. Ông bị yêu cầu phải nộp 1,3 triệu đô la tiền thế chân.

    Nhà sáng lập tờ báo Apple Daily là người mạnh mẽ chỉ trích giới chức Trung Quốc.

    Ông bị cáo buộc tội gian lận và âm mưu cấu kết với các thế lực nước ngoài, và có thể sẽ phải chịu án tù nhiều năm nếu bị kết tội.

    Bắc Kinh nói rằng Luật An ninh mới sẽ đem lại sự ổn định cho Hong Kong sau một năm bất ổn, nhưng những người chỉ trích nói luật này là nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng.

    Thẩm phán Alex Lee đưa ra một loạt các điều kiện khác kèm theo việc cho phép ông Lai tại ngoại hầu tra, trong đó có việc ông phải ở nhà, trao nộp mọi giấy tờ đi lại và không được tổ chức bất kỳ cuộc họp nào với các các viên chức nước ngoài hoặc với các tổ chức nước ngoài bị coi là thù nghịch với Trung Quốc.

    Ông Lai cũng bị cấm đăng tải lên mạng xã hội, không được ra các tuyên bố, và không được phát biểu với báo giới.

    Hàn Quốc chặn 19 tiêm kích Trung Quốc, Nga xâm nhập không phận

    Hàn Quốc cho biết họ đã nhanh chóng huy động máy bay chiến đấu để xua đuổi 19 máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không nước này hôm 22/12.

    Reuters dẫn lời Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, 4 tiêm kích Trung Quốc đã tiến vào Vùng nhận diện phòng không Hàn Quốc (KADIZ) theo sau là 15 máy bay Nga.

    Quân đội Hàn Quốc đã điều động các máy bay chiến đấu để tiến hành các biện pháp tác chiến.

    Quân đội Hàn Quốc cho biết, phía quân đội Trung Quốc đã thông báo cho Hàn Quốc rằng các máy bay của họ đang thực hiện một cuộc huấn luyện thông lệ trước khi máy bay Trung Quốc xâm nhập KADIZ.

    “Vụ việc này dường như là một cuộc tập trận quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga nhưng nó cần được phân tích thêm”, JCS cho biết trong một tuyên bố.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào